Chuyển đổi số

Tây Nguyên còn nhiều cơ hội để khai phá và phát triển TTDL vùng

Ngọc Diệp 21:56 04/10/2023

Việc lựa chọn khu vực để xây dựng trung tâm dữ liệu (TTDL) vùng cần phải dựa trên các yếu tố như hạ tầng điện, logistics, an ninh lãnh thổ, nguồn nhân lực... Theo đại diện Viettel Solutions, các tỉnh Khu vực Tây Nguyên có đầy đủ các điều kiện thuận lợi và rất phù hợp để xây dựng TTDL vùng.

Xây dựng TTDL vùng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số (CĐS) quốc gia

Chia sẻ tại hội thảo "Xây dựng TTDL vùng" diễn ra mới đây, Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) Nguyễn Mạnh Hổ chia sẻ: TTDL hay hạ tầng CNTT tập trung, là nơi cung cấp khả năng tính toán (compute) và lưu trữ (storage) dữ liệu để phục vụ các ứng dụng và nhu cầu của người dùng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và công nghệ của một quốc gia.

385501880_723480793155311_2348685532373690843_n.jpeg
Ông Nguyễn Mạnh Hổ: cùng với xu hướng CĐS quốc gia, việc xây dựng các TTDL quốc gia đang trở thành một phần quan trọng của sự phát triển kinh tế và công nghệ

Ngày nay, cùng với xu hướng CĐS quốc gia, việc xây dựng các TTDL quốc gia đang trở thành một phần quan trọng của sự phát triển kinh tế và công nghệ. Với sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu tính toán, lưu trữ dữ liệu và nhu cầu tăng cường an ninh, bảo mật thông tin, việc xây dựng các TTDL cấp quốc gia, cấp vùng là một ưu tiên hàng đầu đối với các quốc gia, không chỉ để đáp ứng nhu cầu tính toán, lưu trữ thông tin mà còn để đảm bảo an ninh và chủ quyền về dữ liệu.

Các trung tâm này được thiết kế với các tiêu chuẩn cao về hiệu suất, độ tin cậy và bảo mật, đồng thời được trang bị các công nghệ tiên tiến như ảo hóa, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa việc quản lý và khai thác dữ liệu, đồng thời cung cấp nền tảng cho các dự án quan trọng như AI, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và ứng dụng công nghệ tiên tiến…

Các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển TTDL cấp quốc gia để đảm bảo an toàn thông tin, tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ công và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Xu hướng xây dựng TTDL cấp quốc gia, cấp vùng không chỉ là một khía cạnh quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), mà còn là một yếu tố cần thiết để định hình tương lai của các quốc gia trên thế giới.

Tại châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore là những ví dụ xuất sắc về việc xây dựng các TTDL quốc gia và quốc tế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và công nghệ. Cụ thể, Hàn Quốc (xếp hạng 3 về Chính phủ điện tử - EGDI) đã đưa vào hoạt động 3 TTDL quốc gia phục vụ các hệ thống của 79 bộ, ngành, địa phương và các tổ chức và đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn, phục vụ người dân kịp thời, hiệu quả. Singapore (xếp hạng 12) quy hoạch khu vực “Singapore Data Center Park” tại Tampines để đặt các TTDL quốc gia phục vụ cho cả nhu cầu của Chính phủ và doanh nghiệp. Nhật Bản (xếp hạng 14) cũng đã xây dựng hạ tầng TTDL quốc gia để thuận lợi cho các cơ quan hành chính các cấp kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản trị quốc gia.

Tại Việt Nam, năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch của Ủy ban quốc gia về CĐS xác định là Năm dữ liệu số quốc gia. Để thực hiện được nhiệm vụ này rất cần phải xây dựng các TTDL đủ mạnh, hiện đại và an toàn. Do đó, việc xây dựng TTDL quốc gia, trong đó có các TTDL vùng tại Việt Nam là cần thiết, cấp bách, phù hợp với xu thế của thế giới và yêu cầu CĐS quốc gia.

Những thách thức khi xây dựng TTDL vùng

Theo ông Lê Thành Công, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển các TTDL vùng. Trước hết, đó là một vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, gần các trung tâm kinh tế lớn của khu vực, nằm trên trục chính của hành lang kinh tế Đông Tây. Vị trí này được đánh giá là thuận lợi về mặt kết nối cũng như đầu tư xây dựng thêm các tuyến cáp quang.

Việt Nam cũng sở hữu một lực lượng nhân lực ngành CNTT chất lượng với chi phí cạnh tranh trong khu vực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) nội địa đang tích cực đầu tư mở rộng xây dựng các TTDL của chính mình. Những thuận lợi này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ và Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT) ban hành các chính sách và chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy sự phát triển của TTDL tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi xây dựng TTDL vùng trước hết là mức đầu tư lớn. Nó không chỉ là chi phí đầu tư ban đầu, mà còn bao gồm chi phí phía sau, khi phải tiếp tục đầu tư về thể chế, chính sách, cơ chế thu hút DN, chi phí vận hành… Thứ hai là vấn đề quản lý và tuân thủ, thể hiện qua việc xây dựng hành lang pháp lý, nhằm đảm bảo TTDL hoạt động một cách đáng tin cậy và an toàn.

Và mặc dù nhân sự được nhắc đến là một yếu tố thuận lợi, nhưng đồng thời cũng là một thách thức khi việc xây dựng TTDL đòi hỏi phải tìm kiếm và duy trì được nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tại các khu vực xa trung tâm kinh tế.

Tây Nguyên còn nhiều cơ hội để khai phá và phát triển TTDL vùng

"Theo chỉ số đánh giá CĐS (DTI) 2022 do Bộ TT&TT công bố, các tỉnh Tây Nguyên ở mức trung bình so với mặt bằng chung, còn nhiều cơ hội để khai phá và phát triển”, ông Lê Quang Hiếu, Phó Tổng giám đốc Viettel Solutions chia sẻ.

screen-shot-2023-10-04-at-15.00.40.png
Tổng quan chỉ số DTI khu vực Tây Nguyên năm 2022

Về hạ tầng số, Tây Nguyên thuộc nhóm có chỉ số trung bình trên 63 tỉnh, thành phố, các tỉnh trong khu vực tương đối đồng đều. Về nhân lực số, Đắc Lắk là địa phương nổi bật nhất, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa cân bằng giữa các tỉnh trong khu vực. Kinh tế số ghi nhận sự chuyển biến nhanh chóng, đặc biệt là Đắc Lắk với nhiều DN lớn, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế số như thanh toán số, hóa đơn điện tử, chữ ký số… Trong khi đó, các hoạt động thuộc về xã hội số còn ít, rời rạc.

Theo quy hoạch hạ tầng CNTT đến năm 2025, tầm nhìn 2050 của khu vực Tây Nguyên, 70% TTDL sẽ chuyển dịch sang sử dụng dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM), hạ tầng CNTT của tỉnh được tái cấu trúc và chuyển đổi thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ ĐTĐM. Tây Nguyên cũng hướng tới trở thành 1 TTDL vùng đạt chuẩn TIER 3 trở lên, phục vụ lưu trữ, xử lý và dự phòng dữ liệu, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia cấp Vùng với quy mô dự báo 7.707 rack phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời, Tây Nguyên sẽ dành 130 ha quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng CNTT, chiếm tỷ trọng 9,7% so với tổng quỹ đất cả nước.

Ông Lê Quang Hiếu nhận xét, so với mặt bằng các khu vực thì các tỉnh Tây Nguyên nằm trong nhóm các tỉnh có quy hoạch hạ tầng CNTT ở mức tốt với các mục tiêu cao và kế hoạch triển khai chi tiết, tường minh.

Mặt khác, khu vực Tây Nguyên là một trong những khu vực ổn định nhất của Việt Nam với tỷ lệ xảy ra động đất ở mức rất thấp. Bản đồ thống kê lịch sử các cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào lãnh thổ Việt Nam giai đoạn từ năm 1970–2015 cho thấy Tây Nguyên là khu vực ít chịu ảnh hưởng.

Về hạ tầng cáp quang, riêng Viettel đã đầu tư hệ thống cáp quang đường trục với quy mô lớn nhất Đông Dương với 5 tuyến cáp biển quốc tế, 500.000km cáp quang phủ khắp 63 tỉnh, thành phố. Khu vực Tây Nguyên rất gần các trạm cập bờ của các tuyến hiện tại và tương lai.

386356556_723987946437929_182154381047294724_n(1).jpeg

Việc lựa chọn khu vực để xây dựng TTDL vùng cần phải dựa trên các yếu tố như hạ tầng điện, logistics, an ninh lãnh thổ, nguồn nhân lực. Tuy nhiên, ông Lê Quang Hiếu đánh giá các tỉnh Khu vực Tây Nguyên có đầy đủ các điều kiện thuận lợi và rất phù hợp để xây dựng TTDL và triển khai dịch vụ điện toán đám mây để trở thành khu vực công nghệ trọng điểm của vùng.

Ngoài ra, Tây Nguyên còn có lợi thế trong công cuộc CĐS khi các Tập đoàn lớn đã sẵn sàng đồng hành cùng địa phương. Viettel với sứ mệnh tiên phong kiến tạo xã hội số, luôn đồng hành cùng Chính phủ, Bộ ngành địa phương trong hành trình thúc đẩy CĐS quốc gia. Viettel Solutions thuộc Tập đoàn Viettel – một trong những tên tuổi lớn hàng đầu thị trường hiện nay về cung cấp giải pháp dịch vụ số, có thể “may đo” theo yêu cầu khách hàng trong tư vấn chiến lược CĐS, tư vấn giải pháp CĐS.

Viettel Solutions triển khai các giải pháp đáp ứng các yêu cầu về xây dựng TTDL xanh, bảo mật anh ninh mạng, các nhu cầu thực tế của địa phương và có thể hỗ trợ 24/7/365 trên 63 tỉnh thành. Các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp được đưa ra theo hướng tiếp cận công nghệ mới, tối ưu nền tảng cũ. /.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tây Nguyên còn nhiều cơ hội để khai phá và phát triển TTDL vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO