Ra mắt Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT khẳng định, nếu không đào tạo được nhân lực AI, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi công nghệ. Còn nếu dẫn đầu trong đào tạo AI, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực này.
Thông tin trên được ông Bình chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia và Lễ ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW diễn ra ngày 7/5.
Nhân lực là nòng cốt cho sự phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình
Mở đầu chương trình, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã chia sẻ một thông điệp mạnh mẽ từ Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân: “Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”. Tuy nhiên, theo ông Bình, cuộc chiến ngày nay không còn là chiến tranh bằng vũ khi quân sự như quá khứ, mà là cuộc chiến về tri thức, công nghệ và đặc biệt là nhân lực AI.

Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, nếu thời 1945, Việt Nam cần bình dân học vụ để mọi người dân biết đọc, biết viết, thì ngày nay mỗi người đều cần biết sử dụng công nghệ, đặc biệt là AI để có thể bắt kịp sự phát triển của thế giới. Mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam hôm nay cần trang bị kiến thức về công nghệ, kỹ năng về AI, và khả năng làm việc cùng chuyên gia quốc tế.
Ông Trương Gia Bình cho rằng, chúng ta phải tạo ra những thế hệ trẻ có kiến thức, kỹ năng về AI, phát huy sức mạnh toàn dân - như từng làm trong kháng chiến. "Từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến giới trẻ - tất cả cần cùng nhau đổi mới, dấn thân vì sự phát triển của dân tộc. Thế hệ trẻ, với kỹ năng công nghệ và tư duy sáng tạo, sẽ là lực lượng quyết định giúp Việt Nam vượt qua các thách thức và gia nhập cộng đồng quốc tế”.
Cảnh báo về sự tụt hậu trong chuỗi giá trị toàn cầu, ông Bình nói: “Nếu không đào tạo được nhân lực AI, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi công nghệ, còn nếu dẫn đầu trong đào tạo AI, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực này".
Cuối cùng, ông Trương Gia Bình cho rằng, thanh niên hiện nay cũng cần được hun đúc tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và lòng tin vào tương lai Việt Nam tiên tiến.
"Hãy cùng nhau sáng tạo và đào tạo ra những thế hệ nhân lực AI mới. Khi thế giới lo lắng AI sẽ cướp đi việc làm, thì Việt Nam sẽ vươn lên, trở thành trung tâm nhân lực công nghệ toàn cầu", ông Bình khẳng định.
Ngoài kiến thức công nghệ, “kỹ sư 57” còn phải có kỹ năng thực tiễn
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra tọa đàm "Phát triển xung lực mới cho quốc gia: Nhân lực thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW" thu hút sự tham gia của các diễn giả dưới sự dẫn dắt của ông Trương Gia Bình.

Tọa đàm xoay quanh các giải pháp và chiến lược xây dựng đội ngũ nhân lực đủ năng lực, sẵn sàng đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Các diễn giả cũng đã khẳng định ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), AI không chỉ là một xu hướng, mà là một cuộc cách mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.
Để bắt kịp xu hướng này, Việt Nam cần phải chuẩn bị một đội ngũ nhân lực có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong bối cảnh CĐS mạnh mẽ. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học (ĐH) FPT, nhấn mạnh trong bối cảnh sự thay đổi nhanh chóng của KHCN, giáo dục cần phải đổi mới sâu sắc. Việc "xâm nhập" mạnh mẽ của AI vào các lĩnh vực sẽ thay đổi không chỉ cách học mà còn cả mục tiêu và nội dung của chương trình đào tạo. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải cải tổ để cung cấp cho thế hệ trẻ các kỹ năng cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
Ông Trương Gia Bình cũng chia sẻ về sự cần thiết phải tạo ra nguồn "nhân lực chiến lược" - những con người không chỉ có kiến thức vững vàng mà còn có khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng.
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), chia sẻ rằng yếu tố con người là chìa khóa để kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế quốc gia.
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, các diễn giả cùng đồng thuận cần chân dung nhân lực mới - có thể gọi là “kỹ sư 57”. TS. Lê Trường Tùng cho rằng các kỹ sư này cần không chỉ có kiến thức công nghệ mà còn phải có kỹ năng thực tiễn để tham gia vào công cuộc chuyển đổi số. Trường Đại học FPT đã triển khai một chương trình đào tạo mới, thiết kế dành riêng cho các sinh viên năm cuối và năm đầu để chuẩn bị họ cho các dự án thực tiễn.
Ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank, chia sẻ VietinBank hiện đang chú trọng việc xây dựng một đội ngũ nhân lực có năng lực về AI, điện toán đám mây (ĐTĐM) và an ninh mạng, những yếu tố quyết định trong quá trình CĐS trong ngành tài chính. Các nhân sự trong ngành ngân hàng cần phải có kiến thức về các công nghệ số tiên tiến như AI, ĐTĐM và an ninh mạng.
Ký kết liên minh nhân lực Chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW
Với mục đích góp phần xây dựng và phát triển một thế hệ nhân sự có năng lực chuyên môn tốt, am hiểu công nghệ, được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, sẵn sàng tham gia triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, 5 học viện, ĐH và trường ĐH bao gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật mật mã, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH FPT đã ký kết thành lập và ra mắt Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW.

Liên minh có sự tham gia của các bên với những ưu điểm khác nhau sẽ là một cú hích lớn, góp phần tạo động lực cho quốc gia tiến bước vững chắc và bền vững.
Liên minh này sẽ góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc CĐS quốc gia và hội nhập quốc tế; Thúc đẩy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hành chính công, lãnh đạo và quản lý nhà nước phù hợp với bối cảnh mới. Từ đó, Liên minh góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng AI trong công tác đào tạo, quản trị và hoạch định chính sách.
Bên cạnh đó, Trường ĐH FPT công bố chương trình đào tạo lực lượng dự bị chiến lược gồm 8 khối kiến thức bổ sung, cần thiết cho sinh viên trong bối cảnh mới như: Quản lý nhà nước và hành chính công; Quản trị dữ liệu và an toàn thông tin; Quản lý dự án & quản trị đổi mới; Giáo dục và phát triển nhân lực số…
Chương trình học này giúp sinh viên công nghệ thông tin giỏi chuyên môn, có tư duy quản trị dựa trên dữ liệu, vừa có khả năng tổ chức và thực thi CĐS, vừa có kiến thức nền tảng về hành chính công, quản trị công… - Những phẩm chất cần thiết để một "kỹ sư 57" cần có để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong bối cảnh mới để hội nhập phát triển./.