Ra mắt mạng lưới truyền thông chính sách toàn quốc
Ngày 29/12/2024, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ TT&TT, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ ra mắt mạng lưới truyền thông chính sách toàn quốc.
Truyền thông chính sách lấy người dân làm trung tâm
Truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với mọi người. Mục tiêu cao cả của Đảng và Nhà nước ta là tạo ra một xã hội độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân, trong đó, công tác xây dựng chính sách và pháp luật phải lấy người dân làm trung tâm.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm dân làm gốc. Việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng không chỉ là phương châm mà còn là động lực để phát huy nguồn lực từ nhân dân. Có thể khẳng định Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm lớn cho công tác truyền thông chính sách.
Thước đo hiệu quả của truyền thông chính sách là lòng tin của nhân dân. Để đạt được đi này truyền thông chính sách cần phát huy tối đa vai trò đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết nhằm truyền tải chính sách đến với nhân dân để chính sách sống và có hiệu lực trong thực tiễn.
Ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách. Theo đó, truyền thông chính sách được xác định là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước, với báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin chủ yếu. Chỉ thị nhấn mạnh các cơ quan quản lý nhà nước cần có nguồn lực, nhân sự cho công tác truyền thông chính sách.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu, chúng ta làm sao mọi chính sách phải đến được với người dân, với tinh thần dân làm gốc, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát. Mục tiêu của truyền thông là phải xây dựng được niềm tin của người dân.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách trong tình hình mới, nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương về công tác này đã có chuyển biến tích cực.
Trong năm 2024, ngân sách các địa phương cho truyền thông chính sách tăng trung bình 10%, có những địa phương tăng tới 50% như Hải Phòng, Thanh Hóa. Theo đó, đã hình thành một mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc với hơn 13.000 đầu mối cung cấp thông tin cho báo chí. 91/93 bộ, ngành địa phương, xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ, nhờ đó công tác phối hợp truyền thông chính sách với các cơ quan báo chí có nhiều thuận lợi.
Số lượng tin, bài truyền thông chính sách chiếm khoảng gần 20% tổng số lượng tin, bài trên báo chí, tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 07.
Một thuận lợi nữa là vào ngày 14/6/2023, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BTTTT hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực báo chí. Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng trao quyền để các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí tự chủ hơn khi xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.
Về phía Bộ TT&TT, hơn 1 năm qua, Bộ TT&TT đã hỗ trợ, tập huấn cho hàng nghìn cán bộ các cấp của cả nước, phát hành sổ tay, cẩm nang truyền thông chính sách, ban hành văn bản theo hướng đề xuất bố trí tăng nguồn kinh phí hoạt động, giao nhiệm vụ đặt hàng cho các đài truyền hình thực hiện công tác tuyên truyền và truyền thông chính sách, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, từ năm 2023, chính quyền các cấp đã bắt đầu tăng ngân sách đặt hàng cho báo chí. Thứ hai khi sửa Luật Báo chí sắp tới thì cũng có một mục về kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông nhưng kinh doanh để làm báo.
Chính thức ra mắt mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc
Có được những kết quả về truyền thông chính sách thời gian vừa qua là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực của toàn thể các Bộ, ngành, Trung ương, địa phương trong cả nước.
Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ TT&TT ngày 29/12/2024, Bộ TT&TT chính thức ra mắt mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc, đặt dấu mốc quan trọng trong việc phủ rộng, lan tỏa triển khai công tác truyền thông chính sách trên cả nước.
Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Hương Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ TT&TT cho biết, công tác truyền thông chính sách đã bám sát thực tế, lấy thực tế là thước đo, công khai, minh bạch, chủ động kịp thời hơn. Đặc biệt nhiều Bộ ngành, địa phương, cơ quan đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, đột phá đạt hiệu quả cao.
Những kết quả này là minh chứng cho việc Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ đã được lan tỏa sâu rộng tạo ra sự thay đổi, chuyển biến rõ nét về nhận thức, cách làm và nguồn lực truyền thông chính sách.
Để ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong triển khai Chỉ thị số 07, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký quyết định tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho các cơ quan, đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện truyền thông chính sách.
Các tập thể nhận khen thưởng bao gồm: Ban Thời sự, VTV, Ban Văn hóa Xã hội, VOV; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Bộ Tài chính; Văn phòng Bộ Nội vụ, Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Cục Phổ biến Giáo dục Pháp luật, Bộ Tư pháp; Cục Báo chí, Bộ TT&TT; các Sở TT&TT: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Đắc Nông, Cà Mau, TP. Hải Phòng./.