Chuyển động ICT

PTIT tuyển sinh chương trình kỹ thuật dữ liệu năm học 2023

Hoàng Linh 26/06/2023 17:36

Đây là thông tin vừa được công bố ngay sát thời điểm các thí sinh thi tốt nghiệp THPT và chuẩn bị đăng ký nguyện vọng trên hệ thống thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

ptit-du-lieu.png

Theo đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) sẽ tuyển sinh 80 chỉ tiêu Đại học (ĐH) chính quy cho chương trình Kỹ thuật Dữ liệu thuộc ngành Mạng Máy tính và Truyền thông dữ liệu trong mùa tuyển sinh năm 2023.

Trong những năm gần đây, những đột phá về công nghệ đã dần thay đổi nguồn cung cấp nhân lực trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Chính vì sự phát triển chóng mất của công nghệ mà số lượng người dùng tăng lên với tốc độ lớn, kéo theo sự bùng nổ dữ liệu các công ty đang tạo ra mỗi ngày. Từ đó, sự phát triển của lĩnh vực khoa học liên quan như dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Theo báo cáo TechJob 2020 của Dice, tất cả các vị trí nghề nghiệp, số lượng tin đăng tuyển kỹ sư dữ liệu từ thị trường tăng mạnh nhất qua từng năm, trung bình lên đến 50% và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Với định hướng là cơ sở giáo dục ĐH năng động và tiên phong trong mở các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, PTIT đã xây dựng chương trình đào tạo kỹ thuật dữ liệu trình độ ĐH thuộc ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu và sẽ tuyển sinh ngay trong năm 2023 với mục tiêu đáp sứng sự phát triển công nghệ ICT, nhu cầu của doanh nghiệp và hướng tới tính liên ngành và mở rộng khả năng đáp ứng yêu cầu công việc trong các lĩnh vực khác nhau.

Kỹ sư Kỹ thuật Dữ liệu có thể làm việc theo 5 nhóm công việc khác nhau bao gồm: (1) bộ phận quản lý, vận hành trung tâm dữ liệu; (2) bộ phận công nghệ thông tin, quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng dữ liệu; (3) bộ phận phân tích dữ liệu; (4) bộ phận phát triển sản phẩm về nền tảng dữ liệu; (5) đào tạo, nghiên cứu trong dữ liệu, viễn thông, CNTT.

Theo TS. Lê Hải Châu, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Dữ liệu - Khoa Viễn thông 1, PTIT, trên thực tế, lĩnh vực khoa học dữ liệu không phải là một ngành đơn nhất mà được hiểu là một lĩnh vực bao trùm, tổng hòa của nhiều ngành thành phần, trong đó nổi lên có 3 ngành mới bao gồm: khoa học dữ liệu (data science), kỹ thuật dữ liệu (data engineer) và phân tích dữ liệu (data analysis). Đây là “bộ ba” hứa hẹn sẽ “bùng nổ” về nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới.

TS. Lê Hải Châu cũng dự báo, nếu mức lương trung bình của kỹ sư dữ liệu tại nước ngoài vào khoảng 70.000 - 132.000 USD/năm thì mức lượng trung bình của kỹ sư dữ liệu tại Việt Nam có thể đạt tới 400 triệu đồng/năm.

Hợp tác với Nhật Bản đào tạo chương trình kỹ sư điều khiển và tự động hoá

Năm 2023, PTIT cũng chính thức tuyển sinh ngành ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá theo định hướng robot và AI tại cơ sở đào tạo phía Bắc. Ngành được đào tạo theo định hướng robot và AI, sẽ tập trung vào trang bị các kiến thức cơ - điện tử, thiết kế, lập trình robot, các lý thuyết điều khiển hiện đại, các giải pháp ứng dụng học sâu, AI giúp robot và các thiết bị điều khiển thông minh hơn.

Để xây dựng chương trình đào tạo này, PTIT đã có sự hợp tác với một số trường ĐH tại Nhật Bản để mang lại những điều khác biệt cho sinh viên, trong đó có ĐH Guma, ĐH hàng đầu về lý thuyết điều khiển và thiết kế, chế tạo robot tại Nhật Bản. Với chương trình hợp tác này, các sinh viên theo học ngành không chỉ có cơ hội dành được 20 suất học bổng toàn phần trao đổi sinh viên tại Nhật Bản mà còn được thực tập tại các công ty lớn, công ty nước ngoài tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, PTIT cũng đã và đang phối hợp với các ĐH tại Nhật Bản triển khai xây dựng các chương trình liên kết đào tạo ngành theo các hình thức (3 + 1,5), (2,5 + 2), (2 + 2,5). Sinh viên vừa học tại Việt Nam vừa có thời gian từ 1,5 năm – 2,5 năm tại Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể chuyển tiếp lên học Thạc sĩ, Tiến sĩ nhiều chuyên ngành gần.

GS. Kou Yamada, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Công nghệ kiêm Giám đốc chương trình đào tạo lĩnh vực lý thuyết điều khiển, tự động hóa, IoT, AI, ĐH Gunma chia sẻ: “Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là lĩnh vực cốt lõi và có vai trò rất quan trọng trong công cuộc phát triển và nghiên cứu công nghệ, chế tạo các sản phẩm công nghệ cao, thiết bị tinh xảo cùng với độ chính xác cao. Nhu cầu về nguồn nhân lực lĩnh vực này đối với Nhật Bản luôn cao và có lợi thế cạnh tranh lớn. Đối với Việt Nam, một đất nước đang phát triển mạnh mẽ, các bạn cần chuẩn bị một nguồn nhân lực đủ lớn, đủ mạnh về điều khiển và tự động hóa để phục vụ quá trình sản xuất công nghệ cao, kỹ thuật chuyên sâu”.

GS. Yamada đặc biệt phấn khởi và khẳng định: “Robot và AI là lựa chọn tốt, rất phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đất nước Nhật Bản đang rất “khát” nhân lực trong lĩnh vực này, nhu cầu lên đến hàng chục nghìn kỹ sư. Còn đối với Việt Nam, trong vài năm tới, công nghiệp và sản xuất tự động phát triển hơn nữa thì các kỹ sư theo định hướng này sẽ là của hiếm, tài sản quý của mọi doanh nghiệp”.

Được biết, trước đó, vào năm 2020, PTIT đã mở ngành đào tạo này tại cơ sở TP. Hồ Chí Minh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
PTIT tuyển sinh chương trình kỹ thuật dữ liệu năm học 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO