Theo đó, việc kết nối với CSDL quốc gia về dân cư phục vụ xử lý TTHC, cung cấp DVCTT của tỉnh phải thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0.
Cụ thể, về kết nối kỹ thuật, Sở TT&TT cần rà soát kết nối Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) với các ứng dụng trong nội bộ thông qua mạng WAN hoặc mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh và với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia thông qua Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Về bảo đảm an toàn, an ninh mạng cần rà soát, triển khai hoạt động giám sát, điều hành, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin của tỉnh phục vụ kết nối, khai thác CSDL về dân cư.
Đồng thời, văn bản cũng yêu cầu tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện phần mềm Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, thử nghiệm kết nối với LGSP của tỉnh để khai thác CSDL quốc gia về dân cư phục vụ xử lý TTHC, cung cấp DVCTT. Trước hết, ưu tiên triển khai cho 236 DVCTT thiết yếu, có nhu cầu khai thác dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư. Thời gian hoàn thành là ngày 15/6/2021.
Trước đó, Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố Trung ương đẩy mạnh triển khai kết nối CSDL quốc gia về dân cư, phục vụ xử lý TTHC, cung cấp DVCTT.
Theo Bộ TT&TT, một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất của phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số là tỷ lệ DVCTT mức độ 4. Đến hết năm 2020, tỷ lệ trung bình DVCTT mức độ 4 được cung cấp đạt khoảng 31%, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ nhưng chất lượng DVCTT vẫn chưa cao, người dân vẫn phải cung cấp, kê khai thông tin nhiều lần, thủ công.
Để có thể nâng cao chất lượng xử lý TTHC, cung cấp DVCTT mức độ 4, theo hướng lấy người dân làm trung tâm, cần thiết phải kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư nhằm tự động hoá việc xác minh, điền thông tin cá nhân khi thực hiện TTHC, DVCTT.