Truyền thông

Phát huy “quyền lực mềm” trong công tác ngoại giao

Minh Đức 07/12/2024 10:52

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu rộng, văn hóa được nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ đắc lực của “quyền lực mềm”. Tại Việt Nam cũng không ngoại lệ, ngoại giao văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.

picture5(1).png
Nguồn: Internet

Vai trò của ngoại giao văn hóa

Hầu hết các nước, không chỉ các nước phát triển, mà cả các nước mới nổi đều có chính sách truyền bá văn hóa ra nước ngoài, qua đó thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại.

Qua ngoại giao văn hóa, các quốc gia, nhất là các nước lớn, mở rộng ảnh hưởng của mình đối với thế giới. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... là những quốc gia luôn tích cực triển khai mở rộng các “giá trị” và ảnh hưởng của mình thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa.

Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, ngoại giao văn hóa phát huy vai trò như một phương thức nhằm lan tỏa giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế, tiếng nói của đất nước trên trường quốc tế; đồng thời, tạo thêm nhiều động lực, dư địa cho sự phát triển.

Trên lĩnh vực kinh tế, ngoại giao văn hóa còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo “sức hút”, thu hút nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, trong quá trình trao đổi, tương tác văn hóa, các quốc gia sẽ có sự trao đổi, giao thoa, lĩnh hội về văn hóa, bồi đắp thêm cho kho tàng văn hóa của mỗi nước; đồng thời, tiếp biến, gìn giữ, phát huy và điều chỉnh các giá trị văn hóa riêng của quốc gia phù hợp với dòng chảy chung của thế giới, thời đại.

Gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, đặc biệt là giai đoạn từ 1998 đến nay, hoạt động văn hóa đối ngoại đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, thể hiện sự lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng.

Cùng với việc mở rộng quan hệ đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, hàng loạt hoạt động văn hóa đối ngoại với quy mô khác nhau đã được tổ chức ở khắp các châu lục. Nhiều Ngày/Tuần/Tháng văn hóa Việt Nam, lễ hội Văn hóa - Du lịch, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tuần phim, triển lãm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, hội thảo, xúc tiến, quảng bá du lịch... đã được tổ chức ở nhiều khu vực, nhiều nước trên thế giới.

Hoạt động văn hóa đối ngoại được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đối ngoại nhân dân, các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài tổ chức gây được tiếng vang, để lại những dấu ấn tích cực trong lòng bè bạn quốc tế.

Cùng với các hoạt động được tổ chức ở nước ngoài, Bộ VHTT&DL và các Bộ, ngành, địa phương, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam phối hợp tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa quốc tế tại Việt Nam, từng bước tạo ra một diện mạo văn hóa đương đại đa dạng. Việt Nam đã từng bước tiếp nhận những giá trị văn hóa và phương thức thể hiện hiện đại của thế giới, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa dân tộc.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của hầu hết các định chế, diễn đàn đa phương then chốt trên mọi tầng nấc tại các diễn đàn, tổ chức khu vực, liên khu vực và quốc tế về văn hóa, như: Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ La-tinh (FEALAC), Tổ chức Pháp ngữ, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) về văn hóa...

Tại khu vực, qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực trong hợp tác, xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và hợp tác văn hóa ASEAN, góp phần tăng cường hiểu biết của người dân Việt Nam về ASEAN; đồng thời, quảng bá hình ảnh của Việt Nam tới các nước trong và ngoài khu vực, xây dựng bản sắc chung của ASEAN.

Đẩy mạnh triển khai chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam

Những thành tựu của công cuộc đổi mới đã và đang tạo ra những thế và lực mới. Vị thế Việt Nam ngày càng được củng cố và khẳng định trên trường quốc tế. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ ngày càng được mở rộng.

Chính bởi vậy, Việt Nam đặt mục tiêu chung trong Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa để quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Ba mục tiêu cụ thể được đặt ra trong Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là:

Quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc ra thế giới, làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, tạo dựng lòng tin và sự yêu mến đối với Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp và đồng bộ, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra các thị trường nước ngoài, góp phần đưa thương hiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới, quảng bá văn hóa quốc gia.

Để thực hiện các mục tiêu trên, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới đó là:

Hoàn thiện các chính sách nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân, toàn hệ thống chính trị về công tác văn hóa đối ngoại; Xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính, tài trợ cho công tác giao lưu, hợp tác về văn hóa nghệ thuật; Xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam; Từng bước hình thành thị trường quốc tế cho các loại hình văn hóa, nghệ thuật Việt Nam; Tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực văn hóa, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Xây dựng sản phẩm văn hóa đối ngoại; Sản xuất những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, chất lượng cao tham gia các liên hoan phim quốc tế quan trọng; Xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, chất lượng cao, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức trong nước, vừa giới thiệu hiệu quả nghệ thuật Việt Nam ra quốc tế.

Quảng bá, truyền thông với việc xây dựng các danh hiệu Đại sứ văn hóa, Đại sứ Du lịch của Việt Nam tại các địa bàn trên thế giới; Tăng cường về phạm vi, mức độ, quy mô và chất lượng các hoạt động quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tới cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài từ những sự kiện đã và đang thực hiện như Ngày Văn hóa Việt Nam, Tuần Văn hóa Việt Nam, Lễ hội Văn hóa - Du lịch... với các chương trình đa dạng và có trọng điểm; Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn của thế giới như EXPO, các triển lãm mỹ thuật thế giới, Liên hoan phim quốc tế…

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác văn hóa đối ngoại; Nâng cao trình độ ngoại ngữ và kiến thức về văn hóa và văn hóa đối ngoại cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ Tham tán Văn hóa, Tùy viên văn hóa tại nước ngoài; Tranh thủ các hoạt động hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động văn hóa đối ngoại.

Gắn kết các hoạt động văn hóa đối ngoại với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài; Quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng lưu học sinh được tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hóa lành mạnh từ trong nước, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam trong gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng người Việt Nam xa Tổ quốc./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát huy “quyền lực mềm” trong công tác ngoại giao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO