Phát triển bằng được hệ sinh thái công dân số

PV| 09/08/2022 17:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta phải phát triển bằng được hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp (DN) hiểu, sử dụng, làm giàu thông tin và là một bộ phận không thể tách rời khỏi đời sống kinh tế, xã hội của người dân.

Sáng 9/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Phát triển bằng được hệ sinh thái công dân số - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS chủ trì Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan.

Hội nghị do Bộ Công an phối hợp với VPCP tổ chức, được kết nối trực tuyến tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 10.644 điểm cầu UBND cấp huyện, cấp xã. 130.700 đại biểu tham dự Hội nghị qua gần 11.000 điểm cầu trên cả nước.

Thúc đẩy CĐS để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, nền kinh tế số

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Đề án 06, với 7 quan điểm chỉ đạo, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình triển khai cụ thể. 

Trong 6 tháng năm 2022, Đề án 06 đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, DN đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) phục vụ người dân, DN, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đề án 06 có ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, nhằm cụ thể hóa chương trình CĐS quốc gia, góp phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ, đến trụ sở cơ quan nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng.

Báo cáo của Bộ Công an cho biết, trong năm 2022, tổng số nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là 126 nhiệm vụ. Số nhiệm vụ giao hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2022 là 46/126 nhiệm vụ, trong đó, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành được 21/46 nhiệm vụ (45,7%), hiện nay còn lại 25 nhiệm vụ chưa hoàn thành (chiếm 54,3%).

Phát triển bằng được hệ sinh thái công dân số - Ảnh 2.

Đề án 06 đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, DN đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao

Nhiều DVC mang lại hiệu quả thiết thực

Việc triển khai DVCTT trên nền tảng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 125 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng DVC quốc gia (DVCQG). Hoàn thành 21/25 DVC độ 3, 4 đúng lộ trình Đề án 06; ngoài ra, riêng Bộ Công an đã hoàn thành mức độ 3, 4 đối với 187/224 DVC của toàn ngành Công an.

Trong đó, nhiều DVC mức độ 3, 4 mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng mong đợi của người dân, điển hình như việc đăng ký dự thi trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh, đạt tỷ lệ 93,1% - tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí cho người dân); hay việc cấp hộ chiếu trực tuyến, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã của Bộ Công an...

Bên cạnh tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí của người dân, chúng ta đã từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, phục vụ tốt nhất cho người dân và DN, hạn chế tiếp xúc…

Việc kết nối, chia sẻ giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư, từng bước hình hành các CSDL lớn, hệ sinh thái công dân số, phục vụ quản trị quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 11 bộ, ngành, 14 địa phương và 04 DN Nhà nước; đồng thời, hỗ trợ các tổ chức đoàn thể xây dựng CSDL về hội viên, đoàn viên...

Đồng thời, tạo lập những nền tảng, cơ sở quan trọng để thúc đẩy các ứng dụng công dân số, kinh tế số, xã hội số. Bộ Công an đã cấp trên 67 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước tích hợp thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, thẻ ATM rút tiền tại ngân hàng, sử dụng thẻ căn cước để kiểm soát an ninh, an toàn các sự kiện lớn... Hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức từ ngày 18/7/2022, hình thành hệ sinh thái công dân số.

Tập trung hoàn thiện thể chế phục vụ CĐS quốc gia

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu và nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm, quyết liệt với quan điểm "CĐS quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó, không thể chung chung được". Do đó, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp cũng phải xác định quyết tâm chỉ đạo quyết liệt Đề án; đồng thời quán triệt và tạo sự lan tỏa đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Đây là Đề án của cả hệ thống chính trị, của người dân, của DN, do Bộ Công an chủ trì làm nòng cốt, phối hợp với VPCP và các cơ quan, địa phương để triển khai, tất cả phải hướng đến mục tiêu là lợi ích chung của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN. Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng hệ thống giám sát theo dõi, đánh giá việc triển khai CSDL quốc gia về dân cư, để đôn đốc trong quá trình triển khai và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cùng với đó, tập trung hoàn thiện thể chế phục vụ CĐS quốc gia nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp khẩn trương tổng hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Tập trung chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được xác định từ nay đến hết năm 2022. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh cung cấp các DVCTT, đặc biệt là 25 DVC thiết yếu đã được xác định trong Đề án và 29 DVC theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022. Những DVC nào nâng được lên mức độ 4 thì chúng ta phải thực hiện ngay, những dịch vụ nào chưa hoàn thành thì tập trung thực hiện.

Tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các DVC trên môi trường trực tuyến; trước hết, quán triệt và vận động đến từng đảng viên, cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang tại địa phương thực hiện và vận động người thân, gia đình hưởng ứng thực hiện, "cán bộ đi trước, làng nước theo sau".

Thủ tướng giao VPCP nghiên cứu tham mưu tỷ lệ phần trăm DVCTT của các bộ, ngành, địa phương tích hợp trên Cổng DVCQG để góp phần thúc đẩy thực hiện. Tăng tỷ lệ người dân, DN sử dụng DVCTT (hiện nay chỉ gần 18%).

Về ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư, thẻ căn cước gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng, CSDL nêu trên, nhất là trên các lĩnh vực: Thanh toán không dùng tiền mặt; xác thực tài khoản ngân hàng; cho vay tín chấp; tích hợp các thông tin trên thẻ căn cước và tài khoản định danh để thay thế các loại giấy tờ công dân... Trong đó, phải giải quyết sớm dứt điểm một số việc như bảo đảm tài khoản điện thoại chính chủ, làm sạch SIM rác; tạo tài khoản an sinh xã hội để phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp thiên tai, bệnh dịch qua tài khoản...

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, đề nghị Bộ Công an nghiên cứu xây dựng Trung tâm điều phối dữ liệu dân cư. Bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động các nguồn lực và khai thác nguồn lực từ dữ liệu…./.

Bài liên quan
  • Xây dựng đô thị thông minh tạo hệ sinh thái bền vững cho Việt Nam
    Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đô thị thông minh trở thành một mô hình lý tưởng cho sự phát triển bền vững và hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ thông tin và dữ liệu lớn vào quản lý đô thị không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bằng được hệ sinh thái công dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO