Quản lý rác thải điện tử: Bài học kinh nghiệm từ châu Phi

Ngọc Diệp| 13/04/2022 05:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Những con số đáng báo động về rác thải điện tử hàng ngày đang dấy lên mối lo ngại lớn đối với môi trường sống và sức khỏe con người trên thế giới. Đó chính là lý do mà nhiều quốc gia phải triển khai các giải pháp cấp bách nhằm quản lý rác thải điện tử hiệu quả.

Theo số liệu công bố của Liên Hợp Quốc tại báo cáo "Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020", trong năm 2019, trên thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử. Dự báo sẽ có khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030.

Rác thải điện tử đang trở thành dòng rác thải sinh hoạt gia tăng nhanh nhất thế giới với nhiều lý do như: số lượng thiết bị điện tử được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn, vòng đời ngắn hơn và các sản phẩm điện tử khi hư hỏng ít được sửa chữa, mà thay bằng mua mới.

Trong 53,6 triệu tấn rác thải điện tử được thải ra trên thế giới trong năm 2019, chỉ có 17% rác thải được tái chế. Trong đó, châu Á là nơi tạo ra rác thải điện tử nhiều nhất với khoảng 24,9 triệu tấn nhưng tỉ lệ tái chế chỉ đạt 12%; châu Âu tạo ra 12 triệu tấn rác thải điện tử nhưng có tỉ lệ tái chế cao nhất với mức 42%.

Theo số liệu thống kê của Hội Thống kê rác thải toàn cầu (The Global E-Waste Statistics Partnership - GESP), trong năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử được đưa ra thị trường, phát sinh 257.000 tấn rác thải điện tử.

Theo các chuyên gia, do giãn cách xã hội khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lượng rác điện tử tăng lên rõ rệt. Hơn nữa, hơn 80% chất thải này không được tái chế, điều này tạo ra mối đe dọa bổ sung cho môi trường và sức khỏe con người.

Quản lý rác thải điện tử: Bài học kinh nghiệm từ châu Phi - Ảnh 1.

53,6 triệu tấn rác thải điện tử được thải ra trên thế giới trong năm 2019

Rõ ràng, việc tái chế rác thải điện tử là rất cần thiết, nhằm thu hồi các kim loại có giá trị và các vật liệu khác từ thiết bị điện tử, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên (năng lượng), giảm chất thải sản xuất, đồng thời, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Để giải quyết thách thức này đòi hỏi nỗ lực đồng bộ và phối hợp của tất cả các tổ chức và cá nhân trong chuỗi giá trị điện tử. Các nhà sản xuất sẽ cần phát triển một cách tiếp cận mới và chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời của sản phẩm.

Trên thế giới, các quốc gia châu Phi đang đi tiên phong trong việc giảm thiểu rác thải điện tử bằng các chính sách, quy định và luật pháp. Những nỗ lực của họ là một bài học cho các quốc gia khác trên thế giới muốn cải thiện hệ thống quản lý chất thải điện tử.

Xác định rõ các tác nhân trong chuỗi giá trị rác thải điện tử

Những giải pháp dài hạn để quản lý chất thải điện tử sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận công bằng và khả thi về mặt kinh tế đối với trách nhiệm mở rộng của người sản xuất (EPR). Theo đó, nhà sản xuất được yêu cầu có trách nhiệm đối với các tác động môi trường vòng đời thiết bị điện tử được bán trên thị trường, bao gồm việc thu gom, tái chế và cuối cùng là xử lý chúng. Đây được xem là cách tiếp cận mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải, tăng cường tái chế, giúp đạt được mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế, phí môi trường.

Các quy định về EPR phải đưa ra các định nghĩa rõ ràng và dễ hiểu về các bên liên quan đến chất thải điện tử khác nhau để tránh nhầm lẫn. Nhiều quốc gia châu Phi đã đưa ra định nghĩa trong các quy định của họ về quản lý chất thải điện tử và EPR. Ví dụ: Côte d'Ivoire, Cameroon, Ghana, Madagascar, Nigeria, Rwanda và Nam Phi nhấn mạnh vào con người (nhà nhập khẩu, nhà phân phối và nhà sản xuất thiết bị điện tử) - hơn là các thực thể - giới thiệu, nhập khẩu và sản xuất thiết bị điện tử. Điều này khiến cho việc xác định ai phải đăng ký chương trình EPR liên quan sẽ hiệu quả hơn.

Đảm bảo nguồn tài chính bền vững

Tại Nigeria, các nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm EPR của mình hoặc bằng cách cung cấp các nguồn tài chính cần thiết để quản lý chất thải điện tử - bao gồm thu gom, phân loại và chuyển giao, xử lý, tái chế và tiêu hủy cuối cùng, cũng như các chiến dịch và chương trình đào tạo về thông tin và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và phân phối này phải trả chi phí tái chế rác thải điện tử cho Tổ chức thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất Nigeria, số tiền phí thu được từ các nhà sản xuất sẽ được đưa vào Quỹ Tái chế để hỗ trợ cho việc thu gom và tái chế rác thải điện tử tại Nigeria.

Trong khi Ghana đã áp dụng thuế sinh thái đối với chất thải điện tử đối với việc nhập khẩu các thiết bị điện và điện tử đã qua sử dụng và hết tuổi thọ. Bộ phận Hải quan của Cơ quan quản lý doanh thu Ghana chỉ đạo việc thực thi thuế sinh thái, nhằm đảm bảo duy trì nguồn kinh phí quản lý chất thải điện tử.

Hợp tác với khu vực tư nhân

Một số quốc gia khác ở châu Phi đã lựa chọn cách tiếp cận về chính sách là thành lập các Tổ chức thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất (PRO) để thực hiện các chương trình EPR. Các PRO đưa ra cơ chế cho các nhà sản xuất để giúp họ thực hiện các nghĩa vụ của mình theo chương trình EPR, như thiết lập các quỹ cần thiết để thuê người thu gom và tái chế chất thải điện tử chuyên nghiệp.

Nam Phi đã áp dụng mô hình PRO trên nhiều dòng chất thải khác nhau như thiết bị ánh sáng, điện, điện tử và bao bì. Điều này cho thấy EPR có thể được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Tại Rwanda, chính phủ đã đầu tư trực tiếp vào việc thu gom và tái chế chất thải điện tử trên quy mô lớn bằng cách hợp tác với Enviroserve, một công ty tái chế chất thải điện tử lớn.

Thực thi hệ thống

Hợp lý hóa việc thực thi đối với các hệ thống xử lý chất thải điện tử cũng là chìa khóa. Ví dụ, các thiết bị giả mạo có thể trở thành một nguồn chất thải điện tử lớn do các bộ phận bị lỗi và không phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật nhất định.

Để chống lại việc nhập khẩu các thiết bị giả mạo, Cơ quan CNTT và Truyền thông Zambia (ZICTA) giám sát việc nhập khẩu thiết bị công nghệ thông qua phê duyệt kiểu (type approval), có nghĩa là kiểm tra xem một sản phẩm có đáp ứng một số yêu cầu tối thiểu về quy định, kỹ thuật và an toàn hay không.

ZICTA làm việc với Cơ quan Doanh thu Zambia (ZRA) để đảm bảo rằng các thiết bị công nghệ nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn này. Ngoài ra, tất cả các đại lý được cấp phép ở Zambia được yêu cầu nộp số liệu thống kê hàng năm về thiết bị mà họ đã nhập khẩu trong năm trước đó. Điều này giúp theo dõi lượng thiết bị đang được đưa ra thị trường và dự báo lượng chất thải điện tử có thể được tạo ra.

Ví dụ về Zambia cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ để thực thi việc quản lý chất thải điện tử hiệu quả. Các quy trình hiện có ở các quốc gia khác, chẳng hạn như phê duyệt kiểu cho thiết bị công nghệ, có thể được điều chỉnh để hỗ trợ việc kiểm soát và quản lý thiết bị này cho đến khi hết tuổi thọ hoặc sử dụng.

Những bài học kinh nghiệm

Kinh nghiệm quản lý rác thải điện tử của châu Phi cung cấp các phương pháp tiếp cận thú vị để tất cả các quốc gia cân nhắc khi xây dựng hệ thống quản lý chất thải điện tử. Tất nhiên, cải tiến liên tục là cần thiết để đảm bảo rằng hệ thống quản lý chất thải điện tử có thể bắt kịp những thay đổi khi cần thiết. 

Các chính phủ nên tận dụng những mạng lưới hiện có (ví dụ các hệ thống thu gom các dòng chất thải), đồng thời khuyến khích chia sẻ dữ liệu giữa các bên liên quan và thành lập các nhóm công tác quốc gia về rác thải điện tử và EPR./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quản lý rác thải điện tử: Bài học kinh nghiệm từ châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO