Với dân số hơn 5 triệu người, New Zealand là đất nước có sự đa dạng về chủng tộc và giao thoa của nhiều lục địa và nền văn hóa trên thế giới. Chiếm tới 70% dân cư New Zealand là người gốc Âu, 16,5% người Maori (dân tộc thổ địa tại New Zealand), 15,1% từ châu Á, 8,1% từ các hòn đảo trong quần đảo Thái Bình Dương, và 1,5% từ các quốc gia Trung Đông/Mỹ Latin/Châu Phi.
Vào tháng 12/2020, Chính phủ New Zealand thành lập cơ quan chuyên trách về cộng đồng dân tộc thiểu số, Bộ Dân tộc thiểu số với trách nhiệm tư vấn cho chính phủ về các vấn đề đa sắc tộc, cùng phát triển toàn diện cho các cộng đồng thiểu số trong xã hội New Zealand.
Quỹ hỗ trợ toàn diện số cho cộng đồng thiểu số ( Ethnic Communities Digital Inclusion Fund) được Bộ Dân tộc thiểu số mở ra nhằm cung cấp tài chính cho dự án của các cộng đồng thiểu số sử dụng công nghệ để cải thiện kỹ năng và gia nhập hoàn toàn vào xã hội New Zealand. Đây là một hoạt động nằm trong các chương trình của chính phủ New Zealand để hỗ trợ các nhóm người được coi là thiểu số tại quốc gia này phát triển, tham gia tiêm chủng vắc xin Covid-19, hay tìm kiếm cơ hội việc làm.
Trong năm 2021, 200.000 USD đã được cấp phát cho 12 tổ chức và nhóm hoạt động cộng đồng cho các dự án trải dài khắp đất nước New Zealand. Các dự án bao trùm các cộng đồng về chủng tộc, tôn giáo và hầu hết xoay quanh nội dung nâng cao kỹ năng và kiến thức số cho những cá nhân gặp khó khăn trong hòa nhập do thiếu đào tạo cơ bản và nâng cao về công nghệ số nói chung.
STT | Tổ chức | Dự án | Địa phương |
1 | Quỹ phát triển Hồi giáo Al-Ameen New Zealand | Đào tạo trực tuyến và kỹ năng số cho người học từ các dân tộc thiểu số | Wellington |
2 | EKTA NZ Incorporated | Nâng cao năng lực sử dụng công nghệ tại các địa điểm tôn giáo | Wellington |
3 | Hội đồng Quận Hasting | Thư viện toàn diện số cho các cộng đồng thiểu số Quận Hastings | Hawke's Bay |
4 | Quỹ từ thiện Người cao tuổi Hàn Quốc | Xây dựng năng lực số cho cộng đồng Hàn Quốc | Auckland |
5 | Mituakiri | Workshop về kiến thức số cho người tị nạn và nhập cư trưởng thành từ Mỹ Latin tại Wellington | Wellington |
6 | Quỹ Muskaan Care NZ | Hoạt động đào tạo số cho cộng đồng gia đình bị ảnh hưởng bởi các bệnh về máu | Auckland |
7 | Quỹ từ thiện dịch vụ phúc lợi châu Phi New Zealand | Đào tạo phát triển kiến thức trực tuyến cho người tị nạn và nhập cư gốc Phi | Auckland |
8 | Hiệp hội người gốc Hoa tại New Zealand | Nâng cao kiến thức và năng lực số cho cộng đồng người Hoa | Marlborough |
9 | Hiệp hội Hồi giáo New Zealand | Toàn diện số cho người cao tuổi | Auckland |
10 | Hiệp hội Pakistan tại New Zealand | Chương trình toàn diện số cho người gốc Pakistan và các cộng đồng thiểu số khác | Nationwide |
11 | Quỹ phát triển và giáo dục Somali | Dự án Kết nối số người New Zealand gốc Phi | Auckland |
12 | Trung tâm Hướng nghiệp tị nạn | Khóa đào tạo kiến thức số nâng cao cho người tị nạn và nhập cư tại Hamilton | Hamilton |
Bộ Dân tộc thiểu số khẳng định ưu tiên dành cho các dự án tạo điều kiện cho cộng đồng có kỹ năng và kiến thức sử dụng công nghệ và Internet cho các mục đích phù hợp và đem lại lợi ích, chú trọng tới cách thức công nghệ được dùng để kết nối, học tập và tìm kiếm cơ hội phát triển, cùng với đó nâng cao sự tin tưởng vào mạng Internet nói chung và các dịch vụ trực tuyến. Ngoài ra, cộng đồng có đủ kiến thức số để quản lý và bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng Internet.
Ưu tiên hỗ trợ người tị nạn và nhập cư
Định nghĩa về người tị nạn và người nhập cư tại New Zealand được xác định rõ ràng, trên cơ sở quan điểm của Cao ủy Liên hiệp quốc về Tị nạn và Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Những cá nhân này nhận được sự hỗ trợ khác nhau bởi cơ quan nhập cảnh của New Zealand, cùng các ban ngành khác, và đặc biệt là các hội nhóm cộng đồng thiểu số đồng hương.
Theo một cuộc khảo sát mới đây được thực hiện bởi chính phủ New Zealand, một số khó khăn mà người tị nạn và nhập cảnh phải đối mặt bao gồm: rào cản tiếp cận nguồn thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng, rào cản tiếp cận thiết bị và công nghệ truyền thông
Một số người tị nạn và người di cư chịu thiệt thòi khi không hề có trải nghiệm về thiết bị kỹ thuật số, internet hoặc các dịch vụ trực tuyến trước khi đến New Zealand. Điều này tạo ra khoảng trống trong kiến thức của họ về những gì có thể làm được với công nghệ số.
Việc cung cấp thông tin và hướng dẫn về các kỹ năng cần thiết để thực hiện các giao dịch trực tuyến trong cuộc sống được đánh giá là rất hiệu quả khi được thực hiện tại các cộng đồng chia sẻ ngôn ngữ, tôn giáo chung với người tị nạn và nhập cư tới từ châu Phi, châu Á hay Mỹ Latin. Các cộng đồng này được tin tưởng là nơi tốt nhất để chuyển giao thông tin, cung cấp hỗ trợ và tổ chức việc đào tạo kỹ năng trực tuyến.
Một ứng viên khảo sát cho biết "Lớp học miễn phí là rất quan trọng cho người trưởng thành như chúng tôi. Bởi mặc dù tôi biết một chiếc máy tính trông như thế nào, tôi lại không biết cách bật nó lên, không biết cách dùng như thế nào. Lớp học trong cộng đồng chúng tôi là rất quan trọng khi mà các khóa đào tạo được triển khai bằng ngôn ngữ của chúng tôi. Chúng tôi cảm kích khi chính phủ đã cung cấp các khóa đào tạo miễn phí. Nhưng nếu đào tạo bằng tiếng Anh thì vẫn rất khó cho tôi để theo dõi bởi nhiều kiến thức về công nghệ và máy tính không dễ để hiểu".
3 lĩnh vực quan trọng nhất trong kỹ năng số cho người tị nạn và nhập cư nói riêng, và cộng đồng người thiểu số tại New Zealand nói chung là kỹ năng giao dịch và thanh toán trực tuyến, kỹ năng bảo mật và an ninh mạng, và kỹ năng cung cấp, xử lý thông tin trực tuyến. Do mang những đặc điểm dễ bị lợi dụng như thiếu kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh, không có kỹ năng quản lý tài khoản thanh toán, hay chưa có trải nghiệm tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, cộng đồng thiểu số rất dễ gặp phải khó khăn và trở thành đối tượng của kẻ xấu tấn công nhằm chiếm đoạt thông tin và tài sản.
Cộng đồng nào cũng được kết nối
Thống kê của chính phủ New Zealand tháng 9/2021 cho thấy vẫn còn tới hơn 13% hộ gia đình tại quốc gia này không được tiếp cận với mạng Internet. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 khiến cho nhiều người phải làm việc và học tập từ xa, nhu cầu cho các thiết bị kết nối mạng tăng cao. Hệ lụy là những cộng đồng gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn kinh phí để thiết lập kết nối cho mình. Có thể kể đến các nhóm sinh hoạt gia đình thuộc một nhánh của đạo Tin lành tại New Zealand với hơn 90% số hộ gia đình không có đủ năng lực chi trả cho kết nối Internet. Cùng chịu cảnh ngộ đó là nhiều người già, gia đình hộ nghèo, nông dân, hoặc những người thuộc dân tộc thiểu số tại quốc gia này. Chính phủ New Zealand cần làm nhiều hơn nữa cho chính sách mở rộng và tăng cường truy cập Internet, đem lại lợi ích cho tất cả mọi người dân, kể cả các cộng đồng thiểu số, người tị nạn và nhập cư tại quốc gia này.