Quen mà lạ với ứng dụng 3D và thực tại ảo sử dụng vào “triển lãm số”

Minh Thiện| 18/10/2017 14:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực tại ảo 3D (VR3D), Thực tại tăng cường (AR) đang trở nên quen thuộc với người dùng thông qua các trò chơi điện tử và ứng dụng tương tác mô hình ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này vào triển lãm số vẫn là điều hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam

Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” là sản phẩm do các kỹ sư Viện công nghệ Thông tin và Truyền thông (CDIT) thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nghiên cứu và hoàn thiện. Sản phẩm đã được Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng trong các triển lãm thực tế về Biển đảo tại các tỉnh thành trên cả nước.

Triển lãm số được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thực tại ảo 3D cho phép người xem được tự do đi lại và khám phá các tư liệu hiện vật trong không gian ảo như thật. Mỗi tư liệu, hiện vật trong triển lãm số, ngoài việc tích hợp các thông tin mô tả bằng âm thanh, bằng văn còn cho phép người xem tương tác trực tiếp như phóng to, thu nhỏ,,.. góp phần thông tin đến người xem một cách trực quan và rõ ràng nhất. Đặc biệt, các hiện vật to lớn và phức tạp mà trong thực tế rất khó vận chuyển và trưng bày thì với công nghệ thực tại ảo 3D đã giúp việc trưng bày dễ dàng hơn như mô hình tàu hải đội Hoàng Sa, Tượng đài đội Bắc Hải,...

Giới thiệu Triển lãm số tới các quan khách tham dự Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại Lào Cai

Sử dụng công nghệ VR3D để số hóa các tư liệu, hiện vật “những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và tích hợp thành một chương trình Triển lãm số chạy trên máy tính cá nhân (PC hoặc laptop). Chương trình đã số hóa toàn bộ tài liệu, ấn phẩm và gần 100 bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa do các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, các tổ chức, cá nhân sưu tầm, hiến tặng như: Phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương thay mặt Nhà nước Việt Nam đương thời ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; ấn phẩm do các nước phương Tây biên soạn và xuất bản từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến chủ quyền của Việt Nam; hình ảnh tư liệu, ấn phẩm về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ những năm 1930 đến “Hải chiến Hoàng Sa” ngày 19/1/1974; bộ sưu tập gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được phương Tây công bố từ thế kỷ XVII đến nay…

Các em học sinh bị hấp dẫn bởi các câu chuyện lịch sử được số hóa

Ứng dụng thiết bị nhận diện cử chỉ Leapmotion để tương tác với các hiện vật 3D, đem lại một trải nghiệm tương tác mới cho người dùng khi chỉ cần dùng bàn tay để xoay, zoom các hiện vật 3D. Điều này giúp kích thích người xem khám phá thông tin của hiện vật.

Có hệ thống thuyết minh, ghi chú kèm theo mỗi tư liệu, có thể tích hợp đa ngôn ngữ phục vụ cho hoạt động trưng bày, tuyên truyền tại nước ngoài hoặc cho đối tượng người nước ngoài tại Việt Nam.

Hiện chương trình có 2 phiên bản: Một chạy tự động và một chạy tự do

Phiên bản tự động: cho phép người dùng chỉ cần kích chuột 1 lần và chương trình sẽ dẫn người dùng đi tham quan toàn bộ Triển lãm. Tại mỗi khu sẽ có các hình ảnh, âm thanh, diễn hoạt hình ảnh minh họa cho các thông tin của mỗi tư liệu và hiện vật.

Phiên bản tự do: Cho phép người dùng (đã biết sử dụng máy tính) có thể dùng chuột khám phá toàn bộ Triển lãm từ các tư liệu, hay các hiện vật. Di chuột lên tư liệu/hiện vật để biết tên tư liệu/hiện vật.

Kích chuột trái vào tư liệu/hiện vật để xem chi tiết

Là một hình thức trưng bày mới, Triển lãm số tạo ra cho công chúng cảm giác “đắm chìm” trong các câu chuyện lịch sử hay “chạm vào” các tư liệu, hiện vật gốc được số hóa chân thực, sống động.

Chương trình Triển lãm số về biển, đảo có thể triển khai tại bất kỳ địa điểm nào, đặc biệt tới các tuyến huyện, xã, phường hay tại các trường học, công sở, các điểm công cộng.

Vì là phần mềm nên Triển lãm số truyền đạt thông tin tuyên truyền mà không phụ thuộc vào người thuyết minh tại thực địa. Ngoài ra, Triển lãm số còn có thể tích hợp đa ngôn ngữ phục vụ cho hoạt động trưng bày, tuyên truyền tại nước ngoài hoặc cho đối tượng người nước ngoài tại Việt Nam.

Chương trình hỗ trợ trưng bày hiện vật dưới dạng mô hình số 3D, đặc biệt là các hiện vật có kích thước lớn và phức tạp mà thực tế khó có thể thực hiện được như: Tượng đài Đội Bắc Hải, mảnh vỡ tầu cảnh sát biển, tầu Hải đội Hoàng Sa,....

Ứng dụng thiết bị nhận diện cử chỉ Leapmotion để tương tác với các hiện vật 3D đã đem lại trải nghiệm tương tác mới cho người dùng khi chỉ cần dùng bàn tay để xoay, zoom các hiện vật 3D. Điều này giúp kích thích người xem khám phá thông tin của hiện vật. Người xem có được cảm giác đang dùng tay tác động (sờ) vào hiện vật.

Tương tác thực tế ảo với mô hình 3D tàu Hải đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn

Cảm giác ngạc nhiên như “chạm vào” hiện vật của các khách thăm quan

Tại mỗi phân khu đều có tính năng hướng dẫn viên ảo để người xem có thể xem thuyết minh toàn bộ nội dung phân khu khi không có người hướng dẫn.

Bên cạnh triển lãm số, còn có 4 ứng dụng được xây dựng trên các máy tính bảng là Sa bàn số, mô hình tàu, ứng dụng chụp ảnh ảo Khoảnh khắc Trường Sa và game Hành trình Trường Sa. Sa bàn số là ứng dụng bản đồ số cung cấp thông tin về các đảo và bãi đá trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam hiện đang kiểm soát. Số hóa các thông tin về các đảo trong quần Trường Sa và tích hợp thành một Chương trình Sa bàn số 3D chạy trên máy tính bảng Android, cập nhật cho công chúng thông tin chi tiết về hệ thống các đảo trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Người dùng có thể khám phá các đảo, bãi đá của Việt Nam cả về vị trí và đặc điểm của chúng.

Khám phá các đảo, bãi đá của Việt Nam trên ứng dụng

Ứng dụng mô hình tàu 3D cho phép người dùng hiểu rõ hơn về các loại tàu đã và đang tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta từ trước đến nay.

Hành trình Trường Sa: Đây là một ứng dụng game chạy trên các thiết bị di động, máy tính bảng cho phép người chơi tiếp cận các thông tin về biển đảo thông qua 5 game nhỏ trong ứng dụng. Người chơi sẽ vượt qua thử thách từ dễ đến khó như ghép hình, hứng dừa, lấy dụng cụ đi biển,..

Ứng dụng chụp ảnh ảo Khoảnh khắc Trường Sa thực hiện việc ghép ảnh thật và ảnh ảo tạo nên bức ảnh sống động động. Đặc biệt là với những hiện vật chỉ có ở Trường Sa như hoa bàng vuông, cảnh lặn biển, chụp với trang phục hải quân, lái thuyền,...

Ông Hà Đình Dũng – Phó trưởng phòng - Phòng NCPTƯD Đa phương tiện, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông – CDIT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – giới thiệu những tính năng hữu ích trên phần mềm Triển lãm số

Triển lãm số là một hình thức trưng bày mới, tạo ra cho công chúng cảm giác “đắm chìm” trong các câu chuyện lịch sử hay “chạm vào” các tư liệu, hiện vật gốc được số hóa chân thực, sống động. Vì là phần mềm nên Triển lãm số truyền đạt thông tin tuyên truyền mà không phụ thuộc vào người thuyết minh tại thực địa. Ngoài ra, Triển lãm số còn có thể tích hợp đa ngôn ngữ phục vụ cho hoạt động trưng bày, tuyên truyền tại nước ngoài hoặc cho đối tượng người nước ngoài tại Việt Nam.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quen mà lạ với ứng dụng 3D và thực tại ảo sử dụng vào “triển lãm số”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO