Nông sản, thực phẩm tươi trên sàn thương mại điện tử chưa như kỳ vọng

Nguyễn Cẩm - Minh Tuệ| 06/07/2021 13:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Cơ hội cho kênh thương mại điện tử khi các chợ, siêu thị tạm đóng cửa do dịch bệnh. Tuy nhiên vẫn cón nhiều hạn chế nhất là với hàng tươi sống.

Tăng trưởng mạnh nhưng doanh số không cao

Thực phẩm tươi sống như trứng, thịt, cá, thủy sản, rau củ, trái cây xuất hiện khá phổ biến trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo. Một số sàn còn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại hay hợp tác với các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý để tiêu thụ các sản phẩm của nông dân, gần đây nhất là vải thiều, hành tím, mận. Có được sự hậu thuẫn này, nhiều sàn mạnh tay khuyến mãi, miễn phí vận chuyển cho khách mua.

Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ cũng như doanh số bán nông sản của các sàn vẫn còn khiêm tốn. Sàn L. nhận là thành công khi gian hàng vải thiều Hải Dương trên sàn này trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã bán ra gần nửa tấn vải u trứng chỉ sau bốn giờ của ngày đầu tiên mở bán. Sàn S. công bố toàn bộ số vải thiều Lục Ngạn được bán hết ngay trong những giờ đầu tiên mở bán, nhưng không cho biết khối lượng. Một đơn vị khác phát động chiến dịch “Đồng hành online - bán vải Bắc Giang” được đánh giá là lập kỳ tích khi tiêu thụ được 20 tấn vải qua một sàn TMĐT. Đây là con số quá khiêm tốn so với mỗi giao dịch của một thương lái buôn bán theo phương thức truyền thống.

Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - cho biết công ty đẩy mạnh bán trứng tươi, trứng chế biến sẵn, trứng ăn liền qua các sàn TMĐT, tăng trưởng rất tốt, nhưng so với doanh số của kênh bán hàng trực tiếp thì doanh số bán hàng online không cao.

Bà Nguyễn Thị Lê Na - chủ một nông trại ở tỉnh Nghệ An - chia sẻ doanh nghiệp của bà được thành lập từ năm 2013. Trong tám năm qua, bà đã mở rất nhiều gian hàng trên sàn TMĐT, mở trang web và app bán hàng riêng. Về lý thuyết, có nhiều sàn, chợ TMĐT sẽ giúp nông dân giải quyết đầu ra, khỏi qua thương lái, nhưng thực tế, nông dân vẫn ít bán nông sản của mình qua TMĐT.

Chưa bảo đảm khâu bảo quản, vận chuyển

Khi mua hàng tươi sống online, người tiêu dùng thường gặp tình trạng giá sản phẩm cao hơn so với mua trực tiếp tại các chợ, giao hàng chậm, chất lượng thấp…

Theo một số doanh nghiệp, so với trứng, các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như thịt, cá, hải sản… khó bán qua sàn TMĐT do không bảo đảm các khâu bảo quản, vận chuyển. Giám đốc một công ty chuyên cung ứng thực phẩm đông lạnh tại TP.HCM cho biết, công ty không đẩy mạnh bán hàng qua sàn TMĐT hay kênh online mà chủ yếu cung cấp hàng cho siêu thị, cửa hàng, chỉ bán một số ít sản phẩm đóng gói qua mạng, nhưng hiệu quả không cao.

Theo vị này, đối với thực phẩm đông lạnh, phải có kho, phương tiện vận chuyển và bảo quản chuyên dụng thì mới đảm bảo chất lượng khi sản phẩm đến tay khách hàng. Công ty chỉ bảo đảm chất lượng sản phẩm từ kho xuất đi, còn các sàn TMĐT phải bảo đảm chất lượng sản phẩm trong quá trình chuyển kho, lưu trữ, vận chuyển, giao tới khách hàng... Nhưng, điều này liên quan đến kinh phí, lợi nhuận nên một số sàn TMĐT chưa mấy mặn mà.

Thực tế, một số người tiêu dùng khi mua vải thiều qua sàn TMĐT đã nhận được trái vải bị hỏng, chảy nước. Hay chuyện mua cả túi bắp cải giải cứu về phải vứt bỏ vì bắp cải chảy nước xanh lè, hôi mùi thuốc trừ sâu.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) phân tích, trong tình hình hiện nay, việc bán nông sản, thực phẩm tươi sống online, qua sàn TMĐT khá tốt, giúp lưu chuyển hàng hóa thông suốt, hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Đây cũng là xu hướng chung của thương mại, bán lẻ. Việc bán qua mạng đòi hỏi trách nhiệm của người bán với người tiêu dùng rất cao vì khách hàng không xem, sờ trực tiếp món hàng được để lựa chọn.

“Khách hàng sẽ là người đánh giá chất lượng hàng hóa khi sản phẩm đến tay họ. Không ai bỏ đồng tiền ra mua một món hàng kém chất lượng. Mặt hàng thịt, cá, hải sản phải được bảo quản lạnh, vận chuyển nhanh đến khách hàng, cả người bán và người mua phải giám sát được chất lượng hàng hóa và có trách nhiệm với nhau để tạo một môi trường mua bán lành mạnh, đơn vị bán nào làm ăn tắc trách sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay ngay” - ông Nguyễn Duy Thịnh nói.

Các sàn khó đua với siêu thị, cửa hàng

Bà Nguyễn Thị Lê Na khẳng định, bà ủng hộ TMĐT và đánh giá cao vai trò của các sàn trong việc tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Nhưng bà cho rằng, hệ thống cơ sở hạ tầng cho TMĐT của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu, nên chất lượng và giá cả sản phẩm khi đến tay người dùng vẫn chưa được như mong muốn.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc tiếp thị Haravan - cho biết theo khảo sát của công ty, trong quý I/2021, nhu cầu mua thực phẩm online tăng khoảng 65% so với cùng kỳ năm ngoái và theo dự đoán mức tăng trong quý II/2021 cũng tương ứng. Mức tăng này là cao đối với ngành thực phẩm, nhưng so với tổng thể thị trường thì còn thấp. Nếu tổng doanh số của thị trường bán lẻ Việt Nam là 200 tỷ USD thì ngành TMĐT chiếm khoảng 10 tỷ USD. Nhưng ngành nông sản, thực phẩm trước giờ bán online chưa đến 1 tỷ USD. Với mức tăng 65% thì so với tổng thị trường bán lẻ, cũng chỉ chiếm 0,5%. Với đà tăng được ghi nhận trong tháng 6/2021 thì mức tăng của nông sản, thực phẩm bán qua sàn TMĐT trong năm nay có thể gấp đôi và đây là tín hiệu tốt.

Theo ông, vấn đề lớn nhất khi bán nông sản, thực phẩm tươi sống qua sàn TMĐT là khâu đóng gói, bảo quản, vận chuyển phải vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa, vừa có chi phí tối ưu. Thường thì giá trị đơn hàng nông sản thấp nhưng thể tích sản phẩm lại cao, dẫn đến chi phí đóng gói, vận chuyển cũng cao. Ngoại trừ những chương trình giải cứu, hỗ trợ nông sản, một số sàn TMĐT, doanh nghiệp chấp nhận giảm lãi để tạo hình ảnh tốt, sau đó phải tính lại bài toán chi phí.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn phân tích, để bán được nông sản, thực phẩm tươi sống trên sàn TMĐT lâu dài, các sàn phải có kho lạnh, tổng kho bảo quản thực phẩm và bộ quy chuẩn đóng gói sản phẩm, phương tiện vận chuyển chuyên dụng... Việc này khá tốn kinh phí và những siêu thị, cửa hàng có lợi thế hơn do đã có sẵn hạ tầng. Thực tế, không nhiều người mua nông sản, thực phẩm tươi sống trên sàn TMĐT do giá cao hơn so với mua trực tiếp. Do đó, lượng giao dịch mua nông sản, thực phẩm tươi sống qua sàn thời gian này tăng nhưng sẽ không bền, có khi chỉ mang tính chất chiến dịch, quảng bá của các sàn TMĐT. Bởi, theo chiến lược kinh doanh, không thể cùng lúc đẩy mạnh nhiều ngành hàng mà ưu tiên đẩy mạnh bán từng nhóm hàng theo từng thời điểm, đánh đúng nhu cầu người tiêu dùng. Các sàn sẽ bán những mặt hàng nào mang lại lợi nhuận tốt hơn. Kể cả ở nước ngoài, ít ai mua nông sản, thực phẩm tươi sống trên sàn Amazon mà phần lớn mua qua mạng nhưng của các hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nông sản, thực phẩm tươi trên sàn thương mại điện tử chưa như kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO