Quảng Bình phấn đấu hơn 85% người dân hài lòng với sự phục vụ của CQNN trong năm 2024
Quảng Bình đã xác định rõ vai trò của cải cách hành chính như một công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu về một hệ thống hành chính công minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam, chính quyền địa phương phải thể hiện sự năng động trong việc cải cách để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư.
Công cuộc cải cách hành chính (CCHC) tại Quảng Bình không chỉ là một cuộc chuyển mình về mặt tổ chức mà còn phản ánh sự quyết tâm của chính quyền tỉnh trong việc tạo ra một môi trường hành chính thân thiện, minh bạch và hiệu quả.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Trần Thắng, đã khẳng định công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Những nỗ lực đó đã giúp tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN.
Theo đó, tỉnh Quảng Bình đã triển khai một loạt các biện pháp CCHC nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước (QLNN) và chất lượng phục vụ công dân. Một trong những bước đầu tiên và quan trọng là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC). Chính quyền tỉnh đã rà soát và cắt giảm đáng kể số lượng thủ tục, đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giúp người dân và DN tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 1290/UBND-NCVX về việc cải thiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực triển khai thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh tại hội nghị triển khai Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2024 và phân tích kết quả các chỉ số CCHC tỉnh năm 2023; chủ động tham mưu hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch CCHC tỉnh năm 2024 và Kế hoạch CCHC của cơ quan, đơn vị; tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức về kết quả các chỉ số CCHC tỉnh năm 2023.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, và địa phương cũng đảm bảo 100% hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn, cập nhật đầy đủ tiến độ và kết quả giải quyết hồ sơ lên Cổng Dịch vụ công (DVC) của tỉnh. Ngoài ra, các đơn vị tập trung rà soát, tái cấu trúc và hoàn thiện toàn bộ quy trình nghiệp vụ của các DVC trực tuyến (DVCTT) đã cung cấp, hướng tới việc tạo thuận lợi cho người dân. Tỉnh cũng nâng cao tỷ lệ DVCTT toàn trình và thực hiện 100% văn bản trao đổi dưới dạng điện tử.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cam kết quán triệt đổi mới cách làm việc và giải quyết TTHC, hướng đến phục vụ người dân. Tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đạt trên 85% trong năm 2024.
Đối với UBND các huyện, thị xã, và thành phố, ngoài các nội dung trên, cần tập trung chỉ đạo tăng cường đào tạo và nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức cấp xã để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.
UBND các huyện cần cập nhật và nâng cấp trang thông tin điện tử (TTĐT) để dễ tra cứu và sử dụng. Đặc biệt, cần tăng cường việc phúc đáp các kiến nghị của người dân và DN. Ngoài ra, cần chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn công khai danh sách hộ nghèo cũng như các khoản thu, chi ngân sách của xã, phường, và thị trấn trên Trang TTĐT và tại trụ sở.
Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù cần được công khai trên Trang TTĐT.
Các địa phương cũng cần đảm bảo cơ sở hạ tầng và môi trường sống cho người dân, đặc biệt là cung cấp nguồn nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng.
Cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử theo Khung kiến trúc chính phủ điện tử phiên bản 3.0
Theo Báo cáo về tình hình thực hiện công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2024 của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Quảng Bình, Sở TT&TT sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng tham mưu trong việc ban hành và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành và lĩnh vực quản lý của Sở. Đặc biệt, Sở TT&TT Quảng Bình cho biết đối với việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử (CQĐT), chính quyền số, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức cập nhật Kiến trúc CQĐT theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0.
Các khóa đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số trên nền tảng trực tuyến MOOCS sẽ được tổ chức. Đồng thời, các cuộc họp với các đơn vị liên quan sẽ được tiến hành nhằm xây dựng lộ trình thực hiện giải pháp app (ứng dụng) công dân.
Quảng Bình sẽ triển khai ứng dụng Cổng điều hành và không gian làm việc số cho cán bộ, công chức. Cùng với đó là xây dựng và triển khai Ứng dụng công dân số tập trung. Việc xây dựng và triển khai ứng dụng Hệ thống phần mềm chấm điểm đánh giá mức độ chuyển đổi số (CĐS) (DTI) sẽ được thực hiện ở cấp sở, cấp huyện và cấp xã.
Để phục vụ quá trình CĐS, việc triển khai hạ tầng mạng kết nối Internet băng rộng tại một số địa bàn miền núi, vùng sâu và vùng xa là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong công tác CCHC của tỉnh 6 tháng cuối năm. Việc này sẽ được gắn với lộ trình kế hoạch đầu tư và đưa điện lưới quốc gia đến các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện.
Ngoài ra, các đơn vị cũng sẽ tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ cần thiết và đường truyền Internet băng rộng để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị và địa phương. Đặc biệt, cần chú trọng đến các thiết bị đầu cuối như máy tính, máy scan, máy đọc mã QR và thẻ chip./.