Phát triển du lịch sinh thái để góp phần tăng trưởng kinh tế-xã hội

TH| 20/10/2022 09:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Du lịch sinh thái là một lĩnh vực kinh tế đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây khi ngày càng nhiều người nhận thức được những lợi ích của nó. Loại hình du lịch này có thể thúc đẩy cả nền kinh tế chủ và khách bằng cách thúc đẩy tăng trưởng và ổn định trong cộng đồng.

Hệ sinh thái vô cùng phong phú

Các tiềm năng nhân văn cho phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Dân tộc Việt Nam có hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước với nền văn hóa đa dạng bản sắc của 54 dân tộc anh em, trong đó có nhiều tài nguyên đặc biệt có giá trị. Chỉ tính riêng về các di tích, trong số khoảng 40.000 di tích hiện có thì hơn 2.500 di tích được Nhà nước chính thức xếp hạng. Tiêu biểu nhất Cố Đô Huế; đô thị cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc Cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Ngoài các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, nhiều nghề thủ công truyền thống với kỹ năng độc đáo, nhiều lễ hội gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc cùng với những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực được hòa quyện, đan xen trên nền kiến trúc phong cảnh có giá trị triết học phương Đông đã tạo cho Việt Nam sức hấp dẫn về du lịch.

Về thành phần các loài động thực vật, tại Việt Nam có tới 14.624 loài thực vật thuộc gần 300 họ, trong đó có nhiều loài cổ xưa và hiếm có, ví dụ như tuế phát triển từ Đại Trung Sinh, các loài có giá trị kinh tế gồm hơn 1.000 loài lấy gỗ, 100 loài có dầu, hơn 1.000 loài cây thuốc, 100 loài quả rừng ăn được… Về động vật có tới 11.217 loài và phân loài, trong đó có 1.009 loài và phân loài chim, 265 loài thú, 349 loài bò sát lưỡng cư, 2000 loài cá biển, hơn 500 loài cá nước ngọt và hàng ngàn loài tôm, cua, nhuyễn thể và thủy sinh vật khác. Về các loài thú, Việt Nam có 10 loài đặc trưng nhiệt đới: Cheo, đồi, chồn bay, cầy mực, cu li, vượn, tê tê, voi, heo vòi, tê giác và đặc biệt có một số loài thú lớn mới được phát hiện thì đều ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ tính đa dạng sinh học của nước ta còn khá cao và có thể còn có nhiều loài sinh vật mới có mặt tại Việt Nam.

Cùng với các loài động thực vật tự nhiên, Việt Nam còn là một trung tâm của cây trồng nhân tạo. Trên thế giới có 8 trung tâm cây trồng thì 3 trung tâm tập trung ở Đông Nam Á (Nam Trung Hoa - Hymalaya; Ấn Độ - Miến Điện; Đông Dương - Indonexia) với khoảng 270 loài cây nông nghiệp, riêng ở Việt Nam đã có hơn 200 loài cây trồng, trong đó có tới 90% cây trồng thuộc trung tâm Nam Trung Hoa, 70% cây trồng thuộc trung tâm Ấn, Miến. Đây là tiền đề cho tổ chức du lịch sinh thái canh nông.

Về các hệ sinh thái tự nhiên, Việt Nam có một số hệ sinh thái đặc trưng gồm: Hệ sinh thái san hô, Hệ sinh thái đất ngập nước, Hệ sinh thái vùng cát ven biển. Các hệ sinh thái rừng nhiệt đới với nét đặc trưng là hệ thống các khu rừng đặc dụng là nơi lưu trữ các nguồn gen quý của nước ta phân bố ở khắp từ Nam ra Bắc, từ đất liền tới các hải đảo…

Phát triển du lịch sinh thái để góp phần tăng trưởng kinh tế-xã hội - Ảnh 1.

Cần bảo vệ hệ sinh thái bền vững. Ảnh: St

Các loại hình du lịch sinh thái ở Việt Nam

Cùng với sự phát triển của du lịch sinh thái trên Thế giới, tại Việt Nam hiện nay, hoạt động du lịch sinh thái cũng từng bước phát triển với đa dạng các loại hình. Phổ biến như: Dã ngoại; Leo núi; Du lịch mạo hiểm; Đi bộ trong rừng; Tham quan vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; Tham quan miệt vườn; Quan sát chim; Thăm bản làng dân tộc; Du thuyền; Săn bắt câu cá…

Ở Việt Nam hiện nay có các khu du lịch sinh thái nổi tiếng khắp trong và ngoài nước như: Khu du lịch sinh thái - Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai); Khu du lịch sinh thái Tuần Châu - Hạ Long (Quảng Ninh); Khu du lịch núi Hàm Rồng (Sa Pa - Lào Cai); Khu du lịch sinh thái Cù lao Thới Sơn (Tiền Giang); Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình); Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Đồng Tháp); Khu du lịch sinh thái Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh); Khu du lịch sinh thái - Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Cạn); Khu du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ (Đà Nẵng).

Các địa điểm du lịch sinh thái là nơi có những hệ sinh thái động thực vật phong phú. Không chỉ thiên nhiên, khu sinh thái còn có những hoạt động vui chơi giải trí. Đối với du lịch ở những khu sinh thái, thiên nhiên đóng vai trò quan trọng. Bất kỳ ai đi du lịch đều mong muốn được hòa mình với núi rừng, sông nước… Ở các địa điểm du lịch này, du khách sẽ được khám phá thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ tự nhiên gắn liền với đời sống và văn hóa địa phương.

So với những gì khu du lịch sinh thái mang lại thì chi phí cho những chuyến đi này không quá cao. Thậm chí có thể đi du lịch tự túc. Vì vậy, ngày nay càng nhiều bạn trẻ, du khách hào hứng với các khu du lịch như vậy. Đây là cách giải trí cuối tuần được yêu thích hiện nay.

Với thế mạnh là gần gũi thiên nhiên, các khu du lịch này thường có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. Bên cạnh tạo niềm vui, làm đa dạng hoạt động thì các trò chơi này thể hiện được bản sắc dân tộc người Việt. Tùy vào điều kiện của mỗi địa điểm sẽ có các loại hình trò chơi đặc trưng cũng như các loại hình dịch vụ khác như tắm bùn, suối nước nóng…

Một vài điểm du lịch có không gian rộng, thuận lợi cho việc tổ chức các trò chơi tập thể. Các trò chơi team building này giúp tất cả các thành viên gắn kết, tạo cơ hội cởi mở, thân thiết hơn. Đặc biệt là các trò chơi sử dụng trí tuệ, tính sáng tạo và kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Hơn hết, cắm trại và đốt lửa trại là hai hoạt động phổ biến nhất. Đây là khoảng thời gian để các thành viên ngồi gần lại nhau. Cùng chia sẻ, tâm sự để hiểu nhau hơn…

Cần phát triển du lịch sinh thái đồng bộ và toàn diện

Để khai thác hiệu quả, đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch nói riêng và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung, du lịch sinh thái là loại hình cần được đẩy mạnh phát triển trên cơ sở khai thác hợp lý, phải có sự chỉ đạo, phối kết hợp đồng bộ và toàn diện. Trong tương lai không xa, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, du lịch sinh thái sẽ là yếu tố chủ chốt để phát triển du lịch bền vững, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ nhất, bảo vệ bằng việc tăng cường công tác tuyên truyền, kêu gọi tính tự giác của nhân dân nơi có cảnh quan du lịch. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc gắn kết phát triển du lịch sinh thái với sự phát triển của cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương làm du lịch sinh thái tại chỗ để giúp họ nâng cao nhận thức về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường du lịch nhằm bảo đảm sinh kế lâu dài, bền vững.

Thứ hai, bảo vệ bằng pháp luật. Để phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường thì việc tạo cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái bền vững là rất quan trọng. Điều này tạo ra một hành lang pháp lý cho hoạt động du lịch sinh thái nhằm làm cơ sở cho việc giám sát chặt chẽ hoạt động du lịch và quản lý nguồn tài nguyên.

Thứ ba, cần đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái rộng rãi trên nhiều vùng miền của đất nước. Cần có những quy hoạch hợp lý, chính sách và dự án tối ưu trong phát triển du lịch nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường, trong đó gồm cả môi trường du lịch tự nhiên, môi trường du lịch nhân văn, môi trường du lịch kinh tế - xã hội…/.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch sinh thái để góp phần tăng trưởng kinh tế-xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO