Người nghèo hồ hởi đón nhận
Với nhiều người nghèo thì nguồn tiền hỗ trợ dù ít, nhưng với họ nó như là "phao cứu sinh" qua cơn hoạn nạn. Gia đình chị Nguyễn Thị Mai là một trong 7 hộ nghèo tại thôn An Thái (Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội). Dịch Covid -19 kéo đến khiến gia đình chị đã khó khăn, nay còn khó khăn hơn. Cũng như nhiều người khác, chị không tìm được công việc làm thêm. Một nách hai con thơ, con đầu phải ngồi xe lăn, chồng mất sớm khiến chị một mình không biết lấy gì xoay sở nuôi các con.
"Những ngày khó khăn này, tôi chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của người thân, người cho mớ rau, người cho cân cá khô ăn qua ngày. 2 sào ruộng thu được vài tạ gạo ăn cũng dần hết. Nghe nói, Nhà nước sắp có hỗ trợ người nghèo. Nếu có mẹ con tôi rất cảm kích. Chỉ mong sớm được nhận tiền hỗ trợ để tôi có tiền mua chút đồ ăn cho các cháu" - chị Mai chia sẻ.
Tại một vùng đất xa xôi của tỉnh Thanh Hóa, hàng trăm người nghèo cũng đang rất mong ngóng để nhận được nguồn hỗ trợ. Chị Lương Thị Thái (36 tuổi, dân tộc Thái) ở thôn Pạt (Bá Thước, Thanh Hóa) thuộc gia đình cận nghèo. Chồng đi làm ăn xa, chị ở nhà chăn bò, làm 1 sào đất nương và nuôi hai đứa con nhỏ. Nhưng từ 2 tháng nay chồng chị mất việc, không có thu nhập, khoản tiền lương tích cóp trước đó được 2 - 3 triệu đồng nay cũng đã hết. Giờ nghe nói Chính phủ sắp có hỗ trợ cho người nghèo, gia đình chị đang rất trông chờ.
Gia đình chị Lương Thị Thái (Tân Kỳ, Bà Thước, Thanh Hóa) đang rất trông chờ vào sự hỗ trợ từ gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ. (Ảnh: Minh Anh)
Người nghèo, cận nghèo được hưởng 250 nghìn đồng/người/tháng
Theo Nghị quyết số 42 về gói hỗ trợ về An sinh xã hội thì các nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ được nhận hỗ trợ 250 nghìn đồng/người/tháng. Mỗi người sẽ được nhận hỗ trợ trong vòng 3 tháng, kể từ tháng 4 đến hết tháng 6/2020. Số tiền hỗ trợ này sẽ được thanh toán một lần. Một gia đình hộ nghèo sẽ được hỗ trợ căn cứ vào số khẩu (số người) của gia đình đó.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), việc thống kê rà soát đối tượng hộ nghèo, cận nghèo hầu như không có gì khó khăn bởi hiện nay danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được các địa phương công bố từ cuối năm 2019 (31/12/2019). Do vậy, với nhóm đối tượng này, các địa phương đã có danh sách và có thể được nhận hỗ trợ sớm hơn.
Tuy vậy, trên thực tế vẫn có sự giao thoa giữa các nhóm đối tượng. Ví dụ, một người thuộc hộ nghèo, nhưng đồng thời cũng thuộc đối tượng lao động tự do, mất việc. Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, Nghị quyết số 42 quy định, những người cùng lúc thuộc 2 - 3 đối tượng có sự trùng lặp thì chỉ được hưởng một chế độ cao nhất.
Mặc dù quy định cụ thể như vậy, nhưng thực tế tại các địa phương việc rà soát, xác định, phân chia và thống kê các nhóm đối tượng là không hề đơn giản.
Ông Nguyễn Đình Dục - Phó trưởng Phòng LĐTBXH huyện Hoằng Hóa cho biết, toàn huyện đang gấp rút rà soát đối tượng theo tinh thần nhanh nhất có thể để triển khai gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng. Ngay trong tháng 4 này, các nhóm đối tượng bảo trợ, hộ nghèo, cận nghèo; người có công, người có hợp đồng lao động tạm ngưng việc có thể nhận được hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH.
"Riêng đối tượng là lao động tự do thì sẽ phải mất thêm thời gian để rà soát. Tuy nhiên, với những người thuộc cả hai đối tượng vừa thuộc hộ nghèo, lại vừa làm công việc tự do, bị mất việc làm thì theo Nghị quyết sẽ chỉ được nhận một chế độ hỗ trợ cao nhất" - ông Dục nói.
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, hết năm 2019 cả nước có 1,3 triệu hộ nghèo và 1,23 triệu hộ cận nghèo. Tổng số khẩu (số người) thuộc 2 đối tượng này vào khoảng 10 triệu người.