Chuyển đổi số

Học AI chủ động: Giải pháp cho bài toán nhân lực trong kỷ nguyên số

Anh Minh 25/04/2025 16:50

AI đang trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Dữ liệu Quốc tế (IDC) hợp tác với Microsoft vào cuối năm 2024 cho thấy, 92% doanh nghiệp (DN) sử dụng AI để tăng năng suất lao động, và 43% trong số đó cho biết các ứng dụng AI mang lại lợi tức đầu tư (ROI) cao nhất trong các lĩnh vực như tự động hóa công việc, tạo nội dung và hỗ trợ ra quyết định. Mỗi 1 USD đầu tư vào AI được kỳ vọng sẽ tạo ra 4,60 USD giá trị kinh tế.

ai-1.jpg
92% doanh nghiệp trên thế giới đang sử dụng AI để tăng năng suất lao động

Tại Việt Nam, dữ liệu trên Statista cho thấy, thị trường AI dự kiến đạt 999 triệu USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 27,85% trong giai đoạn 2025 - 2030.

Sự phát triển vượt bậc này không chỉ thể hiện tiềm năng to lớn của AI mà còn đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp để đáp ứng thị trường.

AI đang định hình lại thị trường lao động toàn cầu

AI đang có xu hướng định hình lại thị trường lao động toàn cầu, tạo ra những thay đổi sâu rộng trong cơ cấu việc làm, yêu cầu kỹ năng và chiến lược đào tạo nhân sự. AI có thể tự động hóa nhiều công việc lặp đi lặp lại, đồng thời tạo ra nhu cầu mới cho các kỹ năng liên quan đến công nghệ và tư duy phản biện.

Tại Việt Nam, AI hiện đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong ngành sản xuất, AI hỗ trợ tự động hóa dây chuyền, cải thiện hiệu suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ở lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ AI cho phép canh tác chính xác, tối ưu hóa năng suất cây trồng và giảm thiểu lãng phí tài nguyên.

Ngành tài chính tận dụng AI để phát hiện gian lận, đánh giá rủi ro và cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa cho khách hàng. Trong y tế, AI đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán bệnh, phát triển ngành dược, quản lý chăm sóc bệnh nhân,... Đặc biệt, trong marketing, AI đang thay đổi cách thức DN tiếp cận người tiêu dùng thông qua các công cụ phân tích dữ liệu, dự đoán xu hướng thị trường, tối ưu hóa quảng cáo và nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng chatbot hay trợ lý ảo.

Báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, các xu hướng về AI và công nghệ xử lý thông tin dự kiến sẽ tạo ra khoảng 11 triệu việc làm mới và đồng thời thay thế khoảng 9 triệu việc làm truyền thống trên toàn cầu trong giai đoạn từ năm 2025 - 2030.

Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực AI

Tuy nhiên, theo báo cáo của Google, Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực AI. Điều này cho thấy một khoảng cách lớn giữa nhu cầu và nguồn cung nhân sự có kỹ năng AI, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng trong nhiều ngành then chốt như: Công nghệ thông tin, tài chính và ngân hàng, marketing, giáo dục....

ai-3.jpg
Tại hệ sinh thái học trực tuyến FUNiX, đã có hơn 10.000 người tham gia các chương trình học công nghệ để chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng chuyên môn sát với yêu cầu từng ngành, nghề.

Ngoài ra, các lĩnh vực như y tế, bán lẻ và logistics cũng đang gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự có kỹ năng AI để đổi mới hoạt động. Tuy nhiên, việc người lao động (NLĐ) sử dụng các công cụ AI, áp dụng công nghệ mới cũng đặt ra những thách thức về quản lý và bảo mật thông tin cho các DN.

Vì vậy, việc đầu tư vào đào tạo chuyên sâu và nâng cao kỹ năng AI cho NLĐ là yếu tố then chốt để đáp ứng nhu cầu thị trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Mai, Giám đốc Tổ chức Giáo dục trực tuyến FUNiX, nhìn nhận: “Học AI không chỉ để biết, mà để làm được, một chương trình đào tạo AI hiệu quả phải giúp người học ứng dụng vào chính công việc của mình - càng thực tiễn, càng có giá trị. Chỉ khi đó, AI mới thực sự trở thành công cụ tạo lợi thế cạnh tranh cho mỗi cá nhân và tổ chức”.

Việc đầu tư vào đào tạo kỹ năng AI, đặc biệt qua các chương trình học ngắn hạn, đã trở thành bước đi chiến lược giúp cá nhân và DN không ngừng phát triển, sáng tạo và ứng phó với những biến đổi nhanh chóng của thời đại. Nhờ đó, mỗi người lao động không còn lo sợ bị thay thế bởi công nghệ mà có thể chủ động nắm bắt xu thế, nâng cao năng lực và tạo ra giá trị bền vững trong công việc.

Mới đây, sáng kiến "AI cho cộng đồng" do Intel và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) triển khai, cung cấp các khóa học miễn phí, góp phần phổ cập kiến thức AI đến mọi tầng lớp nhân dân. Việc tham gia các khóa học này không chỉ giúp người học nâng cao kỹ năng mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong kỷ nguyên số.

Bà Nguyễn Thanh Mai cho biết, tại hệ sinh thái học trực tuyến FUNiX, đã có hơn 10.000 người tham gia các chương trình học công nghệ để chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng chuyên môn sát với yêu cầu từng ngành, nghề. Số học viên tăng trưởng hàng năm, tập trung vào các kỹ năng công nghệ mới.

Hiện tại, hơn 1.500 học viên đang theo học các chương trình nâng cao kỹ năng tại đây, như: Chuyên viên phân tích nghiệp vụ (business analyst - BA), chuyên viên phân tích dữ liệu (data analysis), kỹ sư dữ liệu (data engineering), AI cho marketing, AI cho giáo viên,...

FUNiX là hệ sinh thái học trực tuyến được thành lập năm 2015 bởi Tập đoàn FPT và sau đó gia nhập Galaxy Education năm 2022. Đơn vị này mang đến cho học viên cơ hội học tập hoàn toàn trên Internet cùng sự đồng hành của đội ngũ trợ lý học tập, chuyên gia công nghệ, cựu học viên.

Đại diện FUNiX cho biết thêm, trong các chương trình nâng cao kỹ năng ứng dụng AI, học viên được trải nghiệm lộ trình cá nhân hóa 1-1 cùng các mentor dày dạn kinh nghiệm. Với học liệu chuẩn quốc tế và cơ hội kết nối trực tiếp với những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI và CNTT, mỗi khóa học không chỉ mang đến kiến thức chuyên sâu mà còn tạo cầu nối để người học áp dụng ngay các giải pháp công nghệ tiên tiến vào môi trường thực tế, từ đó mở ra những bước tiến đột phá trong sự nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng từng khẳng định tại Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2024 rằng AI là công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giống như động cơ hơi nước của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Theo Bộ trưởng, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải xây dựng trợ lý ảo của riêng mình, dựa trên dữ liệu và tri thức của mình, tạo nên sự khác biệt.

“Đây cũng là định hướng chiến lược, thúc đẩy DN và người lao động tích cực ứng dụng và đào tạo AI, nhằm nâng cao năng suất lao động và tạo lợi thế cạnh tranh trong thời đại số”, bà Nguyễn Thanh Mai nhận định./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Học AI chủ động: Giải pháp cho bài toán nhân lực trong kỷ nguyên số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO