Ra mắt artbook Ký Mộng của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du

Thu Hiền| 10/06/2022 06:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Nằm trong dòng sách nghệ thuật của Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, cuốn artbook Ký Mộng của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, tranh của họa sĩ trẻ Niayu vừa mới ra mắt đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả.

Giấc mộng là một chủ đề lớn trong thơ. Với Nguyễn Du, mộng và thực tuy hai mà một. Đi qua thực và mộng, nhà thơ đã ghi lại những chân dung con người và tinh thần thời đại, đồng thời gửi gắm thông điệp xuyên thời đại về kiếp nhân sinh, thể hiện tình yêu thương cao đẹp dành cho con người, vẫn còn nguyên giá trị nhân văn cho đến hôm nay.

Cái hùng tâm tráng chí, khát khao vẫy vùng của Nguyễn Du sớm bị cơn lốc lịch sử vùi dập. Bi kịch mồ côi, không gốc rễ, tình thân lại thêm vào phần tủi phận cho tâm hồn thi sĩ vốn dĩ mong manh. Nhưng chính nhờ thế, ở Nguyễn Du có sự đồng cảm sâu sắc với các thân phận đáng thương trong xã hội cũng như nhận thức về sự phai tàn sâu sắc vượt thời đại.

Ra mắt artbook Ký Mộng của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du - Ảnh 1.

Cuốn sách cho bạn đọc thưởng thức những vần thơ trác tuyệt lồng trong các bức họa tinh tế

Cái "tôi" trong những bài thơ trữ tình chính là cái "tôi" của nhà thơ. Song, nó không đơn thuần chỉ là tác giả, mà trở thành hình tượng văn học. Những cảm xúc được biểu đạt trong thơ rõ ràng là chuỗi cảm xúc nội tâm của bản thân Nguyễn Du, song nhà thơ đã lựa chọn những cảm xúc mang ý nghĩa khái quát, vừa phản ánh tâm hồn và những nỗi đau riêng ông, vừa phản ánh những vấn đề và nỗi khắc khoải của thời đại, thậm chí xuyên thời đại.

Có thể nói, với riêng Nguyễn Du, nhân vật "tôi" dù hữu hình hay được giấu đi trong thơ, thì đó không đơn thuần chân dung của nhà thơ, mà đã vượt khỏi chính ông, để trở thành tiếng nói của thời đại, hay cao hơn nữa, tiếng nói của một người-thơ luôn quan sát và yêu thương con người đến tận cùng.

Từ nỗi đau cá nhân, Nguyễn Du nhìn rộng ra được nỗi đau của con người giữa thời đại, của thập loại chúng sinh. Vạn vật sinh diệt trong một chuỗi ngày hư thực, kiếp phù sinh như hình bào ảnh. Con người vùng vẫy mong cầu sống có ý nghĩa, có khi chưa kịp tỉnh mộng đã chết đi rồi. Muôn nghìn cách chết nhưng cũng qui về một chữ khổ. Cầu siêu cho người hay cầu siêu cho mộng, chỉ Nguyễn Du mới biết. Hay có lẽ là cả hai, vì mộng và thực có khác gì nhau. Cầu cho người cũng là cầu cho mình vậy.

Cuộc đời thi nhân phải chăng là đi xuyên qua một giấc mộng dài. Mang thiên chức thi nhân phải chăng là ghi lại từng cảnh từng chương của giấc mộng đó?

Những thi phẩm lớn hiếm khi kết thúc ở dấu chấm cuối cùng. Ngay cả khi tập thơ đã khép lại thì nhà thơ vẫn tiếp tục mở ra các khoảng không để chúng ta mường tượng hành trình sáng tạo của thi nhân và giấc mơ sáng tạo cho chính người thưởng thức. Với Truyện Kiều và các thi phẩm khác của Nguyễn Du, khả năng khơi mở dường như là vô tận cho các loại hình nghệ thuật như văn chương, âm nhạc, điện ảnh, đặc biệt là hội họa.

Mỗi truyện thơ, mỗi bài thơ hay đều có điểm cô đọng hay điểm ngời sáng, là nơi tập trung ý tưởng, hội tụ cảm xúc của toàn bài. Vượt lên các thao tác minh họa để có thể đạt tới tính độc lập cho tác phẩm, họa sĩ sẽ phải cảm thụ, nắm bắt và dày công đi sâu vào điểm sáng này, chuyển đổi dữ kiện, hình ảnh từ chất liệu ngôn ngữ từ sang chất liệu màu sắc và đường nét. 

Từng nét màu từng nét cọ vừa truyền tải tinh tế chất thơ lẫn hồn thơ, vừa thể hiện góc nhìn và sáng tạo của riêng họa sĩ. Sự cộng hưởng này trao cho người đọc có thêm trải nghiệm khác trong mạch xúc cảm: Điểm bật sáng của hội họa.

Đây chính là cách họa sĩ thế hệ 9X Niayu trao tặng cho chúng ta, khi cô sống trọn vẹn trong từng áng thơ Nguyễn Du (từ Ký mộng, Độc Tiểu Thanh Ký, Dương Phi Cố Lý đến Văn tế thập loại chúng sinh, Long Thành cầm giả ca, Truyện Kiều), tái tạo những hình ảnh độc đáo trên nền tảng ngôn ngữ tuyệt kỹ của thi hào.

Và theo đó, với tập thơ tranh Ký Mộng, chúng ta có cơ hội một lần nữa thưởng thức những vần thơ trác tuyệt lồng trong các bức họa tinh tế, được tạo nên từ những nhãn quan vẹn nguyên phong vị cổ kính mà vẫn tràn đầy tinh thần hiện đại của nữ họa sĩ trẻ thế kỉ 21, như một hồi đáp đẹp đẽ và đầy biết ơn cho câu hỏi của thi hào từ hai thế kỉ trước: "Ba trăm năm nữa, trong thiên hạ/ Ai người ngồi khóc Tố Như lang?"

Họa sĩ Niayu tên thật là Trần Mỹ Ngọc, sinh năm 1997 tại An Giang, tốt nghiệp khoa Thiết kế đồ họa, trường Đại học Kiến trúc TP.HCM.

Trong chuỗi sự kiện hướng đến kỉ niệm 65 năm thành lập NXB Kim Đồng, sẽ có buổi ra mắt artbook Ký Mộng và giao lưu cùng các họa sĩ Niayu cùng nhà thơ Lê Minh Quốc với chủ đề "Cùng Nguyễn Du qua giấc mộng dài" tại sân khấu A, Đường Sách TP.HCM vào lúc 9:00 ngày 12/06/2022./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ra mắt artbook Ký Mộng của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO