Truyền thông

Phản biện xã hội - vai trò & sức mạnh của báo chí trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông online

TS. Nguyễn Minh Phong 27/03/2024 10:12

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện nay Bộ TT&TT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai xong giai đoạn 1 của Quyết định số 362/ QĐ-TTg về việc sắp xếp các cơ quan báo chí với 29/29 Bộ ngành; 33/33 tổ chức Trung ương, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 31/31 địa phương.

Tóm tắt:
- Nhận thức đúng và thực hiện tốt phản biện xã hội không chỉ góp phần làm tốt vai trò, nhiệm vụ chính trị, mà còn là công cụ và thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động và sức mạnh của báo chí.
- Đề xuất các giải pháp tăng cường phản biện xã hội của báo chí.
Văn hóa phản biện phải được thực hiện từ “tâm sáng”, “lòng trong” đến “ngòi bút sắc” với hàm lượng trí tuệ cao.

Tính đến hết tháng 5/2023, Việt Nam có 808 cơ quan báo chí, bao gồm 138 báo và 670 tạp chí; Trong đó, có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực (đang quản lý tất cả 15 cơ quan báo chí) gồm: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Tổng nhân sự lĩnh vực báo chí là 42.400 người, trong đó báo in và điện tử 24.000 người, với khoảng 17.000 người được cấp thẻ nhà báo.

Ngoài ra, cả nước còn có 9.812 Đài Truyền thanh cấp xã/10.599 xã, phường, thị trấn; có 666 cơ sở Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện/705 huyện, quận, thị xã, thành phố (trong đó, 595 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đã sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao hoặc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa cấp huyện).

bc_phanbien_02.png

Phản biện xã hội - thước đo vai trò và sức mạnh của báo chí

Theo Luật Báo chí năm 2016, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và là diễn đàn của Nhân dân.

Việt Nam thực hiện quyền tự do báo chí. Tự do báo chí là biện pháp chủ yếu để người dân phản ánh, giám sát, phản biện đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích của bản thân hoặc những vấn đề về an ninh, an toàn xã hội và những vấn đề lớn, trọng đại của đất nước; tiếp thu đúng đắn nguồn tin khổng lồ và đa chiều nắm rõ được sự thật, tránh được “bẫy” tự do báo chí của các thế lực thù địch. Mỗi công dân Việt Nam đều được quyền tham gia và tự do ngôn luận trên các ấn phẩm, tạp chí, website, bản tin của tổ chức, đoàn thể, cơ quan về tình hình đất nước và thế giới; về xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Phản biện, theo nghĩa hẹp là “biện luận ngược”, là dùng chứng cứ, lập luận để góp ý hoàn thiện hay bác bỏ chứng cứ, lập luận, chủ trương chính sách đang được xây dựng hoặc đã được đưa ra trước đó.

Phản biện xã hội là sự phản ánh những dư luận xã hội, ý kiến, kiến nghị của cộng đồng xã hội về một sự kiện có liên quan đến lợi ích chung của cộng đồng trên cơ sở tổng hợp phân tích, luận chứng khoa học có cơ sở thực tiễn, vạch ra những cái đúng cái sai nhằm đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra.

Phản biện xã hội trong hoạt động báo chí là việc báo chí đề xuất, phản ánh, tổng hợp, phân tích dư luận xã hội, ý kiến, kiến nghị và kháng nghị của cộng đồng xã hội, tập thể; đưa ra các lập luận, phân tích nhằm phát hiện, chứng minh, khẳng định, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hoặc bác bỏ một đề án (phương án, dự án) xã hội hoặc chính sách công của cơ quan công quyền nhằm đáp ứng đúng những yêu cầu do cuộc sống đặt ra, thỏa mãn được lợi ích chung của cộng đồng, tập thể, xã hội.

Cần phân biệt hai dạng phản biện xã hội trong hoạt động báo chí:

Thứ nhất, phản biện xã hội qua báo chí là những tác phẩm được các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhân dân... (gọi là cộng tác viên của báo chí) thực hiện các quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận, mà luật pháp của Nhà nước ta đã cho phép, để phản biện những vấn đề đang nảy sinh trong quá trình xây dựng chính sách và việc thực thi chính sách của Nhà nước. Lúc này, báo chí thực hiện chức năng chuyển tải, phản ánh những tiếng nói đồng tình, không đồng tình, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến góp ý của người dân trước những vấn đề nảy sinh trong xã hội. Trong trường hợp này, ý kiến chủ quan của tòa soạn đóng vai trò thứ yếu; chính kiến, ý kiến góp ý của người dân đóng vai trò chủ yếu.

Thứ hai, phản biện xã hội của báo chí là các tòa soạn báo và phóng viên báo chí thông qua tác phẩm báo chí của mình, không lấy việc phản ánh là chủ yếu, mà với tư cách một chủ thể, tổ chức chính trị - xã hội lên tiếng phản biện và chịu trách nhiệm về quan điểm, chính kiến của mình về một vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, luật pháp nào đó đang diễn ra trong đời sống xã hội ở nước ta. Trong trường hợp này, chính kiến của cơ quan báo chí và nhà báo đóng vai trò chủ yếu; qua đó góp phần xây dựng chính sách đúng đắn, có sức sống trong thực tiễn, góp phần vào giữ vững ổn định chính trị và phát triển đất nước, mở rộng dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với xã hội. Các tác phẩm báo chí đã phản ánh và cung cấp những luận cứ khoa học, kịp thời, chính xác, khách quan cho quá trình dự thảo, ban hành và thực thi các chủ trương, đề án, quyết sách của Đảng và Nhà nước v.v...

Thông thường, phản biện xã hội thông qua báo chí an toàn và “dễ làm” hơn là thực hiện phản biện của chính cơ quan báo chí... Trong số các nguyên nhân của tình trạng này có thể nêu ra là chức năng, nhiệm vụ chính trị cụ thể của tờ báo, bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn của cơ quan báo chí và một số yếu tố khác...

Trong thực tế, không phải lúc nào cũng phân định rạch ròi đâu là phản biện của báo chí và đâu là phản biện xã hội thông qua báo chí. Bởi quy trình đăng mọi ý kiến phản biện trên báo chí đều trải qua các khâu, các quá trình biên tập, kiểm duyệt của tòa soạn báo và tòa soạn báo chịu trách nhiệm những tin, bài mình đã đăng hay xuất bản.

Thực tế cũng cho thấy, nếu cơ quan báo chí biết cách khơi gợi vấn đề, khuyến khích động viên và tổ chức các diễn đàn, chuyên trang, chuyên mục..., tập hợp được nhiều ý kiến, góp ý phản biện của đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu và bạn đọc đã, đang và sẽ làm cho chức năng phản biện xã hội của báo chí ngày càng được xác lập rõ hơn, sâu sắc, đa dạng, đa chiều, nhanh nhạy, sắc sảo và hấp dẫn hơn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn điều chỉnh, bổ sung, không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của công dân, nhân dân lao động và các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể chính trị - xã hội của đất nước, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, làm cho các chủ trương, chính sách ngày càng đúng đắn, có sức sống trong đời sống xã hội.

Thực tế cho thấy, một cơ quan báo chí sẽ có uy tín và sức ảnh hưởng xã hội cao hơn, nếu trên ấn phẩm của mình luôn có nhiều tuyến bài phản biện của chính mình hoặc tổ chức tập hợp và phản ánh được nhiều ý kiến phản biện xã hội có chất lượng chuyên môn và chính trị tốt.

Phản biện xã hội thường gắn chặt với truyền thông chính sách; song phản biện xã hội khác với tuyên truyền chính sách. Tuyên truyền là thông tin về những nội dung, quan điểm đã được khẳng định, chính sách đã được ban hành, để tạo đồng thuận và thống nhất ý chí thực thi của hệ thống chính trị, của xã hội. Còn báo chí phản biện xã hội khi cần xây dựng, thực thi chính sách công, đòi hỏi góc nhìn từ các chiều cạnh vấn đề trên cơ sở hệ dữ liệu khoa học - thực tiễn cùng các luận điểm, luận cứ chắc chắn, từ đó giúp công chúng xã hội nhận thức vấn đề sâu hơn, đa chiều hơn và cùng tìm kiếm cách thức tiếp cận chính sách công thực sự vì lợi ích công, tránh bị lợi ích nhóm chi phối. Văn hóa phản biện đòi hỏi sự chuẩn mực trong dữ liệu được sử dụng, trong cách tiếp cận nhân văn, trong ngôn từ, giọng điệu thuyết phục, biết lắng nghe và tiếp nhận đa chiều các ý kiến, không chụp mũ, quy kết, không soi mói…

Mục đích cao nhất của phản biện xã hội trong hoạt động báo chí là tạo cơ hội và điều kiện huy động, tập hợp, kết nối nguồn lực trí tuệ và cảm xúc của đông đảo nhân dân, gia tăng hàm lượng trí tuệ trên cơ sở hệ dữ liệu và minh chứng khoa học, có luận điểm, luận cứ và luận chứng rõ ràng vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách công, hạn chế chi phối của lợi ích nhóm, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội và hệ sinh thái truyền thông online, việc nâng cao chất lượng phản biện xã hội của báo chí là vấn đề có ý nghĩa vừa cơ bản, vừa cấp thiết. Việt Nam chủ trương xây dựng “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”.

Tổ chức tốt phản biện xã hội trong hoạt động báo chí là trực tiếp và gián tiếp phát huy và thúc đẩy quyền dân chủ, tự do ngôn luận báo chí của nhân dân, tạo diễn đàn sâu rộng của nhân dân một cách công khai, minh bạch và có định hướng đúng đắn, tuân theo pháp luật, có cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn trong hành trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Mọi sự phản biện xã hội trên báo chí phải trở thành kênh thông tin hữu ích giúp tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, điều hành và quản lý của Nhà nước trên mọi mặt đời sống xã hội ngày càng tốt hơn.

Thực hiện phản biện xã hội của báo chí (cùng với phản biện nội bộ) chính là công cụ, cầu dẫn quan trọng và hiệu quả để người dân tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách công. Thực tiễn cho thấy, những ý kiến phản biện xã hội được báo chí phản ánh đã trực tiếp và gián tiếp góp phần tích cực vào việc hoàn thiện hay điều chỉnh nhiều chính sách, quyết định của các cấp chính quyền cả Trung ương và địa phương.

Qua đó, báo chí góp phần tác động đến nhận thức và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường sự đồng thuận xã hội, niềm tin chính sách và môi trường đầu tư, cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài... Trên thực tế, mỗi khi báo chí nêu lên những phản biện về chính sách, quyết sách, dự án công “đụng chạm” đến lợi ích của đông đảo nhân dân, thì công chúng xã hội sẽ quan tâm nhiều hơn và tin cậy hơn so với mạng xã hội. Đó chính là thế mạnh và cơ hội truyền thông của báo chí trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí và truyền thông chính sách chính thống với truyền thông mạng xã hội hiện đại...

Vì vậy, coi nhẹ, buông lỏng và làm mất đi tính chất phản biện xã hội của báo chí không chỉ không làm tròn nhiệm vụ chính trị, vai trò của báo chí, mà còn tự làm mất đi uy tín, sức mạnh ảnh hưởng của báo chí trong đời sống xã hội nói chung và trong quá trình xây dựng, triển khai chính sách công nói riêng hiện nay.

bc_phanbien_02.png

Những giải pháp tăng cường phản biện xã hội của báo chí

Thời gian qua, báo chí đã bám sát diễn biến thực tiễn đời sống xã hội; thông tin trách nhiệm, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, vừa cơ bản thỏa mãn nhu cầu thông tin của người dân; thể hiện được vai trò định hướng dư luận xã hội, chủ động dẫn dắt thông tin về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, những sự kiện, vấn đề quan trọng, tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Công tác phản biện xã hội được nhiều cơ quan báo chí làm tốt, đúng quy định, góp phần hoàn thiện chính sách vĩ mô, tiêu biểu như về chính sách cho nước ngoài thuê rừng (năm 2007), chính sách phát triển sân golf (2010 - 2011), dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, dự án lấn sông Đồng Nai để xây khu chung cư cao cấp, vấn đề thu phí tại các trạm BOT, chính sách phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước và thúc đẩy phanh phui nhiều vụ án tham nhũng tiêu cực khác trong nhiều lĩnh vực và trên phạm vi toàn quốc…

Nhiều cơ quan báo chí đã chủ động tìm tòi, đột phá, ứng dụng nhiều phương thức tác nghiệp hiện đại, thể hiện nội dung thông tin dưới những hình thức mới, hiện đại, làm chủ không gian truyền thông mới.

Thời gian tới, cần tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội mạnh mẽ, sắc sảo và lành mạnh để báo chí Việt Nam thực sự cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, “đưa ý Đảng đến gần dân hơn”; góp phần xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách Việt Nam.

Với tinh thần đó, các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo cần đồng hành cùng dân tộc, làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; Bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, cơ quan, địa phương, đơn vị để phản ánh; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch, bảo đảm tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, tác động mạnh cả về lý trí và cảm xúc của công chúng; đi đầu trong phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình tiên tiến, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; chống lại những suy nghĩ và hành động sai trái, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.

Đặc biệt, cần tăng cường thông tin xây dựng, tiếp tục truyền tải những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân và phản ánh nguyện vọng của Nhân dân, nhất là những chính sách tác động lớn, chủ trương đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, hạ tầng, y tế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, chủ trương đại đoàn kết dân tộc; Tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn; mạnh dạn định hướng, gợi mở giải pháp tháo gỡ những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế, góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng cơ quan hành chính các cấp hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội; củng cố sự tạo đồng thuận và đoàn kết xã hội, niềm tin vững chắc của Nhân dân với Đảng và Nhà nước...

Để phản biện lành mạnh và an toàn, trong quá trình phản biện xã hội, báo chí cần tuân thủ các quy định pháp lý liên quan, nhất là Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam; theo đó, nghiêm cấm đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung: Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Gây chiến tranh tâm lý; Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với hệ thống chính trị; Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai, xâm phạm quyền bình đẳng dân tộc; Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo;

Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế; chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu Cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; Tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; Cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng;

Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án; Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em;

Đăng lại các nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính; Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng; Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Văn hóa phản biện phải được thực hiện từ “tâm sáng”, “lòng trong” đến “ngòi bút sắc” với hàm lượng trí tuệ cao của người cầm bút về nội dung, hình thức, cách thức triển khai các sản phẩm, tác phẩm báo chí. Đặc biệt, văn hóa phản biện đòi hỏi sự chuẩn mực thuyết phục trong cách tiếp cận, lắng nghe, sử dụng dữ liệu, ngôn từ, giọng điệu, không chụp mũ, quy kết, soi mói và phủ định sạch trơn, không lồng ghép quan điểm cá nhân mang danh “dư luận” thiếu tính khách quan.

Sức mạnh của phản biện trong hoạt động báo chí làm kết quả tổng hòa của sự dũng cảm về chính trị, tôn trọng sự thực khách quan, nhu cầu phát triển cuộc sống lành mạnh và sự sắc sảo về chuyên môn, nghiệp vụ của người viết bài và được nhân lên khi có sự tham gia của độc giả và các chuyên gia kinh tế, xã hội; thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm chứng, thẩm định nguồn thông tin, và liều lượng cung cấp thông tin, không để tình trạng thông tin thiếu khách quan, sai lệch bản chất, không rõ nguồn gốc, vi phạm các chuẩn mực văn hóa, đạo đức được đăng tải và cân nhắc đến khả năng các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, chống phá ...

Vì vậy, một mặt, cần coi trọng việc xây dựng các chuyên trang, chuyên đề, diễn đàn và các hình thức phản biện xã hội trên các ấn phẩm báo chí. Mặt khác, cần thu hút, xây dựng và duy trì đội ngũ chuyên gia, nhà phản biện chính sách chuyên nghiệp trình độ cao trong các lĩnh vực; đồng thời, hết sức coi trọng xây dựng và bảo vệ đội ngũ những người làm báo đủ phẩm chất chính trị, tư tưởng, năng lực, trình độ chuyên môn, nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, hiểu biết về khoa học và công nghệ; chấn chỉnh những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp; giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí; đồng thời, xử lý nghiêm những vi phạm, lợi dụng báo chí để đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và lợi ích của nhân dân. Tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, nhà báo. Tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh; Khuyến khích đổi mới sáng tạo về nội dung, cách làm truyền thông chính sách một cách chủ động, kịp thời, phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận; đổi mới, nâng tầm và nâng cao chất lượng giải thưởng báo chí các cấp và các loại.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần chủ động chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tới hoạt động báo chí; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về báo chí, bảo đảm quyền tự do báo chí, theo quy định của pháp luật và bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và các lợi ích chính đáng của người làm báo; chủ động hỗ trợ bảo đảm hạ tầng số cho các cơ quan báo chí, tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu ngành, lĩnh vực báo chí; tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, cân đối nguồn lực chung cho hoạt động báo chí, bảo đảm hoạt động của các cơ quan báo chí minh bạch, công khai, hiệu quả, nằm trong tổng thể chung của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Đồng thời, các Bộ, ngành cần chủ động thực hiện nghiêm các quy định về: Phát ngôn và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác cho báo chí; Theo dõi những phản ánh từ báo chí, tăng trách nhiệm giải trình và giải đáp kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của ngành mình, cấp mình; Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tác nghiệp của báo chí; tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn để báo chí tiếp cận thông tin chính xác nhất, kịp thời nhất; Tạo điều kiện và tăng cường bảo vệ các cơ quan tòa soạn và nhà báo trong cuộc đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng; Sự lạm dụng hình sự hóa và ngăn cản hoạt động nghề nghiệp của một số cơ quan chức năng không chỉ vi phạm luật báo chí, mà còn hạn chế năng lực, hiệu quả và nhiệt tình của các cơ quan báo chí.

Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí ngày càng phải chủ động hơn, kịp thời hơn, sát thực tiễn hơn trong chỉ đạo, định hướng thông tin và chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo có văn hóa; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, sai phạm trong hoạt động báo chí; tích cực nghiên cứu có các giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng...

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, tr.109, 165, 172, 173;

2. Nguyễn Văn Dững (Chủ biên): Báo chí giám sát và phản biện xã hội ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2017, tr. 5, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_
hoi/-/2018/823660/tinh-phan-bien-xa-hoi-cua-bao-chi-hiennay.aspx;

3. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/tu-dien-mo/item/1035-phan-bien-xa-hoi-cua-bao-chi-va-phan-bien-xahoi-qua-bao-chi.html;

4. https://tapchitoaan.vn/vai-suy-nghi-ve-chuc-nang-phanbien-xa-hoi-cua-bao-chi7028.html.

(Bài viết được đăng tải trên Tạp chí in Số 3 - Tháng 3/2024)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phản biện xã hội - vai trò & sức mạnh của báo chí trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông online
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO