Phát huy giá trị tài liệu trong thời đại 4.0
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc chia sẻ kí ức dưới nhiều hình thức đã trở thành một xu hướng cũng như nhu cầu tất yếu của xã hội.
Bởi vậy, cần có các chính sách khuyến khích chia sẻ ký ức, tư liệu, phát huy hiệu quả tài liệu lưu trữ phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội, góp phần giáo dục tình yêu di sản cho thế hệ trẻ và giúp mọi người hiểu hơn về lịch sử.
Chia sẻ tại tọa đàm “Chia sẻ ký ức - Phát huy di sản” nhằm đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động phát huy giá trị di sản và nâng cao nhận thức của cộng đồng, phát động các phong trào hiến tặng, chia sẻ tài liệu nói chung trong xã hội được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức ngày 24/2, tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng nhận định: Thời đại công nghệ 4.0, nhưng gốc của nó vẫn là sự chia sẻ.
"Chúng ta chỉ có thông tin khi mọi người chia sẻ. Khi tất cả cùng chia sẻ sẽ tích hợp thành khối thông tin, tri thức, văn hóa, mà mọi người đều có thể tiếp cận dễ dàng...", Cục trưởng Đặng Thanh Tùng nhận định.
Theo Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Trần Thị Mai Hương, phát huy giá trị tài liệu là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, Trung tâm đã đưa di sản tài liệu lưu trữ đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Trung tâm đã chủ động chia sẻ thông tin tài liệu lưu trữ thông qua các bài viết, ấn phẩm, triển lãm. Đồng thời, Trung tâm cũng nhận được sự hưởng ứng đóng góp tư liệu của nhiều cá nhân để các hoạt động phát huy giá trị di sản ngày càng hiệu quả.
Hiện nay, bên cạnh khối tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các Lưu trữ quốc gia còn rất nhiều tài liệu, tư liệu đang nằm rải rác trong các bộ sưu tập của cá nhân, tổ chức cũng như trong chuyện kể của các nhân chứng lịch sử. Các tài liệu, tư liệu này có mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau giúp phác họa bức tranh đời sống xã hội một cách toàn diện nhất trong lịch sử.
Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc cho rằng, người làm sử luôn quan niệm lịch sử thực chất là sự nối dài ký ức của cộng đồng từ đời này qua đời khác. Con người suy nghĩ gì về quá khứ và muốn để lại gì cho tương lai? Đây là vấn đề của thời đại, khi con người được coi là trung tâm, trí tuệ là động lực của sự phát triển. Ký ức của mỗi người là một phần ký ức chung của xã hội. Và chia sẻ ký ức là cách thức tốt nhất phát huy di sản chung ấy.
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng cần có các chính sách khuyến khích chia sẻ ký ức, tư liệu, phát huy hiệu quả tài liệu lưu trữ phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội, góp phần giáo dục tình yêu di sản cho thế hệ trẻ và giúp mọi người hiểu hơn về lịch sử.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc chia sẻ kí ức dưới nhiều hình thức đã trở thành một xu hướng cũng như nhu cầu tất yếu của xã hội. Các cá nhân và tổ chức đã chủ động chia sẻ thông tin phục vụ cho đông đảo công chúng. Do đó, chia sẻ sẽ tạo cơ hội cho di sản hội tụ và phát huy giá trị tốt nhất./.