Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “AI thúc đẩy Việt Nam phát triển nhanh và bền vững"

Minh Thiện| 17/08/2019 08:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Trí tuệ nhân tạo (AI) hay là công nghệ gì đi nữa, suy cho cùng là những bài toán rất cụ thể, xử lý được những vấn đề thiết thực một cách hiệu quả nhất. Nhiều cái cụ thể góp lại sẽ thành xử lý vấn đề lớn.

Xử lý những vấn đề cụ thể một cách hiệu quả nhất

Hãng tư vấn công nghệ Gartner đánh giá về AI (Artificial Intelligence): Trong năm 2018, ngành công nghiệp mới mẻ này đã có sự tăng trưởng đột phá tăng cao hơn 70% so với năm 2017, đạt giá trị gần 1,2 nghìn tỷ USD. AI có khả năng trở thành công nghệ mang tính đột phá nhất trong 10 năm tới.

Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã xác định công nghệ AI là một trong các công nghệ đột phá mũi nhọn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần được tổ chức triển khai nghiên cứu những nội dung cụ thể để thúc đẩy phát triển.

Phát biểu tổng kết sự kiện Ngày hội AI Việt Nam (AI4VN) sáng ngày 16/8/2019 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định: Dữ liệu lớn cùng năng lực tính toán không ngừng gia tăng sẽ thúc đẩy AI phát triển. Sự phát triển này là để phục vụ con người. Khoa học nói chung, CNTT, đặc biệt là AI... là công cụ có thể mang lại những thời cơ rất lớn. Nhưng chúng ta không tận dụng được thời cơ ấy thì nó sẽ qua đi. Làm thế nào để tận dụng được thời cơ này?

AI hay là công nghệ gì đi nữa, suy cho cùng nó là những bài toán xử lý những vấn đề cụ thể nhất một cách hiệu quả nhất. Hãy bắt đầu từ những thứ thiết thực và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện AI4VN

Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Phó Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là phải đi nhanh hơn, bền vững hơn. AI không còn là câu chuyện khoa học mà là vấn đề kinh tế xã hội để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Với AI, Việt Nam có thêm một công cụ để bước nhanh hơn, cùng với sự nỗ lực của chúng ta sẽ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước”.

Bản chất của AI vẫn là công cụ góp phần phát triển một xã hội an toàn, văn minh, phục vụ những nhu cầu thiết thực của đời sống con người một cách nhanh chóng và hiệu quả. "Phát triển AI tưởng chừng là vấn đề khó hiểu nhưng có thể chia ra thành các bài toán nhỏ cụ thể. Nhiều vấn đề nhỏ, nhiều cái cụ thể góp lại thành một sản phẩm lớn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Những dự án đang triển khai ứng dụng như: thành phố thông minh, hỗ trợ di chuyển, kiểm soát an ninh, bảo mật thông tin đều là những bài toán hết sức cụ thể, đồng thời là cơ hội phát triển cho CNTT và đặc biệt cho AI nói riêng. 

Toàn cảnh hội trường

Để thúc đẩy tiến trình phát triển AI nhanh hơn, Phó Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta phải kết nối giữa những người làm chuyên môn với nhau, với cơ quan nhà nước, với các cơ sở nghiên cứu, với thị trường... Kết nối ở đây đặc biệt trong lĩnh vực CNTT và AI có ý nghĩa rất quan trọng là dữ liệu. Kết nối để có trách nhiệm cùng nhau xây dựng một nền tảng dữ liệu mở, chia sẻ cho tất cả mọi người để cùng nhau phát triển”.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh, trong lời phát biểu cho biết thêm: Trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, nắm bắt xu hướng phát triển nói chung, Bộ KH&CN cũng có những tham mưu để phát triển công nghệ, trong đó có AI.

Bộ trưởngBộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ xác định công nghệ AI là sự đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu. Gần đây, Bộ KH&CN tiếp tục phê duyệt chương trình khoa học trọng điểm, tập trung hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ AI, liên kết các nhà nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy, nghiên cứu và ứng dụng AI.

AI thuộc nhóm chính sách ưu tiên phát triển

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: Với môi trường kinh doanh mở và nguồn nhân lực giỏi toán học, đam mê công nghệ, thị trường hơn 90 triệu dân liên kết với các khu vực, cùng các hiệp định kinh tế mới ký kết gần đây, Việt Nam có những thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ.

“Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT xây dựng chiến lược Quốc gia về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Trong dự thảo chiến lược đang được lấy ý kiến này, Bộ KH&ĐT đã đặt AI là một trong các ngành công nghệ ưu tiên phát triển, cần tập trung các nhóm chính sách để thúc đẩy phát triển, trong đó nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên hàng đầu bao gồm nâng cao chất lượng đào tạo đại học, xây dựng một số trung tâm đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, hỗ trợ khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển thông qua các quỹ các cơ sở KH&CN và các trung tâm đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Sự kiện Ngày hội AI4VN mang ý nghĩa hết sức quan trọng để khởi động và phát triển một cộng đồng chuyên gia nhân lực về AI, hình thành hệ sinh thái để hỗ trợ thúc đẩy công nghệ AI phát triển trên tất cả các ngành nghề lĩnh vực và phạm vi cả nước. Công nghệ này được kỳ vọng tạo nên sự đột phá mang tính chiến lược, nhằm tăng năng suất lao động chất lượng và hiệu quả, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Bộ KH&ĐT có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có AI. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ khơi thông nguồn vốn cho AI qua các quỹ đầu tư trong nước quốc tế, như sự kiện Vietnam Venture Summit tháng 6 vừa qua, 18 quỹ đầu tư quốc tế và trong nước cam kết đầu tư 425 triệu USD cho startup Việt trong 3 năm tới.

Bộ đang đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghệ trong đó có AI. Năm 2018, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Bộ KH&CN cùng các cơ quan Bộ, ngành khác để thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018. Chương trình này nhằm kêu gọi những chuyên gia công nghệ, trí thức người Việt trên khắp thế giới về Việt Nam để cùng nhau chung tay nâng cao năng lực KH&CN và đổi mới sáng tạo Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phát triển mở rộng mạng lưới này đồng thời sẽ thiết lập mạng lưới tri thức người Việt tại một số quốc gia phát triển và xây dựng quỹ Global Innovation Fund để đào tạo nhân lực chất lượng cao, trong đó có các chuyên gia về AI.

Tạo dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp sáng tạo là mục tiêu Bộ KH&ĐT đang triển khai thực hiện với việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Bộ đã xây dựng đề án đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc thành lập Trung tâm với mô hình theo các thông lệ tốt nhất của thế giới với những thể chế vượt trội và cạnh tranh nhằm giúp những công nghệ ý tưởng sáng tạo đột phá của người Việt sẽ được ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển thành công. Trong hệ sinh thái đó, hàng trăm bộ óc trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực AI các chuyên gia, nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp công nghệ và các đơn vị nghiên cứu ứng dụng AI, cơ sở đào tạo, những bạn trẻ tài năng nhiệt huyết là yếu tố then chốt để giúp Việt Nam bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0.

Dự kiến, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc sẽ khởi công tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào cuối năm nay.

Ra mắt Liên hiệp các cộng đồng AI ở Việt Nam

Ngày hội AI4VN thống nhất ra mắt Liên hiệp các cộng đồng AI ở Việt Nam, góp phần đưa nước ta sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Nghi thức ra mắt gồm 8 đại diện:

- Đại diện câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam FISU: GS. TS. Nguyễn Thanh Thuỷ, Chủ tịch FISU

- Cộng đồng nghiên cứu, triển khai và ứng dụng TTNT AI4Life: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sỹ Vinh - Chủ nhiệm khoa CNTT trường ĐH Công nghệ (ĐH QGHN)

- Cộng đồng Chuyển đổi số - Digital Transformation: .TS. Phạm Anh Tuấn - ĐH QG Hà Nội

- Cộng đồng Machine Learning Cơ bản - đại diện là ông Nguyễn Tiến Cường - Giám đốc đổi mới sáng tạo Tập đoàn VNPT

- Cộng đồng Google Developer - đại diện là ông Ngô Thanh Tùng - Giám đốc QH Cồng đồng và Thương hiệu - ĐH Greenwich

- Cộng đồng Business Intelligence - đại diện là ông Lê Chí Hiếu, chuyên gia phân tích dữ liệu Kinh doanh của Tập đoàn Sift Analytics.

- Cộng đồng VietAI - Trí tuệ nhân tạo Việt - đại diện là ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc điều hành VietAI.

- Tiến sĩ Cao Anh Tuấn - nhà sáng lập và CEO Công ty Gemitica

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các Bộ và 8 vị đại biểu bấm nút ra mắt cộng đồng AI Việt Nam

Qua AI4VN, Phó Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng vì cộng đồng AI trong nước đã ra mắt được hội liên hiệp, kết nối giữa người làm chuyên môn với cơ quan nhà nước, với thị trường. Nếu Việt Nam làm tốt điều này cũng là đóng góp chung cho AI thế giới. 

Tại Việt Nam từ năm 2014, AI được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển. Chính phủ xác định đây là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn của cuộc CMCN 4.0, cần tổ chức triển khai nghiên cứu nhưng chưa có những nội dung cụ thể thúc đẩy phát triển.

Tháng 10/2018, Bộ KH&CN ban hành kế hoạch triển khai "Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025" nhằm liên kết các bên phát triển, nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ AI, thúc đẩy công nghệ phát triển ở các lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh.

Với chủ đề ‘Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái AI’, chương trình AI4VN 2019 diễn ra theo mô hình mở, là nơi kết nối và tụ hội của các thành tố trong cộng đồng AI Việt Nam. AI4VN 2019 một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ và các đơn vị làm CNTT trong nước trong việc phát triển công nghệ mới, những công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0 nhằm thúc đẩy đất nước phát triển nhanh hơn.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “AI thúc đẩy Việt Nam phát triển nhanh và bền vững"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO