Truyền thông

Tối ưu hóa hoạt động truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua chuyển đổi số

ThS. Nguyễn Văn Thuật, Phó Cục trưởng Cục TTĐN, Bộ TT&TT 18/10/2024 16:24

Lĩnh vực truyền thông trên thế giới đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ, với sự ra đời của hàng loạt các nền tảng nội dung số, mạng xã hội xuyên biên giới, tích hợp đa phương tiện, đa dịch vụ, đa ứng dụng. Bởi vậy, để công tác truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới đạt hiệu quả tốt, phù hợp với xu hướng hiện nay thì giải pháp tối ưu là chuyển đổi số các hoạt động này một cách thiết thực, hiệu quả.

vietnam-tren-mxh(1).jpg
Ảnh minh họa.

Sự cần thiết

Chuyển đổi số (CĐS) công tác truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tại Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng “Đề án phát triển 1 cổng/trang thông tin điện tử đối ngoại quốc gia trở thành nền tảng quảng bá hình ảnh quốc gia”.

Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh cuộc cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt giữa các quốc gia và các nền tảng xuyên biên giới, trong khi đó lĩnh vực truyền thông số, CĐS báo chí của Việt Nam hiện đang diễn ra chậm và còn nhiều khó khăn, thách thức. Về cơ bản các phương tiện truyền thông số, báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội (MXH) của Việt Nam còn đang tụt hậu so với các nước phát triển trên thế giới, độ bao phủ quốc tế còn hạn chế.

Kinh nghiệm từ quốc tế

Thế giới đang chứng kiến bước phát triển nhảy vọt của các nền tảng số, các website tin tức trực tuyến lớn, có sức ảnh hưởng toàn cầu như: BBC (Anh), CNN (Mỹ), Naver (Hàn Quốc) hay các nền tảng MXH xuyên biên giới cung cấp nội dung số, ứng dụng phát thanh, truyền hình trực tuyến, video ngắn, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) như Facebook, YouTube, TikTok, Podcast và các nền tảng trợ lý ảo, ứng dụng AI sản xuất nội dung phái sinh như ChatGPT, Bing, Gemini v.v…

BBC (British Broadcasting Corporation)

BBC ra đời năm 1992, tuy nhiên đến năm 1997, BBC Online mới chính thức được thành lập và đến nay đã trở thành một trong những trang web tin tức lớn và đa dạng nhất trên thế giới của Anh, với lượng truy cập hơn một tỷ lượt/tháng (theo Semrush). Lượng truy cập khổng lồ này thể hiện tầm với toàn cầu của BBC và củng cố vị thế của họ như một trong những website tin tức được truy cập nhiều nhất trên thế giới.

Chiến lược phát triển của BBC có nhiều nét độc đáo, khác biệt, tích hợp nhiều phương tiện truyền thông khác nhau trên cùng một nền tảng, giúp họ xây dựng và duy trì vị thế hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông của thế giới.

Về mặt tổ chức hệ thống: BBC có một mạng lưới rộng lớn với các văn phòng và phóng viên ở khắp nơi trên thế giới, cho phép họ cập nhật tin tức nhanh chóng, đa chiều theo nhiều cách tiếp cận công chúng khác nhau trên toàn cầu. BBC World Service cung cấp chương trình bằng nhiều ngôn ngữ, làm tăng khả năng tiếp cận và sự hiện diện quốc tế của họ

Về nội dung: BBC cung cấp nội dung rất phong phú, đa dạng, gồm: tin tức, phóng sự, video, podcast và nhiều nội dung khác như: văn hóa, nghệ thuật giải trí, giáo dục, thể thao, du lịch, phim, chương trình truyền hình, âm nhạc..v.v…

Một trong những nội dung được BBC online rất chú trọng là hoạt động truyền thông quảng bá hình ảnh đất nước Anh, sử dụng công cụ BBC iPlayer đăng phát lại các chương trình phát thanh, truyền hình quốc tế. Các kênh như BBC World News và BBC World Service phát sóng tin tức, chương trình quảng bá hình ảnh nước Anh ra khắp thế giới, giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết về đất nước Anh trên toàn cầu.

Về công nghệ, theo TVtechnology.com, chiến lược công nghệ của BBC chú trọng vào sự hợp tác công nghệ, đổi mới và CĐS, đảm bảo duy trì tính cạnh tranh và cải thiện trải nghiệm người dùng, giúp khán giả dễ dàng tiếp cận nội dung mọi lúc, mọi nơi, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công.

CNN (Cable News Network)

Ra đời năm 1995, đến nay, CNN đã trở thành một trong những hãng tin tức lớn nhất của Hoa Kỳ và trên toàn thế giới, với số lượng truy cập khoảng gần 700 triệu lượt/tháng.

Theo Similarweb, CNN đã trở thành nền tảng tin tức hàng đầu thế giới nhờ vào một số bí quyết chiến lược và những hoạt động quan trọng, trong đó có 2 yếu tố then chốt: Sự đặc sắc về nội dung và sự đổi mới về công nghệ.

cnn_4-1659.jpg

Về nội dung: CNN là mạng tin tức truyền hình đầu tiên cung cấp tin tức 24/7 (24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần), luôn phản ứng nhanh chóng với các sự kiện tin tức nóng, đảm bảo là một trong những nguồn cung cấp thông tin đầu tiên cho khán giả.

Sự linh hoạt trong cách thức sản xuất và phân phối tin tức giúp họ duy trì khả năng cạnh tranh cao, nhờ đó thu hút một lượng lớn khán giả có nhu cầu cập nhật tin tức nhanh.

Về công nghệ: CNN cũng là hãng đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới, thuộc nhóm đi đầu trong việc tích hợp đa nền tảng, bao gồm MXH, ứng dụng di động và phát thanh, truyền hình trực tuyến nhằm cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

Công nghệ động (Dynamic Web Technology) là một phần quan trọng của trải nghiệm website hiện đại, cho phép website tương tác và đáp ứng các hành vi của người dùng, tạo ra trải nghiệm trực quan, thú vị và hấp dẫn hơn. Công nghệ này bao gồm các hiệu ứng, chuyển động để làm cho website sống động hơn.

Giao diện thích ứng: Sử dụng giao diện thích ứng để đảm bảo rằng trang web hiển thị một cách tối ưu trên mọi loại thiết bị, bao gồm máy tính, thiết bị di động và máy tính bảng v.v…

Tối ưu hóa tốc độ tải trang, đảm bảo website tải nhanh và mượt mà trên mọi loại kết nối Internet. Đây là một yếu tố quan trọng để cải thiện trải nghiệm người dùng và tăng cơ hội thu hút, giữ chân người dùng. Một giải pháp khác là sử dụng mạng phân phối nội dung (CDN) để phân phối nội dung trên một mạng lưới các máy chủ trên toàn thế giới, giúp giảm độ trễ và tăng tốc độ tải trang cho người dùng ở các vị trí xa.

Phân tích dữ liệu và cá nhân hóa là giải pháp để năm bắt nhu cầu, thị hiếu và hành vi của người dùng, từ đó cung cấp nội dung được cá nhân hóa, tăng độ tương tác và tạo ra những trải nghiệm thú vị hơn cho người dùng.

Naver (Hàn Quốc)

Tại Hàn Quốc - một đất nước có tốc độ phát triển lĩnh vực nội dung số rất nhanh với nhiều website tin tức và các nền tảng số. Một trong những nền tảng tin tức được nhiều người biết đến là Naver với khoảng 500 triệu lượt truy cập/tháng.

Ra đời năm 1999, Naver không chỉ là một trong những công ty công nghệ lớn nhất ở Hàn Quốc mà còn là một phần quan trọng của văn hóa trực tuyến của đất nước này, cung cấp hàng loạt các dịch vụ và nền tảng để người dùng trải nghiệm và tận dụng Internet một cách đa dạng và tiện lợi như: Nền tảng tin tức, tìm kiếm, giải trí, thương mại điện tử hay nền tảng quảng bá hình ảnh, văn hóa Hàn Quốc ra thế giới..v.v…

naver.jpg
Ảnh: Wired.

Các nền tảng MXH xuyên biên giới

Trên thế giới, hiện có nhiều nền tảng MXH xuyên biên giới với lượng người dùng lên đến hàng tỷ người trên toàn cầu, dẫn đầu là: Facebook: gần 2,5 tỷ người dùng; YouTube, WhatsApp: khoảng 2 tỷ người dùng; Facebook Messenger: 1,3 tỷ người dùng; Wechat: Gần 1,2 tỷ người dùng. Mạng xã hội thực sự đã mang đến nhiều cơ hội trải nghiệm và kinh doanh cho người dùng, song cũng đặt ra hàng loạt các thách thức, nhất là đối với các tờ báo truyền thống.

Cạnh tranh thông tin: MXH cung cấp một nền tảng cho mọi người dùng, để chia sẻ thông tin, quan điểm và ý kiến cá nhân của họ. Điều này tạo ra một sự cạnh tranh lớn về thông tin, khi người dùng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trên MXH mà không cần phải phụ thuộc vào các báo chí truyền thống.

Thay đổi thói quen đọc báo: Người dùng ngày càng chuyển sang tiêu thụ tin tức qua MXH, thay vì đọc báo truyền thống, gây ra những thách thức cho các tờ báo truyền thống trong việc thu hút và duy trì lượng độc giả.

Tốc độ lan tỏa: MXH cho phép thông tin được lan truyền rất nhanh và rộng rãi. Thời gian phản ứng của MXH thường ngắn hơn so với các tờ báo truyền thống, khiến cho các báo phải cạnh tranh về tốc độ thông tin.

Chủ đề nóng và xu hướng nội dung: MXH thường xuyên tạo ra các chủ đề nóng, tạo xu hướng và đôi khi tạo áp lực buộc báo chí truyền thống phải chạy theo xu hướng thông tin, thậm chí trước khi thông tin được kiểm chứng, có thể gây ảnh hưởng đến tính chính xác và độ tin cậy của thông tin được đăng tải trên báo chí.

Mô hình kinh doanh và quảng cáo: MXH cung cấp một môi trường quảng cáo mạnh mẽ, khiến cho các doanh nghiệp (DN) thường có xu hướng đầu tư vào quảng cáo trên MXH thay vì trên báo chí truyền thống, gây ảnh hưởng bất lợi về doanh thu của báo truyền thống.

Facebook

Facebook là một MXH trực tuyến lớn nhất thế giới với khoảng 2,5 tỷ người dùng mỗi tháng. Facebook cho phép người dùng tạo hồ sơ cá nhân, kết nối với bạn bè và gia đình, chia sẻ nội dung, hình ảnh và video, tham gia các nhóm và sự kiện và tương tác thông qua các bài đăng tải và bình luận.

Nền tảng này cũng cung cấp các tính năng quảng cáo và kinh doanh, cho phép các DN quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của họ đến với người dùng Facebook.

Facebook còn sở hữu một số ứng dụng và dịch vụ khác như Instagram, WhatsApp, Messenger và Oculus VR, mở rộng sự hiện diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau trên Internet. Tuy nhiên, Facebook cũng đã gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến quản lý dữ liệu cá nhân, tin tức giả mạo và đã phải đối mặt với nhiều tranh cãi, phê phán về cách quản lý và điều hành đối với nền tảng.

Facebook cung cấp các công cụ và tài nguyên cho các DN nhỏ và vừa xây dựng và quảng bá thương hiệu của họ. Các tính năng như Trang Doanh nghiệp, Facebook Marketplace và các công cụ quảng cáo giúp các DN tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách hiệu quả.

Với tính năng ưu việt của Facebook, nhiều cơ quan báo chí hiện nay cũng tạo các fanpage trên Facebook như một cánh tay nối dài để lan tỏa thông tin rộng rãi đến công chúng.

YouTube

YouTube được thành lập năm 2005 bởi ba cựu nhân viên của PayPal là Steve Chen, Chad Hurley và Jawed Karim. Một năm sau đó, vào năm 2006, Google đã mua lại và phát triển thành nền tảng chia sẻ video lớn nhất và phổ biến nhất trên thế giới, cung cấp đa dạng nội dung, từ video giải trí, hài hước, âm nhạc, phim ảnh, đến tư vấn, giáo dục, tin tức, đồng thời cung cấp tính năng phát sóng video trực tiếp, cho phép các tác giả tương tác trực tiếp với khán giả của họ thông qua các buổi livestream.

YouTube có tính đa nền tảng, bao gồm trình duyệt web, ứng dụng di động trên cả iOS và Android và các thiết bị thông minh khác. Điều thú vị là YouTube có giao diện đơn giản và dễ sử dụng, cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm, duyệt và tương tác với video thông qua bình luận, like, dislike và chia sẻ, tạo ra một không gian giao lưu và trao đổi ý kiến đa chiều.

YouTube cho phép các tác giả video kiếm tiền thông qua chương trình YouTube Partner Program (YPP), theo đó họ có thể kiếm tiền từ quảng cáo, đặc quyền thành viên và các hình thức thu nhập khác. Đây chính là điểm hấp dẫn, thu hút các tác giả tích cực cung cấp nội dung cho nền tảng.

TikTok

TikTok được thành lập tháng 9/2016 tại Trung Quốc, bởi công ty ByteDance, với tên gọi ban đầu là Douyin. Đến tháng 2017, ByteDance cho ra mắt phiên bản quốc tế với tên gọi TikTok. Sau 6 năm thành lập, TikTok nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn cầu, thu hút hàng tỷ người dùng và tạo ra một cộng đồng sôi động của những người sáng tạo nội dung số và người dùng nền tảng, đặc biệt là sau khi ByteDance mua lại ứng dụng Musical.ly và sáp nhập vào TikTok vào tháng 8/2018.

TikTok là một ứng dụng MXH cho phép người dùng tạo lập và chia sẻ video ngắn từ 15 - 60 giây, từ clip giải trí, hài hước, vui nhộn cho đến các nội dung chính luận, mang tính giáo dục và phổ biến kiến thức, truyền tthông.v.v... Ngoài ra, TikTok còn cung cấp một thư viện âm nhạc lớn với hàng triệu bài hát và âm thanh ngắn cho người dùng sử dụng trong các video của họ.

tiktok.png
Ảnh minh họa.

Đặc tính của nền tảng là có tính tương tác cao, mạnh mẽ, các thẻ hashtag cũng được sử dụng rộng rãi để nhóm các nội dung có cùng chủ đề lại với nhau, giúp cho người dùng dễ dàng theo dõi dòng sự kiện. Bên cạnh đó, TikTok thường xuyên xuất hiện các xu hướng mới, khiến cho nền tảng này luôn đầy sức hút và sôi động.

Cũng giống như YouTube, TikTok mở ra cơ hội kiếm tiền cho các tác giả video thông qua các chương trình như TikTok Creator Fund và các hình thức khác như quảng cáo và tài trợ..v.v…

Xu hướng phát triển trên thế giới

Từ những phân tích ở trên, chúng ta thấy rằng xu hướng phát triển của các nền tảng truyền thông số có sự phân kỳ khá rõ ràng: Các nền tảng báo chí, tin tức trực tuyến như BBC, CNN hay Naver thường ra đời khoảng giữa những năm 1990, trước các nền mạng xã hội như Facebook, YouTube khoảng 10 năm, vào giữa những năm 2000 (riêng TikTok là 20 năm).

Điều này cho thấy xu hướng truyền thông hiện đại có sự biến đổi theo chu kỳ 10 năm, luôn song hành với xu hướng phát triển của công nghệ, ứng dụng những công nghệ mới, thông minh nhằm tối ưu trải nghiệm, tạo điều kiện cho người dùng có thể dễ dàng tham gia vào sản xuất, cung cấp nội dung số; tạo cơ hội và khả năng kiếm tiền cho các tác giả cung cấp nội dung cho nền tảng, dù họ là ai, ở châu lục nào, dù là chuyên nghiệp hay không chuyên..v.v… đều có thể tham gia.

Về nội dung: Xu hướng phát triển nội dung ngày càng ngắn, nhanh, đa dạng, linh hoạt, tin cậy và hấp dẫn. Để đảm bảo được các yêu cầu này đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau từ nội dung đến công nghệ và khả năng tiếp cận người dùng.

Tính linh hoạt, đa dạng, nhanh chóng, ngắn gọn trong nội dung sẽ giúp thu hút và duy trì sự quan tâm, tham gia của nhiều đối tượng người dùng khác nhau. Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với các thuật toán thông minh để tối ưu hóa nội dung trên website hoặc ứng dụng, từ việc tối ưu hóa từ khóa cho đến việc tạo ra tiêu đề hấp dẫn và nội dung chất lượng nhằm tăng cường hiệu suất, chất lượng thông tin, cải thiện vị trí trong kết quả tìm kiếm, đưa ra dự đoán xu hướng và phân tích để định hình chiến lược truyền thông, quảng cáo và sản xuất nội dung trên cơ sở hiểu rõ nhu cầu, thị hiếu, thói quen, hành vi của người dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà công nghệ số và AI mang lại thì xu hướng phát triển nội dung số dựa vào AI cũng được ví như con dao hai lưỡi. Hiện có hàng nghìn tỷ thông tin được tạo ra mỗi giây trên Internet, gây quá tải, làm suy giảm giá trị thông tin, hạn chế khả năng tiếp nhận tri thức, khiến môi trường thông tin trở nên bất ổn.

Các thuật toán AI có thể tạo ra nội dung giả mạo như thật (deepfake), làm suy giảm niềm tin và dấy lên lo ngại về xu hướng thiên vị, thao túng tâm lý hoặc nội dung bị giới hạn bởi “bong bóng lọc - filter bubble”..v.v… Vì vậy, việc đảm bảo độ tin cậy, chính xác của nguồn thông tin và vấn đề an toàn thông tin là rất quan trọng.

Về công nghệ: Tích hợp đa phương tiện, đa ứng dụng, đa nền tảng như: website tin tức, ứng dụng di động, tin nhắn, video, podcast, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác; sử dụng công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, học máy và phân tích dữ liệu sẽ giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và cung cấp nội dung cá nhân hóa nhằm tạo ra một môi trường truyền thông thông minh, linh hoạt và hiệu quả.

Việc đảm bảo tính bảo mật và quyền riêng tư cho người dùng là rất quan trọng, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các biện pháp kỹ thuật, chính sách và giáo dục, cùng với sự cam kết từ cả phía người dùng và nhà cung cấp dịch vụ để đảm bảo sự an toàn và tính riêng tư của dữ liệu cá nhân. Cung cấp các biện pháp bảo mật như mã hóa dữ liệu, kiểm soát truy cập và giám sát hoạt động truy cập dữ liệu nhằm ngăn chặn truy cập trái phép vào thông tin cá nhân của người dùng, đồng thời đảm bảo rằng hệ thống và cơ sở hạ tầng mạng đều được bảo vệ an toàn khỏi các cuộc tấn công mạng và rủi ro an ninh thông tin.

Về nguồn lực: Tăng cường huy động nguồn lực xã hội, phát triển mô hình hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức công lập với các đơn vị, DN tư nhân trong việc phát triển và quản lý nền tảng truyền thông số. Sự kết hợp giữa nguồn lực và tri thức từ cả hai phía có thể giúp tăng cường sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền tảng. Đẩy mạnh hợp tác phát triển nội dung số, các tổ chức tư nhân với vai trò là các đơn vị sản xuất nội dung, cung cấp nội dung cho các cơ quan truyền thông công lập theo yêu cầu về tôn chỉ, mục đích và chất lượng nội dung mà các cơ quan đặt hàng đưa ra.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động quảng cáo và tài trợ nhằm đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động; Hợp tác nghiên cứu và phát triển các công nghệ và giải pháp mới trong lĩnh vực truyền thông số.

Bài học đối với Việt Nam

Đánh giá về quá trình hình thành và xu hướng phát triển của các nền tảng tin tức, MXH lớn trên thế giới, chúng ta thấy rằng lĩnh vực truyền thông luôn gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời khỏi xu hướng phát triển của công nghệ số, trong đó có hai cấu phần quan trọng nhất, đó là nền tảng số và nội dung số (dữ liệu số). Nền tảng số phải được phát triển trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông minh, AI và dữ liệu lớn. Dữ liệu lớn thì được hình thành từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau, trong đó có nguồn cung cấp lớn từ người dùng, cho phép người dùng tham gia sản xuất, cung cấp nội dung số hoặc sử dụng AI thu thập, phân tích dữ liệu và tạo ra nội dung phái sinh..v.v…

Tóm lại, CĐS là xu hướng tất yếu của truyền thông hiện đại trên thế giới với nhiệm vụ bao trùm là tạo ra một hệ sinh thái số toàn diện, trọng tâm là các nền tảng số và nội dung số (dữ liệu số). Vì vậy, để có thể tối ưu hóa hoạt động truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới thì không còn cách nào khác là Việt Nam ngay từ bây giờ phải tập trung phát triển các nền tảng truyền thông số và cơ sở dữ liệu về Việt Nam nhằm đảm bảo nguồn thông tin chính thức về Việt Nam ra thế giới luôn bao trùm, toàn diện, chính xác, an toàn và dễ dàng tiếp cận đối với công chúng trên toàn thế giới.

Tài liệu tham khảo
1. https://bbc.com
2. https://tvtechnology.com
3. https://similarweb.com
4. https://cnn.com
5. https://naver.com
6. https://facebook.com
7. https://youtube.com
8. https://twitter.com
9. https://vnexpress.net
10. Báo cáo tại Hội Nghị AMRI 16
11. Kết luận số57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTĐN trong tình hình mới
12. Nghị quyết số 47/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tối ưu hóa hoạt động truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO