Hoạt động thương mại, dịch vụ khởi sắc
Theo thông tin từ Sở Công thương Quảng Bình, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến hết tháng 4/2022 ước đạt 4.404,9 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, ngành du lịch Quảng Bình đã có nhiều khởi sắc trở lại sau khi mở cửa du lịch quốc tế vào ngày 15/3 với doanh thu ngành du lịch trên địa bàn trong tháng này ước đạt 24 tỷ đồng, tăng 66,8%; doanh thu hoạt động dịch vụ ước đạt 148,4 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Du lịch mở cửa, kéo theo doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt 300,3 tỷ đồng, tăng 11,9%.
Được biết, từ đầu năm đến nay, các chương trình kích cầu, bình ổn giá của tỉnh cũng như các đơn vị kinh doanh vẫn đang được duy trì hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… đã linh hoạt các giải pháp phù hợp để ổn định phát triển hoạt động kinh doanh; chủ động đón đầu xu hướng bình thường mới để khai thác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm dịch vụ. Tình hình cung ứng ổn định, hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá.
Đặc biệt, qua tháng 4/2022, Quảng Bình cùng cả nước thực hiện mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn đã tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ.
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, khách đến Quảng Bình tăng cao, ước đạt trên 115.000 lượt, trong đó có khoảng 400 lượt khách quốc tế. Các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên hoặc các homestay, farmstay… công suất phòng từ 95% trở lên. Các khách sạn lớn tại TP. Đồng Hới cơ bản đã kín phòng. Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng đột biến của du khách, các đơn vị vận tải đường bộ chặng Hà Nội-Đồng Hới cũng tăng chuyến và bổ sung thêm các chuyến khởi hành vào buổi sáng ngày 30/4 và 1/5. Các hãng hàng không đã tăng chuyến các chặng Đồng Hới-Hà Nội, Đồng Hới-TP. Hồ Chí Minh với khoảng 14-18 chuyến/ngày.
Chị Đoàn Lộc, Giám đốc Công ty lữ hành Tiktak Travel, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện nay có rất nhiều du khách quan tâm đến du lịch Quảng Bình, đặc biệt là khu vực miền Nam. Việc Quảng Bình đẩy mạnh các hoạt động quảng bá điểm đến tại các sự kiện lớn giúp cho doanh nghiệp và du khách tiếp cận thông tin và cập nhật sản phẩm địa phương, qua đó lựa chọn những điểm đến và lịch trình phù hợp. Tiếp tục tăng cường các phương tiện đi và đến Quảng Bình, đặc biệt là tăng các chuyến bay với khung giờ thuận lợi nhằm thu hút lượng khách lớn đến với địa phương".
Còn tại siêu thị Co.opmart Quảng Bình, trong quý I/2022, do tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp nên sức mua và lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm giảm 18-25% so với năm 2021. Nhưng sang tháng 4 và 5, các loại hình dịch vụ mở cửa trở lại, lượng khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan mua sắm tại siêu thị đang có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng. Để kích cầu tiêu dùng, siêu thị đã có nhiều chương trình khuyến mãi, như: Siêu ưu đãi, mua nhiều ưu đãi lớn..., trong đó có hơn 3.000 mặt hàng giảm giá từ 15-50%.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Ông Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có kế hoạch phục hồi và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong điều kiện mới gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19.
Theo đó, trong lĩnh vực thương mại, sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp phối hợp thực hiện tốt phương án kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Hoạt động các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống phân phối, cửa hàng bách hóa… trở lại trạng thái kinh doanh bình thường, bảo đảm lưu thông hàng hóa, bình ổn thị trường.
Cùng với đó, sở khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng thị trường phân phối cả ba khu vực thành thị, nông thôn, miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm của người dân và các doanh nghiệp; kiểm soát tốt thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong lưu thông, kinh doanh hàng hóa; bảo đảm nguồn cung hàng hóa của các doanh nghiệp đầu mối, kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp để cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân, không để xảy ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hàng, sốt giá.
Bên cạnh đó, sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương các tỉnh lân cận, các đơn vị thuộc Bộ Công thương, các sở, ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm tình hình hoạt động của các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…, kịp thời tham mưu chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy hoạt động thương mại; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; thu hút đa dạng các nguồn vốn nhằm phát triển hạ tầng thương mại, trong đó, chú trọng xã hội hóa đầu tư phát triển chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện ích…; thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh và khẳng định thương hiệu du lịch "Quảng Bình-điểm đến thiên nhiên hấp dẫn và khác biệt" đến khách du lịch trong nước và quốc tế, Sở Du lịch tỉnh đã triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch năm 2022, trong đó thị trường quốc tế là một hướng trọng tâm.
Quý III, IV sắp tới được kỳ vọng là thời điểm mà mức tiêu dùng của người dân tiếp tục bùng nổ, góp phần quan trọng cho các ngành bán lẻ, dịch vụ phục hồi nhanh chóng. Theo đó, nhiều chương trình giảm giá, đa dạng kênh mua sắm, nâng cao chất lượng phục vụ... sẽ được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tiếp tục triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ tốt nhu cầu khách hàng.
Anh Võ Chí Đại - Trung tâm mua sắm MediaMart Quảng Bình cho biết: "Đón những tín hiệu tích cực từ thị trường, doanh nghiệp chạy liên tục các chương trình ưu đãi giảm giá trong đợt cao điểm mua sắm thiết bị điện lạnh để phục vụ khách hàng như giảm giá sản phẩm từ 18 - 49%, tặng kèm nhiều quà tặng, miễn phí công lắp đặt, mua một đổi một trong thời gian bảo hành…"
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình cho biết: Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dự kiến đạt 52.630 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2021, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 47.150 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2021. Hoạt động thương mại đang dần phục hồi và có dấu hiệu khởi sắc.
"Hiện nay, các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn do các chi phí khác đều tăng, như: Chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân công...; đời sống người dân còn khó khăn sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên xu hướng tiêu dùng vẫn tập trung vào mua sắm các nhóm hàng thiết yếu là chính. Điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ..." Ông Hải nhận định.