Quyết liệt thực hiện để EC sớm gỡ “thẻ vàng” khai thác thủy sản với Việt Nam

PV| 29/10/2022 10:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều chuyển biến tích cực đã được ghi nhận về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) nhưng để đáp ứng được yêu cầu của EC thì còn nhiều việc phải làm. Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ và thể hiện nỗ lực của các cấp quản lý cùng với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp quyết tâm ngăn chặn, chấm dứt và tiến tới loại bỏ tình trạng khai thác IUU.

Vẫn còn nhiều vi phạm

Đã gần 5 năm kể từ ngày Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là khai thác IUU) với Việt Nam. Từ đó đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt chống khai thác IUU, nỗ lực gỡ "thẻ vàng" cho ngành thủy sản. Điều đó thể hiện trước hết ở việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản, về chống IUU, đảm bảo tính đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Công tác quản lý đội tàu có tiến bộ, phân bổ theo hạn ngạch, đã giảm dần số lượng tàu cá.

Tính đến nay, cả nước có 8.192 tàu cá có giấy phép khai thác thủy sản vùng ven biển; 12.639 tàu cá có giấy phép khai thác vùng lộng; 29.145 tàu cá có giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đạt tỷ lệ cao. Toàn quốc có 28.519 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên được lắp đặt thiết bị VMS, đạt 95,27%.

Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm đã được tăng cường, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nhiều vụ việc tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác chống IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chậm khắc phục trong tổ chức triển khai thực hiện khiến chưa thể gỡ được "thẻ vàng". Cụ thể, việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản chưa hoàn thành (vẫn còn 3,3% số lượng tàu từ 15 mét trở lên, 53,4% số lượng tàu từ 6 đến dưới 15 mét chưa được cấp phép).

Tốc độ lắp đặt VMS trong năm vừa qua rất chậm (mới tăng được 5,01%); thực thi pháp luật, điều tra, xử phạt các hành vi IUU chưa triệt để, thiếu thống nhất. Đặc biệt, tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp.

Nghề cá nước ta vốn đã quen làm ăn nhỏ lẻ nên để thay đổi thói quen nghề cá truyền thống cũng cần thời gian. Mặt khác, 14 quy định được đưa vào Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017 chỉ là để nhận diện ra IUU chứ không phải là giải pháp mà người ngư dân có thể đọc, hiểu và thực hiện được ngay. Do đó vẫn còn một khoảng cách cần phải cụ thể hóa hơn. Chưa kể, khi người dân không còn đi đánh bắt xa bờ, không vi phạm IUU nữa trở về đánh bắt cá ở "ao nhà" thì lại chưa có cá, thêm giá xăng dầu tăng mạnh... Khó khăn chồng chất khó khăn.

Vừa qua,đoàn thanh tra của EC đã kiểm tra thực tế lần thứ 3 về tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Khánh Hòa và làm việc tại Tổng cục Thủy sản. Đoàn thanh tra EC đã làm việc về việc triển khai các khuyến nghị của EC về IUU; trong đó, tập trung vào kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, theo dõi, kiểm soát hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát tàu cá, quản lý đội tàu; truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác và thực thi pháp luật và các vấn đề khác có liên quan.

Quyết liệt thực hiện để sớm gỡ “thẻ vàng” của EC với Việt Nam.  - Ảnh 1.

Công tác chống IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chậm khắc phục trong tổ chức triển khai thực hiện khiến chưa thể gỡ được "thẻ vàng"

Kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Tại buổi tiếp Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Việt Nam đã và đang nỗ lực cao nhất để giải quyết tốt nhất các nội dung kiến nghị của EC đối với việc đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU hướng tới phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm, có kiểm soát.

Việt Nam khẳng định lại cam kết mạnh mẽ và thể hiện nỗ lực của các cấp quản lý cùng với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm ngăn chặn, chấm dứt và tiến tới loại bỏ tình trạng khai thác IUU. Dự kiến trong thời gian 6 tháng, đoàn sẽ tiếp tục có chuyến kiểm tra, đánh giá tại Việt Nam.

Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nâng cao năng lực thực thi của các lực lượng chức năng có liên quan để thực hiện đầy đủ các cam kết, điều ước quốc tế có liên quan về khai thác thủy sản; đặc biệt là Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng để chống khai thác IUU theo thông lệ quốc tế.

Bộ sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển để ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; nắm bắt tình hình, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm khai thác bất hợp pháp. Bộ cũng tăng cường điều tra, đánh giá nguồn lợi đảm bảo phù hợp với cường lực khai thác để quản lý đội tàu khai thác, sản lượng khai thác bền vững.

Đồng thời, triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, đề án về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chiến lược phát triển thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, ổn định sinh kế bền vững cho ngư dân

Về lâu dài, ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1077/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phòng, chống IUU đến năm 2025". Đề án đặt mục tiêu hoàn thành 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên trước khi rời cảng đi khai thác trên biển phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định; 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải được theo dõi, giám sát qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng.

100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam được kiểm tra, giám sát theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAC-2009 (Hiệp định PSMA); ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không để tái diễn ở các năm tiếp theo; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ IUU./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt thực hiện để EC sớm gỡ “thẻ vàng” khai thác thủy sản với Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO