PTIT thực hiện 3 trọng tâm đổi mới hoạt động đào tạo ngành TMĐT

Hoàng Linh| 14/09/2022 10:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo đạt chuẩn đầu ra đã cam kết với người học và tiên phong đổi mới trong hoạt động đào tạo ngành thương mại điện tử (TMĐT) là định hướng phát triển của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (PTIT) trong những năm tiếp theo.

Đây là một trong những nội dung được nhấn mạnh tạilễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Công nghệ BCVT và Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) với các doanh nghiệp (DN) tiêu biểu về TMĐT là Công ty TNHH phần mềm Lameco, Công ty CP Ecom Group diễn ra sáng ngày 14/09/2022 tại PTIT. Đây cũng một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Học viện (17/09/1997- 17/09/2022).

PTIT thực hiện 3 trọng tâm đổi mới hoạt động đào tạo ngành TMĐT - Ảnh 1.

TS. Vũ Tuấn Lâm, Phó Giám đốc PTIT ký kết hợp tác đào tạo TMĐT với VECOM, Lameco, Ecom

Những thách thức trongnâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực TMĐT

Từ năm 2015, VECOM đã dự báo giai đoạn 2016 - 2025 TMĐT Việt Nam sẽ phát triển nhanh và ổn định. Trên thực tế nửa đầu của giai đoạn này đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục về TMĐT. Trong hai năm 2020 - 2021, Việt Nam trải qua COVID-19 với những tác động nặng nề tới kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong giai đoạn từ nay đến 2025 nhờ kiểm soát tốt đại dịch do COVID-19 và nhờ những động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai của TMĐT.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, TMĐT Việt Nam có tiềm năng tăng, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan, ngang với Phillipines và Singapore. Tuy nhiên, tốc độ phát triển thị trường TMĐT của Việt Nam thì đứng thứ hai Đông Nam Á.

Về chính sách phát triển TMĐT tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia tới năm 2025. Theo đó, hai mục tiêu liên quan tới nguồn nhân lực TMĐT được xác định: 50% cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về TMĐT; 1 triệu lượt DN, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.

"Khát" nhu cầu nhân lực TMĐT và đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là thách thức đang đặt ra, đòi hỏi các bên liên quan trong đó các cơ sở giáo dục ĐH là nòng cốt quan trọng giải quyết vấn đề này. Bởi vì chỉ có nhân lực được đào tạo chính quy bài bản mới đáp ứng được với những yêu cầu của chuyển đổi số (CĐS) tại Việt Nam, nhu cầu ứng dụng TMĐT, kinh doanh số của DN.

Chương trình đào tạo ngành TMĐT được xây dựng đảm bảo chuẩn đầu ra

Trao đổi về đào tạo nhân lực TMĐT của PTIT, TS. Trần Thị Thập, Phó trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh 1 - Phụ trách ngành TMĐT khẳng định chương trình đào tạo ngành TMĐT của PTIT được xây dựng nghiêm túc và bài bản với sự tham gia của các bên liên quan gồm các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, các tổ chức sử dụng lao động, các giảng viên có kinh nghiệm đào tạo ngành này. Theo đó, đã có 28 chuẩn đầu ra thuộc 03 nhóm: chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng, chuẩn năng lực tự chủ và trách nhiệm đã được xác định để đảm bảo mục tiêu đào tạo là "cung cấp cho sinh viên kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm cần thiết để hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành quá trình kinh doanh thông qua các phương tiện điện tử".

PTIT thực hiện 3 trọng tâm đổi mới hoạt động đào tạo ngành TMĐT - Ảnh 2.

PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT: PTIT hiện có đủ các khoa chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy cho các cấu phần quan trọng của TMĐT

Theo PGS.TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT, các nội dung trong chương trình đào tạo mà PTIT triển khai nhằm thể hiện trách nhiệm đối với việc thực hiện các cam kết đối với xã hội và với người học bao gồm:

Thứ nhất, chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên các thế mạnh của PTIT phù hợp với đặc thù ngành TMĐT. PTIT hiện có đủ các khoa chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy cho các cấu phần quan trọng của TMĐT như: tiếp thị số - bán hàng trực tuyến, công nghệ tài chính trong - thanh toán điện tử, bưu chính - logistics. Đặc biệt, năng lực kết hợp cả khối ngành kinh tế với khối ngành kỹ thuật từ các khoa đào tạo về CNTT, khoa học dữ liệu, công nghệ đa phương tiện là năng lực riêng có của Học viện so với phần lớn các cơ sở đào tạo ĐH khác.

Thứ hai, vấn đề thực hành, thực tập và phát triển kỹ năng bổ trợ của sinh viên được triển khai đồng bộ và xuyên suốt quá trình đào tạo. Sinh viên được khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để tham gia các hoạt động phát triển kỹ năng TMĐT trong suốt quá trình học tại PTIT, bao gồm: tham gia các khóa học, hội thảo, hội nghị, chương trình hoạt động về TMĐT do các đơn vị trong và ngoài Học viện tổ chức; tham gia hoạt động ngoại khoá, hoạt động tập thể, chương trình sinh hoạt theo chuyên đề… do khoa, Học viện, hoặc các tổ chức hợp pháp khác tổ chức; tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo, khoa học kỹ thuật và chuyển giao tri thức hoặc các cuộc thi chuyên môn về kinh doanh số và TMĐT do khoa, Học viện và các tổ chức hợp pháp khác tổ chức; tham gia các hoạt động thực hành, thực tập tại các DN.

Kết thúc khóa học, sinh viên nộp "Hồ sơ thực tập" và các minh chứng về các hoạt động này để được đánh giá, thay cho việc nhà trường chỉ đánh giá báo cáo thực tập vào đợt thực tập tốt nghiệp cuối cùng của khóa học như thông thường. Điều này tạo động lực để sinh viên chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kỹ năng TMĐT.

Thứ ba, hệ thống thực hành nghề nghiệp được thiết kế xuyên suốt chương trình đào tạo, từ vận dụng lý thuyết để phân tích tình huống đến việc triển khai dự án kinh doanh thực tế tại các DN đã có ký kết hợp tác trong hoạt động đào tạo với Học viện.

Trong toàn khóa học, sinh viên được sử dụng các nền tảng TMĐT do DN cung cấp, được các "giảng viên - doanh nhân" trực tiếp đứng lớp thay vì việc nhà trường chỉ tổ chức một vài buổi tọa đàm với DN như thông thường. Trong các học phần chuyên đề, sinh viên được phân giao thực hiện các dự án thực tế của DN. Khoa, bộ môn và giảng viên phụ trách học phần sẽ làm việc trực tiếp với DN để xác định mục tiêu cho từng dự án mà sinh viên cần thực hiện, tiếp đó là sự phối hợp rất chặt chẽ giữa nhà trường và DN để đảm bảo sinh viên hoàn thành dự án và nhận được các kỹ năng nghề nghiệp tốt đáp ứng được yêu cầu công việc ngay sau khi tốt nghiệp. Các dự án thực tế mà sinh viên ngành TMĐT của Học viện được tham gia hoặc trực tiếp triển khai liên quan đến tất cả các lĩnh vực quan trọng và nóng, cập nhật của TMĐT như: xây dựng website TMĐT, xây dựng hệ thống bán lẻ đa kênh, TMĐT xuyên biên giới, phát triển và quản lý gian hàng trên sàn TMĐT, TMĐT hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp…

Một số nội dung trong thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa PTIT và VECOM và các DN gồm: hỗ trợ hoạt động xây dựng, tổ chức triển khai và đánh giá các chương trình đào tạo và các lĩnh vực có liên quan đến TMĐT của hai bên; tạo môi trường để thành viên của mỗi bên (các tổ chức là thành viên của Hiệp hội, các cá nhân là chuyên gia, cán bộ tại DN, giảng viên, sinh viên) có cơ hội giao lưu, trao đổi tri thức và kinh nghiệm về quản lý, kinh doanh, dạy và học, kiến tập, thực tập… nhằm phát triển công việc trong lĩnh vực TMĐT.

Tiên phong đổi mới trong hoạt động đào tạo ngành TMĐT

Hợp tác với PTIT, ông Trần Trọng Tuyến, Phó Chủ tịch, đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) ghi nhận sự chủ động và tích cực của Học viện trong việc đổi mới hoạt động đào tạo ngành TMĐT. Học viện là một trong những thành viên sáng lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT Việt Nam (VecomNet), mạng lưới kết nối các thành viên là các cơ sở đào tạo TMĐT, tạo cơ hội phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau nhằm nâng cao chất lượng đào tạo TMĐT và kinh tế số, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cho sự phát triển của lĩnh vực TMĐT.

PTIT đổi mới hoạt động đào tạo ngành TMĐT - Ảnh 1.

PTIT là một trong những thành viên sáng lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT Việt Nam

Từng tiếp xúc với các sinh viên ngành TMĐT của PTIT, ông Phạm Văn Huân, Giám đốc Công ty TNHH phần mềm Lameco ghi nhận tinh thần và động lực học tập của sinh viên. "Các kiến thức và kỹ năng rất mới trong TMĐT như xây dựng và vận hành Tiktokshop, hay các kỹ thuật cơ bản về livestream bán hàng trên các nền tảng TMĐT được sinh viên nhanh chóng hấp thụ và làm chủ. Để có được điều này là do PTIT đã có cách tiếp cận rất mới và sáng tạo trong việc giữ vững các nguyên lý cốt lõi về kinh doanh và quản lý, đồng thời cập nhật kịp thời các mô hình kinh doanh TMĐT rất mới và sát với thực tế hiện nay".

Học viện mở ngành đào tạo TMĐT từ năm 2018. Thời gian qua, PTIT đã phối hợp với hơn 10 DN trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập, hỗ trợ hệ thống đào tạo, tổ chức các cuộc thi chuyên môn như công ty Sapo, Fado, VNPT Hà Nội….

Ngoài ra, PTIT đã tích cực phối hợp cùng VECOM và các DN TMĐT trong hoạt động đào tạo sinh viên TMĐT và phát triển chương trình TMĐT. Các hoạt động cụ thể có thể kể đến như: VECOM kết nối PTIT với các cơ sở đào tạo về TMĐT và các DN nhằm phát triển nội dung, chương trình đào tạo và học liệu; các DN TMĐT hỗ trợ tài khoản sử dụng phần mềm thực hành kỹ năng TMĐT, tiếp nhận hàng nghìn lượt sinh viên kiến tập, thực tập tốt nghiệp và ưu tiên tuyển dụng sinh viên của Học viện ngay sau khi ra trường. Đặc biệt, sinh viên của PTIT đã được các DN tin tưởng giao và trực tiếp huấn luyện trong từng dự án thực tế ngay trong các học phần chuyên đề TMĐT. Tất cả các hoạt động này tạo nên giá trị rất hữu ích của sự hợp tác cho tất cả các bên liên quan./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
PTIT thực hiện 3 trọng tâm đổi mới hoạt động đào tạo ngành TMĐT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO