Truyền thông

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí trong bối cảnh số hóa

TS. Nguyễn Nga Huyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền 10/06/2023 09:13

Bên cạnh chức năng thông tin, dù không mới nhưng báo chí hiện nay được kỳ vọng hơn cả ở chức năng giám sát, phản biện xã hội. Chức năng này không thể hiện chung chung ở cả một nền báo chí, mà được xây dựng, bồi đắp nên bởi từng tác phẩm báo chí, từng nhà báo.

Tóm tắt:
- Bối cảnh số hóa thông tin khiến công chúng không còn phụ thuộc tất cả vào báo chí, mỗi nhà báo cần coi giám sát, phản biện là hoạt động nghề nghiệp cốt lõi;
- Một chính quyền vì nhân dân sẽ luôn dung nạp và tạo cơ chế hoạt động thuận lợi cho một nền báo chí phản biện tích cực, qua đó tự hoàn thiện chính mình;
- Một nền báo chí phản biện vì lợi ích chung của cộng đồng sẽ luôn ủng hộ một chính quyền cùng chung lý tưởng;
- Thực tiễn báo chí Việt Nam đặt ra một số thách thức với việc phát huy vai trò giám sát, phản biện của báo chí:
+ Vấn đề kinh tế báo chí
+ Vấn đề về kỹ năng giám sát, phản biện của nhà báo.

Giám sát, phản biện cần được coi là một trong những phương thức tồn tại căn bản của báo chí, nhất là trong bối cảnh số hóa thông tin khiến nhu cầu thông tin đơn thuần của công chúng đã được đáp ứng dễ dàng, không còn phụ thuộc tất cả vào báo chí như trước. Mỗi nhà báo, hơn ai hết, cần coi giám sát, phản biện là hoạt động nghề nghiệp cốt lõi và chú trọng rèn luyện kiến thức, kỹ năng để thực hiện chức năng này một cách hiệu quả nhất. Bởi thực tế, đây có lẽ là điều công chúng trông đợi nhất ở mỗi nhà báo nói riêng và nền báo chí nói chung.

anh-ttxvn.jpg
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Nguyên tắc giám sát, phản biện xã hội của báo chí

Luôn hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng

Một sứ mệnh bất di bất dịch của mọi nền báo chí, trong mọi thời kỳ, là phải hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng, chứ không phải vì lợi ích nhóm, bè phái. Đây cần được coi là nguyên tắc cơ sở để hình thành việc giám sát và phản biện. Báo chí cần luôn luôn đặt câu hỏi liệu rằng những hoạt động của một cá nhân, tổ chức… có đang đi ngược lại lợi ích cộng đồng hay không? Đồng thời giám sát việc thực thi những cam kết của chính quyền có thực sự coi lợi ích của cộng đồng là mục tiêu cuối cùng hay không.

Cách đây vài năm, báo chí đồng loạt lên tiếng phản biện việc đất quốc phòng, an ninh bị dùng làm sân golf, điển hình là vụ sân golf trong sân bay Tây Sơn Nhất, đặt vấn đề an ninh, quốc phòng của quốc gia vào mối nguy hiểm tiềm ẩn, đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng.

Sau phản ứng của báo chí trong thời gian không ngắn, Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 6 năm 2020. Theo đó, “các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf gồm: đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh…”.

Như vậy, hiệu quả phản biện từ báo chí cộng hưởng với phản ứng của cộng đồng đã có tác động trực tiếp tới các quyết sách từ cấp cao. Chỉ cần tuân thủ nguyên tắc hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng, mỗi nhà báo đều đang thực hiện quyền giám sát, phản biện của mình một cách cơ bản nhất.

Chất vấn triệt để đối với chính quyền để bảo vệ lợi ích của người đóng thuế

Nhìn từ diễn biến giá xăng tăng phi mã hiện nay, có thể thấy, trong ví dụ cụ thể này, báo chí đang thực hiện phản biện triệt để, toàn diện với chính quyền để bảo vệ lợi ích của người dân - người đóng thuế.

Về cơ bản, người dân khó có thể có đủ kiến thức chuyên sâu và mối quan hệ rộng để biết được thông tin các yếu tố cấu thành giá xăng dầu hiện nay là gì, hoặc giá xăng dầu đang chịu các mức thuế, phí cụ thể gì... Trong khi nhà báo hoàn toàn có thể tìm được thông tin này thông qua các chuyên gia về kinh tế, thị trường cũng như kết nối bối cảnh rộng hơn về chính trị, quan hệ quốc tế. Vì vậy, trong trường hợp cụ thể này, vai trò giám sát, phản biện của nhà báo có thể được phát huy dễ dàng hơn vai trò “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên lý thuyết.

Trên thực tế, tại thời điểm này, không ít cơ quan báo chí vẫn đang tiếp tục đưa ra những chất vấn về câu chuyện bình ổn giá xăng dầu, và đặt các cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm vào thế phải tìm câu trả lời và đưa ra giải pháp. Đây chính là biểu hiện cụ thể nhất của sự phản biện: chất vấn, đặt câu hỏi. Nó cũng cho thấy hành trình không dễ dàng của sứ mệnh phản biện, giám sát. Nhưng đây là một sứ mệnh cao cả, bởi nếu nhà báo bỏ lửng giữa chừng thì sẽ không có ai được lợi từ việc phản biện của báo chí, cả người dân, chính quyền và ngay cả chính bản thân nhà báo. Đây là điều mà một nền báo chí phát huy được vai trò giám sát, phản biện mạnh mẽ luôn luôn coi trọng và coi đó là yếu tố thường trực trong hành trình tác nghiệp.

Cân đối nhu cầu thời sự và nhu cầu giám sát lời hứa của chính quyền

Nhu cầu thời sự của mỗi cơ quan báo chí vẫn là yêu cầu hàng đầu để đảm bảo tính mới, tính cập nhật của tin tức. Nhưng bên cạnh đó, mỗi cơ quan báo chí cũng cần phải coi nhu cầu giám sát lời hứa của chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, lãnh đạo cơ quan báo chí cần phân phối hợp lý thời gian và nhân sự để thực hiện việc này, trên cơ sở phù hợp với tôn chỉ mục đích hoạt động của cơ quan báo chí mình.

Các dự án công đang được thực hiện đến đâu, có đạt tiến độ và yêu cầu đề ra trong kế hoạch không… là những nhiệm vụ của giám sát và phản biện của báo chí. Chuyện lát vỉa hè tại thủ đô Hà Nội “đến hẹn lại lên”, chuyện quy hoạch và trồng cây xanh, chuyện ngập lụt, cấp thoát nước... đều là những chủ đề giản đơn nhưng căn bản để báo chí dễ dàng thực hiện việc giám sát lời hứa của chính quyền.

Nói một cách khái quát, để thực hiện được các nguyên tắc này, yếu tố gốc rễ đầu tiên đối với nhà báo là phải luôn thường trực một tư duy phản biện. Thậm chí, ở một số cơ quan báo chí, nó đã được nâng lên thành nguyên tắc tư duy của cả hệ thống, từ phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn cho đến Phó và Tổng biên tập. Thiếu vắng tư duy phản biện, việc thông tin sẽ trở nên hỗn loạn vì mất đi giá trị theo đuổi và xa rời “thiên mệnh” của báo chí.

Những vấn đề đặt ra

Dựa trên việc thực hiện những nguyên tắc giám sát và phản biện trên đây của thực tiễn báo chí Việt Nam, có một số vấn đề đặt ra đối với việc phát huy vai trò giám sát, phản biện của báo chí trong bối cảnh hiện nay như sau:

Kinh tế báo chí

Chỉ trong một thời gian ngắn nữa, các tòa soạn, đài phát thanh, truyền hình sẽ phải hoạt động mà không dựa vào ngân sách Nhà nước hay cơ quan chủ quản. Đây là một lộ trình mà nhiều cơ quan báo chí đã và đang có sự chuẩn bị về tinh thần và nguồn lực.

Lộ trình này cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan báo chí sẽ phải tìm mọi cách tăng nguồn thu cho mình để có thể tồn tại được trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực báo chí nói riêng cũng như cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội ngày càng gia tăng.

Trong các nguồn thu chủ yếu của báo chí Việt Nam hiện nay, nguồn thu từ quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông đang chiếm tỷ trọng chi phối. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra vấn đề về lợi ích vật chất đối với cơ quan báo chí. Lợi ích này hoàn toàn có thể triệt tiêu vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí và khiến báo chí mất đi tính khách quan, chân thật - vốn là kim chỉ nam cho sự tồn tại của báo chí.

Trở lại ví dụ về sân golf. Hiện nay, không thể phủ nhận sự đóng góp về mặt kinh tế của các sân golf. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng việc vận hành sân golf sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Khi một dự án sân golf mới đang nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường, dân sinh, các cơ quan báo chí định vào cuộc. Nhưng chỉ cần doanh nghiệp kinh doanh sân golf đến ký hợp đồng quảng cáo, hỗ trợ truyền thông với cơ quan báo chí, thì nhiều khả năng có những cơ quan báo chí dừng việc phản biện, thậm chí còn có thể chuyển hướng sang khen doanh nghiệp.

Khi phải tự tìm nguồn thu cho mình, các cơ quan báo chí đứng trước áp lực về tài chính rất lớn. Áp lực này không chỉ dồn lên vai người đứng đầu cơ quan báo chí mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến từng nhà báo, phóng viên. Đặc biệt, áp lực này càng thể hiện rõ trong đại dịch COVID-19 hiện nay, khi mọi nguồn thu từ quảng cáo của báo chí đều giảm đáng kể. Do vậy, đây là một trong những vấn đề lớn, có tác động tiêu cực đến vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí và tạo ra nhiều “khoảng trống” trong việc giám sát, phản biện của báo chí.

Kỹ năng giám sát, phản biện của nhà báo

Nhận thức đầy đủ về vai trò giám sát, phản biện của báo chí là một quá trình không dễ dàng. Rèn luyện được kỹ năng giám sát, phản biện thì lại càng là thách thức không nhỏ, đặc biệt với những nhà báo mới vào nghề, bởi kỹ năng này không tự nhiên mà có và nó cần được rèn luyện để trở nên thường trực.

Tuy nhiên, bởi những vấn đề nêu trên mà nhà báo không phải lúc nào cũng có cơ hội thực hành kỹ năng này. Thậm chí, không hiếm cơ quan báo chí, vì mục tiêu kinh tế mà đánh đồng sứ mệnh phản biện, giám sát của báo chí với việc “đánh đấm”, gợi ý doanh nghiệp chi tiền hỗ trợ truyền thông, quảng cáo. Vì vậy, một kỹ năng khó, lại bị lợi dụng cho những mục đích xấu, sẽ dễ biến tướng và càng ngày càng xa rời ý thức của người sử dụng nó - các nhà báo, phóng viên.

Nhưng trong một nền báo chí cách mạng, dù có bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường, bởi những áp lực từ việc tự chủ tài chính, thì sẽ vẫn luôn có những người làm nghề báo chân chính và đáng trân trọng. Chỉ cần một nhà báo, dù mới vào nghề, nhưng có ý thức trong việc học hỏi, rèn giũa, thì tự khắc sẽ tìm được con đường đến với những giá trị đích thực, ở đây chính là kỹ năng giám sát, phản biện.

Nghĩ về giải pháp

Một trong những cách mà báo chí thế giới hiện nay đang thực hiện để tăng nguồn thu và giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo chính là đa dạng hóa các nguồn thu trên cơ sở lấy chất lượng tin tức làm cốt lõi.

Các hình thức thu phí đọc báo trực tuyến ra đời đáp ứng nhu cầu về thông tin chất lượng cao của công chúng. Nhiều cơ quan báo chí cũng tiến hành tổ chức các sự kiện, diễn đàn, tạo ra những dự án tiêu biểu gắn với tên tuổi của mình.

Đồng thời, phát triển tài khoản mạng xã hội của cơ quan báo chí song song với kênh chính, không bỏ sót tiềm năng kinh doanh vô hạn của các nền tảng này trong bối cảnh chuyển đổi số. Báo chí Việt Nam đã từng bước áp dụng các biện pháp này và có những triển vọng nhất định, nhưng vẫn còn sớm để khẳng định là thành công, điển hình như việc thu phí người đọc của một vài tờ báo điện tử trong thời gian qua vẫn chưa chứng minh được tính hiệu quả.

Bên cạnh các chiến lược phát triển mang tầm vĩ mô của mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo, ở góc độ cá nhân, cũng cần nghĩ đến nghề báo với một động lực cao cả và trách nhiệm hơn việc mưu sinh đơn thuần. Theo đó, việc tự học hỏi, trau dồi kiến thức của mỗi nhà báo để có thể vững vàng, chắc chắn khi thực hành kỹ năng giám sát, phản biện là điều không ai làm thay được. Trước mỗi vấn đề cần phản biện, nhà báo cần có thao tác sàng lọc để “bắt mạch” một cách chuẩn xác về những yếu tố cốt lõi như nguyên nhân, mục tiêu, lợi ích đan xen, trên cơ sở đối chiếu với lợi ích chung của cộng đồng, để từ đó đặt đúng vấn đề phản biện.

Có thể nói, suy cho cùng chỉ khi thực sự vững vàng về nguồn thu, về tài chính, báo chí mới có đủ nguồn lực để thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội của mình. Cũng chỉ khi ấy, các nhà báo mới có đủ điều kiện và động lực để rèn luyện kỹ năng phản biện, giám sát xã hội một cách đầy đủ và thực chất nhất. Và dù có nhìn nhận như thế nào, về bản chất, một xã hội văn minh, cầu tiến, sẽ luôn có chỗ cho sự phản biện, giám sát của báo chí, và ngược lại. Đây là điều cần làm rõ từ cấp độ ý thức thì mới có thể dẫn đến những thay đổi trong nhận thức và hành động./

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Dững chủ biên (2015), Báo chí truyền thông: Những vấn đề đương đại, Nxb Chính trị Quốc gia (tr.44-53).

2. Nhật Hạ (22/9/2020), Hiểm họa ô nhiễm môi trường từ sân golf, Tạp chí Kinh tế Môi trường Online, https://kinhtemoitruong.vn/hie...

3. Ngọc Hiển (06/6/2022), Giá xăng đã ‘đội đỉnh’, bao giờ giảm thuế?, Báo Tuổi trẻ Online,https://tuoitre.vn/gia-xang-da...

4. Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ngày 27/4/2020 về việc đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí trong bối cảnh số hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO