Truyền thông

Phải thay đổi tư duy để CĐS báo chí được thực hiện một cách linh hoạt và thực tế

AD 08:03 14/12/2023

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự phát triển vũ bão của công nghệ, chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là một nhu cầu mà còn là một đòi hỏi tất yếu đối với ngành báo chí.

CĐS báo chí chính là nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của báo chí trong bối cảnh kỷ nguyên số, thay đổi cách tòa soạn hoạt động nhằm cung cấp những giá trị lớn hơn cho công chúng mà tòa soạn ấy phục vụ.

CĐS báo chí mở ra cơ hội tiếp cận, lan truyền thông tin đến với vô vàn độc giả chỉ trong tíc tắc

Với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 phê duyệt chiến lược “CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước.

Chiến lược này sẽ hỗ trợ báo chí CĐS mạnh mẽ và vững vàng trước sự cấp bách của mặt trận thông tin tuyên truyền. Đây là thuận lợi cơ bản nhưng cũng từ đây đặt ra những thách thức không hề nhỏ đối với báo chí khi bước vào trục xoay của công cuộc CĐS toàn diện hiện nay.

CĐS báo chí rõ ràng đã thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản trị tòa soạn, quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu, quản trị tương tác công chúng dựa trên việc ứng dụng các phần mềm kỹ thuật số tiên tiến. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật tiên tiến đã cho phép nhà báo sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền thông hấp dẫn như podcast, video, megastory, infographics, longform, data journalism, media, lens...

Có thể thấy rõ kết quả đáng chú ý của quá trình CĐS trong lĩnh vực báo chí là sự ra đời của các mô hình truyền thông mới bao gồm: báo chí di động, tòa soạn hội tụ, báo chí mạng xã hội, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện. Nhiều tờ báo in, chương trình phát thanh và truyền hình đã chuyển sang sử dụng nền tảng Internet.

Từ đó, giúp các cơ quan báo chí tiếp cận độc giả ở nhiều nền tảng khác nhau, đưa nhanh được thông tin đến với đối tượng độc giả rộng lớn hơn. Thông qua Internet, các nội dung báo chí cũng có thể được chuyển tải nhanh chóng đến độc giả ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Điều này mở ra cơ hội tiếp cận, lan truyền thông tin đến với vô vàn độc giả gần xa chỉ trong tích tắc.

Công cuộc CĐS đang tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng nội dung bằng cách sử dụng các công nghệ mới để tạo ra nội dung hấp dẫn, lôi cuốn và phù hợp với nhu cầu của độc giả. Thông qua phân tích dữ liệu, công nghệ tiên tiến, các nền tảng trực tuyến có thể cung cấp nội dung tùy chỉnh dựa trên sở thích và hành vi đọc, cảm xúc của người dùng. Điều này mở rộng sự trải nghiệm đọc báo cá nhân và làm cho người đọc tiếp cận thông tin một cách hiệu quả hơn.

Qua đó, giúp các cơ quan báo chí tạo ra các mô hình kinh doanh mới, ví dụ như quảng cáo trực tuyến, bạn đọc trả phí, đóng tiền bản quyền, phí chia sẻ thông tin... dẫn đến việc tăng nguồn thu nhập và duy trì hoạt động của báo chí trong thời đại số, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có nhiều cơ quan báo chí trong cả nước đã hoạt động trên mạng Internet, gồm: 120/127 báo đã thực hiện các loại hình điện tử và 149/673 tạp chí thực hiện loại hình điện tử. Bộ TT&TT cũng đã hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc ứng dụng CNTT để quản lý và điều hành tác nghiệp thông qua việc xây dựng “Quản trị tòa soạn số” giúp tăng cường hiệu quả, sự linh hoạt trong quản lý và điều hành các hoạt động báo chí.

3333.jpg
(Hình minh họa: Internet)

Trên cơ sở đó, các tòa soạn đã tích cực xây dựng đội ngũ kỹ sư giỏi, có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển web và ứng dụng di động. Đồng thời phát triển các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra nội dung chất lượng cao hơn và tương tác với độc giả tốt hơn.

Song song đó, các tòa soạn cũng thay đổi tư duy của đội ngũ biên tập viên (BTV), khuyến khích sự sáng tạo, phù hợp với nhu cầu của độc giả trên nền tảng số. Điều này phù hợp với thực tiễn đã khẳng định rằng yếu tố quan trọng nhất trong việc CĐS chính là con người.

Thay đổi tư duy để thực hiện quá trình CĐS một cách linh hoạt và thực tế

CĐS báo chí là một quá trình cam go, nhiều thách thức, nhưng đây là xu hướng tất yếu mà báo chí cần phải thực hiện để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số hiện nay.

Theo Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh, thách thức lớn nhất hiện nay của chúng ta là sự thiếu tự chủ về công nghệ đối với công cuộc CĐS báo chí. Nhiều cơ quan báo chí sử dụng các nền tảng kỹ thuật như máy chủ và CMS từ các doanh nghiệp cung cấp như ePi, VCCorp, 24h, FPT, Netlink... Một số báo còn phải dựa vào hệ thống an toàn thông tin của các đơn vị cung cấp CMS và lưu trữ dữ liệu trên đám mây.

Số lượng cơ quan báo chí tự phát triển CMS còn rất ít, bởi lẽ sự tự chủ hoàn toàn về máy chủ, CMS, bảo mật hoặc đám mây sẽ đòi hỏi chi phí cao và đội ngũ nhân sự có chuyên môn tốt để quản lý và vận hành. Nếu để tình hình bất cập này kéo dài sẽ khiến nhiều cơ quan báo chí bị phụ thuộc và có thể bị chi phối về nội dung và lợi ích bởi các công ty công nghệ mà báo chí đã ký kết hợp tác.

Từ thực trạng đó, việc quản trị toà soạn báo cũng đứng trước những khó khăn cần sớm được khắc phục, trước hết là cần thay đổi cách tòa soạn hoạt động để phát huy tối đa lợi ích của CĐS báo chí mang lại, nhằm cung cấp những thông tin nhanh hơn, giá trị lớn hơn cho công chúng cũng như góp phần định hướng dư luận xã hội kịp thời, đúng định hướng.

Theo Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh, trước hết và trên hết là cần nâng cao nhận thức về vị thế, vai trò quan trọng và sự cấp thiết của việc đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực báo chí cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông; lãnh đạo Hội Nhà báo các địa phương, lãnh đạo báo đài, phóng viên và BTV từ cấp trung ương đến địa phương. Chương trình CĐS quốc gia đang được triển khai và báo chí cũng cần đi theo xu hướng này để đảm bảo sự nhất quán, đồng bộ và phát triển hợp lý.

Bên cạnh đó là tăng cường hoạt động tuyên truyền, biểu dương và tôn vinh những tổ chức, cá nhân đã đạt được thành tích và có sáng kiến hay trong quá trình CĐS báo chí. Việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa và nhân rộng những thành công này sẽ đóng góp thúc đẩy quá trình CĐS, nâng cao chất lượng, củng cố thực lực của báo chí lên một tầm cao mới.

Để chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng quản trị toà soạn báo chí số, Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh khuyến nghị cần tăng tốc mở nhiều khóa đào tạo và nâng cao kiến thức, kỹ năng về CNTT, an ninh mạng, thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu nhằm hỗ trợ nghiệp vụ quản trị toà soạn số phục vụ đổi mới sản xuất, phân phối nội dung cùng với giám sát và đánh giá chất lượng thông tin. Tiến tới, BTV và tất cả nhân sự toà soạn số phải được tiêu chuẩn hóa theo nhu cầu cụ thể của từng cơ quan báo chí, được đào tạo chuyên sâu về công nghệ 4.0 cũng như có trình độ thẩm định nhanh và chính xác tất cả các thể loại tác phẩm báo chí trước khi xuất bản cung cấp cho bạn đọc.

Chính vì vậy, các cơ quan báo chí phải thay đổi tư duy, đầu tư nguồn lực con người và công nghệ để thực hiện quá trình CĐS một cách linh hoạt và thực tế, đặc biệt là ở khâu “Quản trị toà soạn” sao cho vững chắc và mang tính chuyên nghiệp cao.

Trong xu thế hội tụ truyền thông mạnh mẽ hiện nay, báo chí truyền thống và báo chí công nghệ có xu hướng tích hợp, tương tác, hỗ trợ nhau bằng những phương thức đa dạng, phong phú. Đây cũng là cơ hội để các nhà báo phát huy trình độ, khả năng sáng tạo, thúc đẩy người làm báo phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, sẵn sàng thích ứng, linh hoạt để trở thành một nhà báo thời đại 4.0 sánh vai với báo chí trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Những người làm báo hiện nay, đặc biệt là các bạn trẻ mới gia nhập làng báo đã được tiếp xúc nhiều với công nghệ hiện đại, nhưng vẫn cần được tiếp tục đào tạo, chuẩn hóa để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp đúng nghĩa. Việc này đòi hỏi nhà báo cần không ngừng nâng cao kỹ năng làm nghề, kỹ năng khai thác thông tin, kỹ năng về CĐS, bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

Nắm bắt được thời cơ mới, nhưng nhiều tờ báo vẫn còn băn khoăn không biết lựa chọn điều gì làm trước trong hoạt động CĐS. Vì vậy, Bộ TT&TT đã thành lập trung tâm hỗ trợ CĐS để hỗ trợ việc xây dựng định hướng CĐS, do mỗi cơ quan báo chí có một đặc thù riêng, nhân sự riêng.

Ngay từ đầu năm 2021, Bộ đã xây dựng chương trình hỗ trợ CĐS cho một số cơ quan báo chí, với 3 nền tảng chính gồm: (1) nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; (2) nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn chính đáng của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; (3) nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn đáng tin cậy, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, theo Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh, để tránh tụt hậu về CNTT và tăng cường hội nhập sâu rộng với khu vực ASEAN và thế giới, chúng ta cũng cần thúc đẩy hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm từ các quốc gia đã phát triển mạnh về báo chí số, nhằm trang bị thêm và cập nhật nhanh kiến thức, kịp thời nắm bắt được những xu hướng và thành tựu mới trong lĩnh vực này để vận dụng một cách sáng tạo và phù hợp với hoàn cảnh báo chí Việt Nam./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phải thay đổi tư duy để CĐS báo chí được thực hiện một cách linh hoạt và thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO