Phát triển nguồn nhân lực trong xây dựng kinh tế số ở Việt Nam

ThS Trịnh Thị Hiền, Viện nghiên cứu châu Âu| 11/10/2022 06:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Kinh tế số hiện đang là mô hình kinh tế mới mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang hướng tới. Phát triển kinh tế số là một trong những định hướng lớn cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Để phát triển kinh tế số, ngoài môi trường thể chế chính sách, việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực được coi là nhân tố tiên quyết.

Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định này đã xác định: Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. 

Kinh tế số bao gồm: Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.

Quyết định 411/QĐ-TTg đã đặt ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển kinh tế số, trong đó có mục tiêu thách thức là tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 và đạt 30% GDP vào năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực là một trong các nhiệm vụ để tạo nền móng cho kinh tế số.

Các phần tiếp theo sẽ phân tích thực trạng phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, đưa ra một số giải pháp nâng cao nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

Nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực luôn được xem là một yếu tố tạo nên sự thành công của mọi tổ chức, quốc gia. Đây là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống các nguồn lực.

Có nhiều khái niệm khác nhau về nguồn nhân lực tùy theo khía cạnh xem xét. Tuy nhiên, tựu trung lại, các khái niệm này đều thống nhất ở nội dung cơ bản: nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho xã hội. Con người với tư cách là yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất giữ vị trí hàng đầu, là nguồn lực cơ bản và nguồn lực vô tận của sự phát triển không thể chỉ được xem xét đơn thuần ở góc độ số lượng hay chất lượng mà là sự tổng hợp của cả số lượng và chất lượng; không chỉ là bộ phận dân số trong độ tuổi lao động mà là các thế hệ con người với những tiềm năng, sức mạnh trong cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội. 

Vì vậy, hiểu một cách chung nhất, nguồn nhân lực là tổng thể số lượng và chất lượng con người với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức - tinh thần tạo nên năng lực mà bản thân con người và xã hội đã, đang và sẽ huy động vào quá trình lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ xã hội [1].

Phát triển nguồn nhân lực theo Nilsson, Wallo, Rönnqvist và Davidson (HRD – Human Resource Development) là một thuật ngữ chung để chỉ việc phát triển con người trong cuộc sống làm việc của họ thông qua các hoạt động và quy trình. Per-Erik Ellström định nghĩa HRD là “sự sắp xếp được thực hiện để cải thiện sự phát triển năng lực của các cá nhân và nhóm trong công việc hàng ngày của họ”. Hirosata và Kitamura nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống phát triển năng lực với trọng tâm chính là giáo dục và mô tả cải cách hệ thống giáo dục và quản lý giáo dục là quan trọng đối với phát triển năng lực. 

Theo Báo cáo Phát triển Con người của UNDP (2011) chứng minh rằng việc trao quyền cho mọi người và tích hợp công bằng vào các chương trình và chính sách sẽ thay đổi các lĩnh vực chính trị và pháp lý [2].

Phát triển nguồn nhân lực trong xây dựng kinh tế số ở Việt Nam - Ảnh 1.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên và tổng dân số Việt Nam, 2011-2020 (Đơn vị: Nghìn người) (Nguồn: Nguyễn Thúy Quỳnh (2021), Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, https://mof.gov.vn)

Thực trạng phát triển nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện nay

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các nước đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam hiện khoảng trên 98 triệu người, trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 68,7% (quý 1/2021), đây là một lợi thế về số lượng nguồn nhân lực của Việt Nam [3].

Đối với nguồn nhân lực liên quan đến kinh tế số, theo khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) năm 2021, tổng số trường đại học có đào tạo CNTT, điện tử, viễn thông trên cả nước giai đoạn 2020-2021 là 242 cơ sở và tỷ lệ thực tế tuyển sinh đại học về CNTT, điện tử, viễn thông và an toàn thông tin chiếm 84%. Nhân lực CNTTn năm 2020 đạt 1.030.000 lao động [4].

Nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đã không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế như: y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng. Theo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI 4.0 - Global Competitiveness Index) năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam ở vị trí 67/141 quốc gia trên thế giới, và đứng ở vị trí 7/9 quốc gia ASEAN. So với 2018, Việt Nam đã tăng 3,5 điểm tổng thể (từ 58 điểm lên 61,5 điểm), cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67).

Việt Nam là quốc gia có điểm số và thứ hạng tăng nhiều nhất trên bảng xếp hạng GCI 4.0 2019. Sự thăng hạng này cho thấy năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam đã được đánh giá là cải thiện vượt trội so với những lần đánh giá trước đó. Nhân lực chất lượng cao của Việt Nam tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế; chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) của Việt Nam được xếp hạng ở vị trí 110/189 quốc gia được xếp hạng và đứng thứ nhì trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau chỉ số HDI của Singaprore [5].

Mặc dù vậy, trình độ lực lượng lao động của người Việt Nam còn nhiều hạn chế: Lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 64,5% (2020) tổng số lực lượng lao động, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 24,5% (2020). Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2019 (tương tự năm 2018) vẫn chỉ đứng trên Lào và Campuchia. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ lao động và năng suất lao động của người Việt mặc dù có sự cải thiện trong thời gian qua, nhưng vẫn còn ở mức rất thấp.

Kinh tế số đã tạo ra không gian phát triển mới, mở ra cơ hội cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số (CĐS). Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương), kinh tế số Việt Nam trong 10 năm qua đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%.

Năm 2020 mặc dù tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,91%, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng kinh tế dương và thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2020 trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm (XHTN) S&P Global Ratings (“S&P”) đánh giá về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực. Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên tích cực.

Nhờ những nỗ lực khởi động chương trình CĐS quốc gia, quy mô kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỷ USD (năm 2021), đóng góp hơn 5% GDP và đứng thứ hai ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số (sau Indonesia). Việt Nam hiện là một trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 68,7%, trong khi đó trung bình của thế giới là 51,4%. Hiện tỷ lệ này chỉ thấp hơn các nước phát triển (86,7%), các nước đang phát triển (44,4%) và các nước châu Á - Thái Bình Dương (44,5%). 94% người dùng Internet Việt Nam lên mạng hàng ngày. Về thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong 1 ngày của người sử dụng Việt Nam đạt tương ứng khoảng 6h 42 phút và 2h 32 phút.

Bên cạnh đó, TMĐT Việt Nam cũng đã có những bước tăng trưởng phát triển mạnh mẽ. Theo Bộ Công Thương, doanh số TMĐT bán lẻ B2C (Business to Customer - từ doanh nghiệp (DN) tới khách hàng) năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.  

Phát triển nguồn nhân lực trong xây dựng kinh tế số ở Việt Nam - Ảnh 2.

Tỷ lệ người tham gia mua sắm trực tuyến so sánh trên dân số đạt 42%. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đạt khoảng 18% với quy mô khoảng 11,8 tỷ USD, điều này đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như tương lai nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới. Dự báo sau đại dịch COVID-19, TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới.

Năm 2021, TMĐT ngày càng trở thành công cụ hữu ích để các DN vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội do nhu cầu mới trên thị trường tạo ra. Người tiêu dùng trong nước đang chuyển mạnh từ phương thức mua sắm trực tiếp truyền thống sang phương thức trực tuyến thông qua các nền tảng điện tử. Theo khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy Việt Nam có 49,3 triệu người mua sắm trực tuyến vào năm 2020, so với 32,7 triệu vào năm 2016 [6].

Các DN viễn thông đã đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng đảm bảo sự phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Mạng di động 4G được triển khai rộng khắp với hơn 40.000 trạm, phủ sóng hơn 90% dân số. Việt Nam đã trở thành nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. 

Việc các DN lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã đầu tư nâng cấp, phát triển mới cáp quang, trạm BTS để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao, chuyển đổi mô hình quản trị là rất cần thiết và việc làm chủ thiết bị 5G như Viettel, Vingroup, VNPT... có ý nghĩa chiến lược quốc gia. Có thể nói, dựa vào công nghệ để phát triển kinh tế số chính là một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, góp phần làm giảm bớt khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế trên thế giới.

Phát triển nguồn nhân lực trong xây dựng kinh tế số ở Việt Nam - Ảnh 3.

Việt Nam công bố chính thức về định hướng phát triển DN công nghệ số, chiến lược “Make in Viet Nam”, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của DN công nghệ số Việt Nam tham gia phát triển kinh tế số, CĐS quốc gia. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, doanh thu ngành ICT Việt Nam ước đạt 136 tỷ USD tăng trưởng hơn 10% so với năm 2020, số lượng DN công nghệ số đạt hơn 64.000 DN.

Tuy nhiên, kinh tế số trong bối cảnh CĐS sẽ thúc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, lao động sáng tạo sẽ ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong lực lượng lao động xã hội. Do đó, đối với Việt Nam, lợi thế về lao động - lao động chi phí thấp, lợi thế về tài nguyên sẽ giảm đáng kể, các ngành sản xuất thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên sẽ mất lợi thế, bao gồm dệt may, giày da, gia công lắp ráp...

Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu về phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Mặc dù Việt Nam được đánh giá có rất nhiều lợi thế về nguồn nhân lực số do đang trong thời kỳ dân số vàng, nhiều người trẻ say mê công nghệ số, sử dụng công nghệ số, tuy nhiên nguồn nhân lực Việt Nam cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số tại Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể như sau:

- Chất lượng nguồn nhân lực mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn thua kém các nước trong khu vực.

- Cơ cấu nhân lực có sự chuyển biến nhưng còn chậm, không đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế về tốc độ gia tăng cũng như tỷ trọng nhân lực.

- Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ tăng nhưng so với tổng nhân lực đang làm việc trong ngành còn thấp.

- Nhân lực phục vụ trực tiếp cho CMCN 4.0 đang được quan tâm, đầu tư nhưng quy mô còn mỏng, cơ cấu không đồng đều, chất lượng thấp, khó có thể đáp ứng được yêu cầu của CMCN 4.0, đặc biệt còn thiếu nhiều nhân lực trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây....

- Công tác đào tạo nhân lực có chuyển biến nhưng chưa toàn diện và hiệu quả, chưa có nhiều cơ sở đào tạo có đủ năng lực, trang thiết bị, phương pháp đào tạo đạt chuẩn quốc tế tham gia đào tạo nhân lực cho CMCN 4.0 (nguồn cung nhân lực khá hạn chế).

- Việc xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách về thị trường lao động còn nhiều bất cập.

- Việc quản lý, đào tạo sử dụng nhân lực hiện còn chưa theo cơ chế thị trường, nhà nước vẫn can thiệp trực tiếp vào công tác đào tạo nhân lực.

- Còn nhiều rào cản trong thực thi cơ chế xã hội hóa, trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục - đào tạo dẫn đến việc thực thi các cơ chế nêu trên thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao.

- Thiếu một hệ thống thông tin chi tiết, cập nhật về cung - cầu nhân lực nền kinh tế số. Hiện nay, muốn nắm bắt nhu cầu xã hội về nhân lực cần phải tổ chức hệ thống thu thập tin từ phía người sử dụng lao động để cung cấp cho người dân, cơ sở giáo dục - đào tạo và xã hội biết nhằm phối hợp trong đào tạo nhân lực.

- Cơ chế, chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư cho phát triển nhân lực chưa thực sự thuận lợi và đủ thông thoáng để hấp dẫn các nhà đầu tư cũng như các chủ thể khác tham gia vào quá trình phát triển nhân lực.

Những tồn tại, hạn chế như trên được nhận định bởi các nguyên nhân chính như sau:

- Nhận thức, quan niệm của các cấp, ngành, xã hội và người dân về phát triển nhân lực số, nhất là nhân lực đáp ứng yêu cầu trực tiếp của cuộc CMCN 4.0 chưa toàn diện, thực chất. Thực tế cho thấy, thời gian qua, các cấp, ngành xã hội Việt Nam đã dành sự quan tâm, đề cập nhiều đến vai trò, tầm quan trọng, cơ hội, thách thức của CMCN 4.0. Tuy nhiên, việc phát triển nhân lực số nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc CMCN 4.0 nhìn chung chuyển biến còn chậm so với thực tiễn/yêu cầu đặt ra từ nhận thức của người dân (người học) tới sự vào cuộc của các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước. Công tác thông tin, hướng nghiệp cho người dân trong việc lựa chọn, quyết định tham gia đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu/yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 còn chưa tốt.

- Công tác đào tạo nhân lực chậm được đổi mới, cập nhật. Phần lớn các cơ sở đào tạo nhân lực số hiện chưa bắt kịp xu hướng của CMCN 4.0, chưa đào tạo được đội ngũ nhân lực số đủ về số lượng, đạt chuẩn về chất lượng cung ứng cho thị trường lao động.

- Việc ban hành, thực thi một số cơ chế chính sách liên quan đến phát triển nhân lực số còn chưa thống nhất và đồng bộ.

Đề xuất một số giải pháp nâng cao nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số tại Việt Nam Tại Việt Nam, trong thời gian qua, kinh tế số đã phát triển không ngừng: Quy mô kinh tế số của Việt Nam đã đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 21 tỷ USD năm 2021 và dự báo đạt 57 tỷ USD vào năm 2025 [7].

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế số, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, định hướng đúng đắn và đột phá về phát triển kinh tế số. Một trong những định hướng đó là: Đảng ta đã coi phát triển kinh tế số là một trong những định hướng lớn cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Trong đó: “Phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” [8]. Trên cơ sở đó, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để phát huy hơn nữa vai trò của nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số, một số giải pháp cần thực hiện:

Một là, xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách phù hợp nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số. Đồng thời, Nhà nước phải có chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, truyền bá kiến thức về kinh tế số để mọi người đều nhận thức về kinh tế số, từ người quản lý đến người thực hiện. Khi có kiến thức nhất định sẽ thay đổi tư duy và phát triển kinh tế số tốt hơn.

Hai là, lập chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, truyền bá kiến thức về kinh tế số để mọi ng phát triển kỹ năng số cho người Việt Nam, bao gồm kỹ năng số cơ bản, kỹ năng số chuyên biệt (ngân hàng, logistics, ...) thông qua (1). Tăng cường giáo dục và đào tạo CNTT ở tất cả các cấp học, đặc biệt là thông qua hệ thống các trường kỹ thuật và dạy nghề; (2). Khuyến khích cải thiện và phát triển các kỹ năng mềm cho nhân viên, khuyến khích các sáng kiến xây dựng các kỹ năng cốt lõi mà mọi người cần để họ có thể tận dụng, mở rộng và điều chỉnh những kỹ năng này để đáp ứng nhu cầu của tiến bộ công nghệ.... Ngoài ra, đổi mới mạnh mẽ hệ thống quản lý giáo dục, tập trung vào vấn đề quản lý chất lượng; Mở rộng quan hệ hợp tác giáo dục - đào tạo các việc làm mới như AI, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, chuỗi khối,...

Ba là, các cơ quan chức năng cần cung cấp cho người lao động những thông tin đầy đủ về xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động để giúp họ đưa ra quyết định. Các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề phải được cải thiện. Trong đó, cần chú trọng nhiều hơn đến “kỹ năng mềm” trong chương trình học từ mẫu giáo đến lớp 12. Thị trường lao động cần được thiết kế linh hoạt hơn, cho phép người lao động dễ dàng chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.

Bốn là, tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, các doanh nhân số. Cần xây dựng cơ chế ưu đãi (tài chính và phi tài chính) nhằm phát triển DN công nghệ số và đối với các DN Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh số, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, bởi phần lớn các DN Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lực lượng DN công nghệ số với giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam sẽ là động lực quan trọng để phát triển kinh tế số thành công.

Năm là, tăng cường DN công nghệ số với giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam. Trong kỷ nguyên của nền kinh tế số, hợp tác giữa các chính phủ và xuyên biên giới là rất quan trọng. Vì TMĐT có lợi thế về quy mô, nên khi các chính phủ hợp tác với nhau, thì người tiêu dùng có thể hưởng lợi từ các nền tảng có nguồn gốc từ các quốc gia khác.

Thay lời kết

Phát triển kinh tế số hiện là xu thế tất yếu đối với mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, phát triển kinh tế số đã đặt ra nhiều thách thức mới, đòi hỏi, các chính phủ phải thích ứng kịp thời, thay đổi phương thức quản trị, xây dựng ban hành các chiến lược, chính sách phù hợp.

Mỗi một nền kinh tế đòi hỏi cần phải có một lực lượng sản xuất tương ứng về trình độ, đặc biệt là nguồn nhân lực. Vì vậy, tương ứng với nền kinh tế số phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nó. Hơn nữa trong bất kỳ thời kỳ phát triển nào của xã hội, con người luôn là yếu tố trọng tâm và với đặc thù của nền kinh tế số thì nguồn nhân lực ICT đóng vai trò quyết định đến sự phát triển thành công và bền vững của nền kinh tế này. 

Phát triển nguồn nhân lực trong xây dựng kinh tế số ở Việt Nam - Ảnh 4.

Để phát triển kinh tế số, các chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác với các DN, để thúc đẩy một hệ sinh thái ICT năng động, tạo ra một hệ thống các tác nhân có mạng lưới cao và đầu tư vào các nền tảng và nguồn nhân lực ICT cần thiết cho nền kinh tế số. Tuy vậy, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, chính trị, pháp lý; phụ thuộc vào sự tác động của các quốc gia khác trong khu vực và thế giới... mà mỗi quốc gia sẽ xây dựng các chương trình, chính sách, chiến lược nhằm phát huy nguồn nhân lực đáp ứng phát triển kinh tế số.

Đối với Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, định hướng đúng đắn và đột phá về phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, việc cập nhật, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý vẫn là một quá trình, bởi thực tiễn luôn biến động, nhất là trong thời đại phát triển của công nghệ số. Do đó, việc tiếp tục triển khai nghiên cứu để rút kinh nghiệm xây dựng và triển khai các mục tiêu, hành động, giải pháp then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế số, thực hiện CĐS thành công tại Việt Nam là rất cần thiết.

Một trong những bài học thành công đó là phải coi trọng và phát huy nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết trong phát triển kinh tế số. Đồng thời, cần phải có sự kết hợp các hành động và giải pháp từ các chủ thể: Nhà nước, DN, người dân và xã hội./.

Tài liệu tham khảo

[1]. Nguyễn HoàngHải (2020), Phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu của kinh tế số, https://tcnn.vn/news/detail/48102/Phat-trien-nguon-nhan-luc-so-dap-ung-yeu-cau-cua- kinh-te-so.html, truy cập ngày 5-8-2022

[2]. Nguyễn Hoàng Hải(2020),Phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu của kinh tế số, https://tcnn.vn/news/detail/48102/Phat-trien-nguon-nhan-luc-so-dap-ung-yeu-cau-cua- kinh-te-so.html, truy cập ngày 5-8-2022

[3]. Tổng cục Thống kê, 2021: https://www.gso.gov.vn/. Truy cập ngày 1-10-2021.

[4]. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). “Sách trắng Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Nam 2021”. Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông: http://makeinvietnam.mic.gov. vn/baiviet/Sach-Trang-CNTT-TT-Viet-Nam-nam-2021-Mw3zxIRxmP?zarsrc=30&utm_ source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo, Truy cập ngày 1-10-2021.

[5]. Ban Tuyên giáo Trung ương, 2021.

[6]. Thương mại điện tử trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế số củaViệt Nam, https://special. vietnamplus.vn/2022/05/11/vi-ecommerce-in-vietnam-digital-economy/, truy cập ngày 5-8-2022.

[7]. Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2021” do tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố.

[8]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, NXBCTQG - Sự thật, Hà Nội 2021, tập 1, tr.115.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nguồn nhân lực trong xây dựng kinh tế số ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO