Phát triển ví điện tử tại Việt Nam và một số thách thức về ATTT
Trong năm 2022, lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đã có sự bứt tốc, tăng trưởng mạnh mẽ hậu đại dịch. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro về an toàn thông tin (ATTT).
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng như Báo cáo thị trường fintech Việt Nam 2021, số lượng công ty gintech đã tăng lên 04 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021.
Trong số các công ty fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp. Năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của thị trường fintech Việt Nam khi nền kinh tế Internet đạt giá trị 21 tỷ USD, đứng ở vị trí 14/50 ở khu vực châu Á và vị trí 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu (2022).
Các công ty fintech Việt Nam hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng hai lĩnh vực được tập trung nhất là thanh toán qua ví điện tử và P2P Lending. Khối fintech là một trong những nhóm đối mặt với nhiều rủi ro về ATTT thời điểm hiện tại. Bởi vì, fintech đang có thiên hướng phát triển nhanh, phát triển nóng nên việc để ý cho phần hạ tầng, vận hành, an toàn thông tin dễ bị bỏ ngỏ.
Ngoài ra, fintech có số lượng thông tin khách hàng lớn, thông thường số lượng lên đến hàng triệu, do đó nếu có sự cố thì giá trị mất đi thật sự khổng lồ.
Thống kê của NHNN cũng cho thấy, hiện thị trường Việt Nam có khoảng 43 ví điện tử và tổ chức trung gian thanh toán không phải ngân hàng được chính thức cấp phép hoạt động. Con số này đã tăng gấp 7 lần so với năm 2015. Trong năm 2022, thị trường ví điện tử cạnh tranh khốc liệt, các nhà cung cấp ví điện tử có xu hướng kết hợp với các siêu ứng dụng và các nhà cung cấp dịch vụ thuộc các nhóm ngành kinh tế khác (như thương mại điện tử, bán lẻ và dịch vụ tài chính) nhằm thống lĩnh thị trường. Nhiều ví điện tử đang đẩy mạnh mở rộng hệ sinh thái của mình.
Cụ thể, ngoài cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ chung cư, dịch vụ công, học phí, mua vé (tàu xe, máy bay)… các ví điện tử đang xây dựng cho mình các trò chơi, chương trình ưu đãi riêng hay liên kết với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Zalora… để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng.
Theo Báo cáo thị trường ATTT Việt Nam 2022 của Công ty An ninh mạng Viettel, các doanh nghiệp trong thị trường ví điện tử tại Việt Nam có thể gặp một số thách thức nhất định liên quan đến ATTT. Hành lang pháp lý về ứng dụng chưa được thông qua hoàn toàn và chính thức, chưa có cơ quan chức năng cụ thể đảm bảo sự an toàn đối với tài sản của người dùng khi có tranh chấp, thiếu các chế tài hay bộ luật quy định về pháp lý của ví điện tử và rủi ro liên quan.
Tính bảo mật của ví điện tử còn chưa cao, mặc dù các đơn vị cung cấp đều cố gắng thiết lập lớp bảo vệ tối ưu nhất cho khách hàng. Hiện tượng đánh cắp thông tin, lừa đảo vẫn còn xảy ra và khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, việc xây dựng một ứng dụng ví điện tử an toàn và hoạt động hiệu quả thông qua các phương pháp bảo mật mạnh mẽ sẽ giúp gia tăng sự tin cậy của khách hàng, giúp thúc đẩy việc thanh toán thông qua ví điện tử ngày càng phát triển.
Không chỉ vậy, việc thực thi các biện pháp bảo mật cũng sẽ mang lại cho ứng dụng ví điện tử một lợi thế khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Với nhu cầu chuyển dịch lên đám mây lớn, với lưu lượng dữ liệu người dùng khổng lồ, các công ty hoạt động trong lĩnh vực ví điện tử cần các giải pháp bảo mật đám mây phù hợp để đảm bảo dữ liệu người dùng không bị đánh cắp, hạn chế tối đa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Ngoài ra, các sản phẩm chống gian lận bảo vệ người dùng, dịch vụ kiểm tra đánh giá ATTT (Penetration Testing) cho hệ thống ứng dụng, hay các giải pháp cập nhật tri thức về các mối nguy hiểm, phát hiện và ngăn chặn sớm (Threat Intelligence),… đang có xu hướng được nhiều ví điện tử quan tâm./.