Mới đây, trang Telecom Review Asia đã phỏng vấn ông Scott Minehane, Giám đốc điều hành của Windsor Place Consulting Pty Ltd về tầm quan trọng của việc phân chia băng tần 6 GHz để tối đa hóa lợi ích quốc gia ở Châu Á - Thái Bình Dương (TBD) (APAC). Cuộc phỏng vấn diễn ra sau cuộc đối thoại của Tổ chức Viễn thông châu Á - TBD (APT) về chủ đề: “Quản lý phổ tần: Băng tần 6 GHz và các phương pháp tiếp cận tối ưu ở Châu Á - TBD”.
Scott Minehane là một nhà tư vấn chiến lược và quản lý quốc tế, thường xuyên tham gia các hoạt động tư vấn cho các chính phủ, các công ty hàng đầu và các tổ chức quốc tế bao gồm Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và GSMA. Trong bài phỏng vấn, ông Scott Minehane đã đi sâu vào các điểm chính bao gồm thách thức và cách tiếp cận tùy chỉnh để sử dụng băng tần 6 GHz tại Châu Á - TBD.
Phổ tần số trong băng tần trung là một thành phần quan trọng giúp giải quyết sự phụ thuộc kết nối ngày càng tăng vào các băng tần di động và cũng là động cơ thiết yếu để kích thích nền kinh tế số phát triển. Một tần số trong băng tần trung tối ưu đáp ứng trải nghiệm và phủ sóng diện rộng liền mạch, băng tần 6 GHz cần được ưu tiên, sử dụng và quản lý để mang lại đầy đủ các giá trị kinh tế - xã hội cho các quốc gia.
Xu hướng sử dụng băng tần 6GHz ở các nước châu Á - TBD
Trước thềm Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới (WRC) 23, các cơ quan quản lý tần số trên toàn thế giới đang phân tích và liên tục tranh luận, tập trung chú ý đến băng tần 6 GHz (5925 - 7125 MHz) và các cách tiếp cận tối ưu để phân chia băng tần này nhằm đạt được lợi ích tối đa của nó.
Cung cấp thông tin chi tiết về những gì các cơ quan quản lý đang thực hiện trong khu vực châu Á - TBD, ông Minehane lưu ý ba cách tiếp cận để phân chia băng tần 6 GHz - phân chia tất cả băng tần 6 GHz cho Wi-Fi hoặc hệ thống thông tin di động IMT và phân chia băng tần 6 GHz cho cả Wi-Fi và IMT. Ví dụ, Trung Quốc đã phân chia toàn bộ băng tần 6 GHz cho các dịch vụ IMT. Ngược lại, Hàn Quốc đã phân chia toàn bộ băng tần cho Wi-Fi.
Trong những tháng gần đây, các quốc gia bao gồm Malaysia, Thái Lan và Úc cũng đã công bố các quyết định 6 GHz để phân chi 500 MHz cho Wi-Fi, trong khi dành 700 MHz để đến WRC-23 xem xét.
“Các quốc gia như Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Việt Nam và New Zealand hiện đang đánh giá cách tiếp cận, tham vấn các trường hợp ở Nhật Bản và Hồng Kông. Trong khi đó, Ấn Độ, Pakistan, Philippines và Campuchia vẫn đang trong giai đoạn đầu xem xét các phương án khả dụng”, ông Minehane cho biết.
Tuy nhiên, phù hợp với các khuyến nghị của GSMA, Minehane đã đề xuất sớm tiến hành phân chia 6 GHz giữa Wi-Fi (5925 - 6425 MHz) và IMT (6425 - 7125 MHz), đặc biệt là ở Châu Á - TBD.
Ví dụ, so với Mỹ, nơi phổ băng tần C (bao gồm 3,45 - 3,55 GHz và 3,7 - 4,0 GHz) đã được phân chia cho các mục đích IMT (và Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đang nghiên cứu cứu các đoạn phổ băng tần khác nữa bao gồm 3,1 - 3,45 GHz), ông Minehane cho rằng các quốc gia Châu Á - TBD thiếu băng tần 3,5 GHz phù hợp cho các dịch vụ IMT để hỗ trợ các dịch vụ 5G chất lượng và các dịch vụ 6G trong tương lai.
Tuy nhiên, thiết bị 6 GHz với ăng-ten MIMO massive đã được đánh giá trong các nghiên cứu thực địa thay thế tốt cho băng tần 3,5 GHz vì nó mang lại hiệu suất tương tự.
Ông Minehane cho biết: “Bổ sung thêm phổ tần trong băng tần trung mang lại nhiều lợi ích hấp dẫn cho các nước châu Á - TBD, do sự thiếu hụt phổ tần dải tần C và dải tần thấp ở đây. Việc phân bổ theo dải đảm bảo không phải tất cả trứng đều nằm trong một giỏ”.
Về giải quyết thu hẹp khoảng cách số trong khu vực, Minehane cảnh báo rằng việc phân chia thêm phổ tần 6 GHz cho Wi-Fi sẽ không cải thiện tốc độ dữ liệu vì chúng sẽ bị giới hạn ở tốc độ băng thông rộng cố định. Thay vào đó, phân chia băng tần 6 GHz cho phép phổ băng tần thấp như 700 MHz phục vụ các khu vực nông thôn, trong khi các dịch vụ IMT sử dụng các băng tần 2,6 GHz, 3,5 GHz và 6GHz có thể được sử dụng để tăng cường kết nối ở các thành phố đô thị lớn như Manila, Hà Nội, Bangkok và Jakarta.
Cũng để thu hẹp khoảng cách số, Minehane đề cập, “Việc tạo ra nhiều phổ tần hơn đảm bảo rằng giá mỗi MHz/Pop là hợp lý, do đó đảm bảo khả năng chi trả của các dịch vụ để giải quyết khoảng cách nông thôn - thành thị”.
Cho biết về lợi ích kinh tế thu được từ băng tần 6GHz, Minehane lưu ý rằng ngay cả các nghiên cứu kinh tế ở các thị trường như Vương quốc Anh cho thấy hầu hết các lợi ích kinh tế thu được từ việc phân bổ thêm 500 MHz cho các dịch vụ Wi-Fi ở băng tần 6 GHz.
Việc phân bổ thêm 700 MHz trong băng tần 6 GHz cho Wi-Fi (đến 1.200 MHz) chỉ mang lại lợi ích kinh tế biên. Để so sánh, việc phân bổ thêm 700 MHz cho IMT tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn đáng kể. Chỉ bằng cách chia nhỏ băng tần 6 GHz, các quốc gia Châu Á - TBD mới có thể đảm bảo đầy đủ các lợi ích kinh tế xã hội liên quan đến việc phân bổ phổ tần bổ sung cho cả dịch vụ Wi-Fi và IMT.
Phục vụ cho Wi-Fi và tăng trưởng trong các dịch vụ IMT
Theo GSMA, tính đến cuối tháng 1/2022, đã có 489 nhà khai thác tại 146 quốc gia và/ hoặc vùng lãnh thổ đầu tư vào mạng 5G. GSMA cũng dự báo rằng thuê bao 5G sẽ đạt 4,4 tỷ vào năm 2027. Để mạng 5G khai thác hết khả năng trong thập kỷ tiếp theo, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các quốc gia yêu cầu 2 GHz trong băng tần trung để đáp ứng tốc độ dữ liệu trải nghiệm của người dùng IMT là 100 Mbit/s tải xuống (downlink) và 50 Mbit/s tải lên (uplink) để đảm bảo chất lượng, phạm vi phủ sóng toàn thành phố từ năm 2025 - 2030.
Mức độ tiêu thụ dữ liệu đã tăng khoảng ⅓ từ năm 2019 đến năm 2020. Cùng với sự gia tăng mức tiêu thụ dữ liệu, người tiêu dùng cũng yêu cầu tốc độ dữ liệu không dây nhanh hơn và an toàn hơn Wi-Fi công cộng.
Minehane nói thêm: “Hơn nữa, chúng ta có xu hướng dự báo lượng phổ tần thấp hơn chúng ta cần. Việc cấp thêm phổ tần trong băng tần trung IMT cho phép tái phân bổ phổ tần để phục vụ cho thử nghiệm 5G tương lai, cho mạng 5G advanced vào năm 2025 và mạng 6G dự kiến vào năm 2030".
Tăng trưởng truy cập không dây cố định mạnh mẽ trong khu vực và việc các mạng 2G/3G cũ ngừng hoạt động cũng góp phần làm tăng nhu cầu phổ tần IMT trong khu vực.
Trích dẫn một trường hợp điển hình khác về việc phân bổ băng tần 6GHz trên cho IMT, Minehane chia sẻ rằng Hội nghị toàn thể 3GPP RAN đã triển khai công việc tiêu chuẩn hóa băng tần trên 6GHz (6425 - 7125 MHz) như một băng tần IMT mới vào đầu năm nay.
“Đây được xem là bước nhảy vọt cho sự phát triển của hệ sinh thái IMT 6GHz. Điều đó nghĩa là các sản phẩm sử dụng Wi-Fi 6E/7 và IMT ở dải tần 6GHz sẽ được tung ra gần như đồng thời vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023”.
Với việc số hóa được tăng tốc, các quốc gia đang có nhiều động lực để xây dựng kế hoạch phân bổ phổ tần nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Các cơ quan quản lý cũng đứng trước thử thách nghiên cứu và đảm bảo các lựa chọn của họ luôn “mở” đối với các kết nối trong tương lai, đồng thời thực hiện việc lập kế hoạch và thực thi phổ tần dài hạn.
Kết luận, ông Minehane nhấn mạnh “các cơ quan quản lý có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ việc phân bổ băng tần 6GHz cho IMT được cấp phép và không cấp phép, đồng thời chỉ đạo các hoạt động hợp tác giữa các bên liên quan trong ngành và các nhà cung cấp để đạt được tác động tối đa đến cộng đồng và nền kinh tế”./.