Đây là hội nghị khoa học được tổ chức hàng năm. Năm nay, Hội nghị có sự tham gia của 200 đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành TW, các hội, hiệp hội trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực điện tử, truyền thông và CNTT.
Tại các phiên kỹ thuật, các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các diễn giả trình bày các báo cáo khoa học, các công trình nghiên cứu, thảo luận về thực trạng, các định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực về điện tử, truyền thông và CNTT.
Có 66 báo cáo, công trình nghiên cứu được gửi đến Hội nghị, trong đó 54 báo cáo đã được chấp nhận và 22 báo cáo được trình bày trong 4 tiểu ban là: tiểu ban Truyền thông và Vô tuyến; tiểu ban Kỹ thuật điện tử; tiểu ban CNTT và mạng; tiểu ban xử lý tín hiệu cùng với 32 báo cáo được trình bày poster.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm cho biết: Tại Báo cáo trình bày trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng đã chỉ rõ các ưu tiên trọng tâm của ngành ICT, đó là: “Phát triển hạ tầng số trên nền tảng CNTTđồng bộ, hiện đại. Đồng hành cùng thế giới đưa mạng 5G vào hoạt động với thiết bị sản xuất trong nước; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến đến làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi sang nền kinh tế số.”
Cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT đang đẩy mạnh các chính sách mới, phương thức thực thi mới để phát triển ngành ICT, đáp ứng yêu cầu của đất nước.
Để hỗ trợ việc xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách này, Thứ trưởng cho biết chúng ta cần có nhiều hơn nữa kết quả về:
- Nghiên cứu, phát triển các công nghệ phục vụ việc triển khai cung cấp dịch vụ 5G thương mại ở Việt Nam. Nghiên cứu, phát triển sản xuất thiết bị đầu cuối 5G, thiết bị mạng 5G.
- Nghiên cứu học thuật về các công nghệ hạ tầng ICT băng rộng, các công nghệ nền tảng của cách mạng công nghệ 4.0 (trí tuệ nhân tạo, IoT, dữ liệu lớn... )
- Nghiên cứu quy hoạch tần số cho mạng thông tin di động thế hệ mới; cho các sản phẩm, giải pháp IoT.
Thứ trưởng mong muốn: “Với cách làm đổi mới và sáng tạo của Hội, vai trò đó ngày càng được phát huy và nâng cao. Đặc biệt, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam cần định hướng để các Hội nghị tổ chức có tỷ lệ báo cáo nghiên cứu phát triển R&D cao hơn, sát với định hướng của Chính phủ, yêu cầu của doanh nghiệp, của sản xuất kinh doanh hơn, phát huy tinh thần “Make in Viet Nam”.
Trước các bước tiến mạnh mẽ của CMCN 4.0 đang mang lại những lợi ích lớn nhưng kèm với đó là các bài toán được đặt ra đối với các nhà quản lý cũng như các phát triển mạng 5G tại Việt Nam, Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Trần Đức Lai nhấn mạnh: “Diễn đàn là cơ hội để lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và các nhà phát triển trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp, cũng như kiến nghị, đề xuất chính sách lên Đảng, Nhà nước đối với định hướng phát triển mạng 5G tại nước ta”.
Cơ hội quy hoạch băng tần 5G cho Việt Nam
Để triển khai 5G tại Việt Nam, tần số cho 5G rất được quan tâm. Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ), Bộ TTTT đã thông tin về việc quy hoạch và chuẩn bị tần số VTĐ cho 5G trên thế giới và Việt Nam, đặc biệt những kết quả Hội nghị Vô tuyến thế giới WRC-19 tại Ai Cập vừa qua liên quan đến tần số cho 5G.
Kết quả, WRC-19 đã quyết định mở rộng phân bổ cho IMT trên băng tần 4800-4990 MHz từ 03 lên thành 40 quốc gia, trong số đó đặc biệt có Việt Nam và 10 quốc gia khác được hưởng cơ chế miễn trừ yêu cầu áp dụng mức mật độ thông lượng công suất (pdf).
“Đây là một kết quả ấn tượng của đoàn Việt Nam tại WRC-19 đồng thời đem đến cơ hội thúc đẩy triển khai IMT trên băng tần 4800 - 4990 MHz được đánh giá khá tiềm năng cho phát triển 5G”.
Hiện nay, có doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thiết bị 5G nên có thể quy hoạch băng tần cao hơn cho 5G ở Việt Nam, ông Tuấn cho biết thêm.
Ông Alex Orange, Giám đốc cao cấp về chính phủ của Qualcomm khu vực Đông Nam Á, Đài Loan và Thái Bình Dương cho biết: 5G sẽ mở rộng hệ sinh thái di động cho các ngành mới, đáp ứng nền kinh tế số hơn 12.000 tỷ USD về hàng hoá và dịch vụ vào năm 2035. Trong 6 tháng qua, đã có hơn 30 nước đã công bố 5G, nhanh hơn công bố 4G.
Những kết quả triển khai thử nghiệm 5G của VNPT, Viettel
Tại Hội nghị, đại diện của VNPT, Viettel đã thông báo những công việc chuẩn bị triển khai dịch vụ 5G.
Theo ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng Ban Công nghệ VNPT, VNPT quy hoạch phát triển mạng 5G đến năm 2025 theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu (2020 - 2021): tập trung cho triển khai ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm, các tỉnh còn lại triển khai mang tính thương hiệu, theo mô hình ốc đảo triển khai theo nhu cầu dịch vụ 5G.
Giai đoạn 2 (2022 - 2023): Tổng số trạm dự kiến triển khai là 13.759 trạm 5G, triển khai trên toàn quốc.
Giai đoạn 3 (2024 - 2025): Triển khai rộng khắp, dự kiến tổng số trạm là 28.660 trạm 5G, phủ sóng diện tích 90,02% và dân số đạt 95,65%.
Một số dịch vụ 5G được VNPT định hướng gồm: 5G Mobile, cung cấp dịch vụ data như 4G nhưng tốc độ cao hơn, cung cấp các gói dịch vụ truyền hình, video 4K/8K; Vô tuyến cố định (FWA) cho doanh nghiệp, hộ gia đình tại những nơi không có cáp quang truy nhập; Thực tế ảo/thực tại ảo; cung cấp đường truyền 5G phục vụ truyền hình, phát sóng trực tiếp…
Trong khi đó, ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Viettelnet đã thông tin về bước đầu triển khai mạng 5G của Viettel.
Viettel đang chủ trì triển khai hạ tầng mạng lưới 5G hiện đại cho đường đua xe F1, sự kiện thể thao quốc tế lớn do Việt Nam đăng cai diễn ra vào tháng 4/2020. Hiện Viettel đã phủ sóng kín đường đua và sẽ cung cấp các dịch vụ 5G mới nhất như AR/VR... Việc này cũng chính thức đánh dấu việc khai trương dịch vụ 5G cho khách hàng, người xem tại Việt Nam. Công việc đang được Viettel triển khai tích cực theo từng mốc thời gian.
Về triển khai thử nghiệm 5G của Viettel, ông Tân cho biết, tháng 11 vừa qua, Viettel đã phủ sóng cụm trạm 5G tại Tp. HCM, tháng 12 hoàn thiện thử nghiệm, đo kiểm 5G tại Hà Nội.
Trong khi đó, ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Viettelnet đã thông tin về bước đầu triển khai mạng 5G của Viettel.
Viettel đang chủ trì triển khai hạ tầng mạng lưới 5G hiện đại cho đường đua xe F1, sự kiện thể thao quốc tế lớn do Việt Nam đăng cai diễn ra vào tháng 4/2020. Hiện Viettel đã phủ sóng kín đường đua và sẽ cung cấp các dịch vụ 5G mới nhất như AR/VR... Việc này cũng chính thức đánh dấu việc khai trương dịch vụ 5G cho khách hàng, người xem tại Việt Nam. Công việc đang được Viettel triển khai tích cực theo từng mốc thời gian.
Về triển khai thử nghiệm 5G của Viettel, ông Tân cho biết, tháng 11 vừa qua, Viettel đã phủ sóng cụm trạm 5G tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 12 hoàn thiện thử nghiệm, đo kiểm 5G tại Hà Nội.