Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Làm mạnh về dữ liệu để phục vụ người dân, chuyển đổi số

Hoàng Linh| 22/12/2021 20:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, phải làm mạnh về các cơ sở dữ liệu (CSDL), nhất là CSDL dân cư, tài nguyên và môi trường để phục vụ người dân, chuyển đổi số (CĐS) nhanh trong năm 2022.

Chiều ngày 22/12/2021, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và đề ra kế hoạch phát triển trung hạn giai đoạn 2022 - 2024, định hướng đến năm 2025. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 74 điểm cầu trên cả nước.

Ngành TT&TT đóng góp quan trọng trong giai đoạn khó khăn của đất nước

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết năm 2021 là một năm rất khó khăn của đất nước, nhưng tất cả chúng ta đã cùng nhau vượt qua. "Ngành TT&TT có đóng góp rất quan trọng và không thể thiếu trong giai đoạn đó". 

Phó Thủ tướng cảm ơn và chúc mừng không chỉ Bộ TT&TT mà cả toàn ngành TT&TT. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành TT&TT sẽ có những bước tiến mạnh hơn trong những năm tới. 

Nhắc lại thời kỳ đổi mới, phá bao vây cấm vận và bước ra thế giới, Phó Thủ tướng cho biết ngành TT&TT ngày nay và ngành Bưu điện trước đây được trao sứ mệnh tiên phong, mở đường. Bước vào thời kỳ công nghiệp 4.0, ngành CNTT và truyền thông lại được trao sứ mệnh đó. Ngành TT&TT giờ đây không chỉ tiên phong, mở đường mà còn đồng hành, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. 

Phó Thủ tướng chia sẻ những số liệu mới được công bố là kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 21 tỷ USD, ngang với Malaysia và thấp hơn Thái Lan. Trong 3 năm tới, báo cáo này đưa ra nhận định rằng Việt Nam sẽ vượt Malaysia, Thái Lan và chỉ thua Indonesia về kinh tế số trong khu vực. Thế giới đánh giá kinh tế số Việt Nam sẽ có sự bứt phá trong những năm tới đây.

Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tuy dự báo là thế nhưng cũng sẽ có những khó khăn mà Việt Nam không thể lường trước được. Tuy nhiên, bằng tất cả những gì chúng ta đã chuẩn bị thời gian qua, cộng với tinh thần vượt qua khó khăn, Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu đó. 

Trong công cuộc chống dịch và phát triển kinh tế xã hội, báo chí và truyền thông đã đồng hành cùng Chính phủ và các bộ, ngành. Ngành TT&TT đã đồng hành với các ngành khác, nhờ đó đã động viên được nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách trong từng ngành và chính sách chung của Chính phủ, Đảng và Nhà nước. 

"Điều này đã thể hiện rất rõ trong quãng thời gian chống dịch COVID-19. Nhờ làm tốt điều đó, Bộ TT&TT đã huy động được toàn bộ người dân cùng đồng hành", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: làm mạnh về dữ liệu để  chuyển đổi số - Ảnh 1.

Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội

Chủ động đồng hành và thúc đẩy CĐS

Chỉ đạo một số công tác trọng tâm năm 2022 của ngành TT&TT, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục đồng hành cùng các bộ, ngành trong chống dịch, chủ động cùng các bộ, ngành cung cấp thông tin sớm nhất cho báo chí. 

"Ngành TT&TT là những người theo dõi thông tin trên báo chí, không gian mạng. Chúng ta có thể dự báo để chủ động hơn,... cần chủ động cung cấp thông tin ngay, nếu không xã hội sẽ đặt rất nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến lòng tin của xã hội vào chủ trương, giải pháp của bộ, ngành, địa phương." 

Phó Thủ tướng cũng cho biết Bộ TT&TT có trách nhiệm cảnh báo và yêu cầu cơ quan cung cấp thông tin. Năm tới Bộ TT&TT cần cùng với Ban Tuyên giáo làm tốt hơn điều đó, chủ động hơn một bước. 

Về chuyển đổi số (CĐS), theo Phó Thủ tướng, là đi vào mọi ngóc ngách của đời sống. Hiện chúng ta đã cơ bản xây dựng được các chiến lược, đề án. Các địa phương cơ bản đã thấy được những công việc cần phải làm.

"CĐS hay ứng dụng CNTT không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn vào rất nhiều yếu tố mà người làm công nghệ không thể làm chủ được... Hơn lúc nào hết, công nghệ vẫn phải được thúc đẩy, chứng minh rằng việc này rất khó nhưng nếu ứng dụng công nghệ sẽ dễ hơn. Điều đó cần phải thực hiện bằng cách làm mẫu, đi trước và hỗ trợ", Phó Thủ tướng đề nghị.

Bộ TT&TT và Thái Nguyên đã phối hợp với nhau để hình thành các mô hình xã CĐS. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị: "Chúng ta cần tiếp tục điều đó và đặt ra từng bài toán cụ thể, lập ra nhiều nhóm làm việc, nhóm công tác, huy động không chỉ cán bộ Bộ TT&TT". 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất mừng khi trong bối cảnh đại dịch, Bộ TT&TT đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo các DN, các chuyên gia, lập rất nhiều các nhóm công tác, tổ làm việc để giải bài toán cụ thể CĐS cho từng nơi. "Chiến lược lớn đã có rồi, nếu làm được những bài toán cụ thể, thậm chí là nhỏ, sau đó nhân ra thì rất tốt". 

Phải làm mạnh hơn về dữ liệu

Năm 2022, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải làm mạnh hơn về dữ liệu. "Đây là câu chuyện người trong nghề đều biết là việc sống còn. Chúng ta đã có CSDL về dân cư, giờ cần đẩy mạnh triển khai để phục vụ người dân. Hãy đặt ra những thứ rất cụ thể để người dân thấy thiết thực". 

Phó Thủ tướng lấy ví dụ, nếu triển khai tốt đề án về CSDL dân cư và giao cho Bộ Công An quản lý, tất cả mọi người dân khi đã khai báo thông tin cơ bản về nhân thân thì chỉ cần khai báo một lần duy nhất, không đến bất kỳ cơ quan nhà nước nào, thậm chí các DN cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước không bao giờ phải khai báo lại. Người dân khi đó mới thấy mình có lợi. Tất cả phải phục vụ nhân dân. 

Cũng theo Phó Thủ tướng, các CSDL về DN đã làm rất tốt ở thuế, hải quan, ngân hàng, đăng ký DN,... "Bây giờ cần kết nối lại và nâng tầm sao cho các DN cũng như vậy, không phải phục vụ thanh kiểm tra hay báo cáo kim ngạch như trước nữa. Điều này nhằm tiết kiệm thời gian cho DN". 

Năm 2022, Phó Thủ tướng đề nghị cần tập trung làm bằng được, cơ bản phải hoàn thành CSDL về tài nguyên, đặc biệt quan trọng nhất với người Việt Nam là tài nguyên đất đai. Với người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, tài nguyên về đất đai là vô cùng quan trọng. Nếu hoàn thành tài nguyên dữ liệu về đất đai, nó sẽ tạo nên một tác động xã hội vô cùng lớn, không kém gì câu chuyện thanh toán điện tử. 

"Nếu làm được 3 CSDL lớn đó cộng với thanh toán điện tử, CĐS, kinh tế số, xã hội số sẽ có những bước tiến thực chất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Phó Thủ tướng chia sẻ: "Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, có những việc riêng lẻ với nhau. Năm 2022 sẽ là năm kết nối lại để thành kết quả rõ rệt". 

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta không lường được dịch COVID-19 sẽ thế nào. Chúng ta cần tiếp tục ứng dụng, hoàn thiện các giải pháp công nghệ phục vụ chống dịch. "Vất vả lắm. Chỉ riêng câu chuyện tất cả mọi người đã tiêm 2 mũi, đổ dữ liệu lên smartphone của từng người vẫn chưa xong". Vấn đề không chỉ nằm ở công nghệ mà nằm ở tất cả các khâu với rất nhiều tầng lớp, phải rất kiên trì mới làm được.  "Có những việc chúng ta chưa hài lòng. Nhưng chúng ta cũng hiểu vấn đề không đơn giản. Chúng ta cần cố gắng hoàn thiện, nhất là khi bình thường hóa tới đây. Cần chủ động đón đầu, chuẩn bị ngay công cụ, thay đổi các nền tảng công nghệ chống dịch dựa theo tình hình mới". 

Dịch COVID-19 bộc lộ ra những nhu cầu rất tự nhiên như thương mại điện tử, học trực tuyến,... Chúng ta tiếp tục hoàn thiện các nền tảng này. Đây là cuộc cạnh tranh quốc tế khốc liệt. Các nền tảng do người Việt tạo ra vẫn chưa chiếm được thị phần so với các nền tảng nước ngoài. 

Theo Phó Thủ tướng, điều này không hề dễ chút nào. Trong năm 2022, Bộ TT&TT cần cố gắng tận dụng trên cơ sở kế thừa nền tảng của năm 2021 để đẩy mạnh hơn nữa các nền tảng Việt Nam. "Rất mong các tỉnh, các ngành ủng hộ. Có thể dùng của Việt Nam lúc ban đầu không nuột nà bằng nước ngoài nhưng trong CNTT, dùng nó chính là giúp phát triển nó. Nếu không dùng nó tức là không giúp phát triển nó". 

"Dùng nhiều khi khó chịu một chút nhưng đây là sản phẩm của anh em chúng ta. Chúng ta dùng chính các nền tảng Việt Nam là giúp đất nước phát triển. Đặc điểm bây giờ là tất cả các nền tảng đều được hoàn thiện qua số đông người dung", Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: làm mạnh về dữ liệu để  chuyển đổi số - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: làm mạnh về dữ liệu để  chuyển đổi số - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo và Huân chương Lao động hạng Nhì cho Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long

Bộ TT&TT làm việc theo tinh thần việc 5 năm thì làm 1 năm

Trước các đề nghị của Phó Thủ tướng đối với công tác năm 2022 và các kiến nghị của các đại biểu từ các bộ, ban ngành, địa phương tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trân trọng ghi nhận các kiến nghị của các đại biểu và cho biết Bộ TT&TT sẽ đưa vào kế hoạch năm 2022 để xử lý.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: làm mạnh về dữ liệu để phục vụ người dân, chuyển đổi số - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là thời cơ tận dụng để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng để Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

"Bộ TT&TT xin cam kết xử lý một cách nhanh nhất theo tinh thần là việc 5 năm thì làm 1 năm và khi có khó khăn thì gặp gỡ trực tiếp. Các kiến nghị đã được phát biểu và chưa được phát biểu sẽ được Văn phòng tổng hợp và tập hợp giao cho các đơn vị trong Bộ xử lý".

Phát biểu về CĐS, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh quan trọng nhất là kết nối dữ liệu. "Kết nối thì cần vai trò của người điều phối, thúc đẩy, đồng hành và đó là Bộ TT&TT, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ số mà cả trong lĩnh vực báo chí, truyền thông".

Năm 2021, theo Bộ trưởng, đối với ngành TT&TT là một năm rất đặc biệt. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định CĐS là động lực của phát triển kinh tế. Khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá, vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao. Đôi cánh để Việt Nam bay lên là công nghệ và khát vọng phát triển. Đôi cánh này đều liên quan tới Ngành TT&TT. Ngành đã có một sứ mệnh mới. COVID-19 là "cú hích" cho CĐS.

Bộ trưởng cũng cho biết năm 2021 đã đẩy toàn đất nước chúng ta vào CĐS nhưng hạ tầng, cách làm vẫn là thời CNTT, bởi vậy các vấn đề của Ngành đã bộc lộ ra một cách rất rõ ràng. Nếu cứ bình thường thì chắc chúng ta cũng không nhìn thấy rõ.

Theo Bộ trưởng, nếu cứ bình thường thì có thể chúng ta vẫn tiếp tục khen nhau, tiếp tục làm việc trên giấy tờ và tạo ra thành công trên giấy tờ nhưng COVID-19, nhất là biến chủng Delta và đợt bùng phát dịch lần thứ 4, đã đẩy chúng ta ra khỏi giấy tờ và đối mặt với cuộc sống, với nhu cầu của hàng trăm triệu người dân về CĐS, về truyền thông.

Bộ trưởng nhận định: "Ngành đã có một cách tiếp cận đúng với các vấn đề lộ ra. Thay vì lo sợ và tìm cách giấu đi hay bao biện thì chúng ta đã chọn cách nhận trách nhiệm và tìm cách giải quyết. Và vấn đề lộ ra không ngờ lại là một cơ may hiếm có để Ngành ta phát triển. Đi qua khó khăn và thách thức đã làm cho chúng ta tự tin hơn và quan trọng hơn tất cả là tinh thần sẵn sàng đương đầu với các vấn đề phát sinh, coi đây là động lực cho phát triển".

Về công tác năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới. Hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, DN công nghệ số Việt Nam, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, CĐS báo chí.

Để thúc đẩy CĐS, Bộ trưởng nhấn mạnh" Phải đồng bộ thể chế số, hạ tầng số, công cụ sản xuất số, công cụ quản lý số, nhân lực số, thị trường số, và công cụ pháp lý số nhằm có một môi trường số lành mạnh, quản lý được các nguy cơ và rủi ro trên không gian mạng".

Năm 2022, việc thì nhiều hơn, yêu cầu thì cao hơn, nhưng thu nhập thì chưa, nhưng theo Bộ trưởng, chúng ta phải thiết kế lại vận hành của tổ chức, bỏ đi những việc không tạo ra giá trị, phẳng hoá bộ máy, tự động hoá các báo cáo. 

"Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn vào công cụ làm việc dựa trên dữ liệu và AI… Khác biệt căn bản nhất của cuộc CMCN lần thứ 4 là máy móc thay lao động trí óc của con người. Ba cuộc cách mạng trước đây là máy móc thay lao động chân tay. Các đầu tư của Bộ, của Ngành từ năm 2022 sẽ tập trung vào công nghệ số để giảm tải cho CBCNV. Việc thì nhiều hơn, yêu cầu thì cao hơn nhưng thời gian làm việc thì phải ít hơn".

Đại dịch COVID là cuộc khủng hoảng toàn cầu, là khủng hoảng trăm năm một lần nhưng Bộ trưởng cho rằng đại dịch COVID cũng cho chúng ta những bài học và cơ hội trăm năm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: làm mạnh về dữ liệu để  chuyển đổi số - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao cờ thi đua cho 5 đơn vị gồm Văn phòng Bộ TT&TT, Cục Viễn thông, Vụ CNTT, Cục Thông tin cơ sở và Tạp chí TT&TT đã có thành tích xuất sắc dẫn đầu công tác thi đua năm 2021

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là thời cơ tận dụng để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng để Việt Nam hùng cường, thịnh vượng để không kẻ thù nào dám đến xâm phạm và vì vậy Việt Nam sẽ được hoà bình lâu dài"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Xây dựng hạ tầng cho mạng 5G tương lai của Việt Nam
    Đông Nam Á là một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Dự kiến tới năm 2030, ASEAN (gồm 10 quốc gia Đông Nam Á) sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư toàn cầu. Phần lớn động lực thúc đẩy sự phát triển này đến từ sự vận động và tăng trưởng không ngừng của nền kinh tế số trong khu vực, với giá trị ước tính lên đến gần 1 nghìn tỉ đô-la vào năm 2030.
  • Samsung Networks giải bài toán khó
    Doanh số bán hàng mảng kinh doanh mạng của Samsung đang giảm tốc so với Ericsson và Nokia.
  • Hệ sinh thái Viettel 5G2B gỡ "nút thắt" của sản xuất thông minh
    Máy móc vận hành tự động, robot xuất hiện ở mọi công đoạn để giảm sức người, hoạt động sản suất được giám sát toàn trình… và tất cả được kết nối trên nền tảng một mạng 5G riêng chính là viễn cảnh sản xuất thông minh mà 5G2B của Viettel đã hiện thực hoá.
  • Kiosk y tế thông minh giúp người dân dễ dàng đăng ký khám chữa bệnh
    Hệ thống Kiosk y tế thông minh giúp người dân có thể tự đăng ký khám, chữa bệnh và thanh toán viện phí nhanh chóng, dễ dàng. Đồng thời, các y, bác sĩ có thể chủ động tiếp nhận thông tin, theo dõi lịch sử khám, chữa bệnh của bệnh nhân thuận tiện hơn.
  • Để mọi người dân có thể sử dụng trợ lý ảo khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến
    Ứng dụng trợ lý ảo để hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến là một xu hướng đã được nhiều quốc gia trên thế giới tiến hành. Tại Việt Nam, một số địa phương cũng đã và đang tiến đến dùng chatbot, tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa cao.
  • Đưa tiếng nói và kinh nghiệm của trẻ em vào các thảo luận về an toàn trực tuyến
    Một trong những giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet là đưa tiếng nói và kinh nghiệm của trẻ em vào các cuộc thảo luận về an toàn trực tuyến, cũng như cung cấp cho các em một nền tảng để các em tự mình thể hiện những việc cần làm trên không gian mạng.
  • Tăng tốc chuyển đổi số với hệ sinh thái ứng dụng 5G của Viettel
    Hệ sinh thái ứng dụng 5G của Viettel mang đến sự đột phá về khả năng tự động hóa, tạo ra sự thay đổi toàn diện trong vận hành ở 7 lĩnh vực trọng điểm như sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải và logistics, nông nghiệp, y tế, giáo dục, năng lượng và thành phố thông minh.
  • Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP. Hà Nội lần thứ IV diễn ra thành công, tốt đẹp
    Ngày 5/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô đã diễn ra phiên chính thức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP. Hà Nội lần thứ IV năm 2024 với sự tham dự của 250 đại biểu đại diện cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Thủ đô.
  • Giải pháp để nâng cao năng lực báo chí viết về kinh tế
    Để nâng cao năng lực báo chí viết về kinh tế cần tăng cường hoạt động nghiên cứu để xây dựng hệ giá trị, mô hình đào tạo và phát triển đội ngũ nhà báo viết về kinh tế; xây dựng bộ chỉ số đo năng lực các cơ quan báo chí về chủ đề kinh tế; thúc đẩy song song các hoạt động nghiên cứu - đào tạo - bồi dưỡng...
  • FPT Shop ‘bùng nổ’ ưu đãi Black Friday dành riêng cho SIM FPT
    Từ nay đến hết ngày 30/11, FPT Shop triển khai chương trình ưu đãi Black Friday dành riêng cho SIM FPT với hàng loạt gói cước siêu hấp dẫn, giúp bạn thỏa sức lướt mạng, xem phim, kết nối mọi lúc mọi nơi với chi phí tiết kiệm nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Làm mạnh về dữ liệu để phục vụ người dân, chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO