Phát triển thành phố thông minh của Thái Lan: Tầm nhìn tương lai

Ngọc Diệp| 10/11/2022 15:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Các dự án thành phố thông minh (TPTM) ở Thái Lan đang tiếp tục phát triển. Trong đó, việc chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng và lĩnh vực của TPTM mang đến cơ hội tăng trưởng mới, mang lại giá trị cho người dân và chính quyền.

TPTM: Mô hình quy hoạch đô thị mới

Giống như các TPTM khác trên thế giới, các TPTM của Thái Lan ứng dụng công nghệ để giải quyết các thách thức đô thị hiện nay như tắc nghẽn giao thông, chất lượng nước, không khí kém, nghèo đói, gia tăng bất bình đẳng, chênh lệch chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị cũng như đảm bảo an ninh,... Trong Chiến lược Thái Lan 4.0, quốc gia này đặt mục tiêu đạt được 100 TPTM vào năm 2024.

Mới đây nhất, ngày 11/7, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt một kế hoạch tổng thể để xây dựng TPTM ở huyện Huai Yai, tỉnh Chonburi, cách thủ đô Bangkok 160km về phía Đông Nam trị giá gần 36 tỷ USD. TPTM mới sẽ có diện tích khoảng 2.340 ha, bao gồm 5 trung tâm thương mại cho phép công ty thuê lại để hoạt động kinh doanh và tiền đầu tư sẽ được giải ngân trong vòng 10 năm tới.

Ngoài ra, các khu dân cư của thành phố sẽ được thiết kế để chứa 350.000 người vào năm 2032 và tạo ra 200.000 việc làm trực tiếp. Cư dân chủ yếu sẽ là những người làm việc trong khu vực công nghiệp, nơi dự kiến sẽ thu hút các khoản đầu tư trị giá khoảng 2.200 tỷ baht (hơn 60 tỷ USD) đến từ các công ty ô tô, robot, chăm sóc sức khỏe và hậu cần toàn cầu trong 5 năm tới.

Tổng thư ký Văn phòng Hành lang Kinh tế phía Đông Kanit Sangsubhan cho biết: "Thành phố mới sẽ là nơi đáng sống cho thế hệ mới, đồng thời là trung tâm kinh doanh… Chúng tôi tạo ra dự án mới này để bù đắp thu nhập mà Thái Lan bị mất trong trận đại dịch".

Trong một tuyên bố, Chính phủ Thái Lan đánh giá thành phố mới với các trung tâm kinh doanh có thể đóng góp thêm khoảng 2.000 tỷ baht vào tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 10 năm và giá trị tài sản sau thời gian nhượng quyền 50 năm sẽ tăng gấp 5 lần.

Tại Thái Lan, ngoài việc khuyến khích và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các doanh nghiệp tư nhân ở Thái Lan, Cơ quan Xúc tiến kinh tế số của Thái Lan (DEPA) còn tham gia điều hành Uỷ ban TPTM Thái Lan. Cơ quan này quản lý quy hoạch phát triển TPTM, đồng thời ban hành các quy tắc và cơ chế để hỗ trợ các TPTM ở Thái Lan phát triển bền vừng.

Uỷ ban TPTM Thái Lan đã quyết định xây dựng Nền tảng dữ liệu thành phố (CDP - City Data Platform), một trong năm nguyên tắc phát triển TPTM. CDP là một kho lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức tư nhân và người dân thành phố. Để tạo ra giá trị cao nhất cho thành phố, điều quan trọng là thông tin cá nhân phải được bảo vệ.

Tầm nhìn tương lai

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Mohit Sagar, Giám đốc điều hành kiêm Tổng biên tập của OpenGov Asia, TS. Passakon Prathombutr, SEVP/CTO, Đơn vị phát triển đổi mới và công nghệ kỹ thuật số, DEPA, Thái Lan tiết lộ rằng có hơn 60 thành phố trên toàn quốc gửi đã gửi đề xuất TPTM kể từ khi chính phủ thành lập Ban chỉ đạo TPTM vào năm 2017. Những thành phố được phê duyệt sẽ được sử dụng biểu trưng TPTM Thái Lan và có thể xin những đặc quyền đầu tư từ Ủy ban Đầu tư.

"30 thành phố đã đáp ứng các yêu cầu và hiện đang trong quá trình phát triển để trở thành TPTM. Khái niệm TPTM của chúng tôi đề xuất sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị một cách sáng tạo. Tất nhiên, phục vụ người dân tốt hơn là một trong những giá trị", TS. Passakon giải thích.

TPTM là nỗ lực đa ngành có tác động lớn đến cuộc sống hàng ngày với nhiều thách thức cần giải quyết. Trong khi cơ sở hạ tầng và hậu cần là những vấn đề, theo TS. Passakon, trở ngại lớn nhất là các nhà lãnh đạo thành phố phải thay đổi tư duy và chấp nhận các mô hình giải pháp mới dựa trên công nghệ.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ là cần thiết cho một TPTM, điều này tạo ra một thị trường tiềm năng cho công nghệ. Nhiều cơ hội và ưu đãi đã được cung cấp cho các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp để phát triển các giải pháp mới.

Theo TS. Passakon, là một phần trong tiếp cận của DEPA, họ đã xây dựng một hệ sinh thái để hỗ trợ cả bên cung và bên cầu bằng cách sử dụng nhiều kênh tài chính và các công cụ nâng cao năng lực như đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi số và kết hợp kinh doanh.

Nền tảng dữ liệu thành phố là phần quan trọng nhất của TPTM, tập trung vào các nhu cầu và các vấn đề của người dân để phát triển bền vững.

"Ba tính năng được cung cấp bởi CDP là danh mục dữ liệu, trao đổi dữ liệu và quản trị dữ liệu cho phép nhà cung cấp giải pháp nhanh chóng kiểm tra và kết hợp dữ liệu CDP. Dữ liệu này chủ yếu là dữ liệu mở và tuân theo cùng một tiêu chuẩn siêu dữ liệu đối với mỗi thành phố", TS. Passakon giải thích thêm.

TS. Passakon thừa nhận rằng dữ liệu là tài sản của chủ sở hữu dữ liệu. Đó có thể là công khai hoặc riêng tư, do đó, việc quản lý dữ liệu trong CDP sẽ giúp kiểm soát chất lượng dữ liệu và quyền chia sẻ.

Khi đề cập đến các trường hợp cụ thể và bài học kinh nghiệm về phát triển TPTM từ bản thân, TS. Passakon cho rằng cần bắt đầu từ nhu cầu của người dân hơn là các công nghệ hoặc giải pháp. "Chúng ta phải xác định các vấn đề và sau đó kết hợp chúng với các giải pháp thực tế."

TS. Passakon cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thu hút thế hệ trẻ tham gia vào các dự án TPTM. Để khuyến khích họ tham gia, vị tiến sĩ cho biết: "Chúng tôi truyền kiến thức của mình cho thế hệ tiếp theo thông qua chương trình đại sứ (trẻ) TPTM".

Chương trình Đại sứ TPTM (SCA) nhằm khuyến khích sự phát triển của các TPTM từ quan điểm mới mẻ của giới trẻ và thúc đẩy việc làm tại địa phương để thu hút những người trẻ tuổi trở về quê hương của họ.

Trước khi trở thành "đại sứ TPTM" cho các tổ chức tham gia trong khu vực công hoặc tư trong thời gian 12 tháng, người tham gia sẽ được đào tạo để nâng cao kỹ năng số và kiến thức cơ bản về phát triển TPTM, với sự giúp đỡ người cố vấn tại địa phương. Họ sẽ có thể sử dụng kiến thức của mình để giải quyết các vấn đề đô thị, đề xuất các giải pháp giúp thành phố tốt hơn và thúc đẩy sự phát triển của TPTM ở mỗi khu vực tương ứng của họ.

Theo DEPA, Chương trình SCA sẽ được mở rộng sang giai đoạn thứ hai với mục tiêu là phát triển 150 đại sứ TPTM trẻ được chọn từ 50 khu vực trên khắp đất nước bằng cách nâng cao kiến thức và khả năng của họ trong các lĩnh vực phù hợp với sứ mệnh.

Thúc đẩy TPTM là chương trình nghị sự quốc gia của Thái Lan nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại hạnh phúc cho người dân. Theo Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia lần thứ 13 giai đoạn 2023 - 2027, Thái Lan có các khu vực và TPTM đáng sống, an toàn và bền vững.

Mặc dù phát triển 105 TPTM là mục tiêu của kế hoạch quốc gia đến năm 2027, nhưng các vấn đề về công nghệ và đô thị sẽ phát triển theo thời gian. Do đó, trong 3 năm tới, Thái Lan sẽ triển khai các thông lệ tốt nhất và lãnh đạo thành phố sẽ hiểu rõ hơn về các công nghệ số. Ngoài ra, trong vòng 5 - 10 năm tới, quốc gia này sẽ tiếp tục giải quyết những thách thức mới và ứng dụng các công nghệ mới.

"Các giải pháp hiện nay sẽ trở nên phổ biến khi chúng ta gặp phải các vấn đề mới và tiến bộ công nghệ, đòi hỏi nhu cầu về một TPTM hơn. Đó là một hành trình lâu dài", TS. Passakon nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thành phố thông minh của Thái Lan: Tầm nhìn tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO