Quảng bá hình ảnh Việt Nam qua sức mạnh kết nối của điện ảnh
Thông qua các dự án điện ảnh, Việt Nam không chỉ nâng cao hiệu quả truyền thông quốc tế mà còn tạo sức hút mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch quốc tế, phát triển kinh tế địa phương và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Việt Nam từ lâu đã được biết đến như một điểm đến hấp dẫn với cảnh sắc thiên nhiên đa dạng, từ vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long hùng vĩ, đến nét cổ kính duyên dáng của phố cổ Hội An hay những vùng cao nguyên thơ mộng, bên cạnh việc sở hữu những di sản văn hóa, lịch sử phong phú, cùng đời sống tinh thần đặc sắc của con người Việt Nam.
Đây chính là nguồn tài nguyên vô giá không chỉ dành cho ngành du lịch và còn cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh Việt Nam qua các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Việt Nam qua những thước phim
Bộ phim Indochine (Đông Dương), là tác phẩm quốc tế đầu tiên quay tại các lăng tẩm, cung điện thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế vào năm 1990. Trong phim còn xuất hiện các địa danh nổi tiếng khác như Sài Gòn, Vịnh Hạ Long, và Tam Cốc (Ninh Bình).
Đạo diễn Régis Wargnier đã viết nên câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam thông qua con mắt của bà chủ đồn điền cao su Éliane Devries (do nữ diễn viên Catherine Deneuve thủ vai). Sau khi giành giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, bộ phim đã góp phần thu hút một lượng lớn du khách Pháp đến Việt Nam, tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trong việc quảng bá du lịch đất nước qua điện ảnh.
Vào năm 1992, câu chuyện tình nổi tiếng của đôi tình nhân Pháp - Trung Hoa cũng đã lôi kéo biết bao du khách tìm đến ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, mang lối kiến trúc cổ điển hòa quyện nét đẹp Đông - Tây độc đáo.
Ngôi nhà trở nên nổi tiếng từ khi tiểu thuyết L'amante (Người tình) của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras được đạo diễn Jean-Jacques Annaud chuyển thể thành bộ phim cùng tên. Phim có sự góp mặt của tài tử Lương Gia Huy cùng nữ diễn viên Jane March đảm nhận vai chính và được hãng Cinematic Hongkong tiến hành quay ở Việt Nam từ năm 1986 - 1990.
Ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê hiện tọa lạc tại số 255A đường Nguyễn Huệ, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, giữa khu vực mua bán sầm uất ven sông. Cho đến nay, mỗi ngày vẫn có đến hàng ngàn lượt khách đến tham quan trong đó một nửa là du khách người Pháp.
Mới đây, Vịnh Hạ Long của Việt Nam lại tiếp tục xuất hiện đầy ấn tượng với hình ảnh nước non trùng điệp, mặt nước xanh biếc phẳng lặng đặc trưng trong trailer phim The Creator (Kẻ kiến tạo) của đạo diễn người Anh - Gareth Edwards với mức đầu tư phim lên đến 80 triệu USD.
Tại Việt Nam, đoàn làm phim đã lựa chọn những cánh đồng lúa cùng vách đá vôi hùng vĩ của Vịnh Hạ Long làm bối cảnh cho các phân cảnh quan trọng. Đặc biệt, bộ phim còn có sự tham gia của nữ diễn viên Ngô Thanh Vân, có lồng ghép một số câu thoại bằng tiếng Việt nhằm giới thiệu và lan tỏa ngôn ngữ Việt Nam ra thế giới.
Đạo diễn Gareth Edwards chia sẻ, ông đã có dịp đến Việt Nam và tham quan Vịnh Hạ Long. Dành tình cảm đặc biệt cho khung cảnh non nước nơi đây, ông đã quyết định sử dụng vẻ mênh mông tĩnh lặng của Vịnh làm bối cảnh trong phim.
Như vậy, sau phim "bom tấn" Kong: Skull Island (Đảo đầu lâu) của đạo diễn Jordan Vogt – Robert (2017), Việt Nam đã tiếp tục trở thành điểm đến cho bối cảnh của một bộ phim quốc tế.
Sức hút du lịch từ bối cảnh của điện ảnh
Việc trở thành bối cảnh cho các bộ phim quốc tế đã mang lại lợi ích đáng kể cho du lịch Việt Nam. Ví dụ vừa được nhắc tới như phim Kong: Skull Island (Đảo Đầu Lâu) với khoảng 70% cảnh quay tại Việt Nam đã góp phần quảng bá rất hiệu quả hình ảnh của đất nước.
Các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh và Hải Phòng - nơi diễn ra các cảnh quay chính - đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước sau khi phim ra mắt.
Những hình ảnh quay tại Việt Nam được xem là điểm nhấn đắt giá của bộ phim. Trong buổi chiếu ra mắt phim tại Hà Nội, đạo diễn Vogt-Roberts chia sẻ: “Phong cảnh Việt Nam tuyệt đẹp và như ở một thế giới khác… Vẻ mộc mạc, đầy sức mạnh, một vẻ đẹp chưa được khai phá mà các khán giả đại chúng chưa từng được xem trước đây, tất cả đã mang đến “thẩm mỹ hoàn hảo” cho bộ phim”.
Với hơn 1 tỷ lượt khán giả quốc tế theo dõi qua nhiều hình thức, bộ phim đã giúp hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ của Việt Nam tiếp cận rộng rãi đến công chúng toàn cầu. Đây được xem là một trong những cơ hội vàng để quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.
Tại Việt Nam, các công ty lữ hành cũng tận dụng hiệu quả lợi thế này, khai thác tiềm năng bằng cách xây dựng các tour du lịch độc đáo, đưa du khách đến tham quan các địa danh nổi bật trong phim.
Đặc biệt, phim trường tại Tràng An (Ninh Bình) trong 2 năm khi bộ phim ra mắt đã được cải tạo hoạt động thành điểm tham quan hấp dẫn, thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.
Bên cạnh những tác phẩm điện ảnh có hiệu quả ảnh hưởng tích cực, nâng cao truyền thông quốc tế, trong thực tiễn, cũng đã có một số đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam quay phim, phân cảnh nhưng không gửi kịch bản chi tiết bằng tiếng Việt mà chỉ đưa kịch bản tóm tắt nội dung, dẫn đến việc khó kiểm soát.
Dẫn chứng có thể kể đến là bộ phim Đồng cảm của Mỹ quay ở Việt Nam. Phân cảnh quay ở Việt Nam thì tốt nhưng khi sang Mỹ thì hoàn toàn là một nội dung phi chính trị và không đúng với lịch sử Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phải mất rất nhiều công sức để ngăn chặn, tháo gỡ nội dung này.
Việc kiểm soát chặt chẽ nội dung phim để bảo đảm phù hợp với các yếu tố lịch sử, văn hóa, chính trị, quốc phòng và an ninh là điều rất cần thiết. Song song với đó, để thu hút các nhà làm phim quốc tế, các cơ quan quản lý cũng đang xem xét đẩy mạnh việc đơn giản hóa, thông thoáng trong quy trình cấp phép, đồng thời xây dựng những cơ chế rộng mở nhằm chào đón các đoàn làm phim trong và ngoài nước.
Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch toàn cầu./.