Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội". Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhiều đề xuất, kiến nghị đã được các đại biểu đưa ra trong 3 nhóm chủ đề, bao gồm Phụ nữ với phát triển kinh tế; Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; Phụ nữ và thế hệ tương lai. Những kiến nghị đã được lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương giải đáp tại Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh đến việc ngoài các quy định chung, khi xây dựng các cơ chế, chính sách cần tính tới các quy định riêng phù hợp với phụ nữ. Bởi vì, chủ trương bình đẳng giới của Đảng, Nhà nước luôn được nhấn mạnh và mang lại hiệu quả quan trọng. An sinh xã hội và bình đẳng giới là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Quan điểm của Đảng, Nhà nước luôn nhất quán về việc bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ, để tất cả mọi người đều có cơ hội, trách nhiệm, tham gia và thụ hưởng trong mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến văn hóa và xã hội. Nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ đã được ban hành.
Vai trò, vị trí của phụ nữ đã được nâng cao nhờ các chính sách về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ. Các chính sách cũng góp phần tạo môi trường để phụ nữ khẳng định mình. Công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong nhiều năm qua đã có những chuyển biến tích cực. Những đóng góp của phụ nữ cho gia đình, cộng đồng và xã hội ngày càng lớn và được coi trọng.
Người phụ nữ với thiên chức của mình, vừa là người mẹ, người vợ, người bà trong gia đình, nên có những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả hơn trong việc tham gia nghiên cứu khoa học. Do đó, theo Thủ tướng, để phát huy vai trò của người phụ nữ trong phát triển khoa học và công nghệ, ngoài những chính sách chung, chúng ta phải suy nghĩ thêm các chính sách riêng.
Để khuyến khích phụ nữ tham gia công tác nghiên cứu khoa học, các cơ quan chức năng, các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi, hoàn thiện và đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, đi kèm các tiêu chí cụ thể, đặc thù với phụ nữ.
Cũng để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển sự nghiệp và đóng góp vào nền kinh tế, xã hội, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng nghiên cứu để phụ nữ tiếp cận nguồn vốn, để phụ nữ cũng như người dân nói chung không phải vay tín dụng đen, đồng thời giúp sử dụng vốn hiệu quả để trả lại cho ngân hàng.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, địa phương bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định của pháp luật. Những khoảng trống, vướng mắc trong pháp lý cần được xử lý nhanh chóng, kịp thời.
Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 vừa qua cho thấy có nhiều mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, những mô hình này ngày càng được nhân rộng ở các địa phương, giúp xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Việt Nam đã trải qua gần một thế kỷ vật lộn với chiến tranh để giành lại độc lập, chủ quyền. Cho đến nay, Việt Nam là đất nước đang phát triển và đã đạt được những thành tựu quan trọng sau hơn 35 năm đổi mới. Theo Thủ tướng, những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đạt được đã đưa lại cho đất nước cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Quy mô kinh tế Việt Nam đã tăng lên khoảng 400 tỷ USD trong năm nay, đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.000 USD. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như thời gian vừa qua, Việt Nam vẫn đang giữ vững ổn định kinh tế, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, bảo đảm các cân đối lớn. Đó là nền tảng để Việt Nam tiếp tục vươn lên, phát triển.
Trong nỗ lực thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, phụ nữ là thành tố quan trọng. Để phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần nâng cao hơn nữa nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội./.