Chuyển động ICT

Phổ cập rộng 5G tại Việt Nam, cần thêm những giải pháp

NM 30/04/2025 20:00

5G và đám mây có vai trò quan trọng đối với hạ tầng số của Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả các mô hình, dịch vụ công nghệ 5G và đám mây, cần đánh giá thực trạng và các đề xuất, giải pháp mang tính chiến lược mới.

Dịch vụ chưa phổ biến rộng, đồng đều

Tại Hội thảo trực tuyến "Hiện trạng mạng di động 5G, ISP và dịch vụ cloud - Kết quả khảo sát của IDG 2025” do IDG Vietnam tổ chức mới đây, khi nói về thực trạng 5G tại Việt Nam hiện nay, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (REV) cho rằng dịch vụ 5G đang tạo ra nhiều giá trị phát triển và các nước đang tận dụng lợi thế của công nghệ này để tạo ra các giá trị thúc đẩy kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Theo đó, Việt Nam cần tận dụng công nghệ, xu thế này để đổi mới, phát triển.

Trao đổi về thực trạng 5G tại Việt Nam hiện nay, ông Đoàn Quang Hoan cho biết, mặc dù đến nay vẫn chưa có con số chính xác về tổng thể các giá trị, kết quả lợi ích, nhưng nhìn chung chúng ta đã thu được những tiến bộ tích cực nổi bật.

Điều dễ nhận thấy nhất chính là các dịch vụ 5G của các nhà mạng đang cung cấp tại Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn về tốc độ lưu lượng trung cập dịch vụ cao. Và chính điều này sẽ là các yếu tố mới, tăng trưởng mới, bước tiến mới, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng tiếp theo.

5g-trai-nghiem1-1-.png
Phát triển 5G phát tại Việt Nam có thuận lợi thì và vẫn còn thách thức.

Cũng theo ông Đoàn Quang Hoan, điển hình về cung cấp dịch vụ 5G tại Việt Nam, phải kể đến là nhà mạng Viettel đã cung cấp dịch vụ 5G có tốc độ cao và bao phủ rộng, nhất là tại các khu vực ở các thành phố lớn có mật độ dân cư đông đúc.

Chính vì công nghệ 5G không có độ trễ lớn nên những kết quả đạt được tỷ lệ thuận với những kỳ vọng, mong đợi, đáp ứng những nhu cầu thực tế của người sử dụng về tốc độ truyền dữ liệu lớn, nhanh của các dịch vụ cơ bản như: lướt web, dẫn đường, ngân hàng điện tử, Youtube, thương mại điện tử…”, ông Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh.

Ông Đoàn Quang Hoan còn nhấn mạnh thêm, 5G đã đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhu cầu sử dụng hiệu quả của số đông khách hàng. Đồng thời, hiện nay, các sản phẩm, thiết bị công nghệ đầu cuối, mới đã sẵn sàng đáp ứng sự phát triển của 5G.

Tuy nhiên, theo ông Đoàn Quang Hoan, bên cạnh những thuận lợi, sự phát triển 5G tại Việt Nam vẫn còn một số thách thức. Thách thức lớn nhất chính là việc phát triển 5G trên diện rộng, phủ sóng trên toàn quốc vẫn chưa được đẩy mạnh, rộng khắp. Cụ thể, 5G vẫn mới chỉ tập trung phục vụ người dùng chủ yếu tại các thành phố lớn, có nhu cầu sử dụng gắn với các trải nghiệm mới.

Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) truyền thống vẫn coi 4G là mạng phổ biến và đa số người dùng vẫn nhận thấy dịch vụ công nghệ 4G tuy cũ nhưng vẫn đáp ứng được các yêu cầu sử dụng hiện nay.

Do đó, để phát triển dịch vụ 5G tốt hơn nữa, ông Đoàn Quang Hoan cho rằng, các DN cung cấp dịch vụ viễn thông cần chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp. Đặc biệt, cần coi việc cung cấp dịch vụ công nghệ viễn thông 5G là một lựa chọn để đáp ứng các nhu cầu thuê bao, khách hàng đại chúng, tạo các giá trị tiềm năng.

Các DN viễn thông cần coi công nghệ di động mới là yếu tố then chốt làm gia tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ mới. Và để làm được điều này, các DN viễn thông cần nghiên cứu thêm các mô hình, phương pháp, quảng cáo, từ đó, dễ dàng tiếp cận các khách hàng.

“Cần giúp khách hàng hiểu dịch vụ 5G tạo ra các giá trị đạt hiệu quả vượt trội hơn các dịch vụ 3G, 4G truyền thống”, ông Đoàn Quang Hoan nêu quan điểm.

Thị trường đám mây có nhiều lợi thế phát triển

Nói về thị trường đám mây (cloud) hiện nay, ông Hà Như Hải, Giám đốc kinh doanh và tư vấn tiếp thị Viettel IDC cho biết, đến nay, tổng thu từ thị trường đám mây tại Việt Nam đạt xấp xỉ khoảng 450 triệu USD (hạ tầng, phần mềm) và xu hướng này sẽ tăng trưởng mỗi năm từ 18% - 20%.

Hơn nữa, cũng theo ông Hà Như Hải, thị trường các nhà cung cấp dịch vụ đám mây trong nước hiện nay đang chiếm 25% và các đơn vị cung cấp dịch vụ này đang có nhiều lợi thế phát triển, nhất là các lợi thế về hạ tầng cũng như băng thông, đường trục theo hướng dịch chuyển xanh.

Nói về xu thế và tiềm năng phát triển đám mây tại Việt Nam trong tương lai, ông Hà Như Hải cho rằng, hạ tầng đám mây truyền thống sẽ dần thay thế hạ tầng lưu trữ dữ liệu trong môi trường nội bộ (on-premise). Trong khoảng 3 năm tới, số lượng người sử dụng dịch vụ đám mây truyền thống và on-premise sẽ cân bằng khoảng 50%.

Điều đáng mừng trong xu thế phát triển này, ông Hà Như Hải cho rằng, các DN trong nước đã chủ động, chú trọng phát triển các nền tảng, ứng dụng, giải pháp hỗ trợ, sử dụng đám mây. Đến nay, đã có nhiều dịch vụ đám mây như container đám mây (cloud container) (các gói mã phần mềm chứa mã của ứng dụng, các thư viện của ứng dụng và các phụ thuộc khác mà ứng dụng cần để chạy trên đám mây); mô hình cung cấp và quản lý các tài nguyên mạng (cloud networking); cung cấp truy cập vào các tài nguyên mạng do bên thứ ba cung cấp (cloud networking); cơ sở dữ liệu đám mây (cloud database)…

Đặc biệt, xu hướng đám mây sẽ phát triển theo hướng, mô hình kiến trúc lấy điều khách hàng cần là tiêu chí để các DN dịch vụ ra đời sản phẩm”, ông Hà Như Hải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hà Như Hải, để đẩy nhanh thị phần, các nhà cung cấp đám mây của Việt Nam, cần phải làm chủ, phát triển công nghệ theo hướng "Make in Vietnam". Đặc biệt, cần có sự tăng cường, quan tâm, hỗ trợ của chính phủ, bộ, ban, ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển nhanh hạ tầng AI, đám mây AI.

Hơn nữa, các DN cung cấp dịch vụ cần đa dạng dịch vụ đám mây, đồng thời tối ưu chi phí, sản phẩm cho khách hàng khi sử dụng đám mây, từ đó hỗ trợ, đảm bảo gia tăng các quyền lợi cho các DN, tổ chức, đơn vị trong nước khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của mình .

Hơn nữa, để Việt Nam gia tăng cạnh tranh, phát triển cung cấp các dịch vụ đám mây mạnh mẽ hơn nữa, ông Hà Như Hải cho rằng, các DN Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp về sản phẩm đám mây có tính bảo mật, an toàn cao. Cùng với đó đẩy mạnh phát triển các sản phẩm giải pháp hạ tầng mạng và bảo mật; giải pháp an toàn thông tin…

Việc nhanh chóng hướng đến, ra đời các sản phẩm "Make in Viet Nam" do Việt Nam phát triển, làm chủ là cần thiết. Đặc biệt, các nhà cung cấp sản phẩm cần định hình rõ các sản phẩm mới khi ra đời, đảm bảo phù hợp với thực tế khách hàng dùng của Việt Nam.

“Chỉ khi nào làm tốt những điều này, các DN đám mây nội địa mới hướng sự phát triển toàn diện, đáp ứng mạnh mẽ sự phát triển của xã hội số trong xu thế số”, ông Hà Như Hải nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phổ cập rộng 5G tại Việt Nam, cần thêm những giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO