Truyền thông

Quảng bá nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến với công chúng quốc tế

Trâm Anh 11:15 12/12/2024

Quảng bá nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến với công chúng quốc tế không chỉ giúp tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, mà còn tạo cơ hội giao lưu văn hóa, khẳng định vị thế và bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế.

1-gioi-thieu-tranh-dong-ho-dsq-an-do.jpg
Nghệ nhân giới thiệu Tranh Đông Hồ - Nét tinh hoa văn hoá dân gian Việt Nam cho Đại sứ quán Ấn Độ tại chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023 - Vẻ đẹp Bắc Ninh - Kinh Bắc” do UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ ngoại giao tổ chức. Ảnh: VTCnews

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia với những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật đậm chất dân gian đã đi vào sử sách, thi ca và tâm hồn người Việt. Những đề tài mà người làm tranh thể hiện là những hình ảnh rất đời thường gắn với vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ với hình tượng các con vật gắn bó với ngôi nhà, đồng ruộng, như tranh đứa bé ôm con gà vinh hoa, ôm con vịt phú quý, .. .

Lý do tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và sự cuốn hút đặc biệt với người nước ngoài bởi những đề tài trên tranh phản ánh khá chân thực, sinh động và đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị cũng như nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Bên cạnh tranh Đông Hồ, nghệ thuật tranh sơn mài cũng được xem là một mảnh ghép tinh túy của văn hóa Việt Nam. Loại hình nghệ thuật này sử dụng sơn truyền thống, kết hợp với các vật liệu như vỏ trứng, vàng, bạc, và vỏ trai để tạo nên độ lấp lánh và sắc màu độc đáo. Các tác phẩm sơn mài không chỉ mang đậm dấu ấn truyền thống mà còn tái hiện vẻ đẹp văn hóa, phong cảnh, và các chủ đề dân gian đặc sắc của Việt Nam.

Nhiều triển lãm tranh sơn mài đã được tổ chức, cả trực tuyến tại địa chỉ https://tranhsonmai.baotangso.com/ và trực tiếp tại nhiều quốc gia, nhằm nhanh chóng lan tỏa nghệ thuật này ra thế giới.

Với tính cách trân trọng nghệ thuật thủ công và chất liệu tự nhiên của con người Nhật Bản, tranh sơn mài Việt Nam được đánh giá cao và nhận được sự yêu thích lớn tại đây. Ngoài ra, triển lãm tranh còn được tổ chức tại Nga, Pháp, Đức, Hàn Quốc, và nhiều quốc gia khác, thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật, qua đó quảng bá sâu rộng bản sắc nghệ thuật Việt Nam ra toàn cầu.

3-bao-tang-phuong-dong-o-thu-do-moskva-cua-lien-bang-nga-da-dien-ra-le-khai-mac-trien-lam-tranh-son-mai-viet-nam.png
Đông đảo khách tham quan Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam tại bảo tàng Phương Đông ở thủ đô Moskva của Liên bang Nga. (Ảnh: Vietnamplus)

Từ những bức tranh sơn mài đặc sắc, nghề tranh Đông Hồ truyền thống, đến nghệ thuật điêu khắc tỉ mỉ đã thể hiện chiều sâu lịch sử cũng như sự sáng tạo không ngừng của người Việt, nhưng vẫn luôn mang đậm dấu ấn văn hóa, tôn vinh các giá trị tinh thần và văn hóa của dân tộc.

Cho đến nay nghệ thuật điêu khắc đã phát triển phong phú trong khuynh hướng sáng tạo bất tận. Một ví dụ điển hình là kĩ thuật “điêu khắc ánh sáng” độc đáo, qua kĩ thuật này, nghệ nhân Bùi Văn Tự đã cho ra đời tác phẩm nghệ thuật mang tên "Nước Nga vĩ đại". Tác phẩm được Việt Nam lựa chọn làm món quà gửi tặng Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm ngoại giao tới Việt Nam của ông vào tháng 6/2024.

Việc lựa chọn một món quà ngoại giao mang giá trị nghệ thuật cao đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, nơi mà nghệ thuật truyền thống được bảo tồn và phát triển hài hòa với yếu tố đương đại. Tác phẩm không chỉ là lời giới thiệu đầy ấn tượng về tài năng sáng tạo của con người Việt Nam, mà còn là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa, gắn kết tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Quảng bá văn hóa đặc sắc của nghệ thuật âm nhạc truyền thống

Trong khi hội họa và điêu khắc mang đến sự mãn nhãn với những hình ảnh tĩnh đầy ý nghĩa, thì âm nhạc lại đem đến những giai điệu sống động, tạo nên sự hòa quyện độc đáo giữa thị giác và thính giác, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm cảm thụ nghệ thuật truyền thống của khán giả.

Xuất phát từ làng quê nổi tiếng với tranh Đông Hồ, Bắc Ninh còn được biết đến qua những làn điệu dân ca quan họ đặc sắc, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trang phục truyền thống của quan họ, là trang phục đặc trưng của người dân miền Bắc xưa, thường là áo the (loại áo dài truyền thống), nam giới đội khăn xếp, phụ nữ kết hợp khăn mỏ quạ với nón quai thao. Với những giai điệu ngọt ngào, lời ca da diết và truyền tải cảm xúc sâu sắc, dân ca quan họ nhận được sự yêu thích của nhiều du khách nước ngoài khi đến với Việt Nam.

Nhằm quảng bá văn hóa đặc sắc của nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam đến với công chúng quốc tế, dân ca quan họ Bắc Ninh cùng các loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống khác như ca trù, hát xoan thường xuyên được tổ chức biểu diễn tại các lễ hội, sự kiện quốc tế và các chương trình ngoại giao giữa Việt Nam và các nước bạn.

2-dan-ca-quan-ho-bac-ninh-tai-chuong-trinh-chao-mung-ki-niem-50-nam.jpg
Quan họ Bắc Ninh được biểu diễn tại chương trình Chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 - 2023). (Ảnh: bacninh.gov.vn)

Phát huy thế mạnh của từng địa phương

Đất nước Việt Nam trải dài từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu phía Bắc, mỗi vùng miền đều sở hữu những loại hình nghệ thuật đặc trưng, trở thành "đặc sản" thu hút du khách trong và ngoài nước khám phá. Miền Trung nổi bật với ca Huế trên sông Hương, một hình thức nghệ thuật độc đáo được bảo tồn và phát triển qua hàng thế kỷ.

Vùng Tây Nguyên lại nổi tiếng với nghệ thuật cồng chiêng giữa núi rừng bạt ngàn, trong khi miền Tây Nam Bộ thu hút du khách với các chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử đặc sắc.

Bên cạnh những "đặc sản" nghệ thuật của từng vùng, các trung tâm du lịch trong nước cũng tổ chức những sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ du khách. Ví dụ, tại Hội An, Quảng Nam, du khách có thể thưởng thức những câu hò điệu lý, điệu múa dân gian và âm nhạc truyền thống với sáo, nhị, bầu, thể hiện nét văn hóa miền Trung và âm hưởng riêng của phố cổ.

Các show diễn thực cảnh như Ký ức Hội An (Hội An) hay Tinh hoa Bắc Bộ (Hà Nội) cũng được đầu tư công phu, với hàng trăm diễn viên tham gia, kết hợp hài hòa nghệ thuật dân tộc vào cảnh quan địa phương, tạo nên một trải nghiệm độc đáo, gây ấn tượng mạnh mẽ cho du khách.

Nếu được quan tâm đúng mức và đầu tư bài bản, chắc chắn hoạt động du lịch gắn với các loại hình nghệ thuật truyền thống có thể trở thành thương hiệu hấp dẫn của từng điểm đến tại Việt Nam.
Để hiện thực hoá điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành Văn hoá và Du lịch cũng như sự quyết tâm, đồng lòng của những người sáng tạo nghệ thuật và kinh doanh du lịch.

Đồng thời, để quảng bá nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến với công chúng quốc tế một cách hiệu quả hơn, bên cạnh yếu tố biểu diễn nghệ thuật thông thường, cần có những hệ thống thuyết minh song ngữ, đa ngữ, cùng với tương tác thú vị, giàu tính trải nghiệm để họ hiểu hơn về nền văn hóa đa dạng, góp phần khẳng định vị thế và bản sắc Việt Nam trong cộng đồng quốc tế./.

Bài liên quan
  • Ngoại giao đưa Việt Nam hội nhập vào dòng chảy thời đại
    Theo dòng chảy thời gian, ngoại giao đã đóng góp những dấu ấn quan trọng trong những trang sử vẻ vang của dân tộc, khơi thông quan hệ với nhiều đối tác, mở ra cục diện mới phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quảng bá nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến với công chúng quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO