Phải tìm cách tiếp sức thêm cho du lịch vượt qua dịch bệnh

PV| 04/06/2020 11:23
Theo dõi ICTVietnam trên

“Chính phủ nhận thức rất rõ, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Hơn 40.000 doanh nghiệp (DN) du lịch, 4,5 triệu lao động và hàng triệu người phụ thuộc bị tác động rất lớn. Ngành du lịch giữ vững được đến giờ phút này là điều rất đáng quý”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo một số bộ ngành, hiệp hội, các DN du lịch trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch COVID-19 diễn ra chiều ngày 3/6.

Phải tìm cách tiếp sức thêm cho du lịch vượt qua dịch bệnh phát triển - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta phải tận dụng tối đa các điều kiện thúc đẩy du lịch nội địa. Ảnh: VGP

Đẩy mạnh du lịch nội địa trong thời điểm hiện nay là vô cùng quan trọng

Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết, do tác động của dịch COVID-19, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách nội địa đạt 16 triệu lượt, giảm 58,5%. Tổng thu du lịch đạt 150.300 tỷ đồng, giảm 47,4%.

Trong quý I và II có khoảng 95% các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động. 137 DN lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Số DN xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DN chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với tỷ lệ 52% của năm trước.

Tổng cục Du lịch dự báo, với tình hình hiện nay lượng khách du lịch nội địa năm 2020 sẽ đạt khoảng 60-65 triệu lượt. Còn đối với khách quốc tế, trường hợp có thể đón khách vào đầu quý III/2020 thì sẽ đạt khoảng 6-8 triệu lượt; nếu đón khách vào đầu quý IV/2020 có thể đạt khoảng 4,5-5 triệu lượt.

Vì vậy, đẩy mạnh du lịch nội địa trong thời điểm hiện nay là vô cùng quan trọng. Đây cũng là lựa chọn của nhiều quốc gia có thế mạnh về du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế bị "đóng băng".

Cần có chính sách đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương

Thực tế, hoạt động du lịch nội địa đã dần được phục hồi sau khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng từ cuối tháng 4/2020.

Sau khi Chương trình "Người Việt Nam du lịch Việt Nam" được phát động, đã có 15 địa phương ở các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch đồng loạt hưởng ứng kế hoạch kích cầu, tổ chức kết nối DN, hợp tác giữa du lịch, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi giải trí để xây dựng các sản phẩm kích cầu với nhiều ưu đãi, giá hợp lý.

Việc mở lại các đường bay, tần suất bay và công suất chuyên chở đã tăng trở lại, gần bằng mức trước dịch COVID-19, mở ra nhiều thuận lợi nhằm kích cầu du lịch nội địa.

Đại diện tập đoàn Sun Group cho biết, DN này xác định du lịch nội địa là cứu cánh chính. Sun Group đã phối hợp với các DN lựa chọn những điểm đến, địa phương hoặc chuỗi điểm đến trọng điểm, có tính lan tỏa và phù hợp với nhu cầu của du khách trong vùng, ví dụ như ở phía bắc có Sapa (Lào Cai); Ninh Bình-Hạ Long-Hà Nội; miền trung có Đà Nẵng-Huế-Hội An… để đưa ra chương trình kích cầu tổng thể.

Các chương trình kích cầu không đơn thuần là giảm giá mà DN phải cam kết tăng chất lượng dịch vụ, làm mới chính những sản phẩm đang có; đầu tư sản phẩm mới và đón đầu xu thế du lịch an toàn - sức khoẻ, không bỏ qua bất kỳ đối tượng du khách nào.

Trong khi đó, Công ty Vietravel đề nghị phải có những động thái mạnh mẽ từ cả DN và nhà nước, tạo động lực từ vùng du lịch trọng điểm, xây dựng sản phẩm du lịch theo chuỗi có sự kết nối cao giữa lữ hành-hàng không-dịch vụ.

Phải tìm cách tiếp sức thêm cho du lịch vượt qua dịch bệnh phát triển - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi họp.

Đại diện một số DN du lịch lớn kiến nghị cần có chính sách đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân đi du lịch như kéo dài một số kỳ nghỉ lễ; miễn, giảm các khoản thu, phí tham quan; tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch…

Bản thân các DN du lịch cần có cơ chế hợp tác, thống nhất mức giảm giá, thời gian giảm giá chung, công khai, minh bạch, không gây nhiễu loạn thị trường, đảm bảo chất lượng và ổn định tài chính của mỗi DN...

Đáng chú ý, với khoảng 14 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài mỗi năm, các DN đều cho rằng đây là nhóm đối tượng rất tiềm năng, đang tìm kiếm những sản phẩm du lịch có chất lượng và hấp dẫn ở trong nước.

Cần đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến du lịch quốc tế qua hình thức trực tuyến

Đánh giá cao sự vào cuộc của các DN du lịch lớn với vai trò dẫn dắt thị trường, nhưng ông Nguyễn Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng không được bỏ quên rất nhiều DN du lịch nhỏ, cơ sở du lịch cộng đồng, người làm homestay tại các điểm du lịch ở vùng sâu, vùng xa đang vô cùng khó khăn. Nếu mất đi những "rễ nhỏ" này, chúng ta sẽ phải mất nhiều thời gian để gây dựng lại.

Ông Nguyễn Thế Bình đề nghị các địa phương đồng hành hơn nữa với du lịch. "Sức khoẻ" các DN đang xấu mà vẫn phải giảm giá, kích cầu để tồn tại nhưng một số địa phương vẫn đang "vô cảm", chưa thực sự đồng hành, hỗ trợ thực sự cho DN trong việc miễn, giảm các khoản thu, lệ phí tại điểm du lịch…

Lắng nghe các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chính phủ nhận thức rất rõ, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Hơn 40.000 DN du lịch, 4,5 triệu lao động và hàng triệu người phụ thuộc bị tác động rất lớn. Ngành du lịch giữ vững được đến giờ phút này là điều rất đáng quý. Nhiều DN dù hoàn toàn không có doanh thu nhưng cố giữ tất cả hoặc một phần nhân viên. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ đứng trước sức ép rất lớn. Chúng ta phải tìm cách tiếp sức thêm cho các DN du lịch.

Bên cạnh các kiến nghị về thuế, thị thực nhập cảnh, giá điện…, Phó Thủ tướng cho rằng ngành du lịch phải chuẩn bị tâm thế tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng đối với phòng, chống dịch là "bao đê chặt, ngăn chặn bên ngoài để phát triển bên trong". Vì vậy, chúng ta phải tận dụng tối đa các điều kiện thúc đẩy du lịch nội địa để các DN không bị giải thể, phá sản; các cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ, du lịch cộng đồng không phải dừng hoạt động, chuyển mục đích sử dụng.

"Cơ sở du lịch cộng đồng, homestay không giúp thu ngân sách nhưng góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh ở vùng sâu, vùng xa", Phó Thủ tướng cho biết.

Yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, chia sẻ với DN du lịch, Phó Thủ tướng hoan nghênh một số tỉnh đã giảm các loại phí, khoản thu về du lịch nhưng chưa đồng đều, thậm chí có nơi còn thờ ơ, không giảm. "Đồng hành phải đi vào thực chất. Các địa phương phải xem xét các DN du lịch giảm giá như thế nào thì các khoản thu, phí du lịch cũng phải giảm ít nhất ở mức độ tương đương".

Đồng thời, các bộ ngành tiếp tục thúc đẩy các phương thức làm việc từ xa; có phương án về thời gian các kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè của học sinh… để tạo điều kiện kích cầu du lịch.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Tổng cục Du lịch phối hợp với các địa phương, hiệp hội du lịch tập trung thực hiện hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu theo điểm đến trọng điểm theo khu vực như Tây Bắc, Đông Bắc, Duyên hải miền Trung… không để cho DN phải tự làm riêng lẻ.

Từ các ý kiến đóng góp của DN, Phó Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL khẩn trương xây dựng các chương trình, cơ chế, chính sách cụ thể đối với kích cầu du lịch nội địa.

Đối với du lịch quốc tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta chuẩn bị sẵn sàng nhưng chỉ mở ra khi thực sự an toàn. Bộ VHTT&DL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các DN cần theo dõi sát tình hình phòng, chống dịch ở các thị trường lớn. Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL, Bộ Giao thông vận tải kết hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng bàn bạc, thống nhất, khi điều kiện cho phép chúng ta sẽ chọn những địa bàn, thị trường thực sự an toàn; chọn trước một số điểm đến ở Việt Nam; có quy trình chặt chẽ từ cho phép nhập cảnh, vận chuyển đưa đón, quản lý du khách theo tour.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch quốc tế cần đẩy mạnh các hình thức mới như trực tuyến, quảng bá qua mạng. Bộ VHTT&DL làm việc với Bộ TT&TT để xây dựng chương trình quảng bá du lịch Việt Nam gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19, và thông điệp "Việt Nam an toàn".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Phải tìm cách tiếp sức thêm cho du lịch vượt qua dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO