Truyền thông

“Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản”

Minh Nhật 05/12/2024 14:32

Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại cuộc làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) sáng 4/12, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 3 - 7/12.

chu-tich-quoc-hoi.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản. (Ảnh TTXVN/Doãn Tấn).

Sáng 4/12, tại thủ đô Tokyo, mở đầu cho các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu và Phu nhân, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có các cuộc làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) do hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren, ông Fujimoto Masayoshi và ông Ueno Shingo chủ trì.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren Fujimoto Masayoshi nhấn mạnh, trong hơn nửa thế kỷ, Nhật Bản và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, ngoại giao và an ninh, văn hóa, trao đổi nhân sự và năm 2023 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam.

Bày tỏ vui mừng khi quan hệ hợp tác giữa hai nước diễn ra sôi động ở nhiều cấp độ khác nhau, ông Fujimoto Masayoshi khẳng định cộng đồng doanh nghiệp (DN) Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, gồm thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Ông Fujimoto Masayoshi khẳng định, cộng đồng DN Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, gồm thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren cũng nêu rõ, Sáng kiến chung Nhật Bản-Việt Nam được triển khai từ năm 2003 là nỗ lực lâu dài nhằm xây dựng nền tảng cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Nhật Bản và Việt Nam cũng như Keidanren đã tham gia vào khuôn khổ này và thông qua nỗ lực của mình, các DN Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho sự phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, tháng 3/2024, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí khởi động “Sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam trong kỷ nguyên mới”. Trên cơ sở sáng kiến mới này, ông Fujimoto Masayoshi cho biết, các DN, tổ chức kinh tế của Nhật Bản hy vọng sẽ sớm thấy được những kết quả hợp tác ổn định trong các lĩnh vực như phát triển xanh, kỹ thuật số, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Các DN Nhật Bản mong muốn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh sự hợp tác, đóng góp quý báu của Keidanren cũng như vai trò của hai Chủ tịch và lãnh đạo các tập đoàn, DN Nhật Bản trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, cuộc gặp gỡ và trao đổi với các DN Nhật Bản hôm nay là hoạt động quan trọng đầu tiên của Đoàn trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản lần này theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu. Chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam, chủ động, tích cực củng cố và thúc đẩy “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới” Việt Nam - Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới hiệu quả, thực chất hơn trên các lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, cuộc làm việc sẽ đạt được nhiều kết quả thực chất đối với DN, địa phương hai nước; mong muốn DN và địa phương hai bên tận dụng cơ hội, tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực, phát huy thế mạnh của mỗi bên, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương để cùng phát triển trong thời gian tới.

Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp của Nhật Bản và các thành viên Đoàn Việt Nam đã trao đổi, thảo luận về tăng cường hợp tác hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050; mở rộng các hoạt động đầu tư tại Việt Nam trên các lĩnh vực, như phát triển hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghiệp bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; vấn đề bảo đảm điện phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp cùng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu để cụ thể hóa vào các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giúp các DNnước ngoài, trong đó có DN Nhật Bản tăng cường đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam.

ctqh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ về triển vọng đầu tư tại Việt Nam với lãnh đạo Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản. (Ảnh TTXVN/Doãn Tấn).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, chuyến thăm của Đoàn diễn ra ngay sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, trong đó có Luật Đầu tư công (sửa đổi), “một luật sửa 4 luật” về đầu tư, “một luật sửa 9 luật” về tài chính, ngân sách… nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản.

Đặc biệt, với Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực điện với các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản.

Nêu rõ ngoài các tiềm năng, thế mạnh về phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết về tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điện là một trong những mối quan tâm đầu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư của Nhật Bản.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Việt Nam đã cho ý kiến, thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD; bày tỏ mong muốn tiếp tục được hợp tác và chuyển giao các công nghệ trong lĩnh vực giao thông của Nhật Bản để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông phục vụ người dân và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam đã và đang tập trung sửa đổi, bổ sung và ban hành các sách mới, tạo tiền đề và chuẩn bị mọi điều kiện để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo. Đồng thời, ông tin tưởng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho cả hai nước, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 09/01/2023 của Bộ Chính trị. Thúc đẩy quan hệ hợp tác của Quốc hội nước ta với Nghị viện Nhật Bản.

Chuyến thăm cũng có ý nghĩa thúc đẩy quan hệ hợp tác của Quốc hội nước ta với Nghị viện Nhật Bản. Khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới Việt Nam - Nhật Bản…

Đặc biệt dự kiến trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Sekiguchi Masakazu sẽ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản. Đây là tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp lên tầm cao mới trong những năm tới.

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là cặp quan hệ điển hình cho thành công trong hợp tác song phương của Việt Nam với các đối tác. Nhật Bản duy trì vị trí là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác viện trợ ODA lớn nhất, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại.

Quan hệ hai nước thời gian qua đã có những bước phát triển về chất và đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất với mức độ tin cậy chính trị cao. Việc trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao diễn ra thường xuyên và mật thiết trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Hợp tác kinh tế ngày càng chặt chẽ và đi vào chiều sâu. Hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân và hợp tác nguồn nhân lực ngày càng mật thiết và hiệu quả.

Hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới (tháng 11/2023)./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
  • Tân Tổng thống Mỹ thu hồi Sắc lệnh về giảm thiểu rủi ro AI
    Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi sắc lệnh hành pháp năm 2023 do cựu Tổng thống Joe Biden ký nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dùng, người lao động và an ninh quốc gia.
  • Giải pháp xây dựng nền tảng ứng dụng AI trong doanh nghiệp
    Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kỹ thuật số tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, các giải pháp CNTT điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu để cải thiện việc cung cấp dịch vụ CNTT và điện tử viễn thông (ĐTVT).
Đừng bỏ lỡ
“Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO