Để đối phó tốt hơn với những khó khăn và thách thức, Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản (BFAR) thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines đang triển khai ứng dụng một loạt công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
BFAR đã triển khai Dự án Hệ thống giám sát môi trường biển tích hợp (IMEMS) nhằm mục đích nâng cao năng lực của chính phủ việc kiểm tra, kiểm soát và giám sát trên lĩnh vực hàng hải, đồng thời tăng cường chiến dịch chống đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của ngư dân.
Hoạt động đánh bắt bất hợp pháp ở Philippines sử dụng các công cụ, chất nổ và chất độc bị cấm, việc đánh bắt cá con và đánh bắt bất kỳ loài hải sản nào khác ngoài ngư trường cho phép. Đánh bắt không báo cáo liên quan tới các hoạt động không báo cáo hoặc đã được khai báo sai.
Hoạt động đánh bắt không theo quy định bao gồm các hoạt động đánh bắt được thực hiện mà không đăng ký và không được cấp phép hay việc đăng ký và cấp phép là bất hợp pháp, như sử dụng một đăng ký và cấp phép duy nhất cho rất nhiều tàu hay phân loại sai tàu đánh bắt.
Tại Philippines, BFAR ước tính 68,6 tỷ Peso mỗi năm bị thâm hụt là do hoạt động đánh bắt IUU. Đánh bắt IUU cũng được cho là một trong những nguyên nhân hàng đầu cản trở sự phát triển của nguồn lợi thủy sản trên toàn cầu.
Với hàng nghìn hòn đảo và bờ biển, việc giám sát tàu cá là một thách thức lớn đối với Philippines. Dự án IMEMS là một hệ thống giám sát tích hợp, được tối ưu hóa và sáng tạo nhằm mở rộng và cải thiện chương trình hiện tại của BFAR. Trọng tâm của dự án là ứng dụng ICT.
Với dự án IMEMS, BFAR giờ đây có thể theo dõi và liên lạc với các tàu cá gắn cờ Philippines trong thời gian thực trên quy mô quốc gia. Việc tích hợp các chức năng truyền thông, cấp phép và thực thi pháp luật để đảm bảo tuân thủ các biện pháp quản lý và bảo tồn khác nhau đang được thực hiện trong các vùng biển của Philippines, các vùng đặc quyền kinh tế và các quốc gia ven biển khác.
"Việc thực hiện dự án IMEMS mang lại cho chúng tôi cơ hội hưởng lợi từ các đổi mới công nghệ để cải thiện hơn các phương pháp quản lý nghề cá, đồng thời trao quyền cho ngư dân trở thành những người sử dụng tài nguyên có trách nhiệm", ông Cheryl Natividad-Caballero cho biết.
Dự án là một phần trong các chiến lược quan trọng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines William Dar nhằm thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, trong đó tìm cách khai thác các dịch vụ ICT và hệ thống giám sát tàu thuyền để kết nối hiệu quả giữa nông dân và ngư dân trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Theo dự án mới, BFAR hiện đang xây dựng 6 trong số 15 tháp của Hệ thống Giám sát bờ biển và cảng loại 1 (PCMS-Loại 1). Ngoài ra, BFAR còn lắp đặt 25 trong số 117 trạm bờ biển (PCMS-Type 2) tại các địa điểm đã được xác định trên khắp cả nước.
Các tháp kiểm soát và thiết bị giám sát bờ biển này được thiết lập để cung cấp dữ liệu thời gian thực về các hoạt động của các tàu cá thương mại cho Trung tâm dữ liệu quốc gia của BFAR ở thành phố Navotas, hiện đã hoạt động từ năm 2020.
Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ chịu trách nhiệm xử lý và phân tích dữ liệu, bao gồm theo dõi tàu cá, quản lý giấy phép, tăng cường hoạt động của chính quyền địa phương thông qua quản trị điện tử (E-LOG) và tự động phát hiện các hoạt động bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Hơn nữa, hệ thống còn thu thập dữ liệu khí tượng hải văn và đánh bắt cá có liên quan để có thể phản ứng nhanh, khắc phục hậu quả thiên tai, nghiên cứu khoa học và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Sử dụng công nghệ chi phí thấp kết hợp hệ thống thông tin vệ tinh và mặt đất để thu thập dữ liệu tàu cá, IMEMS đảm bảo rằng dữ liệu thu thập từ tàu cá được bảo mật bằng cách sử dụng công nghệ mã hóa tiên tiến và các đối tác của BFAR có thể truy cập được để đảm bảo tính minh bạch của dữ liệu .
Theo quy định sửa đổi mới đây của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, tất cả các tàu cá thương mại có tổng trọng tải trên 3,1 tấn, hoạt động trong vùng biển nội địa, vùng biển khơi và các vùng biển xa khác phải lắp đặt thiết bị thu phát VMS-100 trên tàu của họ.
Chuyển đổi số là trọng tâm của sự đổi mới ở Philippines. Nó mang lại lợi ích to lớn cho trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Cục Hải quan Philippines đã gặt hái được những thành công lớn khi triển khai số hóa trong thời kỳ đại dịch. Cơ quan này đã thu được nhiều thuế xuất khẩu và nhập khẩu hơn so với thời kỳ trước đại dịch, bất chấp những hạn chế do COVID-19 gây ra./.