Định hướng mới cho lĩnh vực bưu chính phát triển
Tại hội nghị trực tuyến với các Sở TT&TT về cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm tốt trong công tác quản lý nhà nước về bưu chính ngày 1/12/2021, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết năm 2021 là năm đặc biệt đối với đất nước, hoạt động của lĩnh vực bưu chính đã thay đổi và khác biệt so với các năm trước.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết bưu chính đã thể hiện được rõ vai trò của mình. Lĩnh vực quản lý nhà nước về bưu chính đã tạo sự đột phá. Các doanh nghiệp (DN) bưu chính chủ lực như Bưu điện Việt Nam (BĐVN), Viettel Post, Giao hàng Tiết kiệm… đã thể hiện vai trò là chuỗi logistics cuối cùng không bị đứt gãy. Các DN đã có những cách làm mới và đề xuất kiến nghị với Bộ. Bộ TT&TT cũng sẽ ban hành kịch bản cho các DN bưu chính để ứng phó với thảm hoạ.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết tốc độ tăng trưởng bưu chính được dự báo vẫn được duy trì. Bộ TT&TT đã trình Chính phủ Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Dự kiến Chiến lược sẽ sớm được phê duyệt trong tháng 12/2021. Theo đó, bưu chính được coi là một hạ tầng thiết yếu khi phát triển kinh tế số.
Trong chiến lược phát triển bưu chính cũng định hình rõ một số việc phải làm trong thời gian tới. Bộ và các DN bưu chính sẽ thúc đẩy, hỗ trợ hộ sản xuất nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), mở cửa thị trường để giúp DN bưu chính phát triển lành mạnh.
Bà Vũ Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT cho biết có các khái niệm, định nghĩa khác nhau về dịch vụ bưu chính, nhưng theo quy định của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) hay của Việt Nam và một số nước (EU, Đức, Mỹ, Anh, Malaysia) thì dịch vụ bưu chính đều có công đoạn cơ bản chấp nhận, chia chọn, vận chuyển và phát thư, hàng hóa qua mạng bưu chính
Tại một số nước, dịch vụ bưu chính được định nghĩa theo hướng mở rộng không gian cho dịch vụ bưu chính, theo đó, dịch vụ bưu chính gồm các chức năng phụ trợ hoặc dịch vụ có liên quan và được cung ứng cùng dịch vụ chấp nhận, chia chọn, vận chuyển, phát bưu gửi.
Tương lai dịch vụ bưu chính ở Việt Nam là: dịch vụ chấp nhận, khai thác, vận chuyển và phát thư, hàng hóa từ một địa điểm này đến một địa điểm khác qua hạ tầng bưu chính; dịch vụ thực hiện một số công đoạn chấp nhận, khai thác, vận chuyển và phát thư, hàng hóa qua hạ tầng bưu chính; tất cả dịch vụ, hoạt động hỗ trợ liên quan hoặc được cung ứng.
"Lĩnh vực bưu chính trong tương lai sẽ được mở rộng nội hàm theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang", bà Thuỷ nhấn mạnh.
Theo dự thảo chiến lược mới, bưu chính là một trong các hạ tầng quan trọng của nền kinh tế. Hạ tầng bưu chính và dịch vụ bưu chính được sử dụng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ bưu chính và các sản phẩm, dịch vụ khác tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực khác; tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp, trong đó lấy mạng bưu chính công cộng làm nòng cốt.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, tổng doanh thu của DN bưu chính là 9 -12 tỷ USD, tương đương 1,8 - 2,4% GDP; tổng doanh thu dịch vụ bưu chính 6 - 8 tỷ USD, tương đương 1,6 - 2,1% GDP; tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ bưu chính phục vụ TMĐT: tối thiểu 30%; tối thiểu 50 bưu gửi/người/năm; số dân phục vụ bình quân trên 01 điểm phục vụ bưu chính gần 3.700 người; tổng số nhân lực ngành bưu chính là 150.000 người; phát triển tối thiểu 3 DN bưu chính lớn dẫn dắt thị trường.
Về hạ tầng bưu chính, chiến lược đặt mục tiêu 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; 100% điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ có kết nối Internet; số điểm phục vụ bưu chính là 27.000 điểm; 100% hộ gia đình có địa chỉ số.
Chiến lược cũng xác định xây dựng nền tảng địa chỉ số Việt Nam gắn với bản đồ số quốc gia phục vụ cho phát triển TMĐT và kinh tế số; phát triển tối thiểu 2 sàn TMĐT do DN bưu chính Việt Nam sở hữu để đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên tham gia giao dịch. Bưu chính sẽ tham gia thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số nông nghiệp. Cụ thể, 100% hộ SXNN lên tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT do DN bưu chính Việt Nam sở hữu… Cũng theo dự thảo Chiến lược, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD) theo đánh giá của UPU.
Kinh doanh trên nền tảng số là xu thế bắt buộc
Tại hội nghị, bà Nguyễn Lâm Thanh Thuỷ, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đồng Tháp cho biết năm 2021, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động giao thương toàn cầu nói chung và trong nước nói riêng, trong đó có Đồng Tháp. Chính vì vậy, việc chuyển từ hình thức kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trên các nền tảng số, các sàn TMĐT không còn là sự lựa chọn, mà là xu thế bắt buộc giúp các DN tồn tại và phát triển.
Thông qua hình thức thương mại này, các DN, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã (HTX), hộ SXNN vẫn có thể kết nối một cách đều đặn thường xuyên với đối tác, thậm chí còn kết nối được nhiều đơn hàng hơn hình thức truyền thống.
Theo bà Thủy, thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT về hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân, UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tại Công văn số 631/UBND-KT ngày 03/08/2021.
Trên cơ sở đó, ngày 05/8/2021, Sở TT&TT đã phát hành và triển khai Kế hoạch số 63/KH-STTTT; trong đó, có mục tiêu, chỉ tiêu và phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng các đơn vị có liên quan, gồm: Sở TT&TT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện, thành phố đồng hành cùng với 2 DN bưu chính là BĐVN và Viettel Post.
Qua hơn 03 tháng triển khai kế hoạch, tính đến ngày 30/11/2021 đã hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua 02 sàn TMĐT được 1.470 tấn (Voso là 1.326 tấn, Postmart: 144 tấn). Trong đó một số loại nông sản được tiêu thụ mạnh như nhãn (176 tấn), khoai (287 tấn), xoài (164 tấn), cam - quýt (407 tấn), chanh (36 tấn), khoai môn (47 tấn), thanh long (100 tấn), ổi (228 tấn); số hộ tham gia sàn TMĐT có phát sinh giao dịch là 427 hộ. cung cấp hàng hóa thiết yếu, giao hàng tận nhà cho người dân hơn 29.000 đơn hàng với tổng giá trị gần 7,3 tỷ đồng.
Để mở rộng lĩnh vực kinh doanh trên 2 sàn, bà Thuỷ cũng cho biết Sở TT&TT đã đề xuất và được UBND tỉnh thống nhất chủ trương, giao Sở TT&TT phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công thương, Bưu điện tỉnh Đồng Tháp, Bưu chính Viettel Đồng Tháp hỗ trợ cơ sở kinh doanh du lịch tham gia 02 sàn Postmart và Voso, nhằm quảng bá, bán sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Thông qua khách du lịch, quảng bá tiêu thụ hàng đặc sản, hàng OCOP, đẩy mạnh bưu chính chuyển phát và góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà.
Bà Thuỷ cũng cho biết hiện tỉnh đang triển khai thí điểm mô hình đưa cơ sở du lịch lên sàn Postmart và Voso tại TP. Sa Đéc. Đồng thời, Sở TT&TT phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ TT&TT và nhà đăng ký tên miền iNET hỗ trợ xây dựng 10 website miễn phí cho DN, HTX, Hội quán kinh doanh các sản phẩm OCOP, hoa kiểng và du lịch./.