Truyền thông

Phát triển du lịch Tây Nguyên bằng hành trình di sản

Thành Vĩnh 14:12 26/11/2024

Tây Nguyên - vùng đất đỏ bazan trù phú, với những cao nguyên hùng vĩ, rừng già thâm u và những bản sắc văn hóa đặc trưng là nơi lưu giữ không chỉ những giá trị thiên nhiên độc đáo mà còn cả kho tàng văn hóa tinh thần phong phú và quý giá. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch ở Tây Nguyên bằng chính việc kết nối hành trình di sản?

Không gian văn hoá Tây Nguyên độc đáo, đặc sắc

Điểm nhấn nổi bật trong di sản Tây Nguyên là Không gian văn hóa cồng chiêng, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005.

Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là nhạc cụ, mà còn là sợi dây kết nối linh thiêng giữa con người và thần linh. Các lễ hội như Lễ hội mừng lúa mới, lễ bỏ mả, hay lễ cúng bến nước đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng không chỉ ngân vang giữa núi rừng, mà còn chạm đến tâm hồn người nghe, kể những câu chuyện về cuộc sống, ước vọng và lòng thành kính của người Tây Nguyên.

Cồng chiêng Tây Nguyên - điểm nhấn về văn hóa, du lịch giữa đại ngàn
Nhà rông Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN.

Cồng chiêng được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng, được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên.

Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng, độc đáo của kỹ thuật diễn tấu, mà còn biểu tượng cho cuộc sống của cộng đồng các dân tộc bản địa, bắt nguồn từ sự tổng hòa các giá trị văn hóa đa dạng, như: giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng, văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; giá trị nghệ thuật; giá trị biểu thị sự giàu sang và quyền uy; giá trị cố kết cộng đồng và giá trị lịch sử...

Cồng chiêng Tây Nguyên - điểm nhấn về văn hóa, du lịch giữa đại ngàn ảnh 2
Các nghệ nhân chỉnh chiêng ở Gia Lai. (Ảnh: TTXVN)

Trước đây, chỉ nhà giàu có mới được sở hữu một chiếc chiêng với giá trị bằng 2 con voi hay 20 con trâu. Chỉ dịp lễ hội, tiếng chiêng mới được ngân lên, báo hiệu cho những người dân tụ họp quây quần bên đống lửa và vò rượu cần, cùng nhau nhảy múa, cùng nhau ca hát. Hiện tại, Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức hằng năm, luân phiên giữa các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Bên cạnh cồng chiêng, Tây Nguyên còn sở hữu những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: nhà Rông, nhà Dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội dân gian và kho tàng văn học dân gian, kho tàng sử thi và các làn điệu dân ca đặc trưng. Mỗi nét văn hóa ấy đều mang trong mình câu chuyện riêng, phản ánh đời sống gắn bó hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Cồng chiêng Tây Nguyên - điểm nhấn về văn hóa, du lịch giữa đại ngàn ảnh 3
Nghệ nhân Ksor Siơh, dân tộc Jrai, làng Kly, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh (Gia Lai) dạy đánh cồng chiêng cho học sinh trong vùng. (Ảnh: TTXVN)

Văn hóa Tây Nguyên gắn kết chặt chẽ với bản, làng và đặc trưng luật tục, lễ hội đặc sắc trong không gian rừng đại ngàn mênh mông. Các lễ hội truyền thống ở Tây Nguyên biểu thị những quan niệm về con người, thu hút sự tham gia của toàn thể cộng đồng, các dòng tộc, buôn làng, như lễ cúng bến nước, lễ ăn cơm mới, lễ cưới cho người trẻ, lễ mừng thọ người già, lễ bỏ mả...

Tiềm năng phát triển du lịch bằng di sản văn hoá

Nguồn lực cơ bản của du lịch văn hóa là các lễ hội, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, văn hóa ẩm thực, công trình kiến trúc, làng nghề truyền thống. Nguồn lực đó của Tây Nguyên là bất tận nhưng phát triển du lịch ở Tây Nguyên chưa xứng với tiềm năng.

img_4080.jpg
Thác Dray Sap hùng vĩ của Tây Nguyên vẫn còn chưa thức giấc. (Ảnh: CT)

Những con số thống kê cho thấy, phát triển du lịch ở Tây Nguyên còn vô cùng khiêm tốn. Cụ thể, năm 2023, Lâm Đồng (vì có Đà Lạt) đón hơn 8,6 triệu lượt du khách; Đắc Lắk đón hơn 1,16 triệu lượt khách; Kon Tum có 1,3 triệu lượt khách; Gia Lai là 1,15 triệu lượt khách, còn Đắk Nông chỉ có gần 700.000 lượt du khách tìm đến.

Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm từ phát triển du lịch thời gian vừa qua cho thấy phát triển du lịch nhưng không được làm mất đi không gian văn hoá, bản sắc văn hoá Tây Nguyên.

Theo một kết quả nghiên cứu về phát triển du lịch văn hóa bền vững tại Tây Nguyên, trong điều kiện hiện tại của Tây Nguyên thì không dựa vào những khoản đầu tư lớn để tạo ra những điểm du lịch đắt tiền, mà cần dựa vào tài nguyên du lịch tự nhiên và sự đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc. Một trong những giá trị văn hóa của Tây Nguyên cần được ưu tiên khai thác để thu hút khách du lịch là các lễ hội.

Đây là cái nôi để bảo tồn và trao truyền các tri thức, các giá trị văn hóa truyền thống quý báu thông qua các hoạt động văn hóa, phương thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng, như văn hóa cồng chiêng, văn hóa mẫu hệ, văn hóa nhà Rông, nhà Dài, nhà Gươl, văn hóa ẩm thực, văn hóa thổ cẩm, văn hóa sử thi, văn hóa diễn tấu nhạc cụ, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc.

img_4081.jpg
Phát triển du lịch nhưng không làm mất đi sự hoang sơ của đại ngàn Tây Nguyên. (Ảnh: CT)

Một trong những cách hiệu quả nhất để bảo tồn di sản là nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, về giá trị văn hóa truyền thống. Các chương trình giáo dục, hội thảo và các hoạt động thực địa nên được tổ chức thường xuyên nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về di sản của chính mình.

Du lịch văn hóa có thể là cầu nối quan trọng để giới thiệu văn hóa Tây Nguyên đến với công chúng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, du lịch phải đi đôi với bảo tồn. Việc tổ chức các lễ hội, tour trải nghiệm văn hóa cần được thực hiện một cách cẩn trọng để tránh việc thương mại hóa và làm mất đi giá trị nguyên bản.

Nếu khai thác tốt tiềm lực văn hóa du lịch thì số du khách đến Tây Nguyên sẽ lớn gấp nhiều lần các con số thống kê của năm 2023.

Kết hợp kỹ thuật hiện đại để cộng đồng tự kể câu chuyện của mình

Tháng 8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phê duyệt Kế hoạch thực hiện nhiện vụ “Dự án Mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộcc thiểu số (DTTS) có di sản tương đồng”, trong khuôn khổ Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đến tháng 11/2024, tại các tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Kon Tum và Gia Lai, các cuộc tập huấn dành riêng cho nghệ nhân dân tộc đã được tổ chức với sự tham gia của những người trực tiếp lưu giữ các giá trị văn hóa. Các lớp học không chỉ giúp nghệ nhân nâng cao kỹ năng mà còn là cơ hội để họ chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau tìm ra những hướng đi mới để bảo tồn và phát triển di sản trong bối cảnh hội nhập.

boi duong truyen day van hoa phi vat the va trien khai mo hinh di san ket noi tai tay nguyen hinh 1
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ kinh nghiệm cho các nghệ nhân ở Gia Lai.

Tham gia Lớp tập huấn, các học viên có cơ hội được tiếp cận với chuyên gia hàng đầu về di sản văn hóa phát triển cộng đồng và di sản văn hóa phi vật, như: PGS. TS Đinh Hồng Hải - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và chuyên gia Cục Di sản văn hóa.

Đồng thời, được trang bị kỹ năng tự phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng nơi cư trú như: Nhận diện, phân tích, lựa chọn để tự giới thiệu các di sản văn hóa mà chính họ là chủ thể. Đặc biệt là kỹ thuật Photovoice - cộng đồng tự kể các câu chuyện văn hóa của chính mình bằng hình ảnh.

Việc áp dụng phương pháp Photovoice sẽ giúp cho cộng đồng chủ động, sáng tạo bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình, đồng thời kiến tạo cơ hội trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ những hoạt động diễn giải, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch.

Ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk

Tại Đắk Lắk, nội dung tập huấn tập trung vào việc gìn giữ và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, di sản đã được UNESCO công nhận. Các nghệ nhân được hướng dẫn cách bảo quản cồng chiêng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, kỹ thuật chỉnh âm để đảm bảo chất lượng âm thanh và cách trình diễn sao cho phù hợp với các lễ hội truyền thống. Hơn nữa, các lớp học còn khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy lại nghệ thuật chơi cồng chiêng cho thế hệ trẻ thông qua các lớp học tại buôn làng.

Các nghệ nhân được hướng dẫn phương pháp Photovoice.

Tại Gia Lai và Kon Tum, tham gia lớp tập huấn có gần 30 học viên là nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú người Jrai (Gia Lai) và 30 nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú là người Xơ Đăng (Kon Tum). Các học viên tham dự đã được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn “Nghệ thuật chế tác và tập quán sử dụng nhạc cụ tre nứa người Xơ Đăng và người Jrai” trong hành trình du lịch di sản Kon Tum - Gia Lai.

Ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL, cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc áp dụng phương pháp Photovoice để diễn giải, giới thiệu, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch có tính khả cao và phù hợp với xu thế. Cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay đang sử dụng các thiết bị Smartphone có chức năng ghi, phát hình ảnh chiếm tỷ lệ trên 60%. Nhiều thành viên của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên đã từng sử dụng chức năng ghi và phát lại các hình ảnh đã ghi trên các trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, hầu hết những hoạt động ghi và phát lại các hình ảnh đã ghi trên các trang mạng xã hội chỉ dừng lại ở việc đáp ứng và phục vụ nhu cầu cá nhân, chưa nắm được kỹ thuật ghi hình, biên tập hình ảnh…

Tham gia Lớp tập huấn, các học viên sẽ thay đổi kiến thức, kỹ năng nhận diện, lựa chọn di sản để giới thiệu, lựa chọn nội dung ghi, phát hình ảnh theo hướng có mục đích rõ ràng, kỹ thuật ghi, phát lại hình ảnh. Đồng thời, học kỹ năng tạo ra những sản phẩm ghi hình với chất lượng nội dung và hình ảnh, âm thanh tốt hơn.

Thông qua các tập quán, nghi lễ, diễn xướng truyền thống của cộng đồng để ghi, thu lại, biên tập, kết nối hình ảnh, âm thanh, lời giới thiệu hình thành các câu chuyện đời sống văn hóa bằng cách nhìn của chính mình.

Kết nối Hành trình di sản

Theo ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk, mô hình được triển khai, thực hiện sẽ là một biện pháp phát triển bền vững bảo vệ tài nguyên văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể và cải thiện sinh kế của cộng đồng từ thúc đẩy phát triển du lịch.

Thông qua Lớp tập huấn, các học viên sẽ nhận thức sâu sắc hơn về giá trị, vai trò của di sản với đời sống cộng đồng, ý thức áp dụng phương pháp Photovoice vào giới thiệu, diễn giải, lưu giữ và quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch. Điểm mới mà Lớp tập huấn mang lại là cộng đồng tự bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình.

Lớp tập huấn tại Đăk Lăk.

Còn theo ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Kon Tum, thì: Đây là hoạt động cần thiết trong bối cảnh cộng đồng người Xơ Đăng và người Gia Rai sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần phải phát triển thôn, làng theo cách tự lực để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các dự án hỗ trợ cộng đồng. Lớp tập huấn, truyền dạy và thực hiện mô hình không chỉ mang lại sự tăng trưởng kinh tế cho địa phương, mà còn thúc đẩy, nâng cao tự hào về giá trị văn hóa dân tộc và tự tin với các cộng đồng có di sản tương đồng.

"Việc Cục Di sản văn hóa lựa chọn di sản về nghệ thuật chế tác và tập quán sử dụng nhạc cụ tre nứa của người Xơ Đăng và Gia Rai ở tỉnh Kon Tum và Gia Lai để xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các DTTS sẽ giúp cộng đồng người Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum tự hào hơn về giá trị di sản họ đang nắm giữ, để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị.

Cộng đồng tích cực trao truyền, chia sẻ tri thức, kỹ năng chế tác và sử dụng nhạc cụ trong các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng; xây dựng thành điểm đến du lịch để kết nối tạo hành trình du lịch di sản mang lại những lợi ích thiết thực, hỗ trợ đời sống cho cộng đồng chủ thể", ông Phan Văn Hoàng cho biết.

Nhạc cụ tre nứa của người Xơ Đăng.

Sau khi kết thúc Lớp tập huấn, các học viên được truyền dạy, trải nghiệm thực tế tại cộng đồng (trong 10 ngày) để ứng dụng những kiến thức học được tại lớp học.

Hành trình bảo tồn và kết nối di sản Tây Nguyên để phát triển du lịch đòi hỏi một quá trình thận trọng, kiên trì và quyết tâm từ nhiều phía.

Những nghệ nhân Tây Nguyên, từ các bậc cao niên đến thế hệ trẻ, đang dần trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Họ không chỉ là người giữ gìn mà còn là người sáng tạo, mang những giá trị văn hóa độc đáo đến với đời sống hiện đại một cách bền vững.

Kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch là cách để di sản Tây Nguyên tiếp tục sống mãi với thời gian./.

Tài liệu tham khảo:

[1]. baodantoc.vn

[2]. daklak.gov.vn

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch Tây Nguyên bằng hành trình di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO