Quản lý mã số vùng trồng phải chính xác như quản lý phương tiện giao thông

Hải Đăng| 02/01/2022 20:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) cũng như số hóa MSVT rất cần thiết để bảo vệ thương hiệu cho các các sản phẩm nông sản, hướng đến thị trường xuất khẩu bền vững, hiệu quả.

Hỗ trợ nông dân số hóa mã số vùng trồng

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, muốn có số hóa thì việc đầu tiên phải làm là phải tập trung vào tổ chức sản xuất.

Đối với ngành trồng trọt, chúng ta phải đảm bảo được diện tích từ 6-10ha, trồng một loại cây theo một quy trình và tiêu chuẩn của đơn vị đặt hàng hoặc là một thị trường. Từ đó, người nông dân, HTX, tổ hợp tác hoặc các trang trại mới có thể số hóa.

"Số hóa sẽ góp phần thực hiện truy xuất nguồn gốc, làm minh bạch về mặt tài chính và nó sẽ kết nối theo đường đi của sản phẩm. Qua đó giúp người nông dân làm có liên kết, HTX liên kết với nhau thành liên minh HTX, liên minh HTX liên kết với các tổ chức ngành hàng..." - ông Thủy nói.

Theo ông Thủy: "Nếu chúng ta không tổ chức lại sản xuất thì việc số hóa khó có thể thành công".

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, cho hay: Đặt ra MSVT là rất quan trọng.

Theo các chuyên gia, việc chủ động động số hóa MSVT, ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc nông sản ngoài việc cung cấp cho người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, còn là để bảo vệ chính doanh nghiệp khi có các sự cố như giả mạo thương hiệu, giả mại mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói...

 Qua đó, chúng ta có thể giám sát được chất lượng hàng hóa và xuất xứ hàng hóa và thông qua mã số này sẽ quản lý được chất lượng, kiểm soát được cung, cầu. 

Đặc biệt, thông qua MSVT giúp cho người sản xuất yên tâm và chịu trách nhiệm đến cùng. Nhưng cái khó là nhận thực của người dân chưa cao, điều kiện thực hiện chưa thực sự thuận lợi và hệ thống quản lý MSVT của Việt Nam chưa chuẩn.

"Bây giờ MSVT trên phạm vi quốc gia hay trên địa phương, vùng... thì chúng ta phải định hình rõ. Chúng ta thử hình dung trong giao thông, quản lý biển số xe dù khó như thế họ vẫn làm tốt" - ông Hùng nói và khuyến cáo các cơ quan chuyên môn nên chuyển hướng quản lý MSVT như quản lý phương tiện giao thông để chuẩn hóa MSVT.

Để làm được điều này, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, các cơ quan thực hiện phải xác định phần khung thuộc về nhà nước (không chỉ là các cơ quan Trung ương mà còn cả các địa phương, các cấp), phần nào thuộc về tổ chức, doanh nghiệp, HTX...

Theo đó, để hỗ trợ người dân thì các đoàn thể quần chúng, các cơ quan địa phương cần phải tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức cho người dân về việc sử dụng hiệu quả MSVT đã được cấp.

"Số hóa MSVT là việc rất khó đối với người dân nên rất cần các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc giúp bà con, nhất là về công nghệ. Trong đó, chúng ta phải tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, tập huấn kiến thức... giúp người dân thì việc số hóa MSVT mới hiệu quả" - ông Hùng nói.

Địa phương cần chủ động xây dựng mã số vùng trồng

Đến nay, cả nước đã có 48/63 tỉnh, thành phố xây dựng được MSVT cho các loại cây trồng và hiện đã có tổng cộng 3.624 MSVT.

Các địa phương đã xây dựng được 2.821 MSVT cho 12 loại cây ăn trái, trong đó xoài và thanh long là hai loại trái cây có số lượng MSVT lớn nhất. Đồng thời, các địa phương cũng xây dựng 193 MSVT cho các loại rau gia vị, 389 MSVT cho cây cảnh, cây hoa xuất khẩu và 11 MSVT cho vùng sản xuất hạt giống ớt và cà chua.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản đều đưa ra yêu cầu về MSVT và mã số cơ sở đóng gói đối với nông sản nhập khẩu. 

 Từ năm 2018, Trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu các loại nông sản nhập khẩu vào nước họ phải có MSVT và mã số cơ sở đóng gói. 

Do vậy, các địa phương cũng quan tâm xây dựng mã số cơ sở đóng gói và hiện ngành chức năng đã cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các tổ chức, cá nhân tại 37 tỉnh, thành phố để đóng gói các loại rau quả tươi xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Để phát triển MSVT và mã số cơ sở đóng gói, tới đây Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan có liên quan và địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn và xây dựng các tài liệu hướng dẫn cho cán bộ kỹ thuật địa phương, doanh nghiệp và người dân. 

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xây dựng, quản lý MSVT và mã số cơ sở đóng gói. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số…

Theo kế hoạch chuyển đổi số nông nghiệp năm 2022, Bộ NNPTNT sẽ ưu tiên đồng bộ hóa dữ liệu ngành trồng trọt, chăn nuôi. 

 Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ xây dựng các hệ thống dữ liệu của ngành, thực hiện số hóa trong từng lĩnh vực chuyên ngành: Đất nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, thủy lợi, phòng, chống thiên tai…

Trước mắt, ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý MSVT. Ban hành hướng dẫn cấp, quản lý MSVT. Số hóa quy trình cấp để triển khai cấp mã số trực tuyến (online); xây dựng cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi.

Đáng chú ý, theo kế hoạch, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng và phổ biến từ 2 - 3 mô hình "mẫu" về sản xuất, kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng, chuyên canh, sản xuất quy mô công nghiệp. 

Ứng dụng công nghệ số trong dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác; xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến "Mỗi người nông dân là một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số". 

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quản lý mã số vùng trồng phải chính xác như quản lý phương tiện giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO