Thúc đẩy giáo dục STEM, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao
Thúc đẩy giáo dục các khối ngành STEM đang được các quốc gia, trong đó có Việt Nam, coi là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việt Nam hướng đến tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành STEM đạt 35%
Trong khuôn khổ thực hiện Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” và nhằm thúc đẩy giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), ngày 9/4, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã phối hợp với Tập đoàn giáo dục Study Group (Vương quốc Anh) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Thúc đẩy giáo dục STEM: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghệ cao”.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra mục tiêu thúc đẩy việc bồi dưỡng phát triển tài năng trong các môn học, ngành nghề STEM, hướng đến tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành STEM đạt 35%.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC cho biết, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên số, khi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và phát triển một cách nhanh chóng.
Theo lãnh đạo NIC, kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nhưng như vậy vẫn chưa đủ mà Việt Nam vẫn cần một mô hình phát triển kinh tế mới. Nghị quyết 57-NQ/TW đã đặt ra những yêu cầu về ĐMST, ứng dụng công nghệ mới vào phát triển kinh tế.
“Do đó, chúng ta cần tạo ra một lực lượng lao động giỏi về khoa học, giỏi về công nghệ, giỏi về toán học, và cả về ĐMST cũng như khởi nghiệp. Đó là lý do tại sao hiện nay có rất nhiều chương trình hỗ trợ học sinh và lực lượng lao động theo đuổi giáo dục STEM”, ông Đỗ Tiến Thịnh nói.
Chia sẻ về tầm quan trọng của giáo dục STEM và xu hướng phát triển nguồn nhân lực trong các ngành công nghệ cao, ông Ian Crichton, Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn giáo dục Study Group, cũng cho rằng thế giới đang không ngừng thay đổi, và điều đó không có gì mới.
Đứng trước các phụ huynh và học sinh tham dự buổi hội thảo, ông Ian Crichton cho biết: “Hôm nay tôi nói chuyện không chỉ với tư cách là Giám đốc điều hành của Tập đoàn Study Group – một tổ chức hàng đầu về giáo dục quốc tế – mà còn là một người đã làm việc khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế, học hỏi được rất nhiều về những gì cần để thành công trong một thế giới nơi ý tưởng và con người di chuyển, nơi các sản phẩm và dịch vụ đổi mới có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta".
Và ông Ian Crichton cho rằng trước một thế giới không ngừng thay đổi này, “điều mới mẻ, đặc biệt với các bạn trẻ, là sự thay đổi đó sẽ chỉ ngày càng nhanh hơn, và sự bất định sẽ luôn đồng hành cùng chúng ta. Chính vì thế, một trong những điều chắc chắn là tầm quan trọng của việc học cách tư duy mới”.
Thị trường lao động luôn luôn thay đổi, con người cần kết nối trên phạm vi toàn cầu
Chia sẻ bên lề sự kiện, ông Ian Crichton cho biết thị trường lao động luôn luôn thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh dân số đang già hóa và sự phát triển của công nghệ như AI, thị trường sẽ trải qua “sự chuyển đổi to lớn”. Tuy nhiên, vẫn chưa ai thực sự biết sự thay đổi đó sẽ như thế nào.

“Kỳ vọng đối với các công việc hiện nay cũng đã thay đổi, ngay cả khi đó không phải là những công việc thuộc khối STEM. Giờ đây, bạn được kỳ vọng phải biết sử dụng công nghệ: biết họp trực tuyến qua video, biết sắp xếp lịch làm việc sao cho có thể chia sẻ với người khác, biết tận dụng Internet và hiểu được tầm quan trọng của dữ liệu. Vì vậy, dù tên công việc có thể vẫn như cũ, nhưng yêu cầu thực tế để làm tốt công việc đó đã rất khác so với trước đây”, CEO Study Group nói.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tương tác, kết nối không chỉ trong nước mà cả ở phạm vi quốc tế. “Dù về bản chấn, nhiều công việc có thể vẫn giữ nguyên, nhưng kỳ vọng đối với những công việc đó đã thay đổi. Nếu chỉ tập trung vào nội bộ thì sẽ không còn đủ, mà cần mở rộng ra phạm vi toàn cầu”.
Theo ông, con người luôn cần sự kết nối, và trong bối cảnh hiện nay, việc kết nối trên phạm vi toàn cầu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta không thể chỉ sống và phát triển trong giới hạn nhỏ hẹp của một quốc gia, mà phải mở rộng ra thế giới để thích nghi và tiến xa hơn.

Trao đổi tại phiên tọa đàm, đại diện trường Đại học Long Island cho rằng một trong những thách thức của du học sinh là phát triển các kỹ năng mềm như thích nghi với văn hóa, cách làm kinh doanh trong nước và trên thế giới…
Nói về việc xây dựng một thế hệ nhân lực Việt Nam sẵn sàng cho tương lai, ông Đỗ Tiến Thịnh của NIC cho rằng “được trang bị tư duy đổi mới, kỹ năng công nghệ, và khả năng thích nghi với nền kinh tế số là những yếu tố rất quan trọng với nhân lực Việt Nam. Chính vì vậy, việc thúc đẩy giáo dục các khối ngành STEM đang được các quốc gia, trong đó có Việt Nam coi là một trong các giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Các diễn giả quốc tế từ Tập đoàn Study Group đã giới thiệu về các chương trình giáo dục STEM tại Hoa Kỳ, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về thủ tục du học và xu hướng nghề nghiệp trong các ngành STEM. Hội thảo cũng là nơi kết nối sinh viên với các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Hội thảo “Thúc đẩy giáo dục STEM: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghệ cao” sẽ tiếp tục diễn ra tại TP.HCM vào ngày 11/4 tới, với mục tiêu phổ biến thông tin về xu hướng nguồn nhân lực và đào tạo trong khối ngành STEM, kết nối học sinh, sinh viên với các viện trường và doanh nghiệp, giúp học sinh, sinh viên định hình được nhu cầu và con đường nghề nghiệp trong tương lai.
Ngoài mục tiêu tăng cường kết nối giữa các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp, và các đối tác quốc tế trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghệ tiên tiến, Hội thảo còn nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam.