Theo Bộ Công an, thay thế quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý thông qua MSĐD cá nhân sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp (DN) đang phải chi trả.
Trên thực tế, công dân hiện nay khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ (Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn…), Bộ Công an cho biết, khi cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cư dân được hoàn thành và đi vào hoạt động, tất cả các giấy tờ này sẽ không còn ý nghĩa.
Đồng thời, khi ứng dụng CNTT (cập nhật thông tin cá nhân vào CSDL quốc gia về dân cư vào giải quyết TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành có yêu cầu cung cấp thông tin của công dân) sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện TTHC khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, sử dụng MSĐD cá nhân vào quản lý dân cư còn là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử, mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ.
Cũng theo Bộ Công an, quản lý dân cư thông qua MSĐD cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo đó, MSĐD cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong CSDL quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao. Hiện cơ quan công an đã thu thập, cập nhật vào CSDL quốc gia 15 trường thông tin cơ bản về công dân.
13 nhóm TTHC sẽ bãi bỏ
Bộ Công an cho biết, khi chuyển đổi hình thức quản lý dân cư bằng MSĐD cá nhân, toàn bộ phần có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong 13 nhóm TTHC sẽ bị bãi bỏ. Cụ thể là các thủ tục: Tách Sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); Cấp đổi sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); Cấp lại sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); Xóa đăng ký thường trú; Xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; Hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; Cấp giấy chuyển hộ khẩu; Cấp đổi sổ tạm trú tại công an cấp xã; Cấp lại sổ tạm trú tại công an cấp xã; Điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú tại công an cấp xã; Gia hạn tạm trú tại công an cấp xã; Hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật tại công an cấp xã.
Theo Bộ Công an, chi phí tuân thủ TTHC để thực hiện 13 thủ tục trên vào khoảng 292 tỷ đồng. Con số này là phần chi phí được cắt giảm khi 13 thủ tục này được thay thế/hủy bỏ.
Đồng thời, sau khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, việc đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú được đổi sang đăng ký cư trú thông qua MSĐD cá nhân sẽ cắt giảm được hơn 390 tỷ đồng. Con số chi phí tuân thủ hiện tại ước tính hơn 522 tỷ đồng, còn con số sau khi thay thế/hủy bỏ ước khoảng hơn 132 tỷ đồng.