Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam trong tình hình mới
Du lịch văn hóa hiện nay là xu hướng của nhiều quốc gia, Việt Nam cũng được đánh giá là một quốc gia vô cùng tiềm năng để phát triển. Nước ta có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng, không chỉ có nền văn hóa đậm chất truyền thống mà còn mang nét đẹp hiện đại giao thoa.
Việt Nam có nguồn lực văn hóa phong phú, đa dạng, độc đáo và hấp dẫn du khách. Nó được thể hiện qua di sản văn hóa vật chất và di sản văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành những chủ trương, chính sách, nghị quyết về phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng. Điều này được thể hiện trong Luật Du lịch và Luật Di sản văn hóa. Gần đây, phát triển du lịch văn hóa (DLVH) được Chính phủ xác định là một trong những ngành công nghiệp văn hóa từ nay đến năm 2030. Phát triển du lịch thành ngành công nghiệp văn hóa sẽ biến các thành quả sáng tạo văn hóa Việt Nam thành hàng hóa thỏa mãn nhu cầu văn hóa đa dạng của khách du lịch.
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa
Các tiềm năng nhân văn cho phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Dân tộc Việt Nam có hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước với nền văn hóa đa dạng bản sắc của 54 dân tộc anh em, trong đó có nhiều tài nguyên đặc biệt có giá trị. Chỉ tính riêng về các di tích, trong số khoảng 40.000 di tích hiện có thì khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, trên 3.460 di tích cấp quốc gia, 107 di tích quốc gia đặc biệt, 164 bảo vật quốc gia.
Việt Nam có 8 di sản được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, 14 di sản được ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, Việt Nam có 7 Di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Thời gian qua, nhiều địa phương đã khai thác di sản văn hóa, những sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu, thu hút du khách như Hà Nội, Ninh Bình, Huế…
Ngoài các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, nhiều nghề thủ công truyền thống với kỹ năng độc đáo, nhiều lễ hội gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc cùng với những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực được hòa quyện, đan xen trên nền kiến trúc phong cảnh có giá trị triết học phương Đông đã tạo cho Việt Nam sức hấp dẫn về du lịch.
Hiện nay, để phát huy giá trị văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời phát triển kinh tế du lịch, các địa phương đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù để khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng vốn có, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của du lịch. Đẩy mạnh công tác quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch; xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch địa phương gắn với bản sắc văn hóa riêng có của địa phương. Xây dựng các bản làng mẫu để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng làng nghề nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm…
Cụ thể, đối với Bắc Ninh, đây vốn được coi là vùng đất văn hiến, cách mạng, miền quê của nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử tiêu biểu, làng nghề truyền thống nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, được thế giới vinh danh. Do đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này nhiều năm qua.
Bắc Ninh đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: Múa Rối nước, hát Trống Quân, nghệ thuật Chèo, Tuồng. Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh trở thành một điểm đến, định kỳ tổ chức các hoạt động biếu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa quan họ và các loại hình nghệ thuật dân gian trong và ngoài nước; trưng bày, triển lãm không gian văn hóa quan họ…; thường xuyên mở cửa phục vụ khách tham quan, du lịch….
Còn tại Ninh Bình, xác định rõ tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa là nguồn lực đặc biệt quan trọng, những năm qua, Ninh Bình đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt và có khả năng cạnh tranh, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Ninh Bình đã và đang xây dựng nhiều hoạt động, điểm tham quan, giải trí về đêm nhằm thu hút khách du lịch trải nghiệm. Như tour du lịch xem động vật hoang dã ban đêm ở Cúc Phương (huyện Nho Quan); "Chuyến xe di sản" ngắm thành phố Ninh Bình về đêm; trước đó là tour khám phá chùa Bái Đính về đêm..., tạo cho du khách những hoạt động, trải nghiệm thú vị, hấp dẫn. Đối với du lịch sinh thái, tập trung vào các khu, điểm du lịch nổi tiếng, nhiều tiềm năng đã được khai thác, như Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu bảo tồn ngập nước Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương.... Đối với du lịch văn hóa, tập trung vào các điểm du lịch như Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đang dần hình thành và phát triển thêm các loại hình du lịch mới, như du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao như chơi golf, leo núi; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo; du lịch trải nghiệm tại các làng nghề, mô hình phát triển kinh tế tổng hợp… Mục tiêu đặt ra là ngày càng thu hút và nhận được sự hài lòng của đa dạng khách du lịch, đem lại nguồn doanh thu chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nguồn thu của tỉnh, đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Hội An là một trong những địa phương đi đầu trong việc tập trung đầu tư phát triển văn hóa, tạo tiền đề xây dựng “Hội An - Thành phố sáng tạo” trong tương lai thông qua lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Theo hướng này, Hội An sẽ vừa bảo tồn, vừa nâng tầm, phát triển các sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống để khai thác, phát huy, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội. Việc này góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo, làm đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc…
Tăng cường các giải pháp để khai thác du lịch văn hóa một cách hiệu quả, bền vững
Để phát triển du lịch văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, một số chuyên gia cho rằng, cần đưa vào quy hoạch hệ thống ngành du lịch nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch văn hóa, du lịch thông minh, hình thành các trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế tiêu biểu như thành phố Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, TP.HCM…
Việt Nam cần định hình và xây dựng được thương hiệu du lịch văn hóa của từng vùng, từng địa phương, từ đó xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa của quốc gia dựa trên tiềm năng và giá trị văn hóa vốn có.
Đồng thời, cần triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam và Chiến lược marketing du lịch Việt Nam, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong việc xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa; xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá các thị trường cho từng loại sản phẩm du lịch văn hóa để đẩy mạnh hình ảnh và định vị của thương hiệu du lịch văn hóa của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh nghệ thuật; Xây dựng chính sách đồng bộ từ trung ương đến địa phương để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch.
Cùng với đó là đầu tư du lịch có trọng tâm, trọng điểm khi triển khai thực hiện các chương trình đầu tư cho du lịch từ các nguồn để làm nổi bật các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch có sức cạnh tranh mang tầm khu vực và thế giới.
Tiếp tục đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật hiện đại mang đậm dấu ấn văn hóa Việt phục vụ du lịch; tăng cường đầu tư kết nối và phát huy vai trò của cộng đồng và văn hóa cộng đồng trong phát triển du lịch. Dành nguồn lực lớn để bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa của dân tộc, các phong tục, tập quán, lễ hội dân gian; tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa và phát triển các sản phẩm du lịch thông minh.../.