Phát triển văn hoá đọc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Trường Thanh| 07/12/2022 09:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa đọc. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm thông tin hay sách, báo, truyện… không còn xa lạ với mọi người.

Cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa đọc. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm thông tin hay sách, báo, truyện… không còn xa lạ với mọi người. Vì vậy, việc linh hoạt tìm hướng đi mới để phục vụ bạn đọc là điều tất yếu. Và chuyển đổi số là giải pháp tất yếu để ngành thư viện phát triển, tiếp cận với bạn đọc nhiều hơn bằng cách xây dựng những dịch vụ số, dữ liệu mở, cung ứng hiệu quả dịch vụ cho mọi người.

Thách thức của văn hoá đọc hiện nay

Văn hóa đọc đã và đang khẳng định vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, đặc biệt là khi đất nước bước vào cuộc Cuộc CMCN 4.0 và nền kinh tế tri thức.

Trước sự bùng nổ xuất bản và thông tin mạng, hầu hết người đọc gặp thách thức khi đứng trước khối lượng sách báo, thông tin đa chiều, khổng lồ. Trong bối cảnh đó, "văn hóa đọc" sẽ giúp mỗi người khi bản thân tự trả lời được các câu hỏi: Đọc cái gì, đọc như thế nào và đọc để làm gì? Việc lựa chọn đối tượng đọc sao cho phù hợp với từng người về trình độ, nghề nghiệp, sở thích có ý nghĩa rất quan trọng. Từ đó, người đọc được cung cấp hệ thống tri thức phong phú, thiết thực, bổ ích.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin thì việc đọc sách báo qua Internet đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. Bởi nó mang lại nhiều tiện lợi như: Người dùng có thể đọc sách ở bất cứ đâu và dễ dàng tìm kiếm cuốn sách mà mình cần; các loại sách trên mạng Internet cũng khá phong phú và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của độc giả...

Phát triển văn hoá đọc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 1.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin thì việc đọc sách báo qua Internet đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn.

Vì vậy, nếu biết tận dụng và khai thác các ưu thế của công nghệ thì đây chính là "chìa khóa" quan trọng thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong thời đại số.

Khác với trước đây, khi cần tìm kiếm thông tin, bạn đọc phải đến thư viện, hay các hiệu sách thì ngày nay Internet đã trở thành công cụ hữu hiệu và tiện ích để tra cứu thông tin. Chính vì vậy, phong trào đọc sách in đang đứng trước nhiều thử thách. Số người đọc thực thụ ít hơn bởi sự lên ngôi của các phương tiện nghe nhìn, mạng xã hội. Mạng Internet là một kho sách hoàn toàn mở về nhiều phương diện. Vì thế, đọc sách trên mạng và hình thành văn hóa đọc qua mạng, đòi hỏi người đọc phải biết chắt lọc, biết chọn sách hay, sách tốt; khước từ, loại bỏ sách xấu, sách có nội dung độc hại. Nhiều người đọc chạy theo những thông tin giật gân, mua vui, giải trí đơn thuần, vô bổ; thậm chí, một bộ phận độc giả có nguy cơ "tự diễn biến" trước các thông tin xấu, độc tràn ngập trên mạng xã hội.

Hiện nay, Việt Nam đã có một mạng lưới thư viện rộng khắp bao gồm nhiều loại hình, ngoài thư viện trong các trường học, có nhiều thư viện do Nhà nước thành lập, trong đó có khoảng 20.000 thư viện cộng đồng và 200 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Các thư viện đang từng bước hiện đại hóa và tạo môi trường đọc thuận lợi với nhiều tiện ích cho người đọc.

Bên cạnh đó, thư viện điện tử cũng đang ngày càng phát triển, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 2/11/2021 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025 và định hướng đến 2030. Hàng loạt các trường áp dụng phần mềm thư viện số để phục vụ nhu cầu đọc của học sinh, sinh viên. Tiên ích của thu viện điện tử thể hiện rõ ở các điểm: 1) Không gian tri thức là vô tận, không giới hạn bởi các ranh giới vật lý như thư viện truyền thống. Người đọc có thể sử dụng, tra cứu tài liệu mọi lúc mọi nơi chỉ cần một thiết bị điện tử thông minh có kết nối mạng. 2) Thời gian sử dụng không hạn chế: Với các thư viện truyền thống, người dùng chỉ được đến vào khoản thời gian quy định trong ngày. Tuy nhiên, với thư viện số thời gian truy cập và sử dụng là 24/7. 3) Không gian vô hạn, không giới hạn người sử dụng trong một thời điểm. Điều này có nghĩa tình trạng đông đúc trong một không gian sẽ không xảy ra. 4) Tìm kiếm nhanh chóng thông tin: Với những tính năng hiện đại từ thư viện số, người dùng có thể tìm kiếm nhanh chóng các tài liệu với thanh tìm kiếm chính xác nhất. 5) Hệ thống lưu trữ và khả năng bảo quản tốt nhất: Khả năng lưu trữ tài liệu vô cùng gọn nhẹ, thời gian bảo quản lâu dài tránh tình trạng mọt mối như trong thư viện truyền thống. 6) Thông tin hình ảnh được rõ nét nhờ các công nghệ xử lý hình ảnh và không thay đổi theo thời gian.

Cuộc CMCN 4.0 không chỉ tạo ra những thách thức mà còn đưa đến nhiều cơ hội cho văn hóa đọc, tạo sự bứt phá cho hệ thống thư viện truyền thống hướng tới chuyển đổi số theo Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, người dùng có thể đọc sách ở bất cứ đâu và dễ dàng tìm kiếm cuốn sách mà mình cần chứ không nhất thiết phải đến thư viện truyền thống.

Giải pháp phát triển văn hoá đọc trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển nền văn hoá đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân trong xã hội. Theo đó, các nhóm giải pháp cụ thể như sau:

Một là, xây dựng cơ sở dữ liệu mở. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số trong ngành thư viện chính là để xây dựng dữ liệu mở cho người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng cùng tham gia. Người đọc có thể tham khảo miễn phí những nội dung cơ bản, nhưng khi cần thì các tư liệu quý, tài liệu chuyên sâu thì phải mua. Nhiều đơn vị xuất bản đã nhận ra ý nghĩa quan trọng của chuyển đổi số như vậy nên tích cực tham gia thay đổi cả quy trình xuất bản cũng như hoạt động quản lý, giúp độc giả dễ dàng tiếp cận và lan tỏa phong trào đọc sách mạnh mẽ hơn.

Phát triển văn hoá đọc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 2.

Khơi dậy tinh thần và hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng và xã hội.

Hai là, tích cực xã hội hóa văn hóa đọc: Nếu chỉ Thư viện nhà nước thôi thì không đủ, cần đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa đọc thông qua các không gian phù hợp như các quán cà phê sách, các thư viện tư nhân… Trong thời đại 4.0, không thể không liên kết để cùng phát triển, việc phối hợp với hệ thống thư viện trong vùng hay toàn quốc cũng như các lực lượng xã hội khác là không thể thiếu để tận dụng nguồn tài nguyên số phục vụ văn hóa đọc. Tuy nhiên, việc xã hội hóa văn hóa đọc cần hết sức lưu ý thực hiện nội dung đã được văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: "Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục".

Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các hoạt động hỗ trợ cho thư viện và các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc tại doanh nghiệp và cộng đồng.

Bốn là, tăng cường giới thiệu sách trên các nền tảng mạng xã hội giúp bạn đọc có thể dễ dàng tìm kiếm và đọc.

Năm là, quảng bá và mở rộng các thư viện điện tử, thường xuyên cập nhật sách hay lên hệ thống website, cổng thông tin điện tử để độc giả có thể đọc trực tiếp bằng điện thoại, máy tính...

Sáu là, các cấp, ngành cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng quan tâm phát triển tủ sách điện tử, thư viện điện tử, khuyến khích tinh thần tự đọc, tự nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện... Để từ đó khơi dậy tinh thần và hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng và xã hội./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn hoá đọc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO