Kinh tế số

Cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Việt

Minh Thiện 04/12/2023 14:55

Số lượng trung tâm dữ liệu (TTDL) hay data center (DC) ngày càng tăng do sự đầu tư ngày càng nhiều của chính phủ và các công ty lớn vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT). Đồng thời, sự chuyển dịch nhanh chóng của các doanh nghiệp sang môi trường đám mây (cloud), đang thúc đẩy sự mở rộng của ngành TTDL trong nước.

Tóm tắt:
- Tình hình phát triển đột phá điện toán đám mây (ĐTĐM) tại Việt Nam:
- Xu thế phát triển của thị trường Việt Nam đến năm 2025:
+ Tốc độ phát triển: đạt từ 20% đến 23%;
+ Đến 2025, quy mô thị trường đạt khoảng 18.432 tỷ đồng (768 triệu USD).
- Khuyến nghị thúc đẩy tăng trưởng nhanh thị trường trong nước:
+ Nên có quy hoạch và cấp phép hạ tầng đám mây;
+ Tập trung phát triển, cung cấp hệ sinh thái sản phẩm PaaS/SaaS;
+ Tăng cường công tác bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin.

Việt Nam đang được đánh giá là thị trường dễ phát triển các DC và điện toán đám mây (ĐTĐM) vì mục tiêu chuyển đổi số (CĐS) của đất nước và nhu cầu về lưu trữ và xử lý dữ liệu ở cả trong và ngoài nước đang tăng lên đáng kể.

Triển vọng từ nấc thang phát triển mới

Hạ tầng điện toán đám mây (ĐTĐM) và TTDL là thành phần cốt lõi của hạ tầng số, cùng với các hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng Internet kết nối vạn vật (IoT) và các nền tảng số.

Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam ở các quy mô đang có bước chuyển mình mạnh mẽ ứng dụng ĐTĐM với các công nghệ mới AI, Analytics, IoT, máy học (Machine Learning) để đẩy mạnh CĐS, thông minh hóa hoạt động để thích nghi với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, mở rộng chiến lược kinh doanh, tăng tốc đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường, mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng. Bên cạnh đó, xu thế smart everything (mọi thứ trở nên thông minh) cũng đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai.

Thị trường Việt Nam hiện có hơn 50 DN cung cấp các dịch vụ ĐTĐM (cloud computing) của các nhà cung cấp như Amazon Web Service (AWS) và sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam như FPT, VNPT, Viettel, CMC... cho thấy Việt Nam đang là một thị trường sôi động và đầy tiềm năng.

idc-vnpt-hoa-lac.png

Tuy nhiên, thị trường luôn biến động, đặc biệt khi công nghệ đang có những tiến bộ không ngừng. Để có đánh giá kịp thời, chính xác với những thông tin hữu ích cho các tổ chức, DN và người dân về lĩnh vực này, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) kết hợp với Câu lạc bộ ĐTĐM và TTDL (VNCDC) đã thực hiện khảo sát thị trường trong nước với những DN trong nước đang cung cấp các loại hình dịch vụ này.

Nội dung khảo sát tập trung vào tốc độ phát triển về doanh thu và cơ cấu của từng loại hình dịch vụ ĐTĐM và TTDL trong nước. Từ đó, những người quan tâm có cái nhìn rõ hơn về nhu cầu tiêu dùng dịch vụ và dự đoán hướng phát triển của thị trường này trong tương lai.

Các công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bao gồm cả các tên tuổi quốc tế và các DN địa phương, đã cung cấp các giải pháp ĐTĐM tại Việt Nam. Các dịch vụ này bao gồm lưu trữ dữ liệu, máy chủ ảo, phần mềm như dịch vụ (SaaS), hạ tầng như dịch vụ (IaaS) và nền tảng như dịch vụ (PaaS). Các dịch vụ này được sử dụng rộng rãi bởi các DN để nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí.

Ngoài ra, các DN Việt Nam cũng đã bắt đầu nhìn nhận giá trị của việc sử dụng ĐTĐM trong quản lý dữ liệu, công việc hợp tác từ xa, và để tạo ra các ứng dụng và dịch vụ số hóa.

Tín hiệu từ thị trường

Thay đổi công nghệ nhanh chóng, số hóa và đổi mới trong AI, công nghệ sinh học và các lĩnh vực sản xuất khác giúp tăng năng suất, thúc đẩy phát triển kinh tế và góp phần vào tiến bộ xã hội và môi trường tại Việt Nam. Kéo theo đó, nhu cầu sử dụng các dịch vụ ĐTĐM của các tổ chức, DN trong nước tăng vọt khiến quy mô toàn thị trường tăng đột biến trong năm 2022 (tăng 2,15 lần so với năm 2021), từ mức 4.500 tỷ đồng lên 9.700 tỷ đồng.

hinh-1_doanh-thu-thi-truong-dtdm.png
Hình 1: Doanh thu toàn thị trường ĐTĐM Việt Nam trong giai đoạn 2021-2023

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thực trạng thế giới, thay đổi cơ bản cách học tập, làm việc, giải trí theo phương thức mới. Đây cũng là động lực để các DN ở Việt Nam triển khai dự án CĐS nhanh hơn, đặc biệt trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như du lịch khách sạn, thương mại điện tử...

Năm 2020, các tổ chức, DN còn rụt rè thử nghiệm các ứng dụng trực tuyến. Sau khi thấy được lợi ích mang lại từ ứng dụng công nghệ, các đơn vị này đã thích nghi và chuyển dần hoạt động sang trực tuyến. Tuy nhiên, chính sách hạn chế tiếp xúc để chống dịch đã ảnh hưởng tới các hoạt động mở rộng hệ thống của các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM trong nước cũng như bị giới hạn các ứng dụng mà các tổ chức, DN có thể sử dụng.

hinh-2_doanh-thu-dn-dtdm.png
Hình 2: Doanh thu của các doanh nghiệp ĐTĐM trong nước giai đoạn 2021-2023

Đến năm 2022, việc dỡ bỏ hoàn toàn giãn cách xã hội giúp các nhà cung cấp dịch vụ trong nước có điều kiện mở rộng hệ thống. Các tổ chức, DN vào giai đoạn phục hồi đã ồ ạt đầu tư ứng dụng công nghệ số vào hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh. Nhu cầu sử dụng dịch vụ ĐTĐM trong nước đã thực sự “bùng nổ” trong năm 2022, tạo nên bậc thang tăng trưởng mới của toàn thị trường Việt Nam.

Chúng ta cũng chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu đột phá của các DN cung cấp dịch vụ ĐTĐM nội địa.

Từ số liệu báo cáo cho thấy: Các DN cung cấp dịch vụ ĐTĐM trong nước đã bắt kịp sự bùng nổ nhu cầu của khách hàng trong nước và đáp ứng kịp thời. Nhờ đó, doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ nội địa đã tăng từ 900 tỷ đồng năm 2021 lên 2362 tỷ đồng năm 2022. Tốc độ tăng doanh thu bình quân của các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM trong nước đạt 37,4% trong giai đoạn 2021-2022. Cá biệt, có những DN nhỏ kịp thời đầu tư đón trước nhu cầu đã đạt mức tăng doanh thu năm 2022 gấp 4,5 lần so với năm 2021. Có DN lớn về ĐTĐM trong nước đạt mức tăng tới 86% trong giai đoạn này.

Dễ thấy, giai đoạn 2021-2022 là trạng thái phát triển “bồng bột” của thị trường ĐTĐM, các tổ chức, DN ồ ạt đầu tư sử dụng các loại hình dịch vụ đáp ứng các hoạt động sản xuất kinh doanh của quá trình phục hồi sau đại dịch.

Sang năm 2023, tăng trưởng đám mây tại Việt Nam đã chậm lại. Các tổ chức, DN đã “trưởng thành” hơn về công nghệ và bắt đầu xem xét tính hiệu quả tiêu dùng dịch vụ. Điều này cũng diễn ra trên toàn cầu do áp lực cắt giảm chi phí trong DN.

Khảo sát cho thấy một số nguyên nhân chính sự tăng trưởng chậm lại của quá trình chuyển đổi lên đám mây trong DN:

- Khi xu thế tối ưu hóa chi phí diễn ra, các tổ chức, DN dần chú ý hơn đến việc đo lường tính hiệu quả của đám mây thông qua các chỉ tiêu: phân bổ ngân sách chặt chẽ, tiếp cận nguồn vốn hạn chế hơn do yếu tố vĩ mô, giá trị đối với kinh doanh...

- Người tiêu dùng dịch vụ đã điều chỉnh nhận thức về lợi ích của đám mây: chuyển từ đánh giá chủ quan sang đánh giá định lượng; đo lường chính xác hơn để tránh dư thừa; tốc độ tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế chậm lại

hinh-3_so-sanh-thi-phan.png
Hình 3: So sánh thị phần dịch vụ ĐTĐM các DN trong nước và nước ngoài năm 2023

Mặc dù tăng trưởng chậm lại nhưng toàn thị trường ĐTĐM Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 24,2%. Ta cũng thấy rõ mức tăng trưởng doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM nội địa chững lại với tốc độ tăng trưởng chung ở mức 21,5% giai đoạn 2022-2023. Dự tính, đến hết năm 2023, tổng doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM nội địa đạt con số 2.860 tỷ đồng.

Xét về thị phần mà các DN cung cấp dịch vụ ĐTĐM trong nước nắm giữ vẫn không có đột phá, quanh quẩn ở mức trên 20% (24% năm 2022 và 22% năm 2023).

Nhu cầu điện toán đám mây phải xét đối tượng khách hàng. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và startup cần công nghệ trọn gói, đáp ứng hầu như đầy đủ những thứ họ cần, một hệ sinh thái. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây ở Việt Nam chưa đủ năng lực xây dựng hệ sinh thái tốt như của các nhà cung cấp lớn nước ngoài (big tech).

Vì phát triển nhanh, cần nhiều công cụ và môi trường để phát triển phần mềm, nhiều DN thuê ngay dịch vụ đám mây của nước ngoài. Họ chưa phát triển mạnh nên rào cản như đường truyền, chi phí, hỗ trợ kỹ thuật không phải vấn đề lớn nên chấp nhận giai đoạn đầu dùng dịch vụ đám mây nước ngoài.

Đối với các DN lớn, khi khởi tạo hệ thống quản lý, toàn bộ phần mềm mua của nước ngoài. Sau vài năm, họ chuyển dịch dần do bên nước ngoài có sự lệch múi giờ trong hỗ trợ dịch vụ và chi phí vận hành của nước ngoài cao. Các tổ chức, DN phải tối ưu cả về trải nghiệm khách hàng và chi phí nên sẽ chuyển dần về các nhà cung cấp Việt Nam.

Đã có sự tiến bộ rõ ràng ở các DN lớn có tiềm lực tài chính và công nghệ để có thể thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển ở các công nghệ tiên tiến, gồm: Viettel, VNPT, CMC, FPT... Tuy nhiên, trước mắt, các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM quốc tế sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường vì sẽ cần thời gian để các nhà cung cấp trong nước có thể xây dựng được các nền tảng cloud mạnh với các dịch vụ đa dạng. Theo đánh giá của Cục Viễn thông, lợi thế của các DN ĐTĐM Việt là thương hiệu, giá cả phù hợp sẽ dần chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Cơ cấu về thị phần và doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ trong nước

Tính theo cơ cấu về doanh thu, xét riêng các nhà cung cấp trong nước, thị trường vẫn nắm trong tay của một số “đại gia” công nghệ như: Viettel, VNPT, CMC, FPT... Những DN lớn này nắm giữ tới hơn 90% thị phần dịch vụ ĐTĐM trong nước.

Cơ cấu theo loại hình dịch vụ: Các dịch vụ ĐTĐM tại Việt Nam hiện nay phổ biến ba lĩnh vực: hạ tầng như dịch vụ (IaaS), nền tảng như dịch vụ (PaaS), phần mềm như là dịch vụ (SaaS).

hinh-4_thi-phan-iaas.png
Hình 4: Thị phần dịch vụ IaaS của các DN cung cấp dịch vụ ĐTĐM trong nước theo cơ cấu doanh thu

Số liệu thực tế cho thấy, các DN ĐTĐM Việt Nam mới cung cấp chủ yếu dịch vụ hạ tầng ĐTĐM, còn dịch vụ phần mềm trên nền hạ tầng điện toán đám mây chưa khai thác được nhiều dù mảng này mới đem lại doanh thu và tăng trưởng lớn.

Theo cơ cấu dịch vụ, trong năm 2023 dịch vụ laaS chiếm khoảng 59% quy mô thị trường, dịch vụ PaaS chiếm khoảng 10% và dịch vụ SaaS chiếm khoảng 31%. Các DN lớn đang có xu hướng đầu tư nhiều vào SaaS nhằm hoàn thiện hệ sinh thái đám mây. Cá biệt, có DN lớn trong lĩnh vực này đạt doanh thu loại hình SaaS chiếm tới 87% trên tổng doanh thu ĐTĐM.

hinh-5-bieu-do-co-cau.png
Hình 5: Biểu đồ cơ cấu doanh thu theo loại hình dịch vụ ĐTĐM của các DN nội địa năm 2022 và 2023

Theo cơ cấu theo phương thức triển khai:

Có 4 loại mô hình ĐTĐM chính và thường thấy nhất trong ngành bao gồm:

- Private Cloud: Đám mây riêng (dùng trong một DN và không chia sẻ với người dùng ngoài DN đó).

- Public Cloud: Đám mây công cộng (là các dịch vụ trên nền tảng Cloud Computing để cho các cá nhân và tổ chức thuê, họ dùng chung tài nguyên).

- Hybrid Cloud: Là mô hình kết hợp (lai) giữa các mô hình Public Cloud và Private Cloud.

- Community Cloud: Đám mây cộng đồng (là các dịch vụ trên nền tảng Cloud computing do các công ty cùng hợp tác xây dựng và cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng).

Ngoài ra, cũng có các loại hình đám mây phân tán (distributed clouds) nhưng không phổ biến, chẳng hạn như đa đám mây (multiclouds), đám mây liên kết (poly clouds) và các mô hình khác.

Tại Việt Nam, các tổ chức, DN chủ yếu sử dụng 2 hình thức là: đám mây công cộng và đám mây riêng. Phần lớn doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM trong nước đến từ đám mây công cộng (chiếm 81% tổng doanh thu).

Xu hướng phát triển của thị trường ĐTĐM Việt Nam

Theo phân tích của bộ phận soạn thảo Báo cáo này, từ nay đến năm 2025, thị trường ĐTĐM Việt Nam sẽ không có biến động lớn.

Tốc độ phát triển kép giai đoạn 2023 – 2025 đạt từ 20% đến 23%. Đến năm 2025, quy mô thị trường ĐTĐM Việt Nam đạt khoảng 768 triệu USD (18.432 tỷ đồng).

du-bao-doanh-thu-thi-truong.png
Hình 6: Dự báo quy mô phát triển thị trường ĐTĐM Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Với câu hỏi: “Theo đánh giá của Quý Công ty thì khả năng phát triển của thị trường ĐTĐM trong 2 năm tiếp theo (2024, 2025) sẽ như thế nào?”, các DN đều trả lời với đánh giá rất khả quan. 6/11 (54,5%) ý kiến đánh giá thị trường sẽ phát triển rất nhanh. 45,5% câu trả lời còn lại đánh giá thị trường sẽ có tốc độ phát triển nhanh.

Còn với câu hỏi: “Mô hình dịch vụ ĐTĐM nào sẽ có tốc độ phát triển nhanh nhất trong năm 2024 và 2025?”, có tới 90,9% ý kiến đánh giá là ĐTĐM công cộng sẽ phát triển nhanh nhất, chỉ có 1/11 ý kiến cho rằng mô hình đám mây lai ghép (hybrid).

Về sự phát triển của các loại hình dịch vụ, phần lớn các nhà cung cấp (63,7%) nhất trí rằng loại hình IaaS sẽ phát triển nhanh nhất trong 2 năm tới. 27,3% ý kiến còn lại bình chọn cho các loại hình SaaS và PaaS.

hinh-7_danh-gia-cua-nha-cung-cap.png
Hình 7: Đánh giá của nhà cung cấp dịch vụ về xu hướng phát triển của từng loại dịch vụ ĐTĐM năm 2024, 2025.

Các nhà cung cấp dịch vụ Cloud tại Việt Nam có thế mạnh về hạ tầng kết nối, năng lực về Data Center, cơ bản đã tiếp cận và phát triển được đa dạng giải pháp dịch vụ ở nhiều phân lớp IaaS - PaaS – SaaS.

Tuy nhiên thế mạnh và đáp ứng tốt nhất thuộc về mảng dịch vụ Hạ tầng IaaS, riêng mảng Nền tảng (PaaS) và SaaS chỉ tập trung ở TOP 5 đơn vị cung cấp lớn.

Mảng PaaS đòi hỏi đầu tư dài hạn nguồn lực và công nghệ, R&D, hệ thống khách hàng và đối tác lớn, các Nhà cung cấp trong nước phần lớn chưa phát triển đủ mạnh để cạnh tranh với hệ sinh thái của Nhà cung cấp nước ngoài, do vậy nhà cung cấp Cloud trong nước phần lớn đều phải hợp tác để cung cấp đến khách hàng

Đặc biệt, qua phân tích số liệu cho thấy, năng suất lao động (NSLĐ) trong lĩnh vực ĐTĐM cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung năng suất lao động trong nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, NSLĐ của toàn nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động).

NSLĐ tại các DN ĐTĐM năm 2023 ở mức cao nhất là 3,4 tỷ đồng/người/năm. Năng suất bình quân trong lĩnh vực này đạt 2 tỷ đồng/người/năm (tương đương 87.500 USD/người/ năm).

Thị trường ĐTĐM ở Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể. Điện toán đám mây đã trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế số của Việt Nam, và nhu cầu sử dụng các dịch vụ ĐTĐM ngày càng tăng. Có một số DN lớn tại Việt Nam đang chiếm vị thế quan trọng trong thị trường này. Tuy nhiên, không có một DN cụ thể nào có thể hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường này do có sự cạnh tranh giữa nhiều công ty lớn và cũng có sự tham gia của nhiều DN nhỏ hơn.

Khuyến nghị

1. Việt Nam đang tăng tốc CĐS, nhưng để CĐS thì không thể thiếu ĐTĐM, với hai cấu phần là TTDL và các công nghệ chuyển đổi TTDL thành ĐTĐM. Những yếu tố hạ tầng này chắc chắn gắn chặt chẽ với CĐS, hạ tầng viễn thông. Do vậy, nên có quy hoạch và cấp phép hạ tầng đám mây để các đơn vị lưu trữ dữ liệu, cung cấp các dịch vụ có trách nhiệm như các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông

2. Nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM trong nước với năng lực hạ tầng, giá cạnh tranh, sự linh hoạt trong chính sách, giải pháp có thể đáp ứng tốt nhu cầu hạ tầng ĐTĐM cho khách hàng tại thị trường Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với các nhà cung cấp nước ngoài về mặt hạ tầng Cloud. Giai đoạn tiếp theo, các DN ĐTĐM trong nước cần tập trung quyết liệt đầu tư xây dựng phát triển hệ sinh thái công nghệ, sản phẩm để từng bước cung cấp hệ sinh thái sản phẩm PaaS/SaaS.

3. Tăng cường về cơ sở hạ tầng công nghệ: Điều này bao gồm việc cải thiện về mạng lưới viễn thông, cũng như sự phát triển về hạ tầng điện và các yếu tố quan trọng khác cần thiết cho việc vận hành TTDL.

4. Yêu cầu về Bảo mật và Tuân thủ Quy định: Do nhu cầu về bảo mật dữ liệu ngày càng tăng, các DN và tổ chức đều tìm kiếm các dịch vụ trung tâm dữ liệu đáng tin cậy và đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo mật thông tin. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước phải tuân thủ nghiêm ngặt và gia tăng đầu tư cho yếu tố này.

5. Tính cạnh tranh và sự xuất hiện thêm các nhà cung cấp dịch vụ TTDL mới : Các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM, TTDL, cả quốc tế và trong nước, đang mở rộng hoạt động và cung cấp các giải pháp linh hoạt cho khách hàng. Sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng. Các nhà cung cấp trong nước nên nhanh chóng nâng cao chất lượng dịch vụ, tranh thủ lợi thế sẵn có để chiếm lĩnh thị trường.

6. Ưu đãi Thuế và chính sách khuyến khích: Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, bao gồm cả lĩnh vực TTDL và ĐTĐM. Tuy nhiên, những chính sách này cần được thực thi quyết liệt hơn, nhằm kịp thời thúc đẩy các DN trong nước tăng tốc phát triển.

Các chính sách vĩ mô của Nhà nước có xu hướng tạo ra một sự điều chỉnh về nhu cầu, có tác động lớn tới việc thúc đẩy các yếu tố thị trường trong nước phát triển. Đây là thời điểm vô cùng thuận lợi để các DN cung cấp dịch vụ ĐTĐM Việt Nam khẳng định năng lực, nắm bắt cơ hội bứt phá chiếm lĩnh thị trường và tăng tốc phát triển.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội bứt phá cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO