"Ðọc, hiểu" đất theo một cách khác

Mai Văn Bảo| 07/08/2021 21:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Xu thế chuyển dịch trong canh tác tại Lâm Ðồng đang khiến cho những \"mùa vụ chân lấm tay bùn\" dần trôi vào dĩ vãng. Thay vào đó, là những \"nhà nông 4.0\" đủ tự tin bắt tay với đối tác mạnh, đủ sức đầu tư những thương vụ lớn.

Khởi nghiệp cùng IoT

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhưng trong phân xưởng tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thủy canh Việt (phường 9, TP Ðà Lạt, Lâm Ðồng), nhân viên tất bật đóng gói nông sản để kịp giao cho khách hàng theo hợp đồng đã ký. Thạc sĩ Nguyễn Ðức Huy, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, toàn bộ diện tích rau thủy canh của hợp tác xã đều được tổ chức sản xuất theo quy trình, công nghệ thông minh.

Cách đây hơn 5 năm, Nguyễn Ðức Huy (sinh năm 1984), Thạc sĩ sinh học thực vật khởi nghiệp với định hướng sản xuất nông nghiệp thông minh. Anh tự nghiên cứu và ứng dụng thành công hệ thống phần mềm điều khiển trang trại từ xa. Không dừng ở đó, Huy đã nhận diện các "lỗi" trong quy trình sản xuất, và quyết định viết phần mềm điều khiển riêng cho trang trại của mình, có kết nối với smartphone, máy tính, công cụ "đọc, hiểu" diễn biến sinh thái thực tế trong vườn, sau đó khuyến cáo chủ trang trại đưa ra các "lệnh" xử lý chuẩn xác, giúp chủ trang trại, người sản xuất quản lý vườn hiệu quả, thực hành canh tác chuẩn xác và tăng năng suất, giá trị sản phẩm… "Vấn đề quan trọng nhất hiện giờ là máy tự ra quyết định, dựa trên kho dữ liệu về thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, sinh trưởng của cây… Từ đó, phần mềm sẽ đánh giá, so sánh với dữ liệu hiện có để đưa ra quyết định phù hợp với nông trại", Huy cho biết.

Nhìn những luống cà chua trĩu quả trong khu nhà kính hiện đại gần một ha của gia đình Huy, tôi không khỏi thắc mắc: Sao trồng cây không thấy đất, cũng không thấy đường máng thoát nước…? Huy bật cười: Toàn bộ diện tích đất trồng được phủ kín bằng màng chất dẻo, nước và chất dinh dưỡng được nhỏ giọt vào từng gốc cây bằng hệ thống ống dẫn rất nhỏ. Lâu lâu, những công nhân đến vệ sinh trên những lối đi trong vườn. "Công nghệ, máy móc làm hết rồi. Từ chế độ bón phân, tưới, đến chế độ chăm sóc. Con người chỉ còn việc nhặt lá, chăm sóc cây, hệ thống đưa ra cảnh báo thì mình xử lý phù hợp", Huy chia sẻ.

Giờ đây, không cần có mặt ở trang trại, những chủ trang trại ở Hợp tác xã Thủy canh Việt chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là nắm bắt hết tình trạng cây trồng, không khí… Hệ thống quản trị thông minh được phân quyền theo cấp, gồm người chủ, nhà đầu tư, công nhân… mỗi vai trò được quyền điều khiển, xem thông tin gì.

Một câu chuyện khởi nghiệp khác. Năm 2017, Nguyễn Thái Sơn quyết định bỏ công việc ở một cơ quan nhà nước về đầu tư trang trại hơn 10 ha quýt đường. Khi anh bổ nhát cuốc đầu tiên trên vùng đất đồi dốc, sỏi đá ở khu đồi Trầm, xã Triệu Hải, huyện Ðạ Tẻh, nhiều người hồ nghi về khả năng thành công. Sau hai năm, vườn quýt cho thu bói, với sản lượng 50 tấn và hứa hẹn sản lượng còn tăng cao, Sơn tiếp tục mở rộng diện tích lên 35 ha và đa dạng cây trồng, với sầu riêng, bưởi và trồng xen bơ, mít Thái Lan... "Làm nông bây giờ nhàn và hiệu quả hơn xưa nhiều. Ở đâu có internet, mở điện thoại thông minh là có thể quan sát được vườn. Ðể có được trang trại này, mình đầu tư hệ thống quản trị thông minh hơn 20 tỷ đồng, nhưng bù lại, năng suất và chất lượng rất cao mang lại nguồn thu khá lớn", Sơn chia sẻ.

Những cú bắt tay bạc tỷ

Sự ra đời của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm đã thổi làn gió mới về ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong ngành nông nghiệp tại Lâm Ðồng. Hiện diện tích sản xuất hoa cao cấp của công ty đạt gần 320 ha, mỗi năm sản xuất khoảng 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống, cung ứng thị trường nhiều nước trên thế giới. "Những quy trình, công nghệ và kỹ thuật trồng hoa tiên tiến nhất châu Âu đã được Dalat Hasfarm áp dụng vào các nông trại; quy trình trồng, chăm sóc hoa được tổ chức tự động hóa hoàn toàn", Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm Nguyễn Văn Bảo cho biết.

Cùng với những trang trại của công ty, hiện Dalat Hasfarm đang "bắt tay" cùng 107 hộ nông dân và sáu doanh nghiệp để hình thành liên minh sản xuất hoa cắt cành xuất khẩu. Từ đó, bí mật công nghệ trồng hoa được "mở" cho đối tác để mang lại lợi nhuận cho cả "hai nhà", đóng góp vào sự phát triển nền nông nghiệp thông minh địa phương. Năm 2020, doanh số thu mua hoa từ các hộ và doanh nghiệp liên kết hơn 58 tỷ đồng. "Các hộ liên kết được nâng cao trình độ canh tác, thêm nữa, họ có đầu ra ổn định, tiếp cận được nhiều giống hoa mới do chúng tôi cung cấp, những điều đó giúp bà con nông dân tăng kiến thức, trình độ và kinh nghiệm hơn trước rất nhiều", ông Bảo chia sẻ thêm.

Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng, chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu. Nhất là trong giai đoạn Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết, yêu cầu tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết trong thực hiện các rào cản kỹ thuật với các nước thành viên. Do đó, tỉnh Lâm Ðồng luôn định hướng các thành phần kinh tế tập trung chuyển đổi số với quy mô phù hợp để phát triển.

Lâm Ðồng hiện có 15 doanh nghiệp và trang trại ứng dụng hệ thống internet vạn vật (IoT) trên diện tích hơn 235 ha, nhiều mô hình đạt doanh thu hơn ba tỷ đồng/ha/năm; 12 doanh nghiệp được công nhận "Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao" với quy mô canh tác hơn 286 ha, năm doanh nghiệp được chứng nhận canh tác hữu cơ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khai trương Trung tâm Báo chí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Trung tâm Báo chí được thành lập nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phóng viên (PV) trong nước, quốc tế đưa tin về Lễ kỷ niệm và chủ động, tích cực cung cấp thông tin của Ban Tổ chức về Lễ kỷ niệm.
  • Khám phá đất và người xứ Nghệ trên không gian số
    Thời gian qua, Bảo tàng Nghệ An đã mạnh dạn đưa công nghệ vào hoạt động trưng bày, để tiếp cận và thu hút du khách. Du khách đến với Bảo tàng Nghệ An từ chỗ "cấm sờ tay vào hiện vật" nay có thể được chạm tay vào hiện vật, cổ vật, được khám phá các danh lam, thắng cảnh, lịch sử, con người xứ Nghệ, thông qua không gian số 3D; khám phá kho dữ liệu lịch sử đã được số hóa... giúp Bảo tàng Nghệ An ngày càng hút khách, nhất là giới trẻ.
  • Báo chí và học giả quốc tế ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Báo Resumen Latinoamericano của Argentina những ngày qua liên tục đăng các bài viết cùng nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, ca ngợi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.
  • Lãnh đạo doanh nghiệp nên làm gì trước “làn sóng” AI?
    Nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI) và ‏‏dữ liệu lớn (big data‏‏). Người tạo thay đổi cho doanh nghiệp (DN) trong ứng dụng AI là CEO, COO và CFO, còn lãnh đạo công nghệ chỉ là người hỗ trợ.‏
  • Tháo gỡ rào cản nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNTT
    Nhằm tháo gỡ khó khăn trong đào tạo CNTT, Viện Quản trị và Công nghệ ABS (Đại học Thành Đô) ra đời với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo 100% sinh viên đủ phẩm chất, kỹ năng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
"Ðọc, hiểu" đất theo một cách khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO