Phòng cháy chữa cháy vẫn là vấn đề nóng cử tri quận Hoàn Kiếm quan tâm nhất
Tại kỳ họp HĐND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa diễn ra, vấn đề PCCC trên địa bàn 18 phường nằm trong khu phố cổ, phố cũ và khu vực ngoài đê đã được đại biểu HĐND đưa ra trong phiên chất vấn.
Tại kỳ họp HĐND quận Hoàn Kiếm vừa diễn ra trong 2 ngày 14-15/12/2023, đại biểu HĐND quận đã tiến hành chất vấn về công tác xử lý đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn quận. Kỳ họp cũng thông qua Nghị quyết về các biện pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quận…
Như vậy, phòng cháy chữa cháy vẫn là vấn đề rất nóng được cử tri trong địa bàn quận Hoàn Kiếm đặc biệt quan tâm.
Trước đó, vào tháng 10, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên cả 18 phường trong quận.
Đó đều là những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao. Trong nội dung kiểm tra có liên quan đến an toàn điện (hệ thống aptomat, cầu dao điện, đường dây dẫn điện...) và các nội dung liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình theo quy định Luật PCCC.
Quá trình kiểm tra được triển khai quyết liệt, toàn diện, công khai, minh bạch, bảo đảm khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đặc thù khu phố cổ tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn, trong đó có những vụ cháy gây ảnh hưởng lớn như cháy chợ Đồng Xuân vào năm 1994. Từ 2016 đến nay vẫn xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, như vụ cháy khu nhà gỗ Chương Dương, có vụ gây thiệt hại về người như năm 2018 cháy chập điện làm 2 thanh niên thiệt mạng trên địa bàn phường Đồng Xuân. Để bảo đảm công tác PCCC, cần tăng cường phòng ngừa ở từng hộ gia đình, từng cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn quận.
Ông Phạm Tuấn Long, khẳng định, tình hình cháy nổ luôn diễn biến phức tạp, như hiện nay đang tồn tại loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, làm kho, rất nguy hiểm. Khu vực ngoài đê sông Hồng, phường Chương Dương, Phúc Tân có loại hình nhà trọ điều kiện sinh hoạt tạm bợ, điều kiện PCCC cũng không được chủ nhà trọ quan tâm… Qua kiểm tra thực tế, như trường hợp nhà 144B Phúc Tân cần xử lý ngay bởi nguồn điện đã xuống cấp, cần phá bỏ hoa sắt ngăn lối thoát hiểm.
Trong đợt tổng kiểm tra này Công an quận Hoàn Kiếm đã đề nghị Công an 18 phường và cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH yêu cầu mỗi hộ dân tự rà soát ngay tại nhà mình, dọn dẹp những vật dụng cũ không dùng đến có khả năng chắn lối thoát hiểm, kiểm tra hệ thống điện… Lực lượng chức năng cùng với người dân rà soát trang thiết bị chữa cháy, họp bàn để có phương án PCCC tới từng ngõ, từng số nhà. Công an nắm vững phương án PCCC của từng phường, từng tổ dân phố.
Thật dễ hiểu khi vấn đề PCCC là vấn đề nóng được cử tri quận Hoàn Kiếm quan tâm, bức xúc. Phố nhỏ, ngõ hẹp và sâu hun hút, nhà nhỏ, dân cư đông khiến xe chữa cháy rất khó tiếp cận đám cháy đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực đối với người dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Theo đánh giá chung của lực lượng PCCC thì đa phần nguyên nhân các vụ cháy đều do phát hiện chậm, lực lượng tại chỗ xử lý không kịp thời ngay lúc ban đầu nên xảy ra thiệt hại lớn.
Ở phố cổ, chỉ có người dân mới tận dụng được thời gian vàng để chữa cháy tại chỗ trong vài phút đầu. Một nhà chưa biết thì các nhà khác biết và cảnh báo cho nhau, sự cố cháy được phát hiện nhanh hơn và mức độ rủi ro cũng thấp hơn. Từ hiệu quả của mô hình “Gia đình an toàn PCCC”, mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” có quy mô rộng hơn, liên kết các hộ dân lại để cùng phòng, chống cháy nổ hiệu quả.
Tuy nhiên, đặc thù riêng của quận Hoàn Kiếm khiến công tác PCCC trong phố cổ đang tồn tại rất nhiều vấn đề bất cập, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh và các khu tập thể cũ. Vì thế, mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” dù đã triển khai thí điểm thành công nhưng trong các trường hợp cụ thể cũng vẫn là nỗi lo.
Ở nhiều cửa hàng kinh doanh, khoảng cách an toàn PCCC giữa trần, tường và các loại hàng hóa chưa đảm bảo, dễ gây cháy nổ. Còn các khu tập thể cũ đều được xây dựng và đưa vào sử dụng từ trước năm 2001, mà ở thời điểm đó Luật PCCC chưa có hiệu lực.
Có rất nhiều khu vực xe chữa cháy không thể tiếp cận, khi lối vào chỉ đủ một người đi, ban công cơi nới chuồng cọp, không có lối thoát nạn, không có nguồn nước chữa cháy.
Đời sống ở phố cổ hàng ngày phổ biến là ở những con ngõ như hầm địa đạo, những không gian sống chỉ vài mét vuông, đồ đạc chồng chất, không có lối thoát khí, chằng chịt những dây điện cũ kĩ, dễ cháy nổ. Một chỗ ngồi còn khó khăn thì lấy đâu không gian để đặt thêm bình chữa cháy và các vật dụng khác.
Có nhiều con ngõ sâu hun hút nhưng lại là lối thoát hiểm “độc đạo” cho hàng chục hộ gia đình. Ngày thường giờ cao điểm còn tắc ngõ, tắc cầu thang, chứ đừng nói khi có sự cố chập cháy. Trong không gian ấy, dù có chuông, có đèn báo cháy thì việc người dân hỗ trợ lẫn nhau cũng là điều khó khăn.
Trong những không gian sống chỉ vài mét vuông thì việc bố trí mặt bằng, không gian sống đảm bảo điều kiện an toàn PCCC khó như lên trời. Ở rất nhiều khu nhà, người dân nhận thức rất rõ nguy cơ cháy nổ nhưng càng nhận ra nguy cơ lại càng “sống trong sợ hãi” kéo dài mà không thể nào thay đổi được.
Ngõ nhỏ, hẻm sâu, nhà cơi nới bằng cách xây dựng những "chuồng cọp", hạ tầng cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng, dân cư đông đúc... thực trạng này tại khu phố cổ Hà Nội không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy lớn mà còn gây khó khăn trong việc cứu hộ, cứu nạn dẫn đến những thảm kịch về người, tài sản nếu không may xảy ra hoả hoạn.
Có những con phố như Hàng Mã - Thuốc Bắc, quận Hoàn Kiếm nằm ở vị trí đất vàng "vàng". Nhưng đằng sau những gian hàng có biển hiệu hào nhoáng tại mặt tiền các ngôi nhà lại là những gian nhà ẩm thấp, tối tăm, những lối đi chung rộng chỉ một người đi lọt.
Có nhiều gia đình sống ở phía trong ánh sáng gần như không tồn tại. Chỉ cần nhìn lên mặt tiền các tầng trên của những ngôi nhà mặt phố cũng thấy ngay chằng chịt các khung sắt, "lô cốt", ống nước; dây điện phía cột đèn đường bên ngoài như mạng nhện bao bọc. Các dây điện này đều đã bị cắt điện nên người dân ở đây dùng làm dây phơi quần áo. Những ngôi nhà ở phố cổ như ngôi nhà này đều chật chội, phải cơi nới.
Có những căn nhà trong phố cổ diện tích vài chục mét vuông nhưng có tới vài gia đình chung sống. Vì thế các gia đình đều buộc phải cơi nới thêm diện tích mà "chuồng cọp" chính là giải pháp tối ưu nhất.
Được biết hiện trên địa bàn phường Hàng Mã có khoảng 2 vạn dân, mật độ dân cư rất cao.
Do đặc thù địa bàn nằm ở khu phố cổ, diện tích nhà rất nhỏ, xây lâu năm, phần lớn các nhà này đều đã cải tạo, sửa chữa, nhiều nhà đã xuống cấp nên khi có sự cố công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn gặp rất nhiều rất khó khăn.
Đó là lý do khiến người dân trên địa bàn 18 phường của quận Hoàn Kiếm luôn luôn cảm thấy bất an và lo lắng về PCCC.
Tuy nhiên, theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 1 (Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội) - đơn vị phụ trách địa bàn quận Hoàn Kiếm thì: “Quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với khu vực phố cổ rõ ràng. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý song hậu quả vẫn xảy ra thì lỗi trước tiên thuộc về ý thức của con người, nói chính xác là do chủ nhân không tuân thủ quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy”.
Đại tá Trần Văn Vụ cũng cho hay: Công tác phòng cháy, chữa cháy tại những ngôi nhà nằm trong khu vực phố cổ luôn gặp nhiều khó khăn. Nhiều ngôi nhà nằm quá sâu trong ngõ và việc nhà cơi nới bằng các vật liệu dễ cháy nằm san sát nhau khiến nguy cơ cháy lan khi có hoả hoạn rất cao. Bên cạnh đó, đa số nhà dân đều không có bất cứ phương tiện chữa cháy cơ động nào như bình chữa cháy xách tay...
Bởi vậy, khi đám cháy vừa xảy ra, người dân không thể dập tắt lửa, đến khi đám cháy bùng phát diện rộng thì công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn và dù có dập được lửa cũng sẽ gây nhiều thiệt hại.
Nguy cơ cháy nổ ở khu vực phố cổ luôn rình rập, đặc biệt là tuyến phố đi bộ nằm trong phố cổ vào những ngày cuối tuần. Bởi ở những khu vực này nếu không may xảy ra hỏa hoạn vào giờ cao điểm đông người qua lại thì xe chữa cháy rất khó tiếp cận và hậu quả sẽ khôn lường.
Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có hơn 1.700 ngõ nhỏ, trong đó có 30 tuyến phố xe chữa cháy không thể tiếp cận.
Tiếp cận cứu hoả đã khó, đa phần các ngôi nhà cấu trúc theo hình ống, lại được cơi nới, xây dựng những “chuồng cọp” để tăng diện tích sử dụng, ảnh hưởng đến công tác ứng cứu nếu xảy ra cháy nổ, gia tăng nguy hiểm đến người và tài sản./.