Phát triển kinh tế tư nhân cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Kinh tế tư nhân đang trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, hành động để phát huy mạnh mẽ sự tăng trưởng, phát triển nền kinh tế quan trọng trên luôn là điều cần thiết, cấp bách.
Một trong những văn bản quan trọng thể hiện rõ những quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với việc phát triển nền kinh tế này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành. Đó là Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đó, Nghị quyết gồm 4 nội dung quan trọng bao gồm: Quan điểm chỉ đạo; Mục tiêu; Nhiệm vụ giải pháp; Tổ chức thực hiện. Và trong số nhiều nội dung quan trọng được Nghị nêu rõ, Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc cần tích cực, tập trung thúc đẩy, đẩy mạnh các ứng dụng khoa học công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), chuyển đổi số (CĐS), chuyển đổi xanh.
Để làm tốt điều này việc hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, nhất là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo (AI), tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hoá, tiền mã hoá, thương mại điện tử (TMĐT)... là những nội dung phải thực hiện.

“Đặc biệt, cần có cơ chế thử nghiệm đối với những ngành, lĩnh vực mới trên cơ sở hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu, bảo đảm an ninh, an toàn”, Nghị quyết nhấn mạnh.
Cùng với đó, Nghị quyết yêu cầu sớm ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; tạo môi trường thuận lợi cho DN tư nhân tham gia nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, TMĐT, công nghệ tài chính, y tế thông minh...
Đồng thời, cho phép các DN được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của DN đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này.
Mặt khác, cũng cần có chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ, chi phí thực hiện CĐS, chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững, tuần hoàn thông qua cơ chế khấu trừ thuế thu nhập DN hoặc tài trợ qua các quỹ.
Cụ thể đối với các cơ chế hỗ trợ chính sách, nhà nước đảm bảo có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập DN cho các DN khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST kể từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập DN phải nộp.
Đặc biệt, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN cho các cá nhân, tổ chức đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp, quyền góp vốn vào DN khởi nghiệp sáng tạo; Miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại DN khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm ĐMST, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng tạo điều điện để DN được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập DN để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST, CĐS và nghiên cứu phát triển.
“DN được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm; DN, tổ chức tư nhân được sử dụng phòng thí nghiệm, phòng thử nghiệm, phòng hỗ trợ thiết kế và thiết bị nghiên cứu dùng chung, trung tâm thử nghiệm, đo lường, kiểm định, giám định của Nhà nước để phát triển sản phẩm với mức phí hợp lý”, Nghị quyết nhấn mạnh.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh, Nhà nước ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển các trung tâm ĐMST phục vụ ươm tạo, phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và chuyển giao các công nghệ nhằm hỗ trợ DN ĐMST, khởi nghiệp.
Cũng để việc thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả, mục tiêu cụ thể cũng được đề ra, đến năm 2030 đảm bảo có 2 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế, 20 DN hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 DN lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và đảm bảo ốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước…
Đến năm 2045 phấn đấu đảm bảo kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Như vậy, với Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Bộ Chính trị ban hàng, cùng với Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng ngày 5/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong 4 tháng qua, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 4 Nghị quyết quan trọng được xem là “Bộ tứ chiến lược” thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị./.