Quản trị, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền và môi trường trên Biển Đông

PV| 14/09/2022 09:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 13/9, tại TP Nha Trang, Khánh Hòa, Viện Hải dương học tổ chức hội nghị khoa học quốc tế Biển Đông năm 2022 với chủ đề “Thế kỷ khoa học và công nghệ biển vì tương lai của đại dương”.

PGS. TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học khai mạc Hội nghị Khoa học Quốc tế Biển Đông 2022

PGS.TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học khai mạc Hội nghị Khoa học Quốc tế Biển Đông 2022

Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học nhận định rằng, môi trường Biển Đông đang suy thoái. Cụ thể, số lượng cá, sinh vật biển đã bị suy giảm do đánh bắt, khai thác quá mức. Diện tích các rạn san hô, rừng ngập mặn bị thu hẹp, suy giảm từ 30 đến 50% so với số liệu từ đầu thế kỷ XX. Số lượng và chất lượng các thành phần môi trường bị thay đổi do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do ô nhiễm, phá hủy, khai thác thiếu kiểm soát các yếu tố môi trường, làm hủy hoại các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Theo các nhà khoa học, có 5 áp lực chính gây suy thoái môi trường gồm: Thay đổi nơi cư trú, khai thác quá mức, ô nhiễm, sinh vật ngoại lai xâm hại và biến đổi khí hậu. Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với một chuỗi khủng hoảng môi trường cả ở cấp toàn cầu (đe dọa đến sự tồn tại của sự sống trên trái đất) và cấp địa phương (đe dọa đến sự phát triển và chất lượng cuộc sống).

Cùng quan điểm, theo PGS.TS Võ Sỹ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, Biển Đông đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó suy thoái hệ sinh thái là vấn đề nghiêm trọng nhất, tiếp theo là khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường. Hiện nay, một số thảm cỏ biển và rạn san hô đã biến mất do lấn biển ở vịnh Nha Trang, vịnh Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận). Các nhà khoa học đã ghi nhận một số sự cố như: Loạt san hô và sinh vật rạn ở vịnh Cà Ná bị chết vào thời điểm tháng 7/2002; nhiều san hô ở Côn Đảo chết vào năm 1998…

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Tác An đã chỉ ra 3 vấn đề cốt lõi để quản trị, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền và môi trường trên Biển Đông. Đó là truyền thông rộng rãi nhận thức về kinh tế biển, đảo và vai trò kinh tế trong bảo vệ chủ quyền lãnh hải; tăng cường quản trị phát triển kinh tế biển, đảo hiệu quả trên cơ sở khoa học và pháp luật; am hiểu tài nguyên Biển Đông và lượng được giá trị tài nguyên. Để phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển cần phải ngăn chặn hành vi xả thải các chất thải ô nhiễm, nguy hiểm.

Về lâu dài, cần phải có giải pháp khôi phục chất lượng và số lượng các thành phần môi trường như: Gây nuôi các hệ động vật, thực vật rừng, cải tạo đất, cải tạo nguồn lợi thủy sản.

PGS.TS. Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học trình bày tham luận trong phiên toàn thể

PGS.TS. Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học trình bày tham luận trong phiên toàn thể

Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết 36/NQ-TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; trong đó, xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng.

Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian tới, các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học, phục vụ cho việc hoạch định và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển và khung thể chế, quản lý thống nhất vùng ven biển, đảo Việt Nam.

Đồng thời, phải nghiên cứu dự báo nguồn lợi thủy sản xa bờ, biến động ngư trường, môi trường biển, xói lở bồi tụ ven biển và hải đảo; nghiên cứu các giải pháp phục vụ việc khai thác nguồn năng lượng biển.

"Tôi cũng khuyến nghị nên đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ biển ở các địa phương để tăng hiệu quả đầu tư của nền kinh tế, đặc biệt chú trọng tới các huyện đảo. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hợp tác với nước ngoài về ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong điều tra, nghiên cứu, dự báo các yếu tố tự nhiên, tài nguyên, môi trường theo hướng phát triển bền vững", PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh tại hội nghị./.

Bài liên quan
  • Để báo chí luôn đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội
    Mấy năm gần đây, Bắc Giang liên tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kính tế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động báo chí truyền thông. Báo chí thực sự đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quảng bá hình ảnh, tiềm năng, vị thế tỉnh Bắc Giang cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quản trị, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền và môi trường trên Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO